30 tuổi, mình biết trân trọng thời gian hơn.
Thời học đại học, khi còn tung tăng chưa phải lo cho ai, trong những ngày mùa đông giá rét, mình có cả thời gian để ngồi trong phòng hát karaoke, tự ghi âm rồi tự nghe lại xem mình đã hát đúng nhạc chưa, tức là một việc hết sức vớ vẩn. Hồi nhỏ hơn nữa, đi học tiếng Anh ở các trung tâm, thì mình hay tự hỏi tại sao những người đã đi làm họ thường học rất nghiêm túc, chẳng nghỉ buổi nào, đến lớp là chăm chú ghi chép, chứ chẳng nằm ườn ra bàn rồi ngáp lên ngáp xuống như mình.
Bây giờ, là một người 30 tuổi, có con, vừa làm việc vừa đi học tiếng Pháp, mình thấy mình cũng đi học chăm chỉ, tận dụng từng phút ở trên lớp, nếu làm xong bài sớm thì lại mang sách đi tự học từ vựng trong khi chờ chữa bài. Vì thời gian bỏ ra là quý giá. Dù bây giờ mình học không mất tiền, nhưng đáng lẽ thời gian đó mình có thể làm việc, ngủ, hoặc rửa bát. Nhưng vì đã lựa chọn đi học, thì mình đành chấp nhận sống nghèo hơn, chậu rửa bát luôn trong tình trạng ngập ngụa, và dậy từ khi trời chưa sáng.
30 tuổi, mình cũng biết vì mình hơn.
Mình ít khi hối hận về việc gì đã từng làm. Nhưng có một việc mà ở thời điểm này, chắc chắn mình sẽ không đưa ra lựa chọn giống như hồi cách đây gần 10 năm.Trường đại học của mình là một trường nhỏ, ít học sinh, ở một thành phố cũng nhỏ xíu, buồn hiu hắt. Trường có khoảng chục sinh viên Việt Nam. Rất may sao, hồi đó có đến 3-4 đứa bằng tuổi mình, đều học khá, chơi với nhau rất hợp. Nhưng suốt 3 năm đầu, bọn mình không ở chung nhà với nhau. Mãi đến năm cuối, lúc đó chơi thân hơn, và tất cả đều kết thúc hợp đồng nhà cũ, nên rủ nhau thuê chung nhà.
Cái nhà bọn mình thuê lại là nhà của một bác người Việt, đã rất cũ và xập xệ, vì thế cũng rất rẻ. Nhà có 5 người ở, nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Nhưng điều tệ nhất là, tất cả các bạn còn lại xí các phòng khác, riêng mình ở một căn phòng có lẽ trước đây là nhà kho, ở tít đằng sau, tách biệt hẳn với phần còn lại của nhà, phải đi mấy phút mới lên đến nhà vệ sinh ở tầng hai. Hồi đó, mình thường chat với mấy bạn ở tầng 2 hỏi xem có ai trong nhà vệ sinh không, rồi mới lò dò đi lên, vì xa quá. Phòng này rất lạnh, vì hệ thống sưởi của nhà không tỏa đến đây. Đã thế, ở một thời gian thì chuột bắt đầu chạy loăng quăng. Lúc đầu bọn chúng còn chạy lén lút, dần dà, công khai chạy luôn trước mặt, khi mình ngồi lù lù trong phòng.
Điều tệ hơn nữa, là mấy bạn ở những căn phòng sáng sủa, ấm áp còn lại của nhà đó, đều không ở nhà nhiều như mình. Có người chỉ ở vài ngày trong tuần. Có người đi vắng hẳn vài tháng. Mình thì suốt năm đó, ở trong một căn phòng lạnh, tối và đầy chuột. Mình chấp nhận tất cả những điều đó để đổi lại việc được ở chung với các bạn người Việt.
Nếu là mình bây giờ, chắc chắn mình sẽ không chịu như thế.
30 tuổi, những người mình ngưỡng mộ cũng khác.
Ngày xưa, mình thường ngưỡng mộ những bạn trẻ được đi nhiều nơi, được tôn vinh là thủ lĩnh thanh niên, tham gia những chương trình quốc tế. Mỗi lần đọc thông tin bạn này bạn kia đã đi được mấy chục quốc gia, bao nhiêu châu lục, và một danh sách dài những thành tích và phần thưởng, mình hay nghĩ, chắc chẳng bao giờ được như họ.
Bây giờ, mình ngưỡng mộ những người dám buông bỏ, và không phải vươn ra xa, bay ra ngoài, mà quyết liệt thay đổi những điều bám rễ sâu nhất bên trong. Mình có một cô bạn, đã có nhà chung cư ở thành phố, hai vợ chồng đều có việc làm rất ổn, nhưng bạn bảo, quá mệt mỏi với đời sống ở đô thị độc hại, và vòng quay kiếm tiền, tắc đường, stress, rồi lại mua sắm để xả stress, hết tiền, lại hùng hục lao đi làm. Bạn xin bố mảnh đất, rồi dựng một cái nhà sàn. Hai vợ chồng bạn chuyển về quê, ở nhà sàn, kiếm ít tiền nhưng tiêu cũng ít, thấy thảnh thơi hơn. Bạn bận rộn với việc nhuộm vải bằng chàm, làm vườn, cải tạo đất. Thời gian trôi đi chậm hơn, và bạn thấy mình sống được nhiều hơn.
Để đi ra ngoài, vươn đến những điều khác biệt, người ta cần nhiều dũng cảm. Nhưng để gạt đi những gông xích của một đời sống “bình thường” như kì vọng của xã hội còn cần nhiều dũng cảm hơn.
30 tuổi, mình cũng biết yêu bản thân hơn.
Mình từ chối những việc trả công không xứng đáng, vì không phải lúc nào cũng nên quy đổi thời gian thành tiền.
Hồi 23 tuổi, đi du lịch bụi lần đầu tiên cùng một chị, hồi đó cũng tầm 30 như mình bây giờ. Chị ý bảo, chị không thích đi hùng hục, và chị rất quan trọng bữa ăn. Chị cố gắng ăn lành mạnh, giảm dầu mỡ. Bây giờ, mình cũng nghĩ y như chị ý.
Buổi tối ăn cơm xong, hai mẹ con dắt nhau đi dạo một vòng, chỉ cho con ông trăng và một vài ngôi sao nhấp nháy. Đường tối mù và cũng hơi rờn rợn khi gặp một người say đi loạng choạng, nhưng mình vẫn đi, như một hành động tử tế nho nhỏ cho bản thân, vì mình biết cơ thể cần không khí và sự vận động. Rủ chồng, chồng làu bàu kêu đau đầu, muốn nằm nghỉ. Thì cũng có sao, mình đã đủ già để biết không nên kì vọng hay dựa dẫm vào người khác để nuôi dưỡng tình yêu với chính mình.
30 tuổi, mình hay nghĩ về những điều mình thấy biết ơn, hơn là những điều mình thấy khó chịu.
Vì mình hiểu ai cũng có những điều buồn phiền của riêng họ. Khi con lèo nhèo và làm đổ sữa ra bàn đến lần thứ tư, mình nghĩ ít nhất mình cũng có một em bé khỏe mạnh và lanh lợi, và vấn đề của mình chỉ nhỏ xíu như con ốm một vài ngày, chứ không phải một sự khiếm khuyết nặng nề hơn. Khi thấy lo lắng về số tiền trong tài khoản có tốc độ giảm nhanh hơn tốc độ tăng, mình nghĩ ít nhất mình đang được sống đúng cách mình muốn, và không phải chịu đựng những người xấu tính đến 8 tiếng một ngày để đổi lại một ngày nhận lương cuối tháng.
Những năm 20 tuổi, mình rất may mắn vì đã có rất nhiều khoảng lặng. Mình cũng may vì có thể rũ bỏ phần lớn những sức ép mà mọi người thường phải chịu từ phía gia đình, xã hội, hay kì vọng của bạn bè.
Nếu có điều gì chiêm nghiệm ra, thì mình nghĩ rằng, những năm 20 tuổi là thời điểm tuyệt vời nhất để người ta thử nhiều thứ. Thử nhiều công việc, thử nhiều chỗ ở, thử nhiều người yêu, thử nhiều lối sống. Và trong khi thử, hãy cố gắng gạt đi những điều mà mọi người cho là “bình thường”, là “đương nhiên phải thế”. Hãy cho mình nhiều thời gian để suy ngẫm, và rất nhiều cô đơn. Vấn đề của rất nhiều người 20 tuổi là họ lao vào một lựa chọn rất hẹp, rồi cảm thấy chán nản, nhưng lại không có can đảm để thoát ra. Hồi đó, mình cũng trăn trở về những điều tương tự.
Thật ra, việc thử và tìm kiếm không phải là để tìm ra một câu trả lời duy nhất. Mình đã từng rất đau khổ vì không thể làm việc được ở đâu quá một năm. Mình băn khoăn về mức độ cam kết của bản thân, rằng tại sao mình không chịu được những điều với người khác là hết sức đơn giản. Mình nhảy việc từ làm cho tổ chức phi chính phủ, làm cho doanh nghiệp xã hội, làm cho cơ quan nghiên cứu, đến xin việc cả ở đại sứ quán, rồi đài truyền hình. Mãi, rồi mình cũng kết luận rằng, không phải một công việc cụ thể, mà là loại hình làm việc, tức là bản chất của việc phải giam mình trong một căn phòng với những người khác, làm không được làm chủ thời gian của bản thân, khiến mình không chịu được. Và mình dừng tìm kiếm một công việc làm thuê “đỡ khó chịu nhất”, mà thay đổi ở gốc rễ, tức là chuyển sang làm tự do hẳn, thì mình vui vẻ làm việc với một công ty đã gần 7 năm nay.
Những năm 20 tuổi nhiều trăn trở và vật vã thì thường mang lại những năm 30 khá vui vẻ và hài lòng. Và hi vọng 10 năm nữa, mình có thể viết về những điều thay đổi của người 40 tuổi, và lại thấy biết ơn vì những điều mình đã trải qua.
Leave a Reply