Hồi chưa có con, mình được mấy cô bạn thân giới thiệu về một vài quyển sách nuôi con “theo phương pháp khoa học”. Mình vẫn nhớ như in lời cô bạn: “Đây thực sự là quyển sách gối đầu giường của tớ, theo đúng nghĩa đen luôn, trong những ngày đầu nuôi con. Tớ để ở đầu giường, đọc đi đọc lại, nếu thấy không đúng thì xem lại mình đã sai ở đâu. Áp dụng đúng thì kết quả cực chuẩn”. Một bạn khác, thì nói với mình “Hồi đó chị luyện con theo đúng các quy trình trong sách, nên nhàn cực”.
Mình cũng háo hức tìm sách về đọc, những mong sau này có con cũng biết cách nuôi con vừa khoa học lại vừa nhàn. Nhưng đọc được vài chục trang thì mình gợn lên cảm giác “có gì đó sai sai”. Sách dạy nuôi con theo quy trình, chia nhỏ thời gian một cách cứng nhắc, và hứa hẹn rằng nếu áp dụng đúng, thì mọi đứa trẻ đều sẽ cư xử theo một khuôn. Mình bỏ dở sách không đọc nữa.
Sau này, mình thấy rất nhiều bà mẹ và có lẽ cả các ông bố, coi những quyển sách như vậy là chân lý khoa học, được phổ biến bởi những bà mẹ cấp tiến, được tiếp cận nền văn minh phương Tây, thì chắc hẳn đúng và tốt nên nhất nhất tin theo. Một phần khác, có lẽ vì họ muốn tin rằng mình là những người nuôi con có kiến thức, không phải theo cảm tính, và làm theo những phương cách này, thì họ sẽ kiểm soát được hành vi của một đứa trẻ “vô tổ chức”, đào tạo và “luyện” được con theo đúng mong muốn của mình.
Chỉ có điều, còn có rất nhiều thông tin khoa học khác xung quanh việc luyện ngủ nói chung và nhiều điều các bố mẹ ở Việt Nam tin theo và thực hành nói riêng. Vì có khá nhiều mẹ thổ lộ rằng việc ngủ nghê của con khiến họ lo lắng và băn khoăn rất nhiều, nên mình sẽ dành thời gian để viết lại những thông tin mà mình đã tìm hiểu được.Để đỡ tốn thời gian, mình nói luôn là mình phản đối luyện ngủ, và mình chưa bao giờ luyện ngủ cho con. Con mình đã gần 2 tuổi rưỡi, và mình chưa bao giờ hối hận về quyết định đó.
Vì vấn đề này rất rộng nên mình sẽ viết thành nhiều bài để trình bày về những kiến thức mà mình biết.
1. Hiểu đúng về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trước tiên, phải làm rõ rằng, việc kì vọng một đứa trẻ sơ sinh ngủ một giấc liền tù tì cả đêm như người lớn là không thực tế, và đi ngược với cấu trúc sinh học của con người, vốn là kết quả tiến hóa qua hàng triệu năm.Giấc ngủ của con người nói chung không phải liền mạch như chúng ta vẫn tưởng, mà thực chất được chia thành nhiều chu kì, mỗi chu kì lại trải qua năm giai đoạn. Trong đó, giai đoạn ba và bốn là giai đoạn ngủ sâu nhất, nếu bị đánh thức vào lúc này người ta sẽ rất khó dậy, và khi dậy thì sẽ mất một lúc mới thấy hoàn toàn tỉnh táo. Giai đoạn năm là REM (rapid eye movement), chính là lúc các giấc mơ diễn ra, và người ta dễ tỉnh dậy nhất.
Một đêm, người trưởng thành sẽ trải qua nhiều chu kì, mỗi chu kì kéo dài từ 90 đến 110 phút. Tại sao người ta cảm thấy mình ngủ liền một mạch từ đêm tới sáng? Thực chất, khi kết thúc mỗi chu kì ngủ, cơ thể chúng ta đều thức dậy trong một khoảng thời gian rất ngắn, có thể là một lần trở mình, và chúng ta không nhớ những khoảng thời gian này khi thức dậy vào sáng hôm sau. Một em bé sơ sinh khi ngủ cũng có chu kì, nhưng một chu kì chỉ kéo dài khoảng 40 phút. Thêm vào đó, trong những tháng đầu đời, em bé gần như không có thời gian ngủ sâu, mà chủ yếu là ngủ không sâu và REM. Kết quả là em bé rất dễ thức dậy (do ngủ không sâu) và thức dậy thường xuyên hơn (do mỗi chu kì ngủ ngắn).
Tại sao lại như vậy?
Hãy hình dung tổ tiên của chúng ta sống và tiến hóa hàng triệu triệu năm trong rừng rậm. Ở môi trường như vậy, một em bé sơ sinh không biết đi, không biết chạy, không thể tự mình ăn, mắt cũng không nhìn xa được quá vài mét, mọi chuyển động đều chậm chạp, tất cả các hoạt động sinh tồn đều phải nhờ cậy vào một người trưởng thành. Nếu em bé đó ngủ say như người lớn, có tiếng động cũng không tỉnh dậy, lạnh quá hay nóng quá cũng vẫn ngủ ngon, có con thú săn mồi nào đến bên cạnh cũng không hay biết, ngủ li bì nhiều tiếng liền để bố mẹ có thể đặt xuống một chỗ trong hang rồi đi thu hái rau củ, thì liệu em bé đó có khả năng sống sót cao trong rừng không?
Con người là loài vật thông minh nhất trong tự nhiên, có bộ não lớn nhất so với trọng lượng cơ thể, và việc sinh sản của chúng ta phải trả giá rất đắt cho điều đó.
Thứ nhất, khi chúng ta bắt đầu đi bằng hai chân và đứng thẳng, hông của chúng ta nhỏ lại, nên việc sinh con trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều cho phụ nữ. Thứ hai, khi não của chúng ta to ra, đầu của trẻ sơ sinh cũng ngày càng to ra (hãy thử so sánh với những người anh em họ gần là các loài vượn, cơ thể rất to mà đầu lại rất bé). Hông của mẹ thì nhỏ lại, đầu của con lại to ra, dẫn đến kết quả là sinh nở khó, cả con non và mẹ đều dễ chết hơn trong quá trình sinh đẻ.Và kết quả của việc tiến hóa đó là những ca đẻ non (khi đầu của đứa trẻ còn chưa quá to) thì khả năng sống sót của cả mẹ và con sẽ cao hơn. Tiếp đó, những người này lại truyền gen của mình cho thế hệ sau. Nếu nghĩ rằng một con bò, con hươu, chỉ sau khi sinh vài tiếng là có thể chạy nhảy, ăn cỏ như mẹ, để trẻ sơ sinh của con người có khả năng tương tự như thế, thì thai kì của chúng ta phải kéo dài một năm rưỡi đến hai năm, chứ không phải 9 tháng như bây giờ.
Như thế, tất cả chúng ta đều là hậu duệ của những người đã từng được sinh non trong tự nhiên. Trẻ sơ sinh chúng ta đã ra đời trong khi đáng lẽ phải được ở trong bụng mẹ thêm cả năm nữa. Điều đó có nghĩa là, khi một em bé ra đời, em bé đó cực kì yếu ớt, không thể tự đảm bảo cho sự sống của chính mình, và phải hoàn toàn phải phụ thuộc vào người xung quanh để cho mình ăn, cho mình đủ ấm áp hay mát mẻ, và bảo vệ mình không bị những con thú khác xơi thịt.
Điều này có rất nhiều hệ quả lên những năm đầu đời của em bé. Một trong những điều đó chính là việc ngủ không sâu và thức dậy thường xuyên. Nếu em bé không biết kêu ré lên khi đang ngủ mà bị một con kiến đốt, hay có cảm giác thứ gì đó đang chuyển động gần mình, hay đang bị mặt trời chói chang chiếu thẳng, thì có lẽ loài người chúng ta đã không tồn tại được đến ngày hôm nay.Vì thế, điều đầu tiên cần hiểu là việc kì vọng con ngủ xuyên đêm, ngủ liền tám tiếng đồng hồ, ngủ theo lịch sinh hoạt mà bố mẹ vạch ra, ngủ say mà không cần có mẹ bên cạnh, đều là trái với những điều mà khoa học biết về quá trình tiến hóa của loài người.
(Còn tiếp)
Leave a Reply