Tuần trước mình gặp cô Lynn. Cô Lynn làm hành chính ở một trường cấp ba. Tuần một lần, vào tối thứ 5, cô đến làm tình nguyện ở một trung tâm hỗ trợ phụ nữ có bầu. Cô làm bất cứ việc gì, nếu có người đến yêu cầu trợ giúp thì làm thủ tục khai giấy tờ với họ, dọn dẹp, giúp bà bầu chọn đồ (ở trung tâm có quần áo cho trẻ sơ sinh và quần áo bầu cho mẹ, miễn phí), hoặc gọt hoa quả và bày bánh quy phục vụ lớp học tiền sản.
Ngoài ra, cô Lynn còn là một doula có chứng chỉ trong Hội Doula Bắc Mỹ. Doula không phải là bà đỡ (midwife), họ không có chuyên môn về y tế, mà là người ở bên cạnh sản phụ trong quá trình sinh con để hỗ trợ về tinh thần, massage, động viên, gợi ý các biện pháp để thư giãn, giảm đau, làm sao để việc sinh con được tự nhiên và dễ chịu hết mức có thể. Doula sẽ có mặt bên sản phụ từ lúc bắt đầu có cơn co, họ sẽ đến nhà để cùng người mẹ trải qua giai đoạn đầu tại nhà. Sau đó sẽ vào bệnh viện và túc trực suốt cho đến vài giờ sau khi sinh con xong. Trong vài tuần tiếp theo, họ còn đến thăm nhà một vài lần nữa để xem mẹ và bé sơ sinh có vấn đề gì cần hỗ trợ thêm.
Để được làm một doula có chứng chỉ, cô Lynn phải bỏ khá nhiều tiền để học qua các khóa đào tạo. Nhưng điều đặc biệt là, cô cung cấp dịch vụ này miễn phí cho những người tìm đến trung tâm mà cô làm tình nguyện. Bình thường, để thuê một doula riêng, người ta phải trả khoảng $1000. Mình rất may mắn, cô Lynn đã nhận lời hỗ trợ mình mà không phải trả đồng nào cả. Gặp lần đầu ở quán café, cô Lynn đã từng sang Hà Nội, và cũng đã từng sinh con khi không có người thân ở bên cạnh khi mới sang Canada. Cả mình và chồng đều thấy an tâm hơn khi biết cô Lynn sẽ có mặt để hỗ trợ bọn mình.
Trong bốn tuần qua, mỗi tuần một buổi, bọn mình đi học một lớp giáo dục về tài chính (Financial Literacy), cũng miễn phí, do cô Rosemary dạy. Cô Rosemary là kế toán, những hôm có lớp đều phải rất vội vàng sau giờ làm vì đoạn đường khá xa. Hôm nào mình đến cũng đã thấy cô Rosemary có mặt ở đó, chuẩn bị tài liệu sẵn sàng. Ngoài hôm đầu tiên có bốn người học, thì các hôm sau chỉ có mình và bạn chồng, đến nỗi muốn nghỉ cũng không dám vì ái ngại thay cho công sức của cô bỏ ra. Cô dạy rất nhiệt tình, mặc dù chỉ có hai đứa, nếu mình có câu hỏi mà cô không biết, cô còn đi hỏi rất nhiều người khác để tìm ra câu trả lời. Cô dạy lớp này không công.
Mình còn biết cô Wendy làm y tá, thì dạy lớp tiền sản. Một bác kĩ sư hơn 70 tuổi thì cuối tuần dẫn các cháu học sinh vào rừng học kĩ năng sinh tồn. Mình được nhận một túi quà từ trung tâm hỗ trợ phụ nữ có thai kể ở trên, trong túi có một cái chăn len rất mềm và ấm, có lẽ do một bà cụ nào đó cần mẫn ngồi đan, mà mình sẽ không bao giờ biết mặt, biết tên, nhưng sau này khi đắp cho bé Cơm, sẽ nghĩ đến rất nhiều yêu thương mà bà gửi gắm vào mỗi mũi đan để tạo nên cái chăn ấy.
Có rất nhiều sự kiện cộng đồng mà mình phải trầm trồ trước sự tham gia hoàn toàn không vụ lợi của những cư dân thành phố. Mỗi năm một lần, ở Calgary tổ chức ngày bán rau củ quả với giá rất rẻ để khuyến khích người dân ăn rau. Từ cổng, mình đã thấy rất nhiều tình nguyện viên đứng phân làn xe, chỉ dẫn cho xe vào bãi, thậm chí phân làn người đi bộ, đứng chăng dây chặn xe khi có trẻ em đi qua. Rồi ngày phân phát quần áo miễn phí, do nhà thờ Công giáo đứng ra quyên góp và tổ chức tại một trường cấp 3 tầm giữa tháng 9 hàng năm, thì mình choáng ngợp khi nghĩ đến hàng trăm người đã bỏ công sức để phân loại, treo, sắp xếp.
