Những điều sau thật ra áp dụng với mạng Internet nói chung, nhưng có lẽ Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam, nên mình sẽ lấy ví dụ là Facebook cho gần gũi.
Thời đại này, các bố mẹ và cả ông bà nội ngoại đều có điện thoại hay máy tính bảng có thể chụp ảnh, quay phim và kết nối Internet 24/7. Hệ quả tất yếu là thông tin về trẻ nhỏ cũng tràn lan trên các trang Facebook cả cá nhân lẫn đại chúng. Dĩ nhiên ai cũng có nhu cầu khoe con, khoe cháu, xưa thì khoe truyền miệng, nay thì khoe kĩ thuật số, không cần phải kể lại nhiều lần mà vẫn truyền đạt được đến nhiều người cùng lúc. Tuy nhiên, mọi người ít khi nghĩ đến những nguy cơ tiềm ẩn của việc này, nên mình muốn chỉ ra một số vấn đề để những lần tới bạn sẽ cân nhắc đến những rủi ro trước khi đăng ảnh hay video một em nhỏ (con, cháu, em) mình, nhất là những bài đặt ở chế độ công cộng (public).
1. Thông tin có thể bị lợi dụng
Mỗi khi bạn ấn nút ‘post’, là bạn đã gửi những phần đời riêng tư của mình (hoặc của người khác) ra ngoài thế giới bao la. Kể cả sau đấy bạn xóa đi, thì những thông tin đó cũng đã được lưu lại, nếu có người khác muốn tìm, họ sẽ có cách để lục ra.
– Lợi dụng vì mục đích thương mại: Video con bạn nói một câu gì đó dễ thương hay đếm từ một đến mười bằng tiếng Anh có thể bị các trung tâm dạy kĩ năng giáo dục sớm, hay trung tâm ngoại ngữ đăng lại để quảng cáo cho khóa học đóng tiền của họ mà không xin phép. Nếu video của bạn đặc biệt viral, thể nào cũng có các kênh youtube đăng lại để câu view kiếm tiền quảng cáo.
– Lợi dụng vì mục đích khiêu dâm: Nghe thì có vẻ xa xôi, nhưng luôn tồn tại nguy cơ một kẻ nào đó sẽ download hình ảnh con bạn để đăng lên các trang web khiêu dâm trẻ em, hoặc dùng hình ảnh đó để mời chào những kẻ muốn mua dịch vụ tình dục trẻ em. Trong một thí nghiệm diễn ra năm 2014, một nhóm nghiên cứu tạo ra một avatar ảo, với hình ảnh là em nhỏ 10 tuổi tham gia vào các chatrooms. Chỉ trong 10 tuần, hơn 20,000 người dùng từ 70 quốc gia đã liên hệ với avatar ảo này để đưa ra các yêu cầu tình dục. (1)
– Lợi dụng để chế ảnh gây cười: Được gọi là Internet meme, các bức ảnh chế thường bắt đầu từ những bức ảnh vô hại một người vô danh nào đó đưa lên mạng (rất nhiều trong số đó là bố mẹ đưa ảnh con), rồi một người nào đó thấy hay hay, họ dùng phần mềm vẽ thêm, hoặc dán thêm câu gì đó buồn cười, thế là tấm ảnh bắt đầu lan truyền trên mạng và hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người đăng lúc đầu. Nếu đó là một bức ảnh ngộ nghĩnh dễ thương thì không sao, nhưng bạn có muốn ảnh con mình xộc xệch để lộ quần lót, hay trong một trạng thái không được đẹp mắt bị lưu giữ đến ngàn đời không?
2. Thông tin có thể dẫn đến nguy hiểm
Cũng là một điều ít người nghĩ đến, nhưng mỗi bức ảnh bạn chụp đều có chứa thông tin về kinh độ và vĩ độ của vị trí bạn ở khi bức ảnh đó được chụp, hay mỗi status bạn đăng lên đều có thông tin IP để người khác có thể lần ra và đánh bom chính xác vào mái nhà của bạn. Cô Del Harvey là trưởng bộ phận Bảo mật ở Twitter, có nói về điều đó trong một Ted Talk (2).
Và cũng đừng nghĩ là việc này phải cần đến chuyên gia về công nghệ thông tin mới làm được. Hiện giờ có rất nhiều trang web miễn phí mà người dùng chỉ cần tải lên một bức ảnh hay một email có sẵn trên mạng là có thể khoanh vùng khá chính xác vị trí của chủ nhân bức ảnh hay email đó.
Đơn giản hơn nữa, khi bạn đưa thông tin tràn lan về con mình lên mạng, bạn không thể biết ai sẽ đọc được thông tin đó. Con đi mẫu giáo ngày đầu tiên, con đi du lịch, con thích ăn kẹo mút hiệu Con gà mái (ví dụ thế), con chia sẻ rằng rất thích bạn Thủy Tiên ở lớp với mẹ. Tất cả những thông tin đó đều có thể dùng để dụ dỗ trẻ. Dụ dỗ để bắt cóc, để sai bảo, để bắt nạt, hay để quấy rối tình dục, đều có thể xảy ra.
3. Thông tin có thể dẫn đến bất lợi cho con trong tương lai
Bây giờ, chuyện con tè dầm mặc dù đã 5 tuổi có vẻ vô hại, thậm chí buồn cười. Nhưng khi bạn tạo ra dấu chân kĩ thuật số (digital footprint), bạn không thể biết trước được 20 năm, 30 năm nữa, có ai bới lại thông tin đó về con mình hay không. Rất có thể, một nhà tuyển dụng trong tương lai sẽ cho rằng chuyện tè dầm đó là vấn đề về tự chủ hành vi, và loại bỏ con bạn để chọn một ứng viên khác cho vị trí quan trọng trong công ty của họ. Vấn đề nằm ở chỗ tất cả đều là KHẢ NĂNG, và bạn không thể dự đoán trước được.
Bạn có bao giờ nghĩ rằng, nếu là bạn, bạn sẽ thấy xấu hổ hay không vui khi một tấm ảnh bạn vừa ngủ vừa chảy nước dãi được đưa lên mạng mà không có sự cho phép không? Sẽ ra sao nếu người yêu tương lai của bạn xem được tấm ảnh đó? Sẽ ra sao nếu không phải chỉ là người yêu, mà rất nhiều đứa bạn cùng trường cấp ba lục được tấm ảnh đó, rồi in ra dán khắp nơi trong trường để châm chọc bạn?
4. Bạn sẽ nói chuyện với con ra sao về việc bảo mật thông tin cá nhân khi con lớn?
Khi con lớn và có thể tự dùng Facebook, chắc chắn bạn sẽ không muốn con mang chuyện riêng của gia đình, hay từng câu cãi nhau của bố mẹ đưa lên cho toàn dân thiên hạ cùng biết. Hay là ảnh con hôn bạn trai, hoặc mặc áo hở ngực. Bạn sẽ lo lắng về việc con kết bạn với những người lạ qua mạng, thậm chí còn hẹn gặp hay đi chơi với họ. Bạn sợ con mình sẽ bị lừa, bị lạm dụng, bị cướp giật, hoặc nhẹ nhàng hơn là bị làm tổn thương tâm lý.
Nhưng bạn sẽ biết nói gì khi bản thân bạn không thực hành những quy tắc bảo mật thông tin cá nhân khi con còn bé, và đã tạo ra hẳn một trang Facebook cá nhân của con với ti tỉ bức ảnh và video từ lúc mới đẻ để chia sẻ với cả thế giới? Làm sao bạn có thể dạy con về những hiểm họa rình rập trên mạng, về việc phải biết đánh giá người lạ trước khi tin tưởng họ, nếu bạn chính là người đăng thông tin về con tràn lan suốt bao nhiêu năm?
5. Tạo ra phụ thuộc vào một sự đánh giá bên ngoài
Rất nhiều khi, mình nhìn thấy những bà mẹ đưa con đi chơi hay đi ăn nhưng không nói chuyện với con, mà chúi mặt vào điện thoại, sau khi chụp ảnh con, chụp ảnh đồ ăn, tự sướng xong thì hí hoáy đưa lên Facebook, viết caption, và comment qua lại với bạn bè kể về việc đưa con đi chơi, trong khi đứa trẻ thì ngồi dài mặt bên cạnh chờ được một cái liếc nhìn của mẹ. Cái ham muốn truyền hình trực tiếp mọi hoạt động trong một ngày bình thường của mình khiến nhiều phụ huynh bị xao nhãng khỏi việc dành thời gian cho con. Quát con ngồi học bài, vứt cho con một cái điện thoại, bật TV lên cho con xem, để mẹ và bố mỗi người đều được rảnh tay ngồi lướt Facebook.
Thật ra, nếu được lựa chọn, một đứa trẻ sẽ luôn chọn được chơi với người thật bằng da bằng thịt, chứ không phải chơi với máy. Dĩ nhiên những em nhỏ đã chơi với máy lâu thì có thể mất thói quen giao tiếp với người, và sẽ cần thời gian để vượt qua việc ngại nói chuyện, nên việc quá tập trung vào sự công nhận của những người bạn trên Facebook mà bỏ quên những tương tác thật với con mình là do bố mẹ. Bao nhiêu lần, mình nhìn quanh công viên hay một quán ăn, và thấy những ông bố bà mẹ im lìm, cắm cúi vào cái điện thoại, chỉ ngước lên để quát con ăn, và đứa trẻ lặng lẽ chấp nhận giữa mình và bố mẹ là một bức tường không thể vượt qua nổi.
Nguy hiểm hơn, với những em nhỏ tầm 7-8 tuổi trở lên, đã biết thế nào là một tấm ảnh được nhiều like, những lời khen đãi bôi cửa miệng người ta thả cho nhau trên mạng, thì có thêm nguy cơ nữa là sự phụ thuộc vào những đánh giá bên ngoài đó. Con mặc váy này mới xinh, để lát chụp ảnh cho lên Facebook. Con đi ăn cưới thì phải ra đứng nhún chân cười điệu để cho lên Facebook. Con đi chơi hay xem phim cũng phải làm kiểu ảnh để cho lên Facebook.
Dần dần, mạng và những người trên mạng có sức ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời của đứa trẻ. Mình thì luôn nghĩ càng bỏ được những đánh giá bên ngoài (điểm số, ý kiến của người xung quanh, chuẩn mực giới) thì trẻ nhỏ càng tự do và yên bình. Bây giờ, ngoài trăm ngàn những áp lực từ cô giáo, từ bác hàng xóm, từ con nhà người ta, trẻ còn phải chịu đánh giá của các cô các bác trên Facebook nữa.
Vậy thì giải pháp là gì?
– Trước hết, hãy điều chỉnh để các bài đăng về con chỉ có bạn bè xem được. Nếu bạn quyết định để ở chế độ công cộng (public), hãy đảm bảo rằng đó là một quyết định đã được cân nhắc, hãy nghĩ về những khả năng trong tương lai, về việc thông tin đó có thể sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn, và từ góc độ của con mình.
– Nếu muốn chia sẻ các tin tức, cập nhật ở mức độ chi tiết (bước đi đầu tiên, cái răng đầu tiên) về con cho một nhóm nhỏ là gia đình hay bạn bè thân, bạn có thể tạo một nhóm kín (secret group), chỉ có những người đó xem được.
– Không đăng ảnh hở hang, những thông tin cá nhân có thể dùng để định danh (identify), ví dụ như tên tuổi đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ nhà, lớp học của con.
– Nói thật là mỗi lần có một bà mẹ nào trong friendlist của mình post 10 tấm ảnh chụp nguyên một cái mặt con, y chang nhau, hoặc đăng status kể lể chi tiết bữa ăn hay tình hình hoạt động bài tiết của con, mình có hai suy nghĩ. Một, ‘who cares?’. Hai, ‘mình nhất định sẽ không trở thành một bà mẹ như vậy’. Tất nhiên Facebook ai thì người đấy có quyền, nhưng mình nghĩ cha mẹ muốn ghi nhật kí, hoặc chụp từng khoảnh khắc của con để lưu giữ cho riêng mình thì chẳng có gì sai, nhưng mặc định rằng những người khác cũng có cùng mong muốn đó giống mình thì không đúng.
– Yêu cầu người thân, bạn bè, thầy cô giáo của con không đăng hình ảnh, thông tin của con mà không có sự cho phép của bạn.
(1): https://www.theverge.com/…/virtual-ten-year-old-girl-leads-…
(2): https://www.ted.com/…/del_harvey_the_strangeness_of_scale_a…
Leave a Reply