Cơm gần 2 tuổi. Đã biết trả lời “Có ạ” khi mẹ hỏi “Con có ăn thêm canh không?” Đã biết tự cầm sách xem tranh khi ngồi bô, vừa chỉ vào tranh vừa tự thuyết minh cho mình. Đã biết tự xúc, tự ăn, bố mẹ đưa đi nhà hàng là ngồi vào ghế em bé, chiếm một như người lớn, rồi bố mẹ tha hồ nói chuyện, Cơm sẽ tự thổi, tự ăn, hết thì sẽ xin thêm, no rồi thì sẽ yêu cầu được xuống. Đã thôi không khóc ở lớp mẫu giáo và biết tên các bạn thân. Đứng trước một căn phòng ngập nắng, Cơm thốt lên “Nắng quá!”. Ngắm nghía hai cái hộp xếp chồng lên nhau, Cơm nhận xét “Cao thế!” Liếc ra ngoài cửa sổ thấy trời tối, Cơm trình bày “Tối rồi!”
Đêm không ngủ được nằm nghĩ lại, thấy mừng vì cách nuôi con mẹ đã chọn, giờ bắt đầu cho những kết quả đầu tiên, để mẹ bớt thấy hoang mang mệt mỏi và có thêm động lực để tiếp tục đi con đường này.
Khi Cơm được vài tháng, như mọi em bé khác, con rất hay giật mình. Dù nhẹ nhàng đến đâu, dù cố gắng rút tay chậm hơn mức có thể, dù đọc đủ mọi lời khuyên và chia sẻ trên mạng về các tư thế chuyển con từ lúc đang bế sang tư thế nằm, dù cắn răng bỏ cả trăm đô mua mấy loại chăn cuốn được các mẹ truyền tai nhau là hiệu quả lắm, cuốn vào ngủ xuyên đêm, thì con vẫn tỉnh dậy khóc oe óe dù trước đấy bố mẹ tưởng con đã ngủ rất say.
Và mẹ đã CHỌN việc bế con suốt cả ngày. Mẹ kê gối dựa lưng, tìm cái hộp kê chân, ra thư viện mượn một đống sách nuôi dạy con, rồi cứ thế bế con cả ngày để con ngủ trên người mẹ. Bà ngoại lo lắng “Bế như thế nó sẽ bện hơi, sau này không làm được gì”. Nhưng mẹ bỏ ngoài tai.
Bây giờ, con là một em bé luôn bình tĩnh. Mọi người khen con “luôn chân luôn tay nhưng rất nhẹ nhàng”. Có những đứa trẻ, chỉ tiếp xúc một chút đã thấy trong tâm không yên. Đến chỗ lạ, Cơm thường bận rộn khám phá, nhưng không hề mè nheo. Một em bé thấy yên tâm là mình được bố mẹ yêu thương, là bố mẹ luôn đáp ứng những nhu cầu của mình, luôn hỗ trợ khi mình lên tiếng (bằng cách khóc), thì em bé sẽ độc lập và yên vui.
Khi Cơm được gần 1 tuổi, như mọi em bé khác, con từ chối ăn cháo. Dù món cháo của con đầy các miếng lổn nhổn để con bốc, bóp, nhặt và ném, và mẹ không bao giờ ép con ăn dù bằng cách gây xao nhãng (cho xem video) hay dùng bạo lực (đè đầu bóp mũi), nhưng những món cháo khoai lang tôm hay khoai sọ thịt băm mẹ nấu con đều nhất quyết cự tuyệt. Mẹ đau khổ mất 2 tuần, cũng đọc các loại công thức, cũng nghĩ ngợi xem mình có thể làm gì để con ăn ngon miệng hơn, cũng hỏi han kinh nghiệm của các bà mẹ khác. Và mẹ đã CHỌN tin vào cơ thể con, và cho con dừng ăn cháo hoàn toàn. Lúc 11 tháng, Cơm chuyển sang ăn cơm nắm và mọi thức ăn như người lớn (nhưng không có muối đường). Mọi người xì xèo, ăn như thế làm sao đủ chất, ăn ít thế không bằng một nửa con nhà người ta. Tất nhiên, mẹ lại bỏ ngoài tai.
