1. Gần đây, mình bám càng ông ngoại chồng nên được ở một khách sạn rất xịn tại Đà Nẵng. Mình xúc động vô cùng trước sự chu đáo trong cung cách phục vụ ở đây. Sảnh và trong phòng lúc nào cũng có hoa tươi. Hành lang thoang thoảng hương quế. Chăn ga gối đệm sạch sẽ, đượm mùi nắng, chứ không phải mùi xà phòng hóa chất. Mỗi ngày, ở đầu giường có hai viên socola trắng được gói ghém rất xinh tự nhiên xuất hiện (làm mình liên tưởng đến trầu têm cánh phượng của cô Tấm. Cô Tấm chắc là hình dung sớm nhất về những người làm buồng phòng ở khách sạn, không bao giờ thấy họ, chỉ thấy cứ đi khỏi rồi đi về thì nhà cửa đã tươm tất). Trên đầu giường có một tờ giấy, trên đó in một truyện ngắn để đọc cho em bé trước khi đi ngủ, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Sự chu đáo đến từng chân tơ kẽ tóc còn thể hiện ở ổ cắm cạnh gương trong nhà tắm. Ổ đó có cả điện 120V lẫn điện 220V, cắm được tất cả các kiểu chân tròn chân dẹt, chân hai chân ba, tức là khách đến từ mọi nơi trên thế giới, mang theo cạo râu hay các dụng cụ uốn tóc, sấy tóc, đều được nghĩ đến.
Duy chỉ có một sự việc mà mình cứ lấn cấn trong đầu trong cả kì nghỉ rất dễ chịu đó. Bữa sáng buffet, mình đứng ngó nghiêng quầy phục vụ trứng và pancake. Trên bảng hiệu liệt kê các món toàn bằng tiếng Anh, rất nhiều chữ. Anh bếp liếc thấy mình đứng đó, chẳng nói câu gì, cúi xuống đảo trứng tiếp. Một bác tây to béo lại gần, đứng ngó nghiêng giống mình. Ngay lập tức, anh ngẩng đầu lên, nở một nụ cười rất tươi, đon đả “How are you today, sir? What would you like, sir?”. Bác tây kia chỉ ăn cái này ăn cái kia, anh lanh lẹ tay vừa làm, đầu vừa gật. Trong khi đó, mình vẫn đứng trơ trọi ở một góc, kiên nhẫn đợi đến lượt, mặc dù mình là người đến trước. Anh bếp mãi chẳng hỏi gì, nên cuối cùng mình phải lên tiếng “Anh ơi cho em trứng omelet”.
Mình trở về chỗ ngồi, khá ngạc nhiên vì thái độ của anh đầu bếp thật không giống với ấn tượng của mình về cách chăm sóc khách hàng tỉ mỉ đến từng chi tiết của khách sạn này. Nhưng mình chặc lưỡi, chắc là anh ấy quá bận, vậy thôi.
2. Hôm nay lại được bám càng ông ngoại chồng ở một khách sạn xịn khác tại Sài Gòn. Bối cảnh hết sức quen thuộc diễn ra. Một bạn phục vụ xinh đẹp đứng ở cửa khu ăn sáng buffet. Khi mình đi vào, bạn ấy nói “Hello”, mình đáp lại “Chào bạn”. Mình lại thấy lấn cấn trong bụng lần nữa, quay sang bảo chồng “Tại sao các bạn ấy không nói Xin chào – Hello nhỉ, cũng đâu có gì mất công hơn?”. Anh chàng hiền lành sống đơn giản mà mình đã lấy làm chồng, cũng như mọi khi, đã quá quen với những cắc cớ không giống ai của mình, trầm ngâm ăn tiếp mà không đưa câu trả lời nào thuyết phục.
Ăn uống no nê, hai đứa dắt nhau đi ra, bạn nhân viên đứng ở cửa lại nói “Thank you, goodbye”. Lần này thì xung quanh đã hết khách, nên mình đứng lại, và đoạn hội thoại sau diễn ra.