Trong ngày hôm đó, hai phòng tập thể dục (chắc kích thước bằng sân vận động trong nhà) kín đặc đồ. Người người hăm hở đi nhặt quần áo đủ kích cỡ, giày dép, đồ gia dụng, ai nấy lặc lè vác một bao tải to. Các em học sinh đứng phát bánh quy, phát nước, yêu cầu bà con xếp hàng một trật tự, có một nhóm nhạc đến ca hát để mọi người đỡ sốt ruột trong khi chờ đến lượt, có những người chuyên đứng để thông báo trẻ lạc (bố mẹ say sưa nhặt đồ miễn phí quá lạc con mà không biết), có cả những người túc trực để treo lại quần áo lên mắc, có những người chỉ chuyên phát túi cho người dân. Sau này, mình được nghe kể là, cứ tháng 6 hàng năm nhà thờ Công giáo ở Calgary phát động mọi người quyên góp cho sự kiện này. Ngoài đồ cũ, có những người còn đi mua đồ mới để tặng, hoặc vận động các cửa hàng tặng vật phẩm họ bán. Mình nhặt được một chiếc khăn quàng cổ rất xinh, vẫn còn nguyên tem giá.
Mình được nghe kể về những câu chuyện khác. Một cặp vợ chồng về hưu bỏ tiền ra để tham gia một dàn đồng ca chuyên đi hát miễn phí ở các sự kiện cộng đồng. Một cặp vợ chồng về hưu khác thì dành cả tuần để hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu bầu cử. Một bà già nhưng còn khỏe đến sơn tường ở viện dưỡng lão, phục vụ các ông bà già khác. Các ông bà già trong viện dưỡng lão lại ngồi lần mò soạn những đồ dùng họ đã gắn bó cả đời nhưng không dùng nữa để tặng các gia đình là dân tị nạn mới đến Canada. Năm ngoái, khi Canada tiếp nhận số lượng người Syria rất lớn, nhiều người ở Calgary đã bỏ thời gian để quyên góp, vận chuyển, sắp xếp rồi phân phát những đồ dùng thiết yếu cho các gia đình này. Thậm chí, có một doanh nghiệp đã dành riêng một nhà kho trong bốn tháng để người dân có thể tập kết các đồ dùng họ quyên góp để chuẩn bị đón những người tị nạn từ Syria đến.
Mình vẫn được nghe nhiều về tầm quan trọng của việc làm tình nguyện ở Canada, nhưng thực sự, được hưởng lợi nhiều từ thời gian, công sức, kiến thức và trải nghiệm của những người dân ở đây, mình thấy xúc động. Xã hội dân sự ở Canada nở rộ. Mọi người tham gia hăng say, nhiệt huyết, không tính toán. Ai cũng có thể làm gì đó trong khả năng của mình. Những người đứng chỉ dẫn phân luồng xe trong cái nắng chang chang, hay cặm cụi dọn dẹp những đồ rơi rớt lại khi mọi người đã về hết, hay cần mẫn xếp những chiếc bánh quy lên đĩa và gọt táo để phục vụ người đến học, hay ngồi bên cửa sổ đan chăn len để tặng bé sơ sinh, chẳng có ai ghi tên họ lên bảng vàng, đọc trên loa phường, và thậm chí họ cũng chẳng được một lời cảm ơn từ người nhận. Không biết mặt, không biết tên, không được công nhận.
