Sốc văn hóa ngược là khi người ta cảm thấy ngỡ ngàng, bối rối, thậm chí khó chịu với những điều bình thường trong nền văn hóa gốc của mình, sau một thời gian xa cách.
Trong một tuần qua, mình đã có đôi ba cú shock văn hóa ngược. Có lẽ gọi là sốc thì hơi quá, nhưng mình đã ngạc nhiên, băn khoăn, và có chút bực bội, với một vài chuyện liên quan đến Cơm.
Giờ ăn tối, cả nhà ngồi bên bàn ăn. Cơm ngồi trong ghế ăn, bắt đầu chán những món hoa quả được bày ra trước mặt nên kêu la ưỡn ẹo. Bà ngoại Cơm, vì muốn mình được yên thân ngồi ăn cho hết bữa, sốt sắng giơ tay định bế Cơm “đi xuống đường xem ô tô”. Tất nhiên là mình không đồng ý.
Một hôm khác, mình có bạn đến nhà chơi. Ngồi nói chuyện một lúc thì Cơm cũng bắt đầu chán và phản đối việc phải ngồi im trên lòng mẹ. Bà nội Cơm, chắc vì muốn mình được thong thả nói chuyện với bạn, khăng khăng đòi bế Cơm ra ngoài. Và nhoắt một cái, bà đã bế Cơm đi xa thật xa, để em bé khỏi với đòi theo mẹ.
Đấy, là sốc văn hóa ngược tập một. Tại sao khi cả nhà ngồi ăn cơm quây quần bên nhau, em bé lại phải đi ra đường? Tại sao khi bố mẹ ngồi nói chuyện với những người lớn khác, em bé không được tham gia? Mình cho rằng, ẩn dưới hành động đưa một đứa trẻ đang kêu la xa khỏi người lớn để họ ăn uống hoặc nói chuyện với nhau, là suy nghĩ cho rằng đứa trẻ là một sự phiền toái.
Có lẽ mình đã quá quen với việc con ngồi bên cạnh khi ăn, hoặc ăn một miếng lại chạy ra chỗ con, vừa ăn vừa cho con bú, hoặc bê bát ra chỗ con nằm để con nhìn thấy mẹ, nên không thấy có gì phiền. Mình rất ngạc nhiên khi các bà cứ chăm chăm đưa cháu đi ra chỗ khác, đi xuống đường, đi ra ngoài ngõ.
Hè vừa rồi, cả nhà đi một bảo tàng lịch sử được dựng lại dưới dạng một thị trấn thời đầu và giữa thế kỉ 19 ở Calgary, gồm những ngôi nhà cổ với đồ đạc và cách bài trí y nguyên như người ta còn sống trong đó. Mình thấy một chiếc ghế ăn em bé gần như giống hệt chiếc ghế của Cơm đang dùng bây giờ, chỉ khác là hoàn toàn bằng gỗ chứ không phải khung kim loại và vải dù. Giờ nghĩ lại, từ những ngày xa xưa ấy mà họ đã có chiếc ghế ăn em bé, đặt bên cạnh ghế người lớn xung quanh bàn ăn. Cũng có thể vì Canada lạnh quá, không thể “đưa ra ngoài đường đi xem đèn” khi cả nhà ăn tối, hoặc vì các bà nội bà ngoại không sống cùng gia đình để làm việc này. Mình thì muốn nghĩ rằng, chiếc ghế ăn chứng tỏ rằng em bé cũng được coi là một thành viên của gia đình, chứ không phải là một sự phiền nhiễu cần đưa đi chỗ khác.
Trong nhà hàng sang trọng, hay thư viện cần yên tĩnh, hay các không gian không dành cho trẻ nhỏ, thì có thể tiếng ồn do các em bé gây ra khiến người ta khó chịu. Nhưng bữa ăn gia đình không bao giờ nằm trong số đó. Bây giờ, các gia đình ở Canada cũng có lúc đưa con ra khỏi bữa ăn, nhưng phần lớn (như những lần mình biết) là do sợ em bé mệt, cần đi ngủ sớm, trong khi người lớn ăn lâu. Hoàn toàn không phải đưa trẻ ra ngoài vì lợi ích của người lớn.
Nói đến lợi ích, cú sốc ngược tập hai của mình là khi mình thấy bà nội Cơm đưa cháu cho hàng xóm bế rồi chạy đi chỗ khác, một người mà bà rất thân quen và tin tưởng, nhưng Cơm hoàn toàn không quen biết gì. Mình ngồi trong nhà, khi chạy ra thấy con đang lơ ngơ, hoảng hốt, vì không thấy ai quen thuộc xung quanh.
