Cách đây đúng 45 năm, lịch sử nước Mỹ ghi nhận một kỉ lục mới. Chỉ trong ngày 1/5/1971, hơn 7000 người bị bắt. Trong ba ngày tiếp theo, hơn 6000 người nữa bị bắt. Cảnh sát phải huy động xe buýt thành phố để trung chuyển những người tham gia phong trào phản chiến. Nhà tù của Washington DC không đủ chứa hết số tù này, cảnh sát phải nhốt người vào sân bóng có hàng rào.
Ngày 3/5/1971, khoảng 25,000 người dùng xe, đồ vật và cơ thể mình để chặn 21 điểm cầu và nút giao thông chính tại Washington, nhằm ngăn cản các viên chức nhà nước đến công sở. Phương châm của họ là, “nếu chính phủ không cho dừng cuộc chiến, thì chúng tôi sẽ ngăn chặn chính phủ làm việc”. Họ tuyệt đối không dùng phương pháp bạo lực nào, chỉ nhắm đến bất tuân dân sự (civil disobedience).
Dĩ nhiên thời đó chưa có Facebook, điện thoại di động hay các phương tiện liên lạc dễ như bây giờ. Những người phản kháng được phát một tài liệu hướng dẫn, ghi rõ những điểm họ cần cản trở giao thông nên phía chính quyền biết trước hết cần tập trung quân ở đâu để bắt người. Hơn 10,000 cảnh sát và quân lính nhanh chóng tỏa ra, kèm thêm 4000 lính dự phòng được lệnh phải “kiên quyết xử lý những phần tử phản động”. Cảnh sát xịt rất nhiều hơi cay vào đám đông, cũng như các loại hơi gây nôn và hơi có chứa hạt tiêu cực nóng, cả trực tiếp lẫn dùng máy bay trực thăng.
Rất nhiều người bị thương trong khi giằng co với cảnh sát. Ở các trường đại học, sinh viên y khoa tình nguyện sơ cứu trực tiếp trên sân trường. Những người dân sống gần khu sân bóng ném thức ăn, chăn và những lá thư động viên qua hàng rào. Chỉ trong vòng một ngày, những cộng đồng này quyên góp được rất nhiều đồ ăn để tiếp tế cho những người bị bắt.
Cuối cùng, nhân viên chính phủ ở Washington vẫn đến được sở làm, dù có bị muộn vài tiếng. Hầu hết những người bị bắt đều được thả ra, có 79 người bị kết tội. Một số người sau đó đâm đơn kiện rồi được đền bù vì đã bị bắt trái phép, trên cơ sở việc bắt giữ vi phạm hiến pháp quy định quyền tự do hội họp. Sự kiện này đã làm rung động bộ máy của Tổng thống Nixon, đóng góp rất lớn vào quyết định dừng tham chiến ở Việt Nam bốn năm sau.
Giám đốc CIA lúc bấy giờ nói “Tất cả mọi người trong bộ máy chính quyền…đều coi đây là một sự kiện có tác động tiêu cực rất lớn. Không có ai nghi ngờ gì về điều đó.”
Đọc thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/1971_May_Day_protests
https://www.rt.com/usa/mayday-usa-protesting-history/
https://libcom.org/library/ending-war-inventing-movement-mayday-1971
https://nvdatabase.swarthmore.edu/content/washington-dc-protests-against-war-vietnam-mayday-1971
Leave a Reply