Ngày trước, mình khá là dị ứng với những bà mẹ trẻ liên tục post ảnh con trên Facebook, trăm cái như một, cùng hàng loạt cập nhật về chuyện hôm nay con ăn gì, ị ra sao. Mình đã tự hứa với bản thân, chắc chắn mình sẽ không trở thành một bà mẹ như thế. Xét cho cùng, ai quan tâm?
Đến gần đây, sau gần 8 tháng làm mẹ, mình mới bắt đầu hiểu ra tại sao. Hóa ra đằng sau những bức ảnh và các status về em bé không chỉ là nhu cầu khoe con như mình vẫn tưởng, mà còn là một khát khao được công nhận, được cảm thấy bản thân có giá trị đôi chút. Về bản chất, việc này không khác với mong muốn được đi làm, được ra ngoài xã hội sau khi nghỉ sinh. Dù thương con, muốn chăm sóc con, nhưng phần lớn các bà mẹ đều muốn quay trở lại đi làm. Ngày xưa, mình cứ tưởng vì họ ở nhà chán, hoặc không có thu nhập. Mình cứ nghĩ rằng mình đã quen với việc làm tự do, không chán ở nhà, và kiếm tiền được, thì mình sẽ miễn nhiễm. Bây giờ mới ngộ ra rằng, điểm chung của post ảnh con trên Facebook và nhu cầu đi làm là mong muốn được khẳng định giá trị bản thân. Khát khao đó thật ra cơ bản và thôi thúc hơn rất nhiều việc muốn giao lưu hay muốn có tiền.
Những cô bạn đã và đang nuôi con từng chia sẻ với mình cảm giác lo ngay ngáy khi thấy đồng nghiệp ngày càng thăng tiến, còn bạn dậm chân tại chỗ. Có bạn thì nói, một năm ở nhà với con coi như vứt đi. Dĩ nhiên, mình luôn nói với các bạn rằng thời gian dành cho con chính là sự đầu tư quan trọng nhất, có ý nghĩa lâu dài và sâu sắc hơn việc kiếm tiền. Rằng đi làm thì còn cả đời, năm đầu tiên của con không bao giờ trở lại. Mình nhận thức được, và mình tin vào những điều đó. Nhưng rồi niềm tin này cũng dần dần bị bào mòn bởi thực tế, như những cô bạn kia, mình bắt đầu cảm thấy những ngày này mình chẳng làm được cái quái gì cả.
Một ngày của mình bắt đầu lúc bốn, năm giờ sáng, là lúc có thể êm ái chuồn dậy mà con vẫn ngủ say, để làm việc, trả lời email, và thỉnh thoảng khi vãn việc thì được viết status đăng Facebook như hôm nay. Khi em bé dậy thì hầu như mình không được sờ vào máy tính nữa. Tiếp đó là một chuỗi lặp đi lặp lại của thay bỉm, cho bú, chơi, đọc sách, nấu ăn, dọn nhà, cho ngủ, cho ăn, tắm cho con. Như ngày hôm qua, lúc Cơm thức thì mình chơi với Cơm, khi Cơm ngủ giấc đầu tiên vào buổi sáng thì mình rửa bát, rửa rau, thái thịt, ướp thịt. Đang chuẩn bị xào thịt với rau thì Cơm dậy. Lại thay bỉm, cho ăn, Cơm ăn xong thì phải dọn dẹp bãi chiến trường, bao gồm rửa khay ăn, lau phần thức ăn rơi trên sàn nhà, giặt áo (áo mặc trùm ra ngoài khi ăn), chơi và đọc sách cho Cơm. Khi Cơm ngủ giấc thứ hai vào buổi chiều thì mình xào thịt, nấu cơm, ăn cơm, gọt được một nửa chỗ khoai để nấu cháo cho Cơm thì Cơm lại dậy. Đến khi Cơm ngủ giấc thứ ba thì mình gọt được hết chỗ khoai, đang chuẩn bị nấu thì Cơm khóc, lại mất khoảng nửa tiếng chạy vào dỗ cho ngủ lại, rồi ra làm tiếp.
Một món ăn định nấu cho Cơm mà đã ba ngày mình vẫn chưa làm xong. Vừa giải quyết nỗi buồn vừa phải hát để con nghe thấy giọng. Vừa đánh răng vừa phải chơi ú òa vì con không nhìn thấy mẹ là khóc. Những lúc con ngủ mình vừa giặt giũ, gấp quần áo, lau nhà, vừa cắm tai nghe để nghe Ted Talks, hoặc Ideas (một chương trình trên CBC radio về các vấn đề xã hội mình rất thích), để đầu óc khỏi bị ngu đi.
Hồi mình đi học một lớp dành cho các bà mẹ và em bé, chị hướng dẫn (là y tá), kể rằng hồi chị nuôi con, chị đã rất hận chồng mình (chị dùng từ resent, là cảm giác trộn lẫn giữa ghét, ghen tị và cay đắng) vì anh chồng mỗi ngày có nửa tiếng lái xe một mình đi làm, và nửa tiếng lái xe về. Được ngồi nghe nhạc, không bị làm phiền, không phải nghe tiếng khóc trẻ con. Lúc đấy Cơm mới được 2 tháng, mình thấy chia sẻ đấy buồn cười. Giờ thì mình cũng bắt đầu đay nghiến chồng về việc mỗi tuần chồng được ra ngoài hai buổi tối để đi học tiếng Anh, còn mình thì không.
