1. Thử tưởng tượng bạn hoàn toàn phụ thuộc vào một người cho mọi nhu cầu sống cơ bản. Đói phải đợi người đó cho ăn, buồn ngủ phải đợi người đó cho lên giường. Bạn ị và tè tại chỗ, nếu người đó không biết thì đành phải chịu bị dính mông khó chịu chứ không thể tự thay rửa cho bản thân. Rồi bạn không tự di chuyển được, người đó cho nằm đâu thì bạn phải nằm nguyên tại đấy. Nhiều khi ngứa lưng hay ngứa chân hay buồn bực mỏi người cũng không tự giải quyết được. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu người đó có thể đặt huỵch bạn xuống rồi bỏ đi đâu không rõ, cũng không biết là đi bao lâu mới quay trở lại, mà không hề phải hỏi ý kiến hay đợi bạn đồng ý? Bạn nhìn người ấy đi xa dần mà cũng không thể đuổi theo, không thể gọi, không thể van xin người ấy đừng bỏ mặc mình. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Cơm đang trải qua đợt Wonder Week thứ 5, tức là bước tăng trưởng đột biến để nhận ra các mối tương quan. Cái gì trên cái gì dưới, cái gì trong cái gì ngoài, cái gì trước cái gì sau. Sự nhận biết này dẫn đến việc bỗng nhiên em bé cảm nhận được mình chỉ là một thực thể bé tí trong một thế giới thật to lớn. Cùng với đó, mỗi khi mẹ đi xa dần, em bé cũng nhận biết được khoảng cách giữa mình và mẹ tăng dần lên. Khi mình đặt Cơm xuống, Cơm thường nhìn theo mẹ rất chăm chú, và đến lúc mẹ đi khoảng 10 bước chân thì sẽ kêu lên phản đối, dù cho mình có đi giật lùi, vừa đi vừa nhìn vào mắt con và đi ra khỏi tầm mắt rồi vẫn tiếp tục nói chuyện để Cơm nghe thấy tiếng. Vấn đề là đối với một em bé, cảm giác về thời gian chưa phát triển đầy đủ, nên khi mẹ đi khỏi, thì em bé không có cách nào biết được là mẹ sẽ quay trở lại ngay trong một giây hay sẽ biến mất vĩnh viễn. Có thể mẹ ở ngay sau bức tường, nhưng đối với em bé thì không nhìn thấy ngay trước mặt cũng tương đương với mẹ đã lên máy bay đi Tây đi Tàu rồi.
Vì thế, mình không bao giờ cho rằng con muốn mẹ ở gần là hư, là quấy. Nỗi sợ của con hoàn toàn chính đáng. Một sinh thể nhỏ bé và hoàn toàn bất lực trong một thế giới khổng lồ, mà chỉ biết dựa vào bố mẹ, chẳng có cách nào khác để truyền đạt nỗi sợ và nỗi lo của mình ngoài kêu khóc. Nhiều khi bố Cơm đi học tiếng Anh, mình ở nhà một mình cứ vừa ôm con vừa ăn cơm, đi giải quyết nỗi buồn cũng phải làm với tốc độ điện xẹt, nhưng mà nghĩ, làm một em bé đâu có dễ dàng gì.
2. Ngày trước, mình rất thích đi các tour đi bộ trong những thành phố mà mình đến, vì đấy là một cách rất hay (và thường miễn phí) để đi chậm, đến gần, nhìn rõ, và được nghe những điều ít người biết về một thành phố. Cách đây mấy tuần, ở Calgary có tổ chức gần 80 tour đi bộ như vậy trong ba ngày, đều có tính giáo dục rất cao, mình hăm hở ghi vào lịch chi chit những tour mình muốn đi. Cuối cùng, mình chỉ đi được một tour duy nhất, vì lúc thì Cơm ngủ, lúc thì Cơm khóc, lúc thì mình thấy lười quá không muốn ra khỏi nhà.