Mình cũng hỏi một số người, tại sao họ làm tình nguyện? Rất nhiều người trong số đó là những người mà con cái đã lớn, đã ra ở riêng, nhà cửa đã trả hết nợ, hoặc đã về hưu hoặc vẫn đi làm nhưng gánh nặng tài chính không quá lớn, họ làm tình nguyện để có cơ hội cảm thấy mình thuộc về một điều gì đó lớn lao hơn. Cô Lynn nói nhiều khi cô đến trung tâm để gặp những người khác, họ đều rất tốt và vui vẻ. Mình nghĩ mãi mà chỉ nghĩ ra được hai ví dụ tương tự ở Việt Nam. Một là khi các gia đình ở nông thôn giúp nhau làm cỗ khi có đám cưới đám ma. Nhưng việc này mang tính chất ‘có đi có lại’, nhà người ta đã giúp mình thì giờ mình cũng phải giúp, và nghĩa vụ với nhau ràng buộc bởi mối quan hệ họ hàng. Hai là các bác về hưu làm các chức vụ cụm trưởng, cụm phó, hội phụ nữ mà không có lương. Nhưng phần lớn các bác này là Đảng viên, khi được hỏi tại sao làm, thường bảo do Chi bộ tại địa phương đề nghị, tức là làm vì cảm thấy có trách nhiệm với danh hiệu của mình. Ngày xưa nghe nói thanh niên hay được vận động đi đắp đê đắp đường, nhưng mình không nghĩ ra có hoạt động nào có quy mô tương tự trong thời đại ngày nay nữa (trừ việc sinh viên đứng đường trong mấy ngày thi đại học, mà mình luôn thấy là không cần thiết).
Mình nghĩ sự lỏng lẻo trong mối quan hệ gia đình ở Canada khiến người dân tìm đến các tổ chức dân sự để thỏa mãn mong muốn được kết nối con người. Còn ở Việt Nam, người ta đã có cả một mạng lưới họ hàng dày đặc xung quanh, có khi đi nấu cỗ đám cưới một vòng là hết cả năm rồi, nên không cần tìm đến những người lạ để cân bằng. Ở Canada, họ hàng sống xa nhau, con cái nếu đã đến tuổi trưởng thành mà còn ở với bố mẹ thì cảm thấy xấu hổ, một năm chỉ gặp gỡ một vài lần, có lẽ câu ‘bán anh em xa, mua láng giềng gần’ còn đúng hơn cả ở Việt Nam. Thế nên, sau những năm lăn lộn kiếm tiền để nuôi con, trả nợ nhà, đóng tiền vào quỹ hưu trí, đến tầm 50 trở ra là người dân có thời gian và mong muốn tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Còn một lý do quan trọng khác, là quyền lập hội và quyền hội họp nằm trong Hiến pháp Canada, luôn là hai trong những quyền quan trọng nhất (tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo). Việt Nam thì dù đã sửa Hiến pháp vài lần, nhưng hai quyền này vẫn chưa được đưa vào. Ở Việt Nam, một cách chính thức, các hoạt động của các nhóm hội đều phải thông qua nhà nước, như hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, hoặc kết hợp với các cơ quan đoàn thể, như các tổ chức phi chính phủ thì luôn phải có đối tác là một đơn vị nhà nước. Ở Canada thì mình thấy trong một trường đại học đã có đến hàng trăm các nhóm hội, câu lạc bộ, ở một thư viện địa phương cũng có vô số hoạt động, cha mẹ lúc nào cũng được khuyến khích tham gia tình nguyện cho các chuyến đi chơi, các ngày hội, các sự kiện thể thao ở trường học của con. Chỉ cần muốn làm thì cơ hội lúc nào cũng vô vàn.
Gần đây ở Việt Nam khái niệm làm tình nguyện mới bắt đầu trở nên phổ biến, nhất là với các bạn trẻ muốn đi du học hoặc học trong các trường quốc tế. Nhưng một mặt là thiếu cơ hội để làm tình nguyện, mặt khác cũng không phải là hoạt động trải rộng trong các nhóm người dân khác nhau, nên mình vẫn thấy làm tình nguyện là một khái niệm ‘ngoại nhập’ (foreign), hơi xa lạ ở Việt Nam. Sống ở Canada mới thấy tầm ảnh hưởng và tác động của nó.
Thật ra mình nghĩ mỗi xã hội cấu trúc khác nhau, và sự ràng buộc rất chặt chẽ với gia đình ở Việt Nam khiến người dân cảm thấy đã đủ trách nhiệm cũng như được thỏa mãn về kết nối tinh thần để không cần phải dựa vào những mối quan hệ cộng đồng mà người Canada tìm thấy khi làm tình nguyện. Điều đó không có nghĩa là người Canada tốt bụng hơn hay ít vụ lợi hơn người Việt. Nhưng điều đó có nghĩa là, khi người dân được nhiều tự do hơn để đóng góp theo khả năng của họ, rất nhiều điều đẹp đẽ và nhân ái sẽ có cơ hội để nở hoa.
Và điều quan trọng là, với những người từ nơi khác đến, khi không có một mạng lưới gia đình rộng lớn để dựa vào như mình, thì một xã hội cung cấp sự giúp đỡ một cách hào phóng như Canada, hết lần này đến lần khác, vẫn luôn khiến mình xúc động và cảm kích vô cùng.
Leave a Reply