Minh họa của Đỗ Đức
Ngay lúc đấy, tôi đã ước giá mình có một chiếc máy quay ở trong tay để ghi lại những bước chân thoăn thoắt của bà cụ. Chúng tôi đi phía sau bà dọc phố Cầu Gỗ. Bà lão nhỏ thó, nhăn nhúm, cong queo, đẩy một cái túi có gắn bánh, bên trong chất đầy những thứ hàng lỉnh kỉnh, mà đi không cần nhìn trước sau. Trong khi chúng tôi ngó ngang ngó ngửa vì đường rất chật, thì bà cứ đi băng băng như đang bay trên mây. Có lúc tôi tưởng bà là nước, len lỏi vào những khe hẹp giữa một chiếc ô tô và vài người đi xe máy, mất hút trong một đám đông những người trẻ tuổi nhuộm tóc xanh đỏ lênh khênh trên những đôi giầy cao chót vót, rồi thoắt một cái bà lại hiện ra từ đằng sau họ, và mải miết đi. Tôi cắm cúi đi theo, tự hỏi không biết đến bao giờ bà mới dừng lại.
Trong ấn tượng của tôi, những người già hoặc đi khoan thai, chậm rãi, hoặc bước khó nhọc nặng nề. Nhưng cách bà bước đi rất đặc biệt, vì bà tập tễnh, tưởng như chân này nhấc lên là có thể dẫm đè lên chân kia ngay lập tức. Vậy mà không, cái lưng cong và đôi chân đã rất yếu ấy không hiểu lấy sức mạnh ở đâu ra mà cứ điềm nhiêm rảo bước, đẩy cái xe hàng ở phía trước, và lách rất khéo qua những con phố ken dầy người một tối cuối tuần.
Cuối cùng, bà dừng lại ở dưới chân một cửa hàng bán trang sức và đồ lưu niệm ngay cạnh bờ Hồ, rồi tỉ mẩn nhặt những thứ hàng từ trong túi ra xếp lên hai cái mẹt tre. Vài chai nước khoáng, C2, vài phong kẹo cao su, vài túi hạt hướng dương, vài thỏi kẹo ngọt, vài bao thuốc lá, và vài quả mận đựng trong một cái rổ nhựa con màu xanh. Bà sắp xếp khoảng nửa tiếng, trong thời gian ấy chúng tôi trò chuyện với một cô bán mã thầy bên cạnh, vì cứ đứng giương mắt nhìn khi bà đang bận bày hàng thì cũng thật kì cục. Ở cái tuổi mà người ta được phép run rẩy và vụng về, cái mẹt trước mặt bà vẫn đâu ra đấy. Tóc bạc, răng đen, lưng còng, da tay như không còn bám vào xương nữa mà gập lại thành bao nhiêu nếp gấp, bà bó gối ngồi dựa lưng vào khoảng tường trước cửa hiệu đèn sáng lóa.
Ngày nào bà cũng bán hàng ở đây từ 8h đến 3h sáng, đẩy hàng ra rồi lại tấp tểnh đẩy xe hàng 3km để về chỗ ở trọ. Bà đã ngoài 80, quê ở Nam Định, và hiện giờ không còn người thân nào ngoài cô con gái ở quê đã túng bấn lại còn đông con. Câu chuyện bà kể cho chúng tôi là về ba người con trai, họ đều nghiện rượu, bà đều cố gắng vun đắp rất nhiều cơ hội để những cậu con trai ấy thay đổi, nhưng họ đều lần lượt chết. “Tất cả tiền tôi làm ra cô ạ, chúng nó đem đi uống rượu hết, rồi chết hết.” Bà rời quê ra Hà Nội để làm ăn, vì con mà lụi bại, bám trụ lại đất này để mong con sẽ nghĩ khôn ra, nhưng rồi những cậu trai ấy đều đốt đời mình vào rượu.
Tôi hỏi bà về nhiều thứ khác, nhưng dường như chẳng có câu từ nào lọt vào tai bà, ngoài những cái thở dài
“chúng nó nghiện rượu, tôi cũng cố gắng, nhưng mà cũng hết”. Bà có một cái đài cũ, do một cậu bán bóng bay biếu, để ngồi nghe những lúc bán hàng. Thỉnh thoảng có một bác xe ôm mua một điếu Vina lẻ, tự bỏ một nghìn vào cái mẹt của bà, tự lấy thuốc lá, tự châm. Một người khách du lịch mua chai nước, có lẽ muốn hỏi chuyện gì đó, nhưng bà chỉ móm mém cười.
Tiếng đài kêu rè rè, bà bảo cũng không tốn pin lắm đâu. Mỗi ngày tôi lại đi mua thêm vài thứ, phong kẹo, chai nước, gói hạt dưa. Tôi hỏi đêm khuya như thế bà đi về một mình có sợ không, bà bảo già rồi có gì nữa mà cướp, tôi chẳng sợ gì cả. Thỉnh thoảng có mấy chú nghiện gặp tôi thì tôi đưa bao thuốc, các chú ấy lại đi. Đông cũng như hè, bà ngồi dựa lưng vào bờ tường và hướng mặt đón những nắm bụi và vệt đèn đường vàng vọt hắt lên.
Mỗi ngày tôi ăn một bữa cô ạ, còn đâu thì ăn cái bánh mì cũng đỡ đói. Già rồi cũng không tiêu tốn gì nhiều. Công an cũng không đuổi vì bà già, với lại có cái gì đâu mà bắt. Tôi lại hỏi bà có khi nào về quê không, thì bà chẳng nói gì nữa. Và lại tiếp tục câu chuyện về những cậu con trai.
Tôi nghĩ lúc ấy mắt bà đã không còn nhìn thấy tôi, tai bà cũng chẳng nghe được những lời léo nhéo đang phát ra từ cái đài cũ. Người già sống trong quá khứ, có lẽ chỉ chớp mắt một cái là bà đã thấy ba người con nghiện rượu của mình. Bà ngậm ngùi, nhưng không có vẻ trách, cũng không có vẻ buồn. Ngày xưa bà làm công nhân trong nhà máy của nhà nước, hết bao cấp nhà máy giải tán bà mới lên Hà Nội vừa để kiếm việc, vừa để cho con ăn học, mong là gần chỗ đô hội thì chúng nó sẽ sáng dạ ra. Bà bắt đầu bán hàng từ những năm 90, lúc đấy đường phố còn thưa người lắm.
Bà 84 tuổi, ngày nào cũng đi đi về về gần chục cây số, chân thấp chân cao thoăn thoắt bước trên đường. Chỉ riêng việc bà bán hàng 7 tiếng mỗi ngày, bất kể nắng mưa, không vui, không yêu đời nhưng cũng không nghĩ đến chuyện chết, tôi đã cảm phục lắm.
nguồn ảnh
Leave a Reply