Trong tour duy nhất về những dự án và công trình quy hoạch thành phố mà mình đi được đấy, đứng xa thì không nghe thấy người hướng dẫn (là một nhà báo) nói, đứng gần thì Cơm kêu e e sợ ảnh hưởng đến người khác. Lúc thì nàng cao hứng lên thả cho vài quả bom sinh học, mình phải vội vàng bế ra xa xa khỏi đám đông để giữ gìn bầu khí quyển trong lành cho người khác. Ngày xưa, lúc còn son rỗi, mình và bạn chồng trong mấy ngày ở New York có ngày cuốc bộ đến 14km trong các tour đi bộ. Lần này thì có một đoạn đường ngắn hơn nhiều cũng phải bỏ về sớm. Trời nắng, con khó chịu, không chịu nằm trong xe đẩy, bế trên tay thì nặng, lại cứ phải loay hoay chỉnh mũ, che nắng. Mình về đến nhà xây xẩm mặt mày.
Như thế, nhận ra là mình phải điều chỉnh kì vọng của bản thân. Mặc dù đã biết từ lâu cuộc sống của mình bây giờ không phải là của riêng mình nữa, làm gì cũng phải tính đến con trong đó, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngỡ ngàng vì mức độ sâu rộng của ảnh hưởng đến từ việc có con. Từ những chuyện nhỏ như tham gia một hoạt động mà mình yêu thích là tour đi bộ, hoặc có nên nhận làm dự án này hay không, cho đến những quyết định to tát như sống ở đâu, làm việc gì, phân bổ ngân sách gia đình như thế nào, đều đặt con làm ưu tiên lớn nhất. Hoặc đơn giản nhất, dạo gần đây mình khá thất vọng vì không mặc vừa phần lớn quần áo mùa hè, bây giờ vẫn toàn mặc quần bầu và quần chun, xong lại nghĩ mình là nguồn thức ăn của con nên chưa thể giảm cân, tự nhủ khi nào con ăn được thức ăn ổn định rồi mình bắt đầu công cuộc lấy lại vóc dáng cũng chưa muộn.
3. Mình vốn quan tâm đến thực hành chú tâm (mindfulness), trước đây cũng tập tọe cài app để tập, nhưng toàn lăn ra ngủ trước khi một bài tập 10 phút kết thúc. Có lẽ hoạt động gần nhất với thực hành này mà mình thấy thoải mái là bơi. Khi bơi, đầu óc trống rỗng, tâm trí tập trung vào nhịp thở, nhận thức rõ ràng về ranh giới và chuyển động của tay chân. Nước thì bao bọc, cơ thể thì bồng bềnh.
Có lần, mình và Cơm nằm cạnh nhau trong phòng tối, ánh đèn đường rọi qua cửa đủ để nhìn thấy nhau nhưng không soi rõ từng chi tiết. Hồi đó Cơm còn bé, tay còn chưa điều khiển một cách tự chủ hoàn toàn, còn những chuyển động giật giật. Bàn tay Cơm đặt trên má mình, dịch sang trái dịch sang phải một cách ngượng nghịu. Rồi con mò mẫm miệng, mũi, sờ tóc mẹ. Khoảnh khắc đó, mình cảm thấy hoàn toàn có mặt trong hiện tại. Không bận tâm đến ngày hôm qua hay ngày mai. Mình cũng hơi ngỡ ngàng, vì xưa nay vẫn nghĩ sự chú tâm đến khi cắt bỏ những kết nối với bên ngoài để tập trung vào những sóng nhiễu bên trong, nhưng không ngờ trong một sự kết nối vô cùng mãnh liệt đó, mình lại cảm thấy những ồn ào nội tâm được lắng lại.
Hoặc một buổi sáng, Cơm nhìn lên trần nhà và phát hiện ra những vệt nắng nhún nhảy do kính xe ngoài đường phản chiếu hắt lên. Cơm rất thích thú, vừa nhìn ngắm say sưa vừa vẫy tay vẫy chân. Mình bảo đấy là chương trình biểu diễn ánh sáng trực tiếp dành riêng cho con nhé, mà lại là duy nhất, không lặp lại bao giờ. Các em bé bao giờ cũng bị thu hút bởi ánh sáng và màu sắc. Ánh mắt trong veo và nụ cười của Cơm khi ngắm nhìn điều kì diệu đó như thể trên đời này không có gì xấu xa, không có gì đáng lo, không có những vụ học sinh bắn súng vào nhau, người dân kêu than vì mất đất, động vật chết mòn vì ô nhiễm. Mình nghĩ làm mẹ may mắn ở chỗ, nếu không ngừng nỗ lực để hiểu con và luôn giữ cho tâm trí mình cởi mở, thỉnh thoảng sẽ được ké một chút vào cái nhìn thế giới qua đôi mắt của con. Lúc đó mình cũng nằm cạnh Cơm để ngắm những vệt nắng đu đưa trên trần, và cảm thấy thời gian như đã tan chảy, một điều mà trước đây dù muốn nhưng mình không tự làm được.