Bây giờ, con ăn uống rất điều độ và đơn giản. Con biết đòi ăn khi con thấy đói, và ngừng ăn khi con thấy no. Mẹ sẽ mời con những thứ mẹ có, nhưng nếu con không muốn ăn, thì mẹ tôn trọng. Cơ thể con là của con, ăn ít hay ăn nhiều là quyền của con. Mọi người nhìn con ăn thì đều trầm trồ: “Ồ, thái độ ăn uống tốt quá”. Những em bé khác bố mẹ phải chạy theo giục giã, nài ép, dọa dẫm, còn bố mẹ thì được thảnh thơi ngồi chơi. Con ăn ngon, ăn vui và ăn đủ.
Khi Cơm được gần 2 tuổi, như mọi em bé khác, con đòi ti mẹ ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Mẹ đang ăn cơm, con cũng trèo lên đùi đòi ti. Đêm tỉnh dậy, con ngồi dậy rúc vào người mẹ đòi ti. Nhà mình trong 2 tháng thay đổi chỗ ở 3 lần, di chuyển hết máy bay, ô tô, tàu hỏa, làm con bị căng thẳng, nên bám mẹ đến mức mẹ đứng dậy đi vệ sinh là con òa khóc, mẹ đứng nấu cơm thì con bám vào chân đòi bế. Nhiều khi mẹ phát mệt mỏi vì sự nghiện ti của con, và mẹ tự hỏi đến bao giờ thì việc này sẽ kết thúc. Đấy là chưa kể, với cái mồm đầy răng nhọn hoắt như hàm cá mập, với cái chân khỏe như gọng kìm, con ngủ trong tư thế ôm mẹ, miệng thì ngậm ti, mà mẹ cứ rời ra là con tỉnh dậy òa khóc.
Và mẹ đã CHỌN tiếp tục cho con bú. Vì mẹ biết, thuốc bổ tốt nhất mẹ có thể cho con là sữa mẹ. Khi con ốm và không muốn ăn gì, thì mẹ phải tích cực tẩm bổ cho bản thân, để có sữa cho con bú. Con ít ốm, và khi bị ốm, thì dù là chân tay miệng, hay sổ mũi viêm họng, thì đều tự khỏi mà không cần đến thuốc. Cơm mọc răng cũng không quá khó chịu. Trên hết, mẹ biết việc ôm mẹ và tu ti là cách tốt nhất để con đối mặt và giải quyết hàng loạt những biến động về môi trường, về tâm lý và cả sự phát triển mà con trải qua. Nhà mình di chuyển chỗ ở liên tục, rồi con bắt đầu đi học mẫu giáo, rồi não con bắn tia lửa điện chiu chíu khi con trải qua giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ, đêm nằm ngủ cũng mơ nói rồi cười khúc khích như người lớn. Nếu không được bú mẹ, có lẽ, tất cả những biến động đấy sẽ khiến con khổ sở hơn nhiều.
Mẹ CHỌN ngủ cùng con, thay vì bắt con khóc đến khản cổ rồi thiếp đi trong phòng riêng, mặc dù điều đó có nghĩa là từ hồi sinh con đến giờ, mẹ chưa có đêm nào ngủ được quá 6 tiếng một lúc. Bởi vì mẹ biết, những cái vuốt ve này, những cái gác chân này sẽ không tồn tại lâu. Nhanh thôi, con sẽ muốn có không gian riêng của mình. Nên mẹ sẽ tranh thủ lúc này, khi Cơm còn bé và còn cần sự ôm ấp của mẹ, để thắt thật chặt sợi dây quấn quýt giữa chúng ta. Ngày nào, mẹ cũng thơm Cơm từ đầu đến chân, để con bật cười khanh khách. Đấy là một sự đầu tư cho tương lai. Con sẽ không nhớ những cái thơm đó, nhưng sự yêu thương mẹ tưới tắm hàng ngày sẽ thấm thật sâu, thật đậm vào từng thớ thịt của con, để đến ngày con bắt đầu thấy phải khẳng định sự độc lập của mình, phải cãi mẹ, phải vùng vẫy để vượt ra những gì thân yêu mà con được bao bọc, thì những màu mỡ của thương yêu bao nhiêu năm đó sẽ khiến con luôn tự tin rằng mẹ yêu con, và cho dù chúng ta có cãi nhau nảy lửa thế nào, thì con cũng không bao giờ phải hoài nghi về việc đó.
