Mỗi khi người quen, và cả người lạ, biết rằng tôi và chồng đều không biết tiếng Pháp, mà lại chuyển đến Montreal sống, câu hỏi đầu tiên họ bật ra là: “Sao lại đến đây làm gì?”
Làm gì nhỉ, khi mà chúng tôi cũng không có ràng buộc gì với thành phố này, về công việc, người thân, hay pháp lý? Không có ai yêu cầu chúng tôi đến đây, và cũng chẳng có ai chờ đợi chúng tôi ở đây.
Việc chuyển đến thành phố có số người nói tiếng Pháp lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Paris, không phải là một quyết định dễ dàng. Tôi đã đọc rất nhiều thông tin, từ đủ mọi nguồn, đã hỏi ý kiến rất nhiều người sống ở Montreal, người gốc Quebec, người da trắng chỉ nói tiếng Anh, và người Việt chỉ biết tiếng Việt. Tôi đã suy nghĩ rất lâu và đắn đo chán chê. Sau 7 năm ở Canada, tôi hiểu rõ điểm yếu của mình. Khó khăn và thiếu thốn không làm tôi mệt mỏi bằng cảm giác lạc lõng và xa lạ.
Và cũng đúng như những gì tôi đã được nghe, tôi vẫn có thể làm được mọi việc cần thiết bằng tiếng Anh. Nhà đã thuê được, xe đã mua được, trường học cho con đã đăng kí được, giấy tờ cần thiết cũng đang rục rịch tiến triển. Các dịch vụ công nhân viên đều nói được tiếng Anh. Còn mua sắm đồ ăn hàng ngày thì chẳng cần biết tiếng gì, chỉ cần tiền, vẫn có thể giao dịch được.
Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ có những điều tối thiểu như thế. Có một điều, có lẽ tốt nhiều hơn là xấu, là tất cả những người gặp trên đường đều mặc định chúng tôi nói được tiếng Pháp. Họ không cho rằng chúng tôi là những người nước ngoài không biết ngôn ngữ của họ, như khi bạn nhìn thấy một người da trắng hay da đen trên đường phố ở Việt Nam, nên nếu muốn nói gì, họ xổ luôn một tràng tiếng Pháp, chứ chẳng thèm giơ tay ra kí hiệu. Bao nhiêu lần, những bà già trên đường ú òa và vẫy tay với con gái tôi, hay một người tốt bụng ngỏ ý muốn khiêng đỡ xe đẩy xuống cầu thang bộ trong bến tàu điện ngầm, hay một đứa trẻ loanh quanh chơi trên cầu trượt và tôi muốn bé để ý đừng xô vào con mình, tôi đều chỉ nhe răng cười cười chứ chẳng nói được.
Ngày hội của tỉnh Quebec, nêu cao tinh thần dân tộc của một vùng đất khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của Canada, tôi cũng cố lôi mẹ, chồng và con ngồi phơi nắng đợi nghe nhạc trên bãi cỏ, giống như người ta, những mong mình sẽ cảm thấy mình là một phần của đám đông. Nhìn xung quanh, toàn người da trắng, nói tiếng Pháp, những tiếng trống to đến chát chúa, khói cần sa phảng phất khắp nơi, tôi đi về mà cảm thấy lòng trĩu nặng, vì càng thấm thía sự khác biệt của mình.
Cảm giác thuộc về một nơi, đối với tôi, là thứ rất mất thời gian và rất khó để vun đắp. Hồi mới sang Canada đi học, tôi đã thấy rất chán, và ghen tị với bạn bè đang đi học đại học ở Việt Nam. Vui làm sao, dễ dàng làm sao! Tôi muốn trở về với cái dễ dàng. Cũng như bây giờ, hầu như cứ vài ngày cái ham muốn quay trở lại phần nói tiếng Anh của Canada lại bùng cháy trong tôi. Ở đó, tôi hiểu tất cả mọi thứ diễn ra quanh mình, tôi có thể nói đùa và tiếp nối câu chuyện với những người lạ trong thang máy, tôi thấy thoải mái và tự tin. Những sự giằng xé và vật lộn của những ngày đầu mới đi du học quay trở lại, những tháng ngày đau khổ vì đủ mọi thứ cảm xúc mà tôi tưởng đã có thể bỏ lại trong quá khứ.