4. Mình hay thấy các ông bố bà mẹ chia sẻ là khi bắt đầu nuôi con thì thấy thương bố mẹ mình hơn, vì hiểu được sự vất vả của việc chăm con. Cơm là một em bé khá dễ nuôi (trộm vía ngàn lần!), nên mình không có cảm giác đó. Nhưng mình bắt đầu hiểu được sự lo lắng và nhu cầu bảo vệ con, mà trước nay mình hay lên tiếng chỉ trích những bà mẹ bao bọc con thái quá. Nhiều khi nghĩ về những mối nguy hiểm có thể xảy ra mà mình trằn trọc đến mất ngủ, mặc dù con còn bé xíu đang nằm ngay bên cạnh.
Có nhiều bà mẹ lo lắng về chuyện con bú bao nhiêu sữa, ngày bao nhiêu lần. Mình cũng may mắn vì không phải nuôi con bằng sữa bột và được ở nhà với con, nên đã từ lâu không còn để ý đến những thông tin đó. Cơm được bú bất kì khi nào muốn. Thật sự, với một em bé, vú mẹ là nguồn thức ăn, sự ấm áp, cảm giác quen thuộc, an toàn, ấm êm, bú mẹ là hoạt động thư giãn bậc nhất, là mọi sự sung sướng trên đời. Được mẹ ôm trong tay là được an ủi. Bắt đầu từ khoảng bốn tháng, có đợt cứ đến tầm 9-10 giờ tối là Cơm không chịu bố bế, nhiều khi mẹ đi đánh răng mà khóc ngằn ngặt bên ngoài, nhưng mẹ cứ giơ tay ra ôm vào lòng là nín khóc ngay lập tức. Tất nhiên sau đó mình điều chỉnh để chuẩn bị cho con đi ngủ sớm hơn, thì cũng lâu lắm rồi không khóc như thế nữa. Cơm không những bú mẹ khi đói, mà còn bú khi ngủ, bú khi khóc, bú khi buồn bực. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng sự kết nối giữa mẹ và con đến từ việc cho con bú sẽ ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến mối quan hệ giữa hai mẹ con đến mãi mãi sau này.
Cơm được sáu tháng, chỉ cần được mẹ ôm vào lòng và cho bú là mọi vấn đề được giải quyết. Sức mạnh thần kỳ và lớn lao đến nỗi, mỗi khi nghĩ đến tương lai, ngày đầu tiên Cơm đi học, rồi nếu bị bạn bắt nạt, hay những tổn thương mà mẹ không thể xua tan được, mình lại thấy buồn.
Còn nhớ những ngày đầu nuôi con dài lê thê vì thiếu ngủ, mình đếm từng ngày từng tuần, nghĩ bao giờ mới tròn ba tháng. Ở thời điểm đó, nghĩ đến mốc sáu tháng thấy xa vời vợi, cảm giác mơ hồ quá không biết khi nào mới tới.Lúc đó ước ao đến tương lai rồi bảo chồng, chắc Cơm lớn hơn thì bố mẹ sẽ nhàn hơn nhiều. Nhưng đời vốn mâu thuẫn, đến lúc ngày mà mình mong mỏi xảy ra thì lại thấy ơ sao nhanh quá vậy. Chỉ cố gắng tự nhắc mình hãy tận hưởng những ngày này, con sẽ không bé lại lần hai.
Và những tháng ngày mà với con mình là cả thế giới cũng sẽ không tồn tại mãi mãi.
Leave a Reply