Có điểm gì chung giữa ba hành vi này?
Hãy hình dung tình huống sau. Bạn có một cây bút mới rất xịn và viết rất êm. Bạn mang đến văn phòng, để trước mặt. Trưởng phòng đi qua, ngó vào và bảo “Cho tớ mượn bút của cậu dùng thử tí nhé”.
Bạn nghĩ thầm trong bụng “Thằng cha này là chúa hậu đậu, cho lão mượn thì lão làm hỏng bút đẹp của mình mất”.
Sau khi nghĩ thế, bạn có ôm khư khư lấy cây bút, hoặc khóc òa lên, hoặc dùng người chắn để lão trưởng phòng kia không thể cướp cây bút của bạn không?
Tất nhiên là không, bạn sẽ cười niềm nở, giơ cây bút ra cho sếp, và nói “Vâng, anh cứ lấy mà dùng. Có gì đâu”.
Tại sao bạn có thể hành động trái với cảm xúc và suy nghĩ của mình như vậy?
Vì bạn nghĩ rằng, nếu mình không cho mượn bút thì sếp sẽ trù dập mình mất. Cho mượn, lão ý quý, biết đâu sẽ có lúc cất nhắc, hoặc ưu ái gì đó. Kể cả không toan tính cho tương lai, bạn cũng muốn thể hiện mình là người hòa đồng với anh em, không muốn bị mang tiếng là đứa ki bo kiệt xỉ, có cái bút cũng giữ khư khư, không cho ai mượn.
Để làm được như thế, bạn phải có một khả năng cực kì quan trọng, là khả năng suy nghĩ từ góc nhìn của người khác, và khả năng thiết lập các giả định cho tương lai (nếu mình cho mượn thì sao, không cho mượn thì sao).
Tương tự như nói vậy, để có thể nói dối và trả đũa (làm gì đó để người kia cảm thấy bực mình như họ đã làm với mình), thì một người phải có khả năng nghĩ từ góc nhìn của người khác. Nói thế nào để mẹ tin là con mèo đã làm vỡ bình hoa, và mình đã ăn hết bát cơm chứ không đổ trộm lúc mẹ đi ra ngoài?
Có một thí nghiệm bạn có thể tự làm tại nhà, để biết em bé nhà mình đã có khả năng này chưa (cái này mình đọc trong quyển Einstein never used flash cards).
Đầu tiên, một người sẽ cho mẹ (hoặc bố, hoặc một người lớn khác) và bé xem một chiếc hộp. Bên trong hộp đựng kẹo. Sau khi mẹ và bé đều xác nhận rằng, bên trong hộp là kẹo, thì mẹ sẽ được yêu cầu đi ra. Trước mặt bé, người làm thí nghiệm sẽ đổ kẹo ra, thay bút chì vào hộp, rồi đóng hộp lại. Tức là bây giờ bé biết trong hộp là bút chì, chứ không phải là kẹo. Người này sẽ hỏi bé “Khi mẹ quay trở lại, mẹ sẽ nói trong hộp có gì?”
Dĩ nhiên, nếu bé trả lời là mẹ nói trong hộp có bút chì, tức là bé chưa có khả năng nghĩ từ góc độ của mẹ (vì mẹ đi ra ngoài và không thấy việc tráo đổi). Người ta lặp đi lặp lại thí nghiệm đó với nhiều người lớn khác nhau, với trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, thì kết luận rằng, phải tầm trên 3 tuổi, gần 4 tuổi trẻ mới có khả năng này.
Điều này có nghĩa là gì? Lần sau, khi con bạn không chịu chia sẻ đồ chơi với em, thì đừng vội vã kết luận rằng “con thật ích kỉ”. Vì con chưa có khả năng hiểu rằng, không cho chơi cùng thì em buồn. Trẻ khoảng 2 tuổi, chỉ chơi CẠNH nhau. Trẻ từ 3 tuổi mới bắt đầu chơi VỚI nhau.
Thế những đứa trẻ đổ lỗi là con mèo làm đổ bình hoa, trong khi bạn biết rõ là con mình đã đá bóng trong nhà (mặc dù không được phép) và làm đổ thì sao? Theo các tác giả của quyển sách Einstein never used flash cards, phản ứng đó là kết quả khi trẻ MUỐN sự việc xảy ra như thế. Có ông bố kể rằng, tự nhiên nghe tiếng khóc nức nở của con gái trong phòng. Ông này đứng trước cửa phòng nghe ngóng, thì hóa ra con đang kể chuyện cho búp bê, nhập vai quá khóc luôn. Kể xong, cô bé lại lau nước mắt, trở lại chơi vui vẻ như thường. Với nhiều em bé có trí tưởng tượng phong phú, thì nhiều khi thực tế (reality) và tưởng tượng hòa lẫn với nhau.
