Tại một hội nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva mùa xuân này, Mỹ đã đe dọa các nước nhỏ và nghèo với các biện pháp trừng phạt về kinh tế và dọa dừng hỗ trợ quân đội khi một nghị quyết khuyến khích việc cho con bú chuẩn bị được thông qua. Đoàn đại biểu Ecuador là nạn nhân đầu tiên, đại diện của nước này còn không dám cho báo chí dùng tên thật, vì sợ bị mất việc. Mỹ. Ít nhất hơn một chục quốc gia sau khi bị Mỹ dọa đã vội vã từ bỏ ý định thực hiện nghị quyết này ở nước mình, phần lớn là các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, khu vực phụ thuộc vào những sự hỗ trợ của Mỹ nhiều nhất.
Chưa hết, Mỹ còn dọa sẽ cắt viện trợ cho WHO, nếu nghị quyết này được thông qua, mà dĩ nhiên Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, đến 15% ngân sách của tổ chức. Ông bà ta có câu, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, những quyết định liên quan đến sức khỏe của hàng tỉ con người trên thế giới, tưởng là sẽ vô tư và chỉ dựa trên khoa học, nhưng thật ra vẫn hoạt động theo nguyên lý “mồm kẻ sang có gang có thép”.
Tại sao Mỹ phải phản ứng mạnh mẽ như vậy? Ngành công nghiệp thực phẩm cho trẻ nhỏ, hay nói dễ hiểu hơn là sữa bột, trị giá 70 tỉ đô la. Những người vận động hành lang đại diện cho ngành này cũng có mặt tại hội nghị nêu trên. Bài báo trên New York Times (link ở dưới) nói rằng những năm gần đây, doanh thu của ngành này đã chững lại tại các nước giàu có, khi người dân nhận thức tốt hơn về lợi ích không chỉ về dinh dưỡng mà còn về sức khỏe của việc cho con bú, nên tiền bán sữa bột hầu như chỉ còn tăng ở các nước đang phát triển. Vì thế, dĩ nhiên đây là những thị trường họ phải tập trung vào và tìm mọi cách để ngăn cản những nỗ lực có thể khiến doanh thu của họ sụt giảm, kể cả khi đó là WHO.
Một bài báo khác mình đọc (link ở dưới), còn phân tích sâu xa hơn. Không chỉ là chuyện doanh thu, mà sữa bột còn là giải pháp cho hàng tỉ tấn sữa bò mà ngành chăn nuôi bò sữa theo kiểu công nghiệp của Mỹ tạo ra hàng năm mà không có chỗ chứa. Dù đã tìm mọi cách, từ quảng cáo, thôi thúc người dân ăn nhiều các sản phẩm từ sữa hơn (bơ, pho mát), phủ đầy pho mát vào tất cả các loại burger, pizza, và được chống lưng bởi ngành công nghiệp đồ ăn nhanh cũng hùng mạnh không kém, nhưng lượng sữa bò sản xuất ra vẫn quá nhiều so với lượng sữa tiêu thụ. Những con bò cái cả đời bị nhốt trong chuồng và thụ tinh nhân tạo để liên tục đẻ con và có sữa, nếu con nào có số vú nhiều hơn số cần vắt sữa của máy, thì nó sẽ bị cắt bớt vú để vừa với dây chuyền. Và sản xuất sữa bột chính là một chiến lược kiểu gì cũng lợi. Vừa giải quyết được chỗ sữa thừa không có nơi chứa, vừa kiếm bộn tiền. Có cách nào khiến người khác vừa nhận rác của người mình mà vừa vui vẻ trả cho mình thật nhiều tiền để xuất khẩu rác như thế không?
Mình không anti sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Mình cũng không cho rằng việc cho bú là dễ dàng. Bản thân mình phải đi gặp bác sĩ nhiều lần, và cũng rất khổ sở trong ba tháng đầu nuôi con. Không phải cái gì tự nhiên đều dễ dàng. Sinh con cũng tự nhiên, nhưng có ai nói sinh con là dễ dàng đâu? Mình biết nhiều người thật sự không có sữa cho con bú, được kiểm nghiệm bằng xét nghiệm máu, vì cơ thể họ không sản sinh được loại hormone cần thiết để tạo sữa. Mình cũng biết mặc dù cực kì cố gắng, nhưng ngoài lý do sinh học ra, còn nhiều lý do khác khiến những người mẹ không cho con bú được như họ muốn. Mà kể cả khi không gặp cản trở, mình cũng nghĩ rằng việc cho con bú là lựa chọn của mỗi cá nhân, họ làm điều phù hợp nhất cho bản thân và con mình.
