Có lẽ ít người biết rằng, phương pháp để trẻ sơ sinh khóc trong một số phút nhất định rồi tự ngủ (cry-it-out) không hề mới ở phương Tây, mà có nguồn gốc từ cách đây 126 năm, trong quyển sách tên là “The Care and Feeding of Children” của bác sĩ nhi người Mỹ Luther Emmett Holt.
Hãy nghĩ về bối cảnh của thế giới lúc đó. Năm 1894, cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, cách mạng khoa học đang ở đỉnh cao, máy móc đem lại những bước nhảy vọt con người chưa bao giờ có. Khắp nơi nơi, người ta ngất ngây trong một niềm tin mạnh mẽ rằng, khoa học và sự chính xác của khoa học sẽ giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Khoa học làm ra thuốc chữa các dịch bệnh, khoa học làm ra nông sản chấm dứt nạn đói, và chỉ vài chục năm sau đó, khoa học đưa con người lên mặt trăng, một điều mà nhân loại hàng ngàn năm tưởng như chỉ là truyện viễn tưởng.
Thời kì này cũng là lúc các môn khoa học xã hội cực kì phát triển, giới tinh hoa của phương Tây hăng say thảo luận đêm ngày về những vấn đề muôn thưở của xã hội loài người như tội phạm, nghèo đói, nỗi khổ đau, vì họ tin rằng, chỉ cần tìm ra đúng phương pháp, chúng ta sẽ nắm được chìa khóa cho mọi rắc rối của nhân loại.
Quyển sách đầu tiên nói về việc phải để cho một đứa trẻ khóc rồi tự ngủ ra đời trong bối cảnh như thế. Chỉ cần làm đúng cách, thì một đứa trẻ sơ sinh, theo quan điểm của thời đó, là không có suy nghĩ, không có cảm xúc, chỉ là một thực thể tồn tại vô tri, cũng sẽ có thể ép vào khuôn khổ.
Từ đó đến nay, khoa học đã tiến những bước rất dài. Người ta đã biết rằng trẻ sơ sinh không phải chỉ biết nạp thức ăn để lớn lên, mà có nhận thức và cảm xúc ngay từ trong bụng mẹ. Thêm vào đó, những tác động lên đứa trẻ trong những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của não trẻ, cũng như cảm xúc và tính cách mãi mãi về sau.
Sau bài viết trước, có người nhận xét rằng, việc mình nói đến tiến hóa là khập khiễng, vì chúng ta đâu phải ăn lông ở lỗ, trẻ sơ sinh ngủ trong phòng, trong cũi an toàn cơ mà. Nhưng thời hiện đại chỉ là cái chớp mắt trong hàng triệu năm loài người sinh tồn giữa thiên nhiên. Trẻ sơ sinh là những sinh thể sống đầy bản năng, và việc chối bỏ hay đè nén những bản năng đã ăn sâu vào từng tế bào của con người, thay vì hiểu rõ và nương theo nó, thì chắc chắn có hại nhiều hơn có lợi.
Một ví dụ của tiến hóa, là thai nhi của loài người phát triển đuôi trong bụng mẹ lúc khoảng bốn tuần tuổi. Đến khoảng 12 tuần tuổi, thì đuôi rụng đi. Lúc mới sinh, nhiều em bé có một lớp lông tơ mềm phủ khắp người. Nhiều mẹ cho rằng đấy là do mình ăn nhiều trứng vịt lộn quá. Nhiều mẹ khác thì tìm mọi cách để giật, nhổ, kì cọ sao cho lớp lông ấy rụng đi. Nhưng sự thật là lớp lông đó giúp em bé cảm thấy thân thuộc như môi trường nước ối trong bụng mẹ, và bảo vệ lớp da rất mỏng manh của em bé. Mùi nước ối vương lại trên da còn giúp em bé nhận ra mẹ, và tìm về phía mẹ trong khi mọi giác quan còn hạn chế, vì đây là mùi đặc trưng, không ai giống ai.