Khi mình kể chuyện này ra, những người khác nói rằng hàng xóm thích bế thì PHẢI cho người ta bế, mình nên chấp nhận, và đừng có tỏ thái độ “kẻo mang tiếng”. Chưa hết, kể cả việc hôn hít, cấu má, véo tay của những người họ hàng nhưng đối với em bé hoàn toàn xa lạ, gia đình mình cũng cho rằng, cho dù không thích, cũng không được gay gắt phản đối.
Vậy là không ai nghĩ đến cảm xúc của em bé sao? Nếu một người không hề quen biết tự nhiên nhảy bổ vào ôm hôn, cấu véo, biện minh rằng đấy là vì họ yêu bạn, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Cú sốc của mình đến từ sự thiếu suy xét của mọi người dành cho em bé. Dường như, một đứa trẻ chưa biết nói thì chưa có trí khôn, chưa có cảm xúc, nên nó thấy thế nào cũng chẳng có gì quan trọng. Nguy hiểm hơn, suy nghĩ “đừng tỏ ra không thích kẻo mang tiếng” đó, về lâu dài, chính là nền tảng của sự xâm hại. Cơ thể con là của con. Tại sao vì bố mẹ sợ ngại mà lại có thể cho phép người khác ôm hôn con nếu con không thấy thoải mái với họ? Nếu lớn hơn, liệu con có vì ngại mà không dám phản đối khi một người nào đó đụng chạm vào con theo cách mà con không thích? Nên nhớ rằng, phần lớn các vụ lạm dụng đến từ người thân, người quen. Một người lạ mặt hoàn toàn xông vào sờ soạng hoặc xâm hại một đứa trẻ chỉ là những câu chuyện nghe đáng sợ, nhưng rất ít khi xảy ra ngoài đời.
Cú sốc ngược tập ba, đến từ sự phán xét. Ở Canada, mình luôn tiếp xúc với những người rất đồng cảm và chia sẻ, trân trọng sự khó nhọc của việc làm mẹ. Nên khi về nhà, thỉnh thoảng lại nhói lên sự khó chịu với những câu hỏi, có lẽ là vô tư, nhưng lại hàm chứa vô vàn phán xét. Tại sao không nấu đồ tươi cho con ăn hàng ngày? Tại sao không giặt quần áo cho con bằng tay? Tại sao nấu cái này nhiều nước thế? Tại sao cái kia lại loãng thế? Tại sao lại bẻ dưa hấu cho con bằng tay mà không dùng dao cắt cho đẹp? À lại còn, mày nuôi chồng thế nào mà để chồng gầy thế?
Mười tháng đủ để mình quen với việc đưa Cơm đi theo mỗi khi cần ra ngoài. Sáng nay, hai vợ chồng đi ăn bánh đa cua, cho Cơm đi cùng. Trong lúc đứng chờ xe, chú bảo vệ hỏi: “Sao chúng mày đi đâu cũng phải vác nó theo thế này à? Ông bà đâu?” Mặc định rằng, ông bà thì phải trông cháu, để bố mẹ nó tung tẩy đi ăn sáng. Tự nhiên mình nhớ ra là mặc dù số trẻ con ở Canada chắc chắn ít hơn số trẻ con ở Việt Nam rất rất nhiều lần, nhưng chiều nào đi công viên cũng sẽ thấy những người đẩy con đi chơi, và vào thư viện thì đầy nhóc trẻ con đủ lứa tuổi. Việt Nam thì trẻ con nhiều, nhưng phần lớn bị nhốt ở nhà với ông bà, hoặc bác giúp việc. Dĩ nhiên, chúng ta không có vỉa hè thuận tiện để dùng xe đẩy. Phương tiện công cộng thì không thân thiện với việc di chuyển cùng em bé. Đường xá thì quá đông và bụi bặm. Nhà hàng không trang bị sẵn ghế ăn. Trung tâm thương mại chắc cũng chẳng có bàn thay bỉm trong nhà vệ sinh. Tìm được một quán café có chỗ cho trẻ con chơi chắc không đơn giản chút nào.
Nhưng mình không hề coi việc đưa con đi cùng là vất vả. Ít nhất là không vất vả bằng phải đối mặt với những sự phán xét, hay loay hoay giải quyết những cú sốc của mình.
Leave a Reply