Nhưng sữa bột cho trẻ sau 1 tuổi, về mặt dinh dưỡng, là không cần thiết. Bài báo mình trích dẫn có trích dẫn các bài báo khác nữa, ai quan tâm thì tìm đến nguồn đọc thêm, trong đó có số liệu rằng riêng phân khúc sữa cho trẻ đã biết đi dự kiến sẽ tăng 20% trong giai đoạn 2015-2020, phần lớn đến từ các thị trường châu Á. Bài báo này cũng viết rằng, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu tuyên bố, loại sữa này (toddler milk) không có giá trị gì về mặt dinh dưỡng, đa số thêm đường và các loại phụ gia, là tác nhân chính đóng góp vào nạn béo phì toàn cầu ở trẻ nhỏ. Hội nghị của WHO đánh giá việc quảng cáo sữa bột cho trẻ trên 1 tuổi là có hại cho sức khỏe, và kêu gọi việc giới hạn những quảng cáo này (tương tự như thuốc lá, bia rượu).
Nói chuyện thế giới, rồi nói chuyện Việt Nam. Mình nhớ lại một đoạn hội thoại giữa chồng và mẹ chồng. Chồng mình bảo “sữa bột cũng là sữa bò sấy khô thành bột chứ gì”. Mẹ chồng mình rất ngạc nhiên, bà không hề biết sữa bột chính là sữa bò. Có thể hàng chục năm trời thấm đẫm các loại quảng cáo về “giúp trẻ cao hơn, thông minh hơn”, rồi các loại DHA từ cốc sữa bắn vào đầu đứa trẻ, rồi các loại dinh dưỡng hồng hồng xanh xanh, những em bé (phần lớn da trắng) xinh xắn, khỏe mạnh, khiến bà lờ mờ tưởng rằng những chiếc hộp thiếc giá 700 trăm nghìn kia chứa chất gì thần kì lắm. Có thể bà chưa bao giờ tự hỏi sữa bột thực chất là gì. Có bao nhiêu người cũng vui vẻ móc hầu bao ra và không hề dừng lại một giây để nghĩ xem những hộp bột trắng trắng đó, mà họ cho con cho cháu mình uống hàng ngày, bên trong có chứa những gì?
Mình cũng biết những người mẹ dành cả nửa tháng lương để mua sữa bột cho con, mong con sẽ cao lớn, thông minh, rồi kết quả nhận lại là con răng sâu cả hàm, lúc nào cũng thèm ngọt. Một bà mẹ nông thôn mình biết, phải để con nhỏ ở quê để ra Hà Nội bươn chải kiếm sống bằng việc bưng bê ở quán phở, tháng nào cũng dành hẳn 2 triệu để mua sữa bột cho con, mà con vẫn ốm dặt dẹo. Trong công việc của mình, mình còn biết trường hợp bố mẹ người Việt ở Mỹ, cho con uống sữa bột nhiều đến mức con bị thiếu máu, phải đi bệnh viện. Khi lượng canxi hấp thụ vào quá lớn thì sẽ ngăn cản quá trình hấp thụ sắt. Với rất nhiều người, sữa bột dường như có sức mạnh thần kì, con chỉ cần uống sữa, không cần ăn, và họ tưởng như thế là đủ.
Mình đi học các lớp dinh dưỡng cho trẻ nhỏ do Sở Y tế Alberta tổ chức, thì được khuyên là con sau 1 tuổi mới bắt đầu cho uống sữa bò tươi, nếu muốn. Nhưng một ngày không uống quá 500ml sữa tươi nguyên kem. Không bao giờ có chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ hay y tá nào nói là cần uống sữa bột. Điều tốt nhất là mẹ cho bú đến 2 tuổi, còn sau 2 tuổi nữa thì càng tốt.
Mình đã dịch nhiều tài liệu quảng cáo cho các hãng sữa, và thường được trả công hậu hĩnh. Họ không tiếc tiền bỏ ra để đánh vào các thị trường như Việt Nam. Đồng tiền của họ điều khiển các chính phủ, thậm chí cả các tổ chức Liên Hợp Quốc như WHO. Kết quả của hội nghị nêu trên là nghị quyết được thông qua vào tháng 5, nhưng phần lớn các tham chiếu đến Quy tắc tiếp thị sữa bột mà WHO muốn đưa vào đã bị gỡ bỏ. Khi những cuộc chiến kiểu này diễn ra ở các hội nghị thượng đỉnh cấp cao, đóng cửa kín mít, và những quyết định bị ảnh hưởng bởi sức mạnh kinh tế của các tập đoàn (do chính người dân như chúng ta bỏ tiền ra nuôi), thì sức mạnh của sự kháng cự nằm ở hiểu biết.
Là người tiêu dùng, sức mạnh của bạn nằm ở việc quyết định đồng tiền trong ví mình sẽ đi về đâu. Một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng là quá đủ với em bé sau 1 tuổi. Đừng tiếp tục vui vẻ trả tiền để nhận rác của người khác.
https://www.nytimes.com/…/world-health-breastfeeding-ecuado…?
https://bfmed.wordpress.com/…/every-time-a-baby-goes-to-br…/
Leave a Reply