Dạo gần đây, Cơm biết nhiều hơn. Tối qua, ngồi nghịch cái đèn đốt tinh dầu, mắt tròn xoe nhìn nước hóa thành sương, Cơm tháo hết mấy lớp vỏ, nước bắn tung tóe. Mình định ngăn lại, nhưng cố gắng kiềm chế ngồi im, tự nhủ cùng lắm ướt quần áo thì thay, cái gì không nguy hiểm thì cứ để kệ con khám phá. Nước là một yếu tố tự nhiên rất mê hoặc (cái đèn xông tinh dầu của mình là loại lạnh, nên nước bắn ra tỏa sương, nhưng không sợ bỏng). Và điều bất ngờ xảy ra. Khi thấy mấy giọt nước văng ra mặt tủ, Cơm đã nhìn quanh quất, rồi lấy tờ giấy ăn gần đó, lau lấy lau để.
Đêm đi ngủ, mình bảo bố Cơm: “Bây giờ con quan sát và để ý nhiều rồi, thì càng phải để ý hành động của mình. Không có gì lọt qua mắt của trẻ con. Cái gì mình không muốn con làm thì mình đừng làm”.
Hay nhắc nhau và tự nhắc bản thân như thế, mà thỉnh thoảng vẫn hơi lo lo, không biết con có bắt chước cái gì xấu xí từ mình không.
Cơm qua mốc 1 tuổi, hiểu nhiều hơn, dạy cái gì cũng học nhanh hơn, cũng có nhiều mong muốn và đòi hỏi hơn. Nhưng có một điều mình quan sát thấy người xung quanh làm, là bắt các em bé khoanh tay “ạ” rồi mới đưa cho bé thứ gì đó mà em bé muốn. Mình không bao giờ bắt Cơm hay bất kì em bé nào “ạ”, và mình cũng không bao giờ khuyến khích Cơm “ạ” khi người lớn khác đòi hỏi.
Thứ nhất, điều này không có ý nghĩa về lâu về dài. Có bao nhiêu người lớn chúng ta phải “ạ” sếp trước khi nhận lương, “ạ” vợ trước khi ăn cơm, hay “ạ” người bơm xăng trước khi anh ấy bơm xăng cho mình? Có nhiều người nghĩ rằng dạy trẻ con “ạ” để trẻ biết lễ phép với người lớn. Lễ phép là cảm ơn SAU KHI đã nhận được món đồ, chứ không phải “ạ” TRƯỚC KHI nhận được món đồ đó. Tại sao lại bắt trẻ con làm một việc mà chẳng bao lâu sau sẽ không có giá trị? Cũng giống như việc học nói, con chó thì nói là con chó, đừng nói với trẻ là con gâu gâu. Ăn thì nói là ăn, đừng nói là măm măm làm gì. Trước 3 tuổi, não của trẻ hình thành rất nhiều kết nối giữa các nơ ron thần kinh, việc dạy những thứ không đúng rồi trẻ phải học lại giống như đào đường rồi bỏ đó không đi, vừa tốn thời gian, vừa tốn nguồn lực.
Thứ hai, việc trẻ “ạ” rồi người lớn đưa cho món đồ mà trẻ đang muốn có thể gây hiểu nhầm cho trẻ rằng trẻ đang điều khiển hành vi của người lớn. Các em bé, dù chưa thể hiện được suy nghĩ bằng lời nói, nhưng luôn quan sát thế giới xung quanh vận hành và dựa trên các dữ liệu thu thập được mà rút ra kết luận. Thực sự, rất nhiều thứ người lớn không hề nghĩ đến, thì với trẻ con đều là mới mẻ, và cần tìm hiểu.
