Lần vào thăm Bảo tàng tự nhiên ở DC, mình trải qua một khoảnh khắc “giác ngộ” (enlightened) khi đứng trước một quả cầu rất lớn được treo lơ lửng trong phòng. Trên quả cầu chằng chịt những đường xanh đỏ, thể hiện những dòng hải lưu nóng và lạnh, như những mạch máu. Giống như những bậc chân tu ngắm bóng trăng trong thùng nước mà ngộ ra sắc với không, chân với ảo, mình đứng lặng trước mô hình Trái Đất mà muốn rưng rưng nước mắt. Chưa bao giờ mình hiểu câu “vạn vật đều kết nối với nhau” như thế.
Thật ra không có “năm châu bốn bể”. Năm châu là một khối đất nứt ra rồi trôi xa khỏi nhau, bốn bể chỉ là những tên gọi đặt cho cùng một khối nước. Tất cả các dòng hải lưu đều kết nối với nhau. Mảnh nilon vứt xuống biển ở Việt Nam có thể giết chết rùa biển ở Nhật. Là một sinh thể sống, trái đất thở.
Mọi người nói nhiều về tác động trước mắt của việc biển bị nhiễm độc. Ngư dân và những hộ kinh doanh du lịch biển thất thu. Ngành xuất khẩu thủy sản của cả nước cũng sẽ ảnh hưởng. Ai sẽ dám mua cá tôm “made in Vietnam” khi tin biển nhiễm độc lan khắp thế giới? Một trong những lý do Việt Nam không cố kiện công ty sản xuất chất độc màu da cam ở Mỹ vì sợ người tiêu dùng thế giới không dám mua nông sản, đặc biệt là gạo của ta. Rồi giờ đến thủy sản, đến muối, đến nước mắm thì sao?
Sẽ có nhiều công ty hoặc hộ kinh doanh gia đình điêu đứng, thậm chí phá sản. Sẽ có nhiều lao động mất việc. Bố lái taxi, mẹ làm dọn phòng khách sạn thì sẽ có nhiều đứa trẻ thiếu ăn, thất học, trôi dạt ra đường. Sẽ có thêm nhiều người chồng đánh vợ, nhiều người vợ uống thuốc sâu (hoặc uống nước biển nhiễm độc, đang rất sẵn). Sẽ có thêm tội phạm, trộm cắp, những số phận cùng quẫn. Như Chí Phèo đã uất ức trước khi cắt cổ đại diện của những áp bức rồi tự tử “Ai cho tao lương thiện?”
Cũng như những dòng hải lưu, cuộc đời chúng ta đều gắn kết với nhau. We are all linked.
Leave a Reply