Hồi đó, 18 tuổi, lần đầu đi nước ngoài, lần đầu xa nhà một mình, tôi hoàn toàn không hề được chuẩn bị bất cứ thứ gì. Giống như một con chim chưa bao giờ được bay, tự nhiên một ngày được thả ra bầu trời cao rộng, tôi bị choáng váng đến ngạt thở, và thay vì sải cánh bay, tôi cứ trượt dài, ngã và ngã, rồi loay hoay để bị nhích lên từng bước một. Cái gì cũng không biết.
Cầm cái thẻ ngân hàng để thanh toán, không biết phải nhét đầu nào vào máy đọc, không biết ấn nút nào để trả tiền. Đi vào nhà vệ sinh công cộng, không biết giơ tay ra máy sấy khô, không biết chỉnh vòi sao cho nước chảy, nhiều khi còn không biết nút xả nước trong bồn cầu ở chỗ nào. Đi mua bánh mì, tôi không biết quy trình là phải chọn vỏ từ khoảng 5-6 loại bánh, rồi chọn nhân từ 5-6 loại thịt, các loại rau ăn kèm tôi cũng chẳng biết tên, và cả chục loại nước sốt. Tôi lúng túng, người bán hàng thì mất kiên nhẫn, đằng sau cả một hàng dài người mua đang chờ.
Mà đó mới chỉ là những thứ nhỏ nhất, cơ bản nhất.
Lần này là lần đầu tiên mẹ tôi đặt chân đến Canada. Nhìn mẹ, tôi nhận ra trong những năm qua mình đã học được rất nhiều, quá nhiều thứ về cuộc sống ở đây. Như việc rau mua về để trong tủ lạnh mà buộc chặt túi nilon sẽ bị thối. Mẹ tôi tưởng là càng buộc chặt càng tốt, vì mẹ sống cả đời chỉ biết dùng rau mua ngày nào ăn ngày đấy, chưa bao giờ phải mua thức ăn để cả tuần.
Hết lần này đến lần khác, tôi phải tự nhủ bản thân, rằng việc ở trong vị trí của một người không nói ngôn ngữ của những người xung quanh, mặc dù nó khiến tôi cảm thấy ngu ngốc, hèn kém, và mặc cảm, sẽ giúp tôi hiểu hơn cảm giác của những người yếu thế. Những người đàn ông lớn tuổi, nói tiếng Anh rất tốt, nhưng vẫn khăng khăng bắn hàng tràng tiếng Pháp, mặc dù biết chúng tôi đần mặt ra không hiểu, rồi lên giọng khuyên nhủ rằng “đã ở đây thì phải học tiếng Pháp”, cũng chẳng thèm nghe tôi phân bua rằng chúng tôi đã đăng kí đi học tiếng Pháp toàn thời gian, thậm chí đó là một trong những việc đầu tiên tôi làm. Mỗi lần bị nhắc về thân phận bị gạt ra bên ngoài như vậy, tôi lại thấy chán nản.
Trước khi nhắm mắt ngủ mỗi đêm, tôi lại cố ghim vào đầu mình, rằng những mệt mỏi, lạc lõng, và chán chường này, sẽ giúp tôi thông cảm và kiên nhẫn hơn với những người Việt không nói tiếng Anh mà tôi phiên dịch cho. Tôi đang ở vị trí của họ. Và quan trọng hơn nữa, tôi nhắc mình nhớ rằng ngày xưa tôi cũng từng phải căng tai, vắt óc để nghe tiếng Anh, phải đọc đi đọc lại những trang sách khi mắt đã cay xè mà những con chữ như xoắn lại với nhau rồi nhảy múa, mãi không hiểu. Để nặn ra được một trang giấy, thì phải mở đến vài cái từ điển, tra ngược rồi tra xuôi. Trong lớp, trước khi rụt rè giơ tay phát biểu thì phải nghĩ hết cả câu, rồi khi được nói thì mặt đỏ bừng, cứ tưởng như cả lớp đang cười khúc khích vì mình nói ngọng. Nếu cứ ở trong comfort zone, thì tôi cũng sẽ không có động lực để học một ngôn ngữ mới.
Tôi cũng nhắc cho mình nhớ rằng, sự thoải mái bây giờ với tiếng Anh không phải có sẵn, mà cũng là thành quả của rất nhiều năm miệt mài. Cũng rất nhiều lần thấy lạc lõng khi người xung quanh phá ra cười, mà mình chẳng hiểu gì cả. Rất nhiều khi thấy chùn chân, mỏi gối, và phải tự nhủ “Hãy cho bản thân thời gian. One step at a time. Đừng kì vọng nhiều. Đừng vội. Đừng nghĩ ngợi.”
Leave a Reply