1. Một câu dạy của Khổng Tử có lẽ người Việt ai cũng biết, là “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – con người khi mới sinh ra tính tình đều hiền lành, nói cách khác, bản chất của con người là tốt.
Tuy nhiên, câu hỏi về bản chất con người luôn gây nhiều tranh cãi. Ngược với Khổng Tử, có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng, ví dụ như nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud, tin rằng “Nhân chi sơ, tính bản ác” – bản chất của con người tiến hóa từ cầm thú là sự hung hăng, tàn bạo, chỉ có điều khi văn minh lên thì chúng ta đè nén bản năng ấy xuống mà sống với nhau dựa trên các thỏa thuận chung, hay chính là luật pháp, nguyên tắc đạo đức, và các “khế ước xã hội” như lời của Rousseau. Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi nấng con cái, con cái lại phải phụng dưỡng cha mẹ khi về già, nếu hai cá nhân có bất đồng phải mang ra tòa phân xử, chứ không phải ai đánh thắng người kia thì sẽ giành được phần thịt to. Người ta dựa vào lý lẽ và lý trí thay vì sức mạnh của cơ bắp để sống với nhau hòa thuận.
Các “tù nhân” và “cai tù” là sinh viên trong thí nghiệm ở trường Stanford năm 1971
Có hai thí nghiệm tâm lý học rất nổi tiếng về tính hung hăng (aggressiveness) trong những người bình thường. Năm 1971, giáo sư Phillip Zimbardo của đại học Stanford ở Mỹ chọn 24 nam sinh viên hoàn toàn mạnh khỏe, thông minh, không có tiền sử bất thường gì về tâm lý hay hoàn cảnh gia đình. Các sinh viên được chia thành hai nhóm ngẫu nhiên, một nhóm đóng giả làm cai ngục, một nhóm làm tù nhân. Thí nghiệm diễn ra ngay ở tầng hầm của khoa Tâm Lý Học trường Stanford. Chỉ sau vài ngày, các sinh viên nhập vai tốt đến mức những người đóng làm cai ngục bắt đầu dùng đủ mọi trò để làm nhục những người mới chỉ vài ngày trước là bạn học của mình. Khi một tù nhân phản đối cách đối xử không nhân đạo bằng cách tuyệt thực, các cai ngục tống người này vào một buồng giam riêng và bắt những tù nhân còn lại phải liên tục đập mạnh vào cửa và chửi bới bạn tù (mọi hình thức bạo hành về thể xác bị cấm tuyệt đối). Những tù nhân chỉ được gọi bằng số hiệu, hoàn toàn không có tên. Một sinh viên đóng làm tù nhân có dấu hiệu hoảng loạn nên được “thả” ra sớm.
Điều khiến nghiên cứu này nổi tiếng là những sinh viên hoàn toàn hiền lành, khỏe mạnh, chỉ trong vài ngày đã biến thành những cai ngục thứ thiệt, thích thú trên sự khổ đau của người khác. Sự việc đi xa đến nỗi vị giáo sư cũng bị cuốn vào một thí nghiệm do chính mình dựng lên, gần như quên mất rằng đây chỉ là những nam thanh niên đang tham gia vào một nghiên cứu khoa học. Phải đến khi người yêu của giáo sư đến thăm, chứng kiến tận mắt thí nghiệm và tuyên bố sẽ chia tay nếu không dừng ngay lại thì nghiên cứu mới chấm dứt, sớm hơn nhiều so với dự định.
Thí nghiệm Milgram ở trường Yale năm 1961
Một thí nghiệm khác được thực hiện trước đó 10 năm do giáo sư Stanley Milgram ở đại học Yale, Hoa Kỳ. Lại là những người bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh và không có vấn đề gì về tâm lý, được giao cho một nhiệm vụ đơn giản. Ở phòng bên cạnh là một người họ không quen (nhưng thật ra là máy), mỗi lần “người đó” trả lời sai, thì người tham gia thí nghiệm sẽ dùng shock điện để “dạy” người kia câu trả lời đúng. Người này sẽ nghe thấy những tiếng kêu đau đớn, van xin đừng shock điện nặng, rằng mình bị bệnh tim (được thu âm sẵn), nhưng đồng thời cũng có các nhà khoa học đứng cạnh yêu cầu người này phải tiếp tục tăng mức shock điện. Kết quả là đến 65% người tham gia đã giật điện người ở bên kia với mức 450 vôn, đủ gây chết người.
