Bạn có biết người đàn ông châu Âu cuối cùng tự thiến mình là ai không? Alessandro Moreschi, một nghệ sĩ opera hát giọng nam cao, như rất nhiều thanh thiếu niên Ý vào thế kỉ 17-18, đã cắt tinh hoàn trước khi đến tuổi dậy thì, để giữ giọng hát trong và cao vút, hòng mong được vào những vai anh hùng trong những vở opera tráng lệ. Phần lớn các bé trai ở châu Âu thời kì đó có giọng hát tốt sẽ “được” bố mẹ cho cắt tinh hoàn vào năm 7-9 tuổi, rồi gửi vào những trường đào tạo opera để khổ luyện rồi bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 15 tuổi. Nếu không đạt đến trình biểu diễn opera cho vua chúa thì cũng mong được vào hát trong dàn đồng ca nhà thờ. Trước khi bị thiến, các bé trai sẽ được cho dùng thuốc phiện, rồi ngâm mình vào bồn tắm nóng đến khi gần như ngất đi.
Có những điều là tự nhiên như hormone nam và hormone nữ, và để vượt qua những giới hạn sinh học đó, người ta phải nhờ đến những biện pháp can thiệp rất kinh khủng. Nhưng có rất nhiều điều về giới, về các bé trai và bé gái, mà ta tưởng là những khác biệt cơ bản và tự nhiên, “trời sinh ra đã thế”, nhưng thật ra không phải.
1. Con trai thích màu xanh, con gái thích màu hồng.
Cô cháu gái lên 7 tuổi của tôi có ba cái cặp sách màu hồng, nơ hồng, bờm hồng, búp bê mặc váy hồng. Đi lướt qua các hàng đồ chơi ở Lương Văn Can, nếu bỏ qua đoạn siêu nhân, người nhện, ô tô, máy bay, bạn sẽ thấy một góc sáng bừng các thể loại màu hồng. Cô bé này rất bực bội trong quầy bán đồ chơi “Tại sao con gái chỉ được mua đồ màu hồng và công chúa, còn con trai thì được mua các màu khác nhau?. Một số bạn gái thích công chúa, nhưng cũng có một số bạn gái thích siêu anh hùng cơ mà”
Ít ai biết rằng, xu hướng phân biệt màu sắc cho trẻ nhỏ này hoàn toàn là các chiêu thức marketing của các tập đoàn phương Tây. Trong nhiều thế kỉ, trẻ nhỏ ở khắp nơi trên thế giới mặc đồ màu ngà ngà, vì một lý do đơn giản, khi chớ sữa hay đái dầm thì sẽ dễ giặt. Một bài báo xuất bản vào tháng 6 năm 1918 viết rằng “Quy tắc thông dụng là màu hồng cho con trai, còn màu xanh cho con gái. Lý do là màu hồng mạnh mẽ và rực rỡ hơn, phù hợp với con trai. Còn màu xanh mềm mại và xinh xắn hơn, phù hợp với con gái.” Năm 1927, tờ Time cho in một bảng hướng dẫn các bậc phụ huynh mặc đồ màu hồng cho con trai. Cho đến những năm 1940 thì các cửa hàng sầm uất nhất ở Mỹ bắt đầu định hướng thị trường bằng cách chiến dịch quảng cáo “con gái màu hồng, con trai màu xanh”. Đến thập niên 1960, phong trào nữ quyền ở Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ, phụ nữ từ chối việc mặc đồ màu hồng cho con gái, vì họ cho rằng việc này sẽ gián tiếp làm con mình chấp nhận thụ động các định kiến giới.
