Canada đang ở những ngày đầu tiên của dịch, bắt đầu thấm thía cảm giác choáng ngợp dưới một con sóng lớn cứ lùi lũi tiến đến, không sức nào cản nổi.
Thứ 5 tuần trước, trên nhóm Facebook khu phố mình ở, các mẹ còn xôn xao hỏi nhau nếu trường không cho nghỉ thì có nên cho con nghỉ học không. Các mẹ cập nhật cho nhau trường nào, trường nào đã cho học sinh nghỉ. Cuối ngày thứ 5, nếu có nghỉ thì phần lớn các trường thông báo chỉ nghỉ một ngày thứ 6 để làm vệ sinh và chuẩn bị đón dịch.
Sáng ngày thứ 6, trường mẫu giáo của Cơm vẫn mở và Cơm đi học bình thường. Mình và bố Cơm tranh thủ đi kí giấy tờ và định lượn qua siêu thị xem có mua thêm được gì về nhà cho yên tâm không.
Khoảng gần trưa ngày thứ 6, có thông báo từ mẫu giáo đến đại học trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học hai tuần. Thị trưởng thành phố Montreal thông báo đóng cửa tất cả các địa điểm công cộng như thư viện, bảo tàng, trung tâm thể thao.
Sang ngày thứ 7, có thêm thông báo sẽ đóng cửa các nhà hàng, quán bar, những tụ điểm vui chơi không thiết yếu. Trên mạng tràn lan tin tức về việc người dân vơ vét hàng hóa ở siêu thị. Siêu thị gần nhà mình, có mẹ chụp ảnh lúc 9 rưỡi tối vẫn đông nghịt, mọi người xếp hàng gần hai tiếng mới thanh toán xong.
Tin tức về số ca nhiễm cập nhật theo giờ. Các bố mẹ bắt đầu chia sẻ với nhau các gợi ý để sống sót qua hai tuần tới. Trang web học online, podcast cho trẻ con, rồi hỏi ý kiến nhau xem có nên cho con đến chơi với bạn không, có nên hủy buổi sinh nhật đã lên lịch không.
Chủ nhật, người ta bắt đầu nói đến khả năng phong tỏa tỉnh Ontario, là nơi đang có số ca nhiễm nhiều nhất và tăng mạnh nhất cả nước. Và các bố mẹ cũng bắt đầu kháo nhau, hãy chuẩn bị tinh thần là việc nghỉ học có thể kéo dài nhiều tháng.
Ngoài sự hoang mang và lo lắng, mình thấy rất nhiều thứ khác.
Một người đăng lên nhóm Facebook của khu phố, không biết có cụ già neo đơn nào sống một mình và cần đi chợ giúp không. Với tình cảnh chen nhau mua đồ, mà người già nguy cơ nhiễm bệnh cao, không nên ra ngoài, có lẽ các cụ đang rất lo sợ. Người đó nói, nếu ai cần đi mua đồ hay mua thuốc giúp, hãy nhắn tin cho tôi, tôi sẽ đi mua giúp rồi để ở ngoài cửa.
Một người khác đăng lên rằng, nếu trong giai đoạn này có ai có con nhỏ mà không làm việc được mà thiếu ăn, hãy nhắn tin cho tôi, đừng ngại ngần gì cả, tôi sẽ đem đồ ăn tới đặt trước cửa. Một vài bữa sáng hay một bữa trưa không làm tôi nghèo đi.
Một người khác bày tỏ rằng, tại sao chúng ta không cùng bọn trẻ làm những tấm thiệp gửi cho các cụ già? Toàn tỉnh có lệnh cấm vào thăm những người già đang sống trong các khu nhà dưỡng lão, hẳn là họ đang rất cô đơn. Vậy chúng ta sẽ làm thiệp để họ biết là họ vẫn được nghĩ đến. Một người khác nói ngay, tất nhiên vì virus có thể sống đến 24 giờ trên giấy, nên những tấm thiệp này sẽ được phơi một vài ngày, sau đó phun nước tẩy trùng, rồi mới được đem đến cho các cụ.
Đấy là người dân. Còn chính phủ thì sao?
Mình thấy chính phủ các cấp, từ trung ương, đến tỉnh, đến thành phố rồi đến quận, đều rất nỗ lực để đưa thông tin đến người dân bằng nhiều kênh và nhanh chóng. Người dân không cần phải đoán già đoán non, rồi lo lắng và hồi hộp. Từ lúc vợ thủ tướng có triệu chứng sốt, báo đã đưa tin. Khi vợ thủ tướng chính thức có kết quả xét nghiệm dương tính, báo cũng đưa tin. Sáng thứ 7, thủ tướng livestream đứng phát biểu ngay trước cửa nhà.