Cũng như trên, thí nghiệm này cho thấy những người hoàn toàn bình thường, nhân hậu, khỏe mạnh, có thể trở nên dã man và vô nhân tính thế nào khi ở trong hoàn cảnh “thích hợp”.
Mặt nạ chiến binh
2. Có rất nhiều dân tộc, trước khi các chiến binh ra trận sẽ vẽ mặt hoặc đeo mặt nạ. Người Hi Lạp, La Mã, Trung Hoa cổ đại đều có các bộ giáp phục che nửa mặt hoặc hết cả mặt. Có nhiều cách lý giải, có thể họ đeo mặt nạ để hù dọa đối phương, hoặc cầu đến sự che chở của thần linh. Đời nhà Trần ở nước ta, có nhiều quân lính trước khi xung trận cũng xăm mình long thần (có người cho là Lạc Long Quân). Ngoài ra, còn có một cách hiểu về mặt tâm lý, khi một người đã che kín mặt, họ trở thành người vô danh, và vì thế dường như có một danh tính (identity) khác, lúc đó họ chỉ là những người lính, nghe theo lệnh cấp trên, có nhiệm vụ giết giặc. Những hành vi chém giết man rợ không phải giữa một cá nhân với một cá nhân, không phải giữa những người cũng là chồng, là cha, là con, mà chỉ là giữa những người không tên không tuổi.
Sự vô danh luôn đẩy người ta đến bờ vực của thói man rợ.
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về vụ hai cô bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ. Tại sao những người trông cũng bình thường, thậm chí mặt mũi sáng sủa, lại có thể đối xử tàn bạo như vậy với những đứa trẻ không thể tự vệ, cũng không có lỗi gì ngoài việc nuốt cháo không kịp và bị nôn vì tốc độ xúc của cô quá nhanh?
Có nhiều lời lý giải đã được nêu ra. Có người đã áp dụng phân tâm học của Freud để lập luận rằng cô trông trẻ cũng là nạn nhân của vô vàn những căng thẳng và áp bức trong xã hội, và vòng quay của bạo lực sẽ nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng cũng rất có thể, vì những đứa trẻ không thể nói với ai, không thể chống trả hay được bảo vệ, nên cô gái ấy cũng thấy mình được ẩn danh. Những cái tát, những lần dìm đầu em bé xuống nước sẽ trôi vào im lặng, cô chẳng phải chịu trách nhiệm với ai, giống như những chiến binh thẳng tay chém giết đằng sau chiếc mặt nạ xóa nhòa mọi danh tính.
3. Nếu chúng ta thay đổi mặc định rằng con người vốn thiện, mà nghĩ về nguồn gốc loài vật, rằng người cũng tiến hóa lên từ vượn và hàng triệu năm, tổ tiên ta sinh tồn bằng cơ bắp và nắm đấm, thì sẽ bớt ngạc nhiên và hoang mang trước những tin bạo loạn xảy ra ở khắp nơi.
Nếu chúng ta nhớ lại những thí nghiệm kể trên mới thực hiện cách đây không lâu ở Mỹ, những người có giáo dục, điều kiện kinh tế đầy đủ, những sinh viên học ở trường thuộc loại danh giá nhất ở Mỹ, sẽ bớt nghĩ rằng những người sẵn sàng làm người khác đau đớn chắc hẳn phải có vấn đề về tâm lý hoặc đạo đức, phải là những kẻ man rợ. Không phải vậy. Họ cũng là những người bình thường, và những người bình thường khi hoàn cảnh đưa đẩy cũng sẽ hành động dã man. Sự vô danh và sự phục tùng những người có quyền thế (figure of authority) là hai yếu tố nổi trội nhất ở thí nghiệm shock điện và thí nghiệm giả làm tù nhân và cai ngục.