– Sao bạn không nói là “Xin chào – hello”?
– Tại vì bọn em ở đây nhiều khách tây đó chị.
– Nhưng nói thêm một câu “xin chào” đằng trước cũng có sao đâu?
– (im lặng, mắt mở to)
– Ở các nước nói nhiều ngôn ngữ chính thức, như Canada chẳng hạn, người ta luôn nói “hello – bonjour”, rồi khách trả lời bằng ngôn ngữ nào thì mình sẽ đáp lại bằng ngôn ngữ đó.
– (tiếp tục im lặng, có hai bạn nhân viên khách chạy lại nghe, mắt cũng mở to)
– Mình chỉ nghĩ đơn giản là nếu bạn cũng nói cả “xin chào” nữa, thì khách Việt sẽ không cảm thấy bị phân biệt đối xử, cũng không mất công hơn gì mà.
– Vâng, cám ơn chị
Mình vui vẻ đi xuống, phần vì đã trút được cái phân vân trong bụng, phần vì thấy các bạn này là do không được đào tạo, tức là chưa có ai từng nói với các bạn ấy như vậy, nhưng khi mình nói thì thái độ rất cầu thị. Trong lúc chờ cầu thang, mình nghe loáng thoáng tiếng bình luận của người giám sát về phản hồi của mình.
3. Mỗi khi dịch một bài viết có khái niệm “inclusiveness”, mình và nhóm dịch thường loay hoay trong việc chuyển ngữ, sao cho không quá dài mà lại diễn tả được trọn ý. Ở những xã hội mà sự công bằng và các thực hành chống phân biệt đối xử được nói đến trong đời sống hàng ngày, thì việc những nhóm người cảm thấy bị gạt ra ngoài (exclude) lên tiếng là bình thường. Vì thế, các hệ thống trong xã hội phải cố gắng làm sao để không gạt ai sang bên lề, để những nhóm người khác nhau, có nhu cầu khác nhau, đều thấy mình được bao gồm (include) trong những hoạch định chính sách, trong các thiết kế của công trình công cộng.
Nhà vệ sinh ở các khu trung tâm thương mại ở Canada thường có chỗ ngồi rất sạch sẽ và thoải mái để các bà mẹ cho con bú, cũng như khay lật ra để thay tã bỉm cho em bé. Người ta nói, vậy các ông bố đơn thân nuôi con nhỏ thì sao? Vậy là bên phòng vệ sinh nam cũng có chỗ để các ông bố cho con ti sữa, hoặc có khu vệ sinh cho gia đình, tức là cả nam và nữ đi chung, để dành cho các gia đình có con nhỏ. Ở các ngã tư, khi đèn sang đường cho người đi bộ bật lên, thì sẽ có tín hiệu âm thanh để người khiếm thị cũng biết khi nào mình được qua đường. Việc này ở đường đi bộ Nguyễn Huệ đã thực hiện được, thật là đáng mừng.
Trong trường đại học, mỗi khi mình nhận được thư mời đến các buổi nói chuyện, thì ở cuối bao giờ cũng có câu “Nếu chúng tôi có thể làm gì để bạn có thể tham gia sự kiện này một cách dễ dàng hơn, thì hãy cho chúng tôi biết.” Có những khi người tham gia đi xe lăn, thì sự kiện sẽ được chuyển xuống tầng dưới, hoặc những tòa nhà có thang máy, và có đường dốc riêng cho xe lăn. Những bạn sinh viên không thạo tiếng Anh thì yêu cầu được gửi trước nội dung trình bày để nghiên cứu từ ở nhà. Nếu có ăn, người tham dự sẽ được hỏi trước là có cần kiêng khem nguyên liệu gì không, để phía tổ chức cố gắng đáp ứng. Ngay cả ăn pizza hay burger là đồ ăn nhanh cũng thường có ít nhất hai lựa chọn là đồ chay và đồ thịt.