Nghiên cứu còn cho thấy, những em bé có bạn tưởng tượng (không phải là búp bê hay gấu bông, mà là một nhân vật chỉ tồn tại trong đầu bé), thì thường có ngôn từ phong phú hơn, suy nghĩ phát triển hơn, và sau này lớn hơn, có khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và đồng cảm với người khác cao hơn. Vì thế, nếu bố mẹ thấy con mình nói chuyện với không khí thì đừng hoảng nhé, hãy thoải mái mà tham gia cùng con. Hồi bé mình cũng thường xuyên tưởng tượng là có một người bạn tí hon bên cạnh, ăn cùng ngủ cùng chơi cùng, chỉ có điều không nói ra với ai.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp con phát triển khả năng suy nghĩ từ góc độ của người khác không? Đây là một khả năng về mặt nhận thức, nên thuộc dạng “khi nào đến thì sẽ đến”, tuy nhiên bố mẹ có thể làm một số việc để thúc đẩy. Đầu tiên, hãy gọi tên cảm xúc của mình và của con. “Con đang giận đúng không?” hoặc “Bố đang mệt và buồn ngủ”. Một bước xa hơn là nói về nguyên nhân kết quả “Vì mẹ không cho con ăn kem nên con đang buồn bực và thất vọng đúng không?” hoặc là “Mẹ rất vui vì hôm nay con đã tự đánh răng mà không đợi mẹ phải nhắc”.
Một cách khác cũng rất tốt là hỏi con về cảm xúc của các nhân vật trong truyện mà bạn cùng đọc với con. “Con nghĩ chú mèo này sẽ cảm thấy thế nào?” hoặc “Nếu con là Bạch Tuyết, con sẽ cảm thấy ra sao khi các chú lùn đi vắng chỉ có mình Bạch Tuyết ở nhà?” (Cũng là cơ hội để nói về việc không mở cửa cho người lạ khi bé ở nhà một mình). Điều quan trọng là, khi con trả lời thì hãy lắng nghe, đừng phán xét, và hãy xem xem cách lý giải của con mình là gì. Điều đó thú vị hơn nhiều so với cố gắng giải thích cho con theo cách nghĩ của người lớn.
Phần lớn các sách mình đã đọc đều lập luận rằng, biết nói dối (và nói dối một cách thuyết phục) chứng tỏ một bước phát triển trong khả năng nhận thức và suy nghĩ của trẻ. Vì để nói dối được, thì trẻ phải hiểu rằng hành động của mình sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào, tức là phải biết mường tượng ra các khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, để lời nói dối thuyết phục, trẻ phải hình dung được lời nói ấy sẽ được người nghe tiếp nhận ra sao.
Nhiều bố mẹ rất lo lắng khi lần đầu phát hiện ra con mình nói dối, thậm chí nghĩ rằng con có vấn đề về đạo đức, sẽ trở nên hư hỏng, dối trá, nhưng phản ứng đầu tiên bố mẹ nên có là ăn mừng, và bố mẹ cần hiểu rằng, cách suy nghĩ của trẻ con không giống người lớn, nên mọi chuyện không quá nghiêm trọng như bố mẹ suy diễn đâu.
Thật ra, để sống hòa bình và vui vẻ trong xã hội, người ta phải biết nói dối trong những trường hợp nhất định. Nếu trẻ được tặng một món quà sinh nhật, và trước mặt người tặng, trẻ nói “Cái này xấu quá, con không thích”, thì chắc chắn người kia sẽ buồn. Nếu một người bạn gia đình không được khá giả, tự hào khoe với trẻ một món đồ mà bố mẹ bạn ấy phải dành dụm mới mua được, trẻ nói “Nhà tớ đầy thứ đẹp hơn thế này”, thì dù đó là sự thật, bạn có muốn con mình nói thẳng ruột ngựa như thế không?
Nói thế chỉ để thấy rằng, một hiện tượng mà nhiều bố mẹ lo lắng là nói dối, rồi con không chịu cho bạn bè hay anh chị em chơi cùng, thật ra phức tạp hơn chúng ta tưởng nhiều. Và cũng đừng áp đặt cách suy nghĩ của người lớn lên trẻ con. Để học được cách khi nào nói thật, khi nào không nói thật, cũng là cả một quá trình dài trong việc phát triển cả nhận thức, khả năng suy nghĩ, lẫn kĩ năng nhận biết cảm xúc của người xung quanh. Bố mẹ hãy cứ từ từ mà cùng con khôn lớn. Và vì trẻ còn cần nhiều hướng dẫn để suy nghĩ được từ góc nhìn của người khác, nên bố mẹ hãy cố mà hiểu và nhìn nhận mọi việc từ góc nhìn của trẻ.
Leave a Reply