Nếu chúng ta không quá tự tin vào đạo đức của bản thân, khăng khăng rằng mình sẽ không bao giờ làm việc xấu, việc ác, mà khiêm tốn nhận ra rằng mỗi con người luôn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, thì sẽ thấy đồng cảm hơn với những người ta vẫn lên án, thay vì chỉ ngồi trong bốn bức tường mạnh miệng chê bai người khác.
Công nhân biểu tình ở Bình Dương
4. Những vụ bạo loạn đang bùng phát ở nhiều nơi. Các trí thức và giới cổ cồn trắng đang ra sức lên án những người công nhân vô sản, khi bày tỏ ý kiến cũng rùng rùng như vũ bão. Cũng có nhiều lời giải thích. Có người cho rằng đây là giọt nước làm tràn ly, người lao động bị áp bức bấy lâu nay, nhân dịp này mà xả nỗi tức giận, đây là mâu thuẫn giai cấp nhiều hơn là bức xúc dân tộc. Có người nghi ngại về bàn tay của những mưu đồ chưa hé lộ, khi những thông tin nhập nhèm về sự thờ ơ của công an, chính quyền, những người vốn rất sốt sắng và luôn chứng tỏ hiệu quả cao trong công việc khi cần can thiệp vào các vụ biểu tình ôn hòa, lại có vẻ uể oải ngay cả khi biểu tình lần này đã chuyển thành bạo lực.
Thông tin chưa rõ ràng nhưng đã có nhiều người lớn tiếng trách móc những người công nhân ngu dốt, ít học, làm xấu mặt hình ảnh đất nước. Có người vội vã vơ rằng đây là đặc tính của người Việt Nam. Những cuộc đập phá nhằm vào công dân và tài sản của đối phương khi hai quốc gia có tranh chấp không có gì mới, cũng chẳng phải chỉ có ở Việt Nam. Người Trung Quốc đã đập phá nhiều nhà xưởng của người Nhật khi hai nước này tranh chấp. Khi Campuchia và Thái Lan có mâu thuẫn về vùng biên giới, người Campuchia cũng làm hỏng nhiều cơ sở kinh doanh của người Thái ở Phnom Penh và khiến công dân Thái Lan phải vội vã tháo chạy về nước. Cuộc “Cách mạng Hoa Nhài” năm 2010 ở Tunisia, sau đó kéo theo hàng loạt cuộc cách mạng ở các nước khác Ả Rập khác cũng bùng phát khi một người bán hàng rong tự thiêu khi bị cảnh sát bắt bớ.
Để loại trừ bạo lực, hãy tạo ra những hoàn cảnh xã hội công nhận mỗi con người như một cá thể. Hãy để mọi công dân có quyền lên tiếng, và lên tiếng với tư cách cá nhân, chứ không phải như một phần của đám đông vô danh tính. Để khi người dân muốn tham gia vào việc nước, họ có thể đường hoàng, chứ không phải đeo khẩu trang, bịt mặt kín mít như những người cầm gậy gộc đập phá các nhà máy ở Bình Dương. Vì khi ẩn mình là một phần của đám đông, người ta thấy an toàn hơn, nhưng cũng vì thế sẽ dễ trở nên hung bạo hơn.
Đôi khi người nổi giận. Đôi khi thôi, nhưng thật là khủng khiếp…..
Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô,
Người cùng Quang Trung đi đánh giặc
Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước
Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng
Bị lão quan tuần quát nạt cũng run
Nhưng mỗi lần đất nước sắp suy vong
Người đều cứu cỗ xe ra khỏi vực
Đôi khi người nổi giận
Đôi khi thôi, nhưng thật là khủng khiếp
Như gió điên như nước phá tung bờ
Người vung tay: cung điện ra tro
Người xô khẽ, thế là nhào vua chúa
Người phân xử công minh ít bữa
Chia áo cơm khắp lượt dân nghèo
Rồi lại về cày ruộng, chăn trâu
Đơm cá, bế con, nuôi gà, nấu rượu
Như an phận ngù ngờ cam chịu
Mặc những ngài xảo quyệt lăng xăng…
(Người cùng tôi – Lưu Quang Vũ)
Leave a Reply