Nếu như bạn là một bà mẹ, có thể bạn đang gật gù với đoạn miêu tả trên. Nếu như bạn chưa từng nuôi con, hoặc không tham gia nhiều vào việc nuôi con, có thể bạn đang nghĩ, giống như mình đã từng nghĩ, “ai quan tâm?” Đúng rồi, ai quan tâm đến việc hôm qua mình nấu món gì, con mình ngủ được mấy giấc, ăn được mấy bữa. Ngoài mẹ mình và chồng mình ra, ai muốn nghe rằng ngày hôm kia mình không được nghỉ một tí nào từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm, không có một phút nào dành riêng cho bản thân vì cả những lúc trong nhà vệ sinh cũng phải dỏng tai lên để nghe ngóng.
Đấy chính là căn nguyên của điều mình nói ở trên, khát khao được công nhận.
Khi đi làm, bạn làm xong một việc sẽ có phản hồi từ sếp, hoặc từ khách hàng. Dù là khen hay chê, đó vẫn phải một sự công nhận với việc bạn đã làm. Nhưng ở nhà nuôi con thì khác. Ngày qua ngày, những việc bạn làm đều được/bị coi là đương nhiên. Ai nuôi con mà chẳng như vậy, có gì đáng kể đâu? Không có ai khen thưởng, cổ vũ, chia sẻ, hoặc thậm chí dè bỉu bạn cũng không nốt. Đó mới là điều đáng sợ, nó nhàm chán quá, nên chẳng có ai thèm nghĩ đến.
Mình viết email cho một người bạn đang trong giai đoạn làm luận văn tiến sĩ, bảo là “những ngày gần đây tớ cảm thấy mình chẳng làm được cái gì”. Bạn ý trả lời, “tớ cũng thế, nhưng cứ nghĩ ngày nào viết được một vài đoạn, hay phân tích được vài cuộc phỏng vấn cũng là một thành công rồi.” Đọc câu trả lời đấy, mình cảm thấy chán nản cả người, vì bạn chẳng hiểu gì cả. Bạn vẫn có thể đo đếm được công việc của mình, và đấy chính là sự khác biệt. Chẳng lẽ mình nói, “còn với tớ thì mỗi ngày thay được năm cái bỉm là một sự thành công”. Có thang bậc nào để biết mình hôm nay tiến bộ hơn hôm qua, hay có tiêu chuẩn nào để đánh giá những nỗ lực mình bỏ ra?
Thế nên các bà mẹ đăng ảnh những món họ làm cho con, vì họ muốn thế giới biết thành quả lao động của mình. Việc con ăn thế nào, ị thế nào, cũng là thành quả lao động của họ. Những bức ảnh khoe con dễ thương, mũm mĩm, biết làm trò này trò kia, hoặc như trào lưu bây giờ là quay video con “trình diễn” biết học thẻ flashcard, biết đếm, biết nói tiếng Anh, biết hát biết múa, cũng là thành quả lao động. Chỉ có điều, chúng ta đang sống trong một thế giới mà sức lao động của phụ nữ bị rẻ rúng, bị giấu đi, hoàn toàn không được nhìn nhận, đặc biệt là sức lao động bỏ ra trong môi trường gia đình. Bởi thế, nên khi chưa nuôi con, mình đã quay lưng lại với những mong muốn được công nhận đó. Dù mình là phụ nữ, đọc rất nhiều về bất bình đẳng giới, làm nghiên cứu về người giúp việc và viết rất nhiều về “lao động chăm sóc” (care work).
Chỉ đến gần đây, mình mới tự bản thân trải nghiệm gánh nặng khủng khiếp của việc nhà. Nó là một thứ không bao giờ kết thúc, không thể dứt ra, không có điểm dừng. Bữa này ăn xong, lại phải nấu bữa khác. Nhà vừa lau xong, vài ngày lại bẩn. Quần áo vừa giặt xong, con lại tè ra chăn, lại phải giặt tiếp. Từ khi có con, mâu thuẫn giữa mình và chồng chỉ còn xoay quanh chủ đề này. Mình thì cho là mình làm quá nhiều, còn chồng mình làm quá ít. Chồng thì cho rằng mình làm ít mà chỉ giỏi kêu. Đến mẹ mình cũng nói mình “kêu ca ít thôi”. Nghe vậy, mình nghĩ, thế là thời gian, sự cố gắng và cả cảm giác bế tắc của mình hoàn toàn vô hình (invisible), kể cả với người sống cạnh mình và người ngày nào mình cũng nói chuyện.
Mình mới hiểu ra, đằng sau bức ảnh một bát cháo lổn nhổn rau, cà rốt, và thịt, trông rõ kinh không có gì bắt mắt, là thông điệp “hãy like, hãy khen, hãy ghi nhận rằng tôi đã mất mấy tiếng để làm ra cái này” Đằng sau video một đứa trẻ biết đọc chữ a chữ b là thông điệp “hãy cho tôi cảm thấy là người khác biết tôi đã dành bao nhiêu giờ đồng hồ để dạy con”. Lao động tình yêu (labour of love), không chỉ là về sức lực, mà còn về cảm xúc. Với một đứa không thích nói nhiều như mình, việc cả ngày phải cười, phải nói, phải đùa với con cũng mệt và kiệt sức không kém chạy marathon.
Mình vẫn kiên quyết sẽ không trở thành một bà mẹ tung ảnh con chi chit trên Facebook cá nhân. Nhưng bây giờ mình đã hiểu hơn tại sao có những người làm thế. Thêm một lần nhìn ra vấn đề từ góc độ của người khác, mình nghĩ mình sẽ khiêm tốn hơn, và sẽ nỗ lực hơn để dừng lại lâu hơn trước khi vội vã kết luận ai đó là người thế này thế kia, chỉ qua những gì họ thể hiện.
Leave a Reply