Một diễn giả của TED Talk đã nhận xét rằng trẻ con hoạt động không khác gì những nhà khoa học chính xác và cần mẫn nhất. Trong lúc trẻ chơi, chính là những lúc học hỏi và quan sát về cách thế giới vận hành. Bà cho khán giả xem một clip cậu bé tìm cách sắp xếp những khối hình. Chỉ trong vòng vài phút cậu đã đưa ra 5 giả thuyết khác nhau để thử lắp các khối hình. Hoặc một thí nghiệm khác, người ta cho một em bé mới hơn 1 tuổi đứng trước một “vấn đề”. Lúc thì món đồ chơi kêu khi người khác chạm vào, lúc thì món đồ chơi không kêu. Tùy vào dữ liệu thu thập được mà em bé sẽ kết luận là món đồ chơi hỏng, hay là người bấm “hỏng”. Và em bé sẽ hành động rất logic dựa trên kết luận mà em bé rút ra.
Quay trở lại, điều mình muốn nói là việc bắt trẻ con “ạ” rồi người lớn đưa đồ có thể khiến đứa trẻ đi đến kết luận rằng việc “ạ” của mình là nguyên nhân, dẫn đến kết quả là người lớn đưa món đồ cho mình. Mình đã chứng kiến khá nhiều đứa trẻ khi muốn cái gì đó mà một người lớn đang cầm, dù người kia không có ý định cho trẻ, nhưng trẻ cũng “ạ” lấy “ạ” để, nhằm thể hiện mong muốn có món đồ đó và thôi thúc người kia đưa cho mình. Việc này, một cách vô ý, sẽ khiến cho trẻ hiểu nhầm trình tự diễn biến sự việc, vì thực ra trẻ không có quyền quyết định người kia có cho mình hay không.
Hơn nữa, thay vì tìm cách biểu lộ mong muốn của mình, thì trẻ sử dụng cách duy nhất mà người lớn truyền đạt là “ạ” để người khác biết mình muốn món đồ đó. Việc này hoàn toàn không áp dụng được nếu người đang giữ món đồ là một đứa trẻ khác. Trẻ phải học cách bày tỏ, thương thảo, mặc cả (tớ cho cậu cái này, cậu cho tớ cái kia), thậm chí đưa ra sáng kiến (chúng mình cùng chơi chung). Tất cả những kĩ năng đó không được phát triển khi người lớn chỉ khăng khăng bắt trẻ phải “ạ”.
Thứ ba, một số người lớn giật đồ trên tay trẻ, rồi bắt trẻ “ạ” mới đưa trả lại. Hành động này khiến mình khó chịu nhất, vì nó chính là bắt nạt. Việc giật đồ như thế thể hiện rằng người lớn đó không hề tôn trọng trẻ hay chủ quyền của trẻ với món đồ. Ngoài ra, đó còn là một cách thể hiện và áp đặt quyền lực khá đáng sợ. Thử tưởng tượng, bạn đang đi xe máy ngoài đường, bỗng một anh công an chặn lại và giữ xe của bạn, trong khi bạn không mắc lỗi gì, rồi bắt bạn phải “ạ” mới cho đi tiếp. Bạn sẽ cảm thấy uất ức hay muốn nổi khùng lên? Vậy tại sao lại hành động như thế với một đứa trẻ không có khả năng phản kháng?
Rất buồn là khá nhiều người lớn vô tư làm việc này, thậm chí khoái chí khi đứa trẻ ngơ ngác vì bị giật đồ, và cười ha hả ép trẻ phải “ạ” phải “xin” cho bằng được. Buồn hơn nữa, nhiều trẻ là nạn nhân của trò này sau đó cũng trở nên hung hãn, giật đồ của các bạn nhỏ khác, và hoàn toàn không biết chia sẻ hay nhường nhịn.
Trẻ con sẽ luôn là tấm gương trong nhất và sáng nhất để phản chiếu những người lớn xung quanh. Làm cha mẹ khó, vì làm cha mẹ chính là quá trình soi lại và tự chỉnh đốn. Những điều này mình nghĩ ra, cũng chỉ là một lần thực hành soi chiếu một hành động mà rất nhiều người cho là bình thường, có gì mà phải quan trọng hóa vấn đề.
Nếu muốn trẻ con tôn trọng mình, thì trước hết mình phải tôn trọng trẻ con đã, người lớn ạ!
Link https://www.ted.com/talks/alison_gopnik_what_do_babies_think
https://www.ted.com/…/laura_schulz_the_surprisingly_logical…
Leave a Reply