(Vốn quan tâm về các phong trào xã hội – social movement và có học một lớp về chủ đề này trong chương trình thạc sĩ, mình sẽ chia sẻ thông tin về các chiến thuật phản kháng bất bạo động – nonviolent protest tactics – để những người không đọc được tiếng Anh có thể tiếp cận.)
Đầu năm 1965, quân đội Mỹ đổi chiến thuật can thiệp quân sự ở Việt Nam. Lúc đầu vào Việt Nam với lý do “cố vấn”, nhưng vì không đạt được kết quả mong muốn, đồng thời người dân Mỹ thiếu quan tâm và giám sát với các diễn biến tại Việt Nam, nên tình hình bạo lực leo thang nhanh chóng. Lính Mỹ được phép đánh bom rải thảm, thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu giáp lá cà khi đánh nhau với quân đội Việt Cộng miền Bắc.
Lúc đó, ở trong nước, những sinh viên Mỹ lên tiếng hay tham gia vào các hoạt động phản chiến bị đuổi học, đe dọa và gây sức ép. Họ bị gán là đi theo thế lực thù địch, cụ thể là “đồng chí của Castro và Mao Trạch Đông” (Anderson, 1999: 57). Các giáo sư dạy đại học, mặc dù cảm thấy có điều gì sai trái ở đây, nhưng ông nào cũng sợ mất việc, thì lấy gì mà nuôi vợ, nuôi con.
Ngày 11 tháng 3 năm 1965, một nhóm giảng viên trường đại học Michigan họp nhau lại để bàn cách lên tiếng. Họ đã nghĩ ra một phương pháp tuyệt vời, kết hợp giữa khai dân trí và phản kháng bất bạo động: teach-ins. Không dám đình công hay dạy về chiến tranh ở Việt Nam trong giờ làm việc vì bị trưởng khoa dọa dẫm, họ quyết định sẽ hợp tác với nhau để tổ chức những buổi thảo luận, chiếu phim, ca hát, bài giảng xoay quanh chủ đề chiến tranh ở Việt Nam xuyên đêm. Ngày 24 tháng 3 năm 1965, buổi dạy xuyên đêm đầu tiên diễn ra, với sự tham gia của hàng trăm trí thức và nghệ sĩ, hàng ngàn sinh viên và dân thường quan tâm đến chủ đề này.
Vào thời điểm đó, phần đông người dân Mỹ vẫn ủng hộ can thiệp quân sự ở Việt Nam, vì họ sợ Cộng Sản, và vì họ tin vào những điều chính phủ Mỹ hứa hẹn, là chỉ nỗ lực ngăn chặn sự lan tỏa của Việt Cộng, không làm hại dân thường. Còn nữa, với hầu hết người Mỹ, Việt Nam là một xứ nhiệt đới xa lạ và kì quái, một cái tên không gợi lên kí ức hay câu chuyện nào cả. Nếu có đánh bom vùng đất toàn rừng cây, thú dữ và sốt rét đó, họ thấy chẳng làm sao.
Buổi teach-ins đầu tiên thảo luận về các chiến lược của Mỹ ở Việt Nam, về văn hóa và lịch sử Việt Nam, rằng đây là một đất nước có ngôn ngữ, có bản sắc dân tộc, có những người dân vô tội đang khóc than khi người thân và bạn bè của họ trúng bom đạn mà chết. Sinh viên được nói như bằng vai phải lứa với giáo sư, người dân được thắc mắc về sự hiện diện của con trai, của người yêu họ ở xứ sở xa xôi kia có thực sự là “sự hi sinh cao đẹp vì hòa bình cho nhân loại”. Đặc biệt nhất, một trong những phim được chiếu trong buổi này là phim tài liệu do Mặt trận giải phóng Miền Nam sản xuất, được nhập lậu vào Mỹ (nếu bị bắt chắc mấy ông chiếu phim đã bi khép vào tội “cấu kết với tổ chức nước ngoài để kích động quần chúng nhân dân”).
Có những kẻ phá đám, hò hét những câu khẩu hiệu ủng hộ chiến tranh. Buổi dạy kết thúc khi mọi người phải túa ra chạy vào trời đêm nhiệt độ dưới âm vì có người đe dọa ném bom hội nghị.
Giáo sư Ernest Nagel (Columbia University): “Mục đích chính của cuộc gặp gỡ này, mục đích chắc chắn đáng được sự ủng hộ từ những người theo đuổi những lý tưởng về tự do, đấy là đóng góp vào công cuộc khai dân trí (public enlightenment) thông qua việc thảo luận có trách nhiệm về một vấn đề nghiêm trọng tất cả chúng ta đều đối mặt.”
Dĩ nhiên sự kiện này đã kéo theo rất nhiều buổi teach-ins tương tự nổ ra tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Dĩ nhiên vô số sinh viên và giáo sư bị đe dọa, gây sức ép, thậm chí bị chính quyền Mỹ bịt miệng và trả thù. Dĩ nhiên, phong trào này đã góp phần làm dấy lên những hoạt động phản chiến mạnh mẽ, gây sức ép nên Nghị Viện Mỹ, để cuối cùng Mỹ quyết định cắt viện trợ ở miền Nam Việt Nam và rút quân. Và hôm nay, ở một nước xa xôi người ta ăn mừng ngày “thống nhất đất nước”, và không biết gì đến những người cả trẻ và già, cách đấy mấy chục năm, đã lên tiếng vì họ bất chấp nguy hiểm đến bản thân và gia đình mình.
Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Teach-in
http://crooksandliars.com/gordonskene/may-15-1965-vietnam-war-teach
http://schugurensky.faculty.asu.edu/moments/1965teachin.html
Ảnh: Sinh viên đại học Michigan chăm chú học và thảo luận xuyên đêm về Việt Nam.
Leave a Reply