Tuy nhiên, kĩ thuật siêu âm giúp nhận biết giới tính thai nhi, cùng các nỗ lực tiếp thị mạnh hơn nữa của các nhà sản xuất, đặc biệt nhắm vào trẻ nhỏ như các đối tượng tiêu thụ quan trọng không kém gì các bậc phụ huynh, khiến sự phân định màu sắc này quay trở lại và dần được coi là “xưa nay vẫn thế”. Ai được hưởng lợi ở đây? Tất nhiên là các nhà sản xuất. Khi chúng ta tin rằng con gái phải dùng đồ màu hồng, con trai phải dùng đồ màu xanh, chúng ta sẽ phải bỏ tiền ra mua hai bộ cho tất cả mọi thứ, thay vì cho đứa em dùng đồ của đứa chị, hoặc cho em gái dùng đồ của anh trai. Sữa tắm cũng phải có hai lọ, đồ chơi phải nhiều gấp đôi. Một khi người tiêu dùng đã thật lòng tin tưởng và tự nguyện móc túi trả tiền, công ty sẽ chẳng phải tốn nhiều công sức nữa.
2. Con trai khỏe hơn, thích hoạt động hơn, con gái yếu hơn, nhu mì hơn.
Một nghiên cứu khá thú vị được thực hiện vào năm 2000 xét đến khả năng vận động của trẻ 11 tháng tuổi và đánh giá của mẹ về khả năng của con mình. Người ta cho các bé gái và bé trai cùng bò trên các đường dốc, và yêu cầu các bà mẹ dự đoán xem con mình bò được bao xa, trong bao lâu. Kết quả là bọn trẻ bò như nhau, không có sự khác biệt giữa bé trai và bé gái, nhưng nhận định của các bà mẹ thì khác xa nhau. Các bà mẹ có con gái thì đánh giá quá thấp (underestimate) khả năng bò của con mình, và ngược lại, các bà mẹ có con trai thì đánh giá quá cao (overestimate) khả năng của con mình.
Chỉ là một nghiên cứu thực nghiệm nhỏ, nhưng kết quả cho thấy, sự khác biệt về bản chất giữa hai giới khi còn nhỏ hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, đến năm ba tuổi, bé trai và bé gái rất khác nhau về việc lựa chọn hoạt động. Bé trai thích chơi đùa, chạy nhảy, bé gái thích ngồi túm năm túm ba nói chuyện, chơi búp bê. Một tác nhân lớn dẫn đến sự khác biệt này chính là nhận định và cách đối xử của người xung quanh với trẻ.
Cũng vào năm 2000, Gleitman, Friedlund & Reisberg làm một thí nghiệm giờ đã trở thành kinh điển trong lĩnh vực tâm lý trẻ em. Họ cho một em bé sơ sinh mặc quần áo con trai, rồi cũng lại chính em bé đấy, được mặc quần áo con gái, và các nhà nghiên cứu quan sát tương tác của người xung quanh. Khi mọi người tin rằng đây là bé trai, họ tung đứa trẻ lên, vỗ vai, vỗ lưng, cười ha hả và nói to, ứng xử rất mạnh mẽ và bạo liệt. Vẫn đứa trẻ đó, nhưng khi được giới thiệu là bé gái, thì mọi người thì thầm, âu yếm, chỉ chạm khẽ và cười rất dịu dàng.
Thử nhìn quanh bạn, có bé gái nào được bố mẹ khuyến khích chơi bóng, chạy huỳnh huỵch cho lưng áo đẫm mồ hôi, hay thỉnh thoảng cũng văng vẳng những câu “Con gái con đứa mà nghịch như nặc nô thế hả?” rồi “Nghịch như con trai thế hả con?”, với mặc định rằng, con gái thì không được nghịch, không được chạy, không được nhảy nhô nhảy nhào. Còn các bé trai mà thích ngồi làm đồ thủ công, hay chơi với gấu bông, thì sẽ bị chê cười “Thằng này đàn ông mà õng ẹo như con gái”, hay tệ hơn là “Yểu điệu như cái thằng pê-đê”. Những câu nói và cách đối xử đó chính là những khuôn mà người lớn áp lên trẻ, để kết quả sản phẩm ra đều chằn chặn nhau, rồi sau đó họ lại gật gù “đấy, con trai là nghịch lắm, luôn tay luôn chân không lúc nào yên”.