Mẹ CHỌN đọc sách cho con, khi mẹ có thể cho con xem video trên youtube hay một hình thức giải trí nào đó khác cho mẹ rảnh tay. Để bây giờ, mẹ vừa đau khổ vừa hạnh phúc khi phải xin con cho mẹ ngủ một tí, vì con cứ nằng nặc lấy hết quyển sách này đến quyển sách khác, bắt mẹ đọc đến khi mỏi hết cả miệng. Những ngày con bị ốm, không muốn chơi, không muốn chạy nhảy, thì mẹ con mình chỉ cần nằm ôm nhau, trong ánh nắng chan hòa chiếu vào phòng ngủ, và cứ thế đọc hết chồng sách mà bố mẹ lặc lè vác từ Việt Nam sang. Giờ Cơm đã thuộc hết các tên nhân vật trong những quyển sách mình hay đọc, nhìn vào tranh có thể nói lại hành động đang diễn ra trong đó, và con ê a tự kể lại chuyện bằng ngôn ngữ hết sức tối giản của mình. Và có những lúc, mẹ CHỌN đọc cho con thêm một quyển sách nữa, chơi với con thêm một lúc nữa, dù điều đó có nghĩa là lúc sau, khi con đã ngủ say, mẹ sẽ phải rón rén bò ra khỏi giường lúc 12 giờ đêm, hay lúc 3 giờ sáng, để làm nốt việc đã bị quá deadline mất mấy giờ. Người ta nghĩ vì mẹ làm việc ở nhà, nên mẹ có nhiều thời gian, và mẹ có thể làm những thứ xa xỉ mà những người mẹ phải ra ngoài đi làm không có được. Nhưng thật ra, mẹ cắt vào thời gian ngủ, thời gian chơi của chính mình, để dành cho con.
Và biết không, mẹ thật mừng vì mẹ đã CHỌN bố con, người đồng ý, ủng hộ và thực hiện tất cả những mong muốn của mẹ về con. Tất cả những việc mẹ làm thì bố cũng làm cho con (trừ việc tu ti, nhưng mẹ không nghi ngờ gì là nếu có thể thì bố cũng đã làm việc đó). Khi con còn hay giật mình và mẹ muốn ngủ, thì bố bế con rồi nằm xuống, và ngủ y nguyên như thế cả đêm, để con không phải rời bờ vai và lồng ngực ấm áp của bố. Khi con khóc lóc đòi ti và mẹ đã phát điên, thì bố sẽ bế bồng và dỗ dành con, để mẹ có thời gian hạ nhiệt. Khi con ném thức ăn xuống đất, thì bố cũng vác chổi đi dọn. Và những buổi đêm tờ mờ sáng, khi không ngủ được và mẹ lại bắt đầu nghĩ xem tiếp theo nên chọn sách nào để đọc cho con, và không thể chờ đến sáng để kể cho bố, mẹ lay bố dậy để chia sẻ ngay những phát hiện của mình, thì bố con lại nằm thiêm thiếp lắng nghe, không hề phàn nàn gì. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ hỏi lại kiểm tra xem bố còn thức hay đã ngủ, thì bố sẽ mau chóng nhanh nhẹn trả lời, vẫn thức, và hôm sau sẽ răm rắp thực hiện những phát kiến mới của mẹ về con.
Có thể, Cơm ạ, mẹ đã nhầm về tất cả những điều kể trên, và con sẽ tuyệt vời dù là mẹ chọn thế nào. Mẹ đặt tên con là Huyền Vy, tức là “huyền ảo” và “vi diệu”, và rằng con là một điều vừa kì bí, vừa tuyệt vời đã xảy đến với mẹ. Có thể, Cơm ạ, mẹ sẽ không bao giờ hoàn toàn hiểu được con, vì rằng con đã và sẽ luôn là một thực thể tách rời khỏi mẹ. Con là một vũ trụ riêng, và cho dù mẹ đã hơi tự tin khi nhận quá nhiều công lao về mình, thì vũ trụ ấy vẫn đầy rẫy những bí ẩn và khám phá.
Nhưng ít nhất, mẹ có quyền mừng vì mẹ sẽ được góp phần hình thành nên vũ trụ của con, và mẹ háo hức được chiêm ngưỡng và chu du trong vũ trụ ấy lắm, Cơm ạ!
Leave a Reply