Vừa nấu cơm, vừa nghe Đen Vâu:
Anh nghĩ anh cần cảm ơn em, vì những gì mà anh đã nếm trải
Kỉ niệm sẽ là thứ duy nhất, đi theo anh cả cuộc đời dài
Nếu không có gì để nhớ về, anh sợ lòng mình khô nứt nẻ
Tự nhiên, mình trào lên cảm giác nhớ một không gian nho nhỏ, xanh xanh, trong một quán café vườn cạnh bờ hồ ở Hà Nội. Đã rất lâu rồi mình không nhớ Hà Nội. Bánh cuốn, bún chả, mùi hương ngày Tết, hay cảm giác phê pha khi được tung tẩy ra đầu ngõ gội đầu, đã lâu không còn làm mình vật vã. Cảm giác nhớ nhà bây giờ chỉ thỉnh thoảng mới trồi lên, mông lung và mơ hồ, như một không gian, một thời khắc, một tâm thế của chính mình những ngày còn tự do và vô lo của nhiều năm trước.
Phải có yêu thì mới có nhớ.
Chính vì thế, khi có bạn hỏi mình “Làm sao để cân bằng giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong quá trình dạy con?” thì mình ớ người ra. Câu hỏi vĩ mô quá. Lâu lắm rồi mình không suy nghĩ về những thứ vĩ mô. Và nuôi con là một hành trình dài, cũng chẳng có nhiều sức lực và thời gian để mà suy nghĩ những điều to lớn.
Việc giữ gìn tiếng Việt cho Cơm, mình chỉ có thể cố gắng hết sức để con yêu ngôn ngữ đó. Yêu vì bố mẹ vừa thơm bàn chân con vừa nói “Cơm Cơm là em bé yêu dấu của bố mẹ”. Yêu vì chiều chiều đi học về, trong khi mẹ nấu cơm, thì bố bật nhạc để hai bố con cùng “quẩy”. Yêu vì trước khi đi ngủ, Cơm sẽ vừa ôm mẹ, vừa tu ti, chân gác lên bụng mẹ, và tai dỏng lên nghe mẹ đọc sách.
Trường học làm tốt một việc, đấy là dạy trẻ con CÁCH đọc. Nhưng làm sao để trẻ MUỐN đọc, việc đó phần lớn là trách nhiệm của gia đình. Dạy trẻ đọc không cần nhiều thời gian, nhưng để gieo vào lòng đứa bé ấy một hạt mầm của tình yêu sách, sau này lớn lên sẽ đâm chồi nảy lộc, và đứa bé ấy sẽ có thể đi dạo trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, thì là một cam kết lâu dài.
Việc đọc sách cho Cơm cho kết quả sớm hơn mình tưởng rất nhiều. Mình cứ nghĩ rằng, chắc phải đến năm 5-6 tuổi Cơm mới có thể thích sách đủ để tự ngồi đọc. Nhưng bây giờ, hơn 2 tuổi một chút, Cơm đã tự giở những quyển sách bố mẹ đọc cho, ngồi xem tranh một mình trong một khoảng thời gian khá dài đối với một em bé ở độ tuổi đó.
Thế nên, nỗ lực của mình trong việc tổ chức giờ Kể chuyện cho bé tại một thư viện cộng đồng ở Montreal không gì ngoài gieo rắc tình yêu. Tình yêu với việc đọc sách. Tình yêu với tiếng Việt. Nhiều phụ huynh rất phiền lòng vì con không chịu nói tiếng Việt. Nhưng thường thường, cách duy nhất mà họ biết là đưa con đến những lớp dạy tiếng Việt vào cuối tuần. Nhưng một đứa trẻ đi học cả tuần, làm sao đủ hào hứng để tiếp tục đi học vào ngày nghỉ? Hơn nữa, việc học ngôn ngữ, nếu không phải thấm nhuần một cách tự nhiên, thì sẽ đòi hỏi sự cố gắng và động lực. Cả hai thứ đó thường chỉ có ở người lớn. Một đứa trẻ sống trong xã hội dùng tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, sẽ không thấy mình cần hay muốn biết tiếng Việt.
Hôm chủ nhật vừa rồi là buổi Kể chuyện thứ hai mình tổ chức. Một cậu bé 4 tuổi được bố đưa đến lần đầu tiên đã khóc thét, ôm chặt lấy bố, không muốn vào. Bé không chịu ngồi cùng các bạn, nên bố phải bế trên lòng, ngồi đằng sau. Cuối buổi, tức là sau khi nghe ba quyển sách, chơi một trò chơi nhỏ, và nghịch giấy màu, bút vẽ, kéo và hồ, cậu bé vui vẻ hẳn lên. Bố cậu bé giải thích là con tưởng phải đi học, bố sẽ thả mình vào chỗ lạ hoắc này rồi bỏ về, nên giãy dụa phản kháng. Nhưng sau đó thấy bố ngồi cùng mình, không phải học gì cả, chỉ có chơi, nên thích lắm.
Trẻ con thường nhớ rất lâu khi cảm thấy vui. Trong một tâm trạng khó chịu, uể oải, bực dọc, cho dù người dạy có giỏi đến mấy, trẻ cũng sẽ không để vào đầu bất cứ thứ gì.Mình chia sẻ với các bố mẹ đưa con đến buổi Kể chuyện, rằng có thể con không nhớ hôm nay đọc sách gì, không nhớ cô kia tên gì, chẳng sao cả. Nếu các con chỉ nhớ rằng, mình đã đến một chỗ mà mọi người toàn nói tiếng Việt, và mình thấy vui, thì với mình đó đã là một thành công rất lớn rồi.
Cơm Cơm nhà mình thì bây giờ đã đọc sách dành cho lứa tuổi 6+, khi bố hỏi “Con ngủ dậy vào buổi gì”, thì bạn ý trả lời rằng “Con dậy từ sáng tinh mơ”, ra đường nghe người ta bấm còi thì bình luận “xe ô tô bấm còi inh ỏi”, ăn tối xong thì nhận xét “ăn no căng cả bụng”. Một em bé mà đầu vào tiếng Việt hầu như chỉ có hai bố mẹ, một tuần đi học 5 ngày ở trường mẫu giáo nói tiếng Anh và Pháp, đối với mình như thế là mừng lắm.
Một điều đáng mừng nữa là gần đây, một số anh chị ở các thành phố khác nhau trong Canada liên hệ với mình để hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động đọc sách tương tự cho trẻ con ở khu vực của họ. Có nhiều người hỏi mình có phải làm trong ngành mầm non không. (Câu chuyện về ngành học, việc mình làm để kiếm tiền, và những việc làm do quan tâm thì thật dài dòng). Hi vọng chẳng bao lâu nữa, những buổi Kể chuyện bằng tiếng Việt sẽ mọc lên ở khắp Canada, và có thật nhiều mầm tình yêu với sách và với tiếng Việt được gieo vào trái tim và tâm trí của các bạn bé.
Leave a Reply