Vẫn là vấn đề về thể chất, một nhà nghiên cứu về giới tôi quen kể lại rằng, khi cô đi phỏng vấn người dân ở một xã nông thôn miền Bắc, nhiều bà mẹ cho biết, khi con còn nhỏ thường cho con trai bú trước, con gái bú sau (trong trường hợp có hai con cùng đang bú), vì họ tin rằng con trai cần nhiều chất dinh dưỡng hơn, nên sữa mới tốt hơn để dành cho con trai. Khi đứa con trai đã bú no nê rồi thì mới đến lượt con gái. Cũng tương tự như vậy, khi lớn hơn rồi, nếu nhà thiếu cơm, thì con trai thường được dành cho những phần thức ăn cuối cùng. Đấy chắc hẳn cũng đóng góp vào sự khác biệt trong chiều cao, cân nặng của trẻ trai và trẻ gái.
3. Con trai mạnh mẽ, con gái tình cảm
Tương tự như các khuôn mẫu về giới được cho là “thiên tính” khác, người ta cũng tin rằng con trai vốn không thích thể hiện cảm xúc, còn con gái thì ngược lại. Nghiên cứu này cho thấy trẻ mới sinh ra, trai hay gái, thời gian tập trung sự chú ý vào mặt người lạ không có gì khác. Một dấu hiệu của khả năng kết nối về mặt cảm xúc là nhìn vào mắt người đối diện, một hành vi mà những em nhỏ mắc chứng Down thường không làm được. Tuy nhiên, đến tháng thứ 4-6, các bé gái có phản ứng tốt hơn hẳn các bé trai với các khuôn mặt và cảm xúc trên khuôn mặt. Tại sao? Cũng là kết quả từ phản ứng của cha mẹ và người xung quanh.
Khi trẻ khóc, với quan niệm rằng bé trai phải cứng rắn, bố mẹ thường tảng lờ hoặc “suỵt” con không được khóc, hay nói cách khác, là không khuyến khích con trai dùng việc khóc để bày tỏ cảm xúc hay trạng thái của mình. Ngược lại, các bé gái được coi là yếu mềm, khóc là việc dễ chấp nhận, nên hay được bố mẹ bế ẵm, cưng nựng, tức là hồi đáp lại tín hiệu bày tỏ cảm xúc của trẻ. Trong một nghiên cứu khác, các bà mẹ thường tảng lờ biểu hiện đau đớn của con trai, và tảng lờ biểu hiện giận dữ của con gái. Cho dù không có bà mẹ nào làm việc này một cách có ý thức, nhưng có lẽ nguyên do ẩn sau là tâm lý cho rằng con trai thì phải cứng rắn (nên không được đau), con gái thì phải ngoan hiền (nên không được giận dữ).
Tương tự như thế, Condry và Condry thực hiện một nghiên cứu năm 1976, họ cho các sinh viên xem đoạn phim quay lại một đứa trẻ khóc ré lên khi một hộp đồ chơi bị rơi. Khi người xem được bảo rằng, đứa trẻ này là con trai, họ cho là em bé khóc vì tức giận, còn khi người xem tin rằng đây là bé gái, thì họ diễn giải tiếng khóc là nỗi sợ. Con gái yếu đuối nên sợ hãi, con trai mạnh mẽ nên khóc vì bực bội. Sự thật là chỉ có cách hiểu của người lớn là thay đổi, tùy theo họ nghĩ giới tính của đứa trẻ là gì, còn bản thân đứa trẻ chỉ có một.
4. Con gái giỏi về ngôn ngữ, con trai giỏi về hành động
Trò chơi búp bê chính là cơ hội để các bé gái luyện tập đóng các vai trò khác nhau trong xã hội. Cô giáo thì phải nói thế này, bác sĩ thì phải hành động thế kia. Chơi như vậy giúp trẻ đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn thế giới từ góc độ của họ, một “nhiệm vụ” khó mà trẻ thường học và tập làm trong giai đoạn từ 2-4 tuổi. Được khuyến khích nói và luyện tập nói trong các vai khác nhau, không có gì lạ khi các bé gái thường được cho là “khôn trước tuổi”.