Mặc dù ở Việt Nam người ta vẫn tin rằng trẻ sơ sinh “bẩn” và cần được tắm hàng ngày, kì cọ cho đến khi những lớp bám vào da phải rụng đi cho hết, nhưng ở nhiều nước phương Tây trong đó có Canada, thực hành này không còn phổ biến nữa. Nhiều bệnh viện không tắm cho trẻ sơ sinh trừ khi bố mẹ có yêu cầu, và các bác sĩ y tá luôn khuyên bố mẹ chỉ cần lau người cho con hoặc 3-4 ngày tắm một lần trong những tháng đầu.Một dấu vết nữa cực kì rõ ràng của tiến hóa là phản xạ nắm tay của trẻ sơ sinh khi có vật tiếp xúc với lòng bàn tay của trẻ. Bạn hãy thử đặt một ngón tay vào lòng bàn tay em bé, em bé sẽ tự động nắm các ngón tay bé xíu của mình quanh ngón tay bạn. Đây là một phản xạ nguyên thủy ở phần lớn các loài linh trưởng. Trong tự nhiên, con non được mẹ cõng trên lưng, và phản xạ nắm tay lại như vậy giúp con non túm được lông của mẹ khi có cảm giác mình sắp bị rơi xuống.
Hồi Cơm vài tháng tuổi, mỗi lần giật mình khóc thét, hai bàn tay khua khua trên không trung, mặt con thể hiện một sự hoảng hốt sâu thẳm, nhìn rất thương, mặc dù con nằm trong phòng an toàn, hoàn toàn yên tĩnh, và không có bất cứ lý do gì để sợ hãi.
Vì thế, việc luyện ngủ là một nỗ lực của thế giới hiện đại để ép những em bé sơ sinh đầy bản năng nguyên sơ vào cách thức vận hành của mình.Có phải là sự trùng hợp không, khi thực hành này xuất phát từ nước Mỹ, và vô vàn những sản phẩm ra đời sau đó để củng cố cho niềm tin rằng “một đứa trẻ có thể được luyện để ép vào khuôn khổ” đều thịnh hành ở nước Mỹ?
Nước Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới không có nghỉ thai sản. Các bà mẹ ở đây phần lớn quay lại đi làm toàn thời gian sau khi con được 3 tháng tuổi. Nhà nước không hỗ trợ giáo dục ở bậc mầm non, ở nhiều thành phố lớn, tiền gửi trẻ còn đắt hơn tiền đi học đại học. Mọi người trong gia đình sống xa nhau, có khi cả năm chỉ gặp mặt một lần vào dịp Giáng Sinh. Chỉ những gia đình rất khá giả mới có đủ khả năng thuê người giúp việc hay bảo mẫu đến nhà. Khi có cháu, phần lớn các ông bà nội ngoại vẫn đang hùng hục làm việc để trả những khoản nợ mua nhà, mua xe, học phí đại học, nên chẳng thể có thời gian hay sức lực để trông cháu hộ con cái.Vì thế, những người cha người mẹ kiệt quệ sau những ngày làm việc dài đằng đẵng, không thể dậy liên tục vào buổi đêm khi con khóc. Họ bấu víu vào niềm tin rằng, chỉ cần làm theo đúng phương pháp khoa học, thì con mình sẽ ngủ dài, ngủ ngoan, và mình cũng sẽ được ngủ yên cả đêm để sáng hôm sau tiếp tục guồng quay vô tận của bộ máy tư bản không cho ai thoát.
Sự thịnh hành của luyện ngủ, đối với mình, là biểu hiện rất rõ ràng của một xã hội hiện đại mà kiệt sức.
Trẻ sơ sinh vốn không phân biệt đêm ngày. Trong bụng mẹ lúc nào cũng tối và ấm áp. Sau 9 tháng, chui ra ngoài, trẻ không biết rằng thế giới xung quanh mình vận hành theo một lịch trình cố định. Mình vẫn nhớ cảm giác ngồi ở sảnh bệnh viện nhìn Cơm nằm ngủ trong khi đợi bố Cơm đi lấy xe để về nhà. Mình trào lên cảm giác thương con. Thế giới bên ngoài lạnh và quá rộng lớn. Con thì nhỏ bé và mong manh, chỉ có mẹ là thân thuộc. Con không biết đêm là phải ngủ, ngày là phải thức. Mắt con cũng chỉ nhìn được mờ mờ, mọi thứ xa hơn khoảng cách một gang tay đều không rõ.
Luyện ngủ là một sản phẩm từ thái độ ngạo nghễ của con người khi họ tưởng mình có khoa học là công cụ trong tay, thì sẽ chinh phục được mọi điều bí ẩn hay đáng sợ của thế giới. Dự báo được thiên nhiên, làm chủ được sông núi, họ nghĩ một đứa trẻ sơ sinh mà họ hầu như không hiểu, cũng sẽ phải chịu khuất phục theo những mong muốn của mình.
Mình thì từ chối tư tưởng đấy, vì đối với mình, một em bé là một điều kì diệu thiêng liêng.
(Còn tiếp)
Leave a Reply