Những thuyền nhân – cơ hội sống sót trong những ngày lênh đênh trên biển
và nhiều năm sau đó ở trại tị nạn cực kì mong manh
Có một hôm trong những ngày lang thang một mình ở Toronto, không biết đi đâu và trời vẫn còn sáng (mùa hè ở Canada ngày rất dài), nên tôi quyết định đến phố Tàu (Chinatown) để tự thưởng cho mình một bát phở và một chầu gội đầu. Dĩ nhiên ra hàng gội đầu là một tận hưởng khá xa xỉ với sinh viên nghèo ở nơi những dịch vụ làm đẹp rất đắt đỏ. Tôi thấy một biển hiệu bên ngoài, đề “Cắt tóc Tố Uyên”, có vẻ rẻ, nên chậc lưỡi bước vào.
Cửa hàng nằm trong một khu chung cư xập xệ khuất giữa những hàng hoa quả, quần áo 3 đô 1 cái 5 đô 2 cái treo hàng hàng lớp lớp và luộm thuộm như những khu chợ cóc, trái ngược hẳn với những khu trung tâm thương mại sáng loáng chỉ cách đó vài bước chân. Chung cư có biển tiếng Việt, đề “Làng Á Châu”, đi sâu vào thấy ẩm mốc và tăm tối, không một bóng người, chỉ có hai ông bà già người Hoa mặt nhăn như tờ tiền cũ, ngồi dựa vào nhau hiu hắt ở cổng. Tìm thấy hàng cắt tóc, tôi ngó vào, không hề có các chị các cô móng tay đỏ chót và tóc nhuộm vàng khè đang ngồi tán dóc chuyện chồng con như tôi tưởng, chỉ có một người phụ nữ đứng tuổi vùi mặt sau tờ báo. “Còn làm việc không cô?” – “Còn, còn làm.”
Cô là người Hoa ngày xưa ở Chợ Lớn đó con. Cô biết nói tiếng phổ thông nè, tiếng Quảng, tiếng Việt, và chút chút tiếng Anh, nhưng cái gì cũng chút chút không hà, không có tiếng nào rành rọt cả. Ngày xưa nhà cô ở Chợ Lớn buôn bán dữ lắm, nhưng sang đây cũng 30 năm rồi – Cô học nghề ở đâu? – Thì cứ tự mình học của người ta thôi, coi người ta làm sao thì mình làm vậy. Cô ngày xưa sang đây đâu được giỏi như tụi con bây giờ.
Gội đầu và cắt tóc. Tôi luôn cho rằng những người làm ở hàng tóc, viện thẩm mĩ thấy mình có nhu cầu phải gợi chuyện làm thân với khách, vì khi thực hiện những động chạm rất cá nhân như gội đầu, rửa mặt, người ta cũng khó mà im lặng như hai người xa lạ. Có lẽ những động tác đấy khiến người ta thấy cần phải gần gũi, hoặc ít nhất là tỏ ra gần gũi với khách hàng của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi, kể cả sau này có không bao giờ gặp lại nhau.
Cộng đồng người Hoa Kiều ở Việt Nam vào những năm 78, 79, cho đến đầu những năm 80, một triệu con người nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, sinh sống ở Việt Nam đã nhiều đời, nắm trong tay gần một phần sáu tiền mặt lưu hành trong cả nước (*). Để rồi khi quan hệ Việt-Trung chao đảo, những người cầm quyền ở Việt Nam muốn đẩy họ đi, còn phía Trung Quốc cũng không muốn nhận họ về. Có nhiều người không nói được tiếng Trung, cũng không còn họ hàng thân thích nào ở bên kia biên giới, nhưng vì không chịu được bị phân biệt đối xử, bị tịch thu tài sản, rồi cơ nghiệp bỗng chốc tan thành mây khói, họ đành hoặc phải quay trở lại “cố quốc”, hoặc đành trao thân cho những con sóng, nhắm mắt lên tàu để số phận đưa đẩy ra sao thì ra.
Tôi đã luôn tưởng rằng, những người tị nạn ra đi vì họ không muốn bỏ mạng trong chiến tranh. Nhưng sự thật là, trong suốt hơn 30 năm chiến tranh, những người Hoa Kiều vẫn sống ở Việt Nam, và họ chỉ lũ lượt ra đi khi công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội muốn biến tất cả thành vô sản, khiến những thương nhân người Hoa chỉ sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy của cải mình bị sung công, tiền mặt mình có không còn giá trị, nhà của và vàng bạc hoặc bị tịch thu, hoặc cũng dần dần tiêu tán.
Sau đợt thanh tẩy đó, Việt Nam rũ bỏ gần hết số Hoa Kiều trong nước. Trên những con tàu xập xệ vượt biên, rất nhiều người Việt gốc Hoa đã bỏ mạng vì đói khát, vì bệnh tật, cướp biển, hãm hiếp và giết chóc. Lúc đó, từ ủng hộ, ngưỡng mộ Việt Nam sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, dư luận thế giới đã cực kì phẫn nộ trước sự vô cảm và tàn nhẫn hàng triệu con người phải gánh chịu, những người bị mắc kẹt giữa phân chia về quốc gia, lãnh thổ. Sinh ra là người Hoa ở trên đất Việt, họ không thuộc về nơi này, cũng chẳng được đón nhận ở nơi kia.
Khi cô Tố Uyên, một người phụ nữ Hoa Kiều trưởng thành ở Chợ Lớn Sài Gòn, lóp ngóp đi lên từ đáy xã hội Canada lúc tuổi đời chẳng còn trẻ, xả nước, gãi đầu, sấy tóc và rủ rỉ trò chuyện với tôi, một đứa con gái mà giọng nói và tuổi đời cho cô biết rằng tôi sinh ra ở miền Bắc, không hay biết gì về những tháng ngày cô trải qua, và đến Canada với vốn tiếng Anh nhiều hơn số câu cô nói được trong suốt 30 năm lăn lộn ở đây, cô đã nghĩ gì? Lúc đó tâm trí tôi chỉ toàn một mớ lùng bùng tin tức về biển đảo, giàn khoan, về những nguy cơ chiến tranh và mâu thuẫn. Đối với cô thì có điều gì quan trọng không? Việt Nam là nơi chôn rau nhưng đã hất bỏ cô, Trung Quốc là quê hương nhưng đã từ chối cô, Canada cưu mang, nhưng chưa bao giờ chấp nhận cô.
Cô thấy phục vụ khách nào khó nhất? – Người nói tiếng phổ thông đó con. – Tại sao ạ?- Họ bỏ đồng tiền ra thì nghĩ là to lắm, mình phải làm cái này cái kia, nhiều khi làm cả buổi chưa vừa ý. Người Việt mình dễ nè. – Thế là cô thích làm cho người Việt ạ?- Ừ, người Việt với người Quảng, mình ở chung với nhau lâu rồi nên dễ tính giống nhau.
Câu trả lời đó của cô khiến tôi nghĩ rằng cố gắn mình với một định nghĩa về quốc gia thật ra chẳng quá quan trọng. Người nào tốt với mình thì mình sẽ quý mến họ, vậy thôi. Nếu có ai hỏi, cô Tố Uyên có thể giới thiệu cô là người Hoa, người Việt, hay người Canada đều được. Hoặc đơn giản, là cô Tố Uyên cắt tóc, vậy thôi.
(*) Đọc thêm cuốn Beijing, Hanoi and the Overseas Chinese – Pao-min Chang (1982)
Nguồn ảnh
Leave a Reply