Có lần được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, bạn thích điều gì ở nghề dịch qua điện thoại, mình đã nói là, công việc đó cho phép tôi trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi, dù không biết mặt, không biết tên, chỉ nghe giọng nói, nhưng được tham gia vào một lát cắt trong cuộc đời của những người khác. Mình và họ giống như những đường thẳng chạy miết mải về những hướng khác nhau, nhưng trong vài phút của cuộc đời mình và cuộc đời họ, những đường thẳng cắt nhau ở một điểm, một điểm duy nhất, rồi lại chạy tiếp.
Hôm nay dịch cho một cuộc gọi từ bộ phận xử án cho trẻ vị thành niên. Người mẹ không biết tí tiếng Anh nào, bị triệu ra tòa để kí giấy cho phép nhân viên chính phủ làm việc với con mình. Mới nói vài câu, mình nhận ra ngay tiếng Việt không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của chị. Nói thêm vài câu nữa thì biết chị người Jarai, giọng lơ lớ, và mình cũng có thể tưởng tượng ra khuôn mặt chị, ngơ ngác, bối rối, có khi cả sợ hãi, rụt rè trả lời người thừa hành luật pháp.
– (nhân viên chính phủ hỏi người con) Cậu có phải là công dân Mỹ không?
– Tôi không phải
– Thế cậu là công dân Việt Nam à?
– Cũng không
– (quay sang người mẹ) Chị có biết con chị là công dân nước nào không?
– Chị không biết
– Thế chị có phải là công dân nước nào không?
– Chị không biết
Giọng chị ngập ngừng, mình dịch lại “I don’t know”. Cô nhân viên chính phủ thở dài không hỏi thêm nữa.
Số phận của những người không có quốc gia, khi phải va đập với bộ máy chính quyền, họ lại càng bơ vơ và chông chênh. Cuộc hội thoại càng vào sâu, càng thấy thân phận trôi nổi của hai mẹ con chị.
– Cậu sinh năm bao nhiêu?
– Tôi có hai ngày sinh, ngày sinh trên giấy tờ và ngày sinh thật. Trên giấy tờ là 99, còn thật ra tôi sinh năm 97.
– (quay sang người mẹ) Con trai chị sinh năm bao nhiêu?
– Bố nó không biết chữ, mà lại không nhớ ngày sinh của con, nên khi nhà trường bảo khai thì viết là 99, nhưng ngày đẻ thật là năm 97.
Trời ơi, cứ như là những ngày đi công tác ở miền núi và nói chuyện với các chị các cô về giấy tờ hành chính. Những thứ rắc rối lằng nhằng, các chị bị gạt sang một bên, và vì thế không hiểu được.
Nhưng hai mẹ con nhà này không ở Việt Nam nữa. Họ đang ở Mỹ, nơi mà hệ thống hành chính rất phức tạp, và cứng nhắc, vì thế hậu quả cho sự bối rối ấy còn nặng nề hơn. Mình đang nghĩ như vậy thì y như rằng, cô nhân viên ra quyết định “Nếu con chị sinh năm 97 thật, thì chúng tôi không thể làm gì nữa. Hồ sơ của con chị sẽ được chuyển lại cho cảnh sát, để họ quyết định có kết án không. Vì con chị đã đủ 18, là người trưởng thành rồi.”
Họ ngơ ngác quá, thế nên dại dột quá. Nếu như không khai ra là thằng bé sinh năm 97, nó sẽ chỉ đi tư vấn, giống như một hình thức giáo dục bổ túc ở Việt Nam là cùng. Giờ lại khai ra, thì đã thành giấy tờ, rồi cái án đấy sẽ theo nó cả đời, không ngóc đầu lên được.
Một vòng tròn luẩn quẩn. Những thân phận trôi nổi tiếp tục nổi trôi. Đã lặn lội sang đến bên kia thế giới, mà những người như chị và con chị vẫn không thoát khỏi thân phận bên lề. Như cái án chung thân từ lúc đẻ ra đã gông vào cổ.
Rồi các đường thẳng tiếp tục chạy. Chị về nhà chờ cảnh sát gọi để thông báo về quyết định tiếp theo. Mình lại nhận những cuộc gọi khác và cắm đầu vào làm việc. Nhưng mà buồn.
Leave a Reply