Còn các bé trai thì sao? Gần đây tôi để ý cậu nhóc gần ba tuổi là cháu ruột của chồng và đống đồ chơi của cậu ý. Súng và người nhện. Ô tô và siêu nhân. Đồ chơi mới là một cây súng nhựa phát ra đèn màu xanh đỏ và những tiếng pằng pằng chát chúa. Đồ chơi cũ là một chiếc ô tô kêu ò í e. Cậu nhóc này mỗi khi nhìn thấy tôi là giơ súng lên cao hét to “Siêu nhân chiến thắng” hoặc “Người nhện bắn bùm bùm”. Những đồ chơi này hoàn toàn không cho phép cậu bé tưởng tượng về những tương tác với người khác hay luyện tập khả năng ngôn ngữ của mình.
Nếu người ta làm đồ chơi cho trẻ mô phỏng một chiếc ghế điện thì sao nhỉ? Tại sao một thứ vũ khí, một công cụ để giết người, lại được gắn liền với những khái niệm như “niềm vui” hay “chơi đùa”?
Không chỉ đồ chơi, mà vô vàn những hoạt động và tương tác hàng ngày khác cũng khuyến khích các bé gái sử dụng ngôn ngữ, còn các bé trai sử dụng hành động. Helle Rydstrøm, một nhà nghiên cứu về chủ đề giới ở Việt Nam người Thụy Điển, miêu tả lại trong bài báo của cô một cảnh tượng trong lớp mẫu giáo ở một làng quê Việt Nam. Cô giáo cho các bé đóng làm những người lớn có vai trò khác nhau. Trong khi tất cả các bé trai trong lớp nhận làm nhóm thợ xây, và hò hét, nghịch phá inh ỏi, xô đẩy nhau và chiếm đến 3/4 lớp học, thì các bé gái lặng lẽ chơi đóng giả bố mẹ và quan sát. Cuối cùng, nhóm thợ xây vẫn được khen, vì đã đóng vai thợ xây giỏi, còn các bé gái thì không được cô nhắc gì đến.
5. Kết
Đây chỉ là bốn trong vô vàn các định kiến về giới được áp lên trẻ nhỏ. Tôi không có ý định phủ nhận những khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ. Điều tôi muốn chỉ ra là, những khác biệt ấy thực sự rất nhỏ, và phản ứng của ta trước những khác biệt ấy mới khiến cho nó ghê gớm và dẫn đến những tác động có thực trong cuộc sống hàng ngày. Bé gái tin là mình không nên chạy nhảy, thì trở nên ngại vận động, không thích thể thao. Bé trai được tiêm vào đầu là “đàn ông không được khóc”, thì sẽ dồn nén cảm xúc của mình, thay vì thể hiện nó, và chịu thiệt thòi chính từ việc không được thể hiện và đồng cảm ấy.
Những định kiến giới làm giảm đi tự do của tất cả mọi người. Phụ nữ bị giảm đi tự do trong việc tham gia thể thao, đàn ông bị giảm đi tự do trong việc bày tỏ cảm xúc. Kể cả ví dụ về những thiếu niên người Ý tự thiến mình vì sự nghiệp ca hát tôi kể lúc đầu cũng là kết quả của những định kiến xã hội. Hormone nam sẽ khiến giọng các cậu trầm đi, không còn được thánh thót và trong trẻo để sắm những vai quan trọng trong các vở opera nữa. Điều đó là tự nhiên, dĩ nhiên rồi. Nhưng nhu cầu cho các cậu trai có giọng cao là từ đâu? Người ta không cho phụ nữ tham gia vào nghệ thuật hay xuất hiện trước công chúng, vì thế các vai nữ trong nhạc kịch phải cho đàn ông hát. Và trong nhà thờ, phụ nữ cũng không được tham gia các dàn đồng ca, nên mới cần những người đàn ông có giọng cao thánh thót. Nếu như không có sự ngăn cấm nữ giới như vậy, chắc chắn thế giới đã có nhiều nghệ sĩ opera nam không cần phải hiến bi cho nghệ thuật.
Và nếu những ông bố bà mẹ bớt áp đặt các định kiến và giới hạn lên cho con, chắc chắn thế giới sẽ có nhiều em bé hạnh phúc hơn.
Leave a Reply