Làm như vậy có mất thời gian và mất công hơn cho nhà tổ chức không? Chắc chắn là có rồi. Nhưng họ vẫn làm, vì cái họ được sẽ lớn hơn cái họ mất. Mình đã từng học chung lớp với các chị có con còn đang bú. Mẹ đi làm cả ngày, tối tranh thủ đi học, không có ai trông con nên phải cho con vào cái giỏ mang đến lớp. Khi cả lớp yên lặng như tờ làm bài thi, em bé khóc oe oe, cô giáo đã ra dỗ em để mẹ tập trung làm bài. Người phụ nữ ấy, sau khi có bằng đại học, đã trở thành nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ rất nhiều bà mẹ đơn thân như chị. Nếu chị không được hỗ trợ để đi học, nếu cô giáo nói, chị đừng đến lớp ảnh hưởng đến bài giảng của tôi, nếu các bạn sinh viên khó chịu khi con chị khóc, thì biết bao người sẽ không nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của chị với tư cách nhà tư vấn tâm lý.
Và các bạn sinh viên trong lớp của mình biết nghĩ cho người khác hơn, xã hội ấy cũng vì thế mà nhân văn hơn.
4. Nói dài dòng để minh họa cho khái niệm “sự bao gồm”, mình chỉ muốn diễn giải cảm giác bị gạt ra ngoài rìa vì mình là người Việt, không phải người nước ngoài, mặc dù số tiền trả để hưởng dịch vụ là như nhau. Việc các bạn nhân viên khách sạn không nói “Xin chào”, có thể đơn giản là do các bạn chưa từng được đào tạo là phải làm thế, cũng chưa từng nghĩ đến. Nhưng nếu như mình không lên tiếng, các bạn ấy chắc sẽ chẳng bao giờ biết.
Mỗi khi mình kêu ca về những người hút thuốc lá, mẹ mình thường bảo “ai người ta cũng chịu được, sao con không chịu được?”. Quan điểm của mẹ mình, cũng như nhiều người Việt khác, là hãy chiều theo số đông, và nín nhịn để ai cũng vui vẻ, thay vì đòi hỏi cho nhu cầu của mình. “Nhưng không khí là chung, con không làm gì hại đến không khí của họ, tại sao họ lại làm hại đến không khí của con?”. Mình thường đáp lại như vậy.
Còn chuyện câu chào, mỗi khi đi đến đâu mình cũng thường cố gắng học câu chào của người địa phương. Đến Lào mấy ngày cũng biết “sabamdi” (xin chào), “kop chai lai lai” (cám ơn rất nhiều). Rồi cũng biết “ní hảo”, “ciao”, “bonjour”, mặc dù mình không biết tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Trung cũng chỉ biết đếm từ một đến mười.
Khách tây thì cũng nói “xin chào” trước, rồi mới “hello”. Nơi nào càng đa văn hóa, thì càng có nhiều ngôn ngữ được sử dụng. Sân bay ở Vancouver ngoài tiếng Pháp và tiếng Anh còn có tiếng Hoa (phổ thông). Sân bay ở New York thì ngoài tiếng Anh còn có tiếng Tây Ban Nha nữa, đến cả bác bảo vệ đêm ở La Guardia người Sri Lanka ngồi tán chuyện với mình còn phấn đấu học tiếng Trung. Chẳng có gì sai với việc muốn giao tiếp với những người nước ngoài bằng ngôn ngữ của họ, nhưng thật là sai khi họ đến nước ta để biết văn hóa ta, mà ta lại không chào họ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, lai càng sai nữa khi với khách người Việt mà các bạn cũng chỉ biết “Hello”.
Một con người phải tự biết yêu bản thân trước khi mong người khác yêu mình.
Nói rộng ra, mỗi quốc gia cũng phải biết tự tôn trọng quốc ngữ trước khi mong người nước khác yêu thích và quan tâm đến văn hóa của mình.
Leave a Reply