Khi người dân ào ạt đi mua sắm, các lãnh đạo cấp tỉnh lên báo trấn an người dân rằng không có chuyện lo sợ thiếu thực phẩm. Báo chí cập nhật liên tục các biện pháp đang được cân nhắc. Liệu có đóng cửa biên giới không? Liệu có phong tỏa không? Tỉnh trưởng Quebec yêu cầu thủ tướng phong tỏa biên giới. Tỉnh trưởng Alberta yêu cầu thủ tướng xuất tiền từ ngân khố quốc gia để hỗ trợ người dân. Chỉ đọc tin thôi người dân cũng cảm thấy bộ máy chính phủ đang làm việc rất cấp tập.
Trường mẫu giáo của Cơm trong mấy ngày qua cũng liên tục gửi email cho phụ huynh, luôn viết bằng cả tiếng Anh và Pháp. Trong email nào cô hiệu trưởng cũng nói sẽ tiếp tục cập nhật cho phụ huynh khi có chỉ thị mới từ Bộ Gia đình và Trẻ em của tỉnh. Email đầu tiên, trường đóng cửa hai tuần. Email thứ hai, trường sẽ trừ số tiền đã đóng cho hai tuần tới vào tháng tiếp theo. Email thứ ba, ngày mai trường sẽ mở, nhưng chỉ nhận con của những người làm ngành nghề thiết yếu, như bác sĩ, y tá, lính cửa hỏa, cảnh sát, và phụ huynh phải có giấy tờ chứng minh công việc của mình.
Rất nhiều vấn đề được nêu ra. Người dân ngay lập tức hỏi, mọi thứ đình trệ thế này, thì Sở thuế có gia hạn khai thuế thu nhập được không? Hàng năm, 30 tháng 4 là hạn chót để khai thuế thu nhập. Chính phủ có trích ngân sách để giúp đỡ những gia đình khó khăn trong giai đoạn này không? Thủ tướng nói, trong lúc như thế này, không nên để ai phải lo không có tiền mà trả tiền thuê nhà hay mua thức ăn. Nhưng nếu có, thì sẽ hỗ trợ thế nào, tiêu chí thế nào, phân bổ theo cách thức ra sao?
Cuối video thông báo (mà mình xem trên Facebook) về việc đóng cửa tất cả những địa điểm công cộng và hủy bỏ những sự kiện đông người trong thành phố, thị trưởng Montreal nhắc lại những giá trị về sự tương trợ, về tình đoàn kết. Người đứng đầu quận mình ở cũng đã trực tiếp điều phối những nỗ lực để hỗ trợ những người già trong quận. Rất nhanh, người dân có thể gửi cho nhau những địa chỉ trang web nếu họ muốn giúp đỡ.
Những thông báo kêu gọi các bác sĩ và y tá về hưu quay trở lại làm việc. Những bài viết nêu con số hàng trăm ngàn cuộc gọi đổ về đường dây tư vấn y tế trong một ngày. Người dân viết lên Facebook rằng họ gọi hàng chục cuộc vẫn không được bắt máy. Đúng như dự đoán, hệ thống y tế của Canada đã quá tải và đang gồng lên để chống chọi với cơn sóng này.
Người dân Canada có hoảng hốt không? Có.
Họ có hành động cảm tính và lao ra ngoài mua thức ăn và giấy vệ sinh tích trữ không? Có.
Có những kẻ đầu cơ trục lợi và mua thật nhiều rồi bán hàng với giá cao để kiếm lãi không? Có.
Có rất nhiều điểm chung giữa Việt Nam và Canada khi cùng đối mặt với một khủng hoảng. Nhưng cũng có rất nhiều điểm khác nhau.
Chính phủ Canada minh bạch thông tin hơn, và người dân tuân thủ những yêu cầu của chính phủ tốt hơn.
Mẹ mình kể, quán bia ở Hà Nội vẫn đầy các ông ngồi nhậu, không biết sợ gì cả. Ở đây thì không, mọi người nhắc nhở nhau trên các nhóm Facebook, hãy ở yên trong nhà nhé, nếu không bạn sẽ làm hỏng hết mọi nỗ lực của người khác.
Và có một điều khác, mình thấy khi đối mặt với khủng hoảng, ngay lập tức có những tiếng nói cất lên “Thế còn những người kém may mắn hơn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể làm gì cho họ?”
You are as strong as your weakest link. Câu này thường được nhắc đến trong bảo mật thông tin. Nghĩa là cả một tập thể mạnh, nhưng chỉ cần một mắt xích yếu, là tất cả sẽ sụp đổ. Mình thấy câu này càng đúng hơn trong hoàn cảnh dịch bệnh, khi những mặt xấu nhất của một xã hội và những xu hướng ích kỷ của con người bộc phát.
Những ngày tới sẽ là những ngày nhiều bất an. Sóng không biết bao giờ mới qua, và không ai biết được sức tàn phá của nó thế nào. Nhưng mình nghĩ, những biến cố sẽ luôn làm những đứt gãy ngầm hiện rõ hơn, và những kết nối vốn đã vững chắc thì sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Luke says
Câu cuối bài viết này thật hay, làm người đọc có suy nghĩ tích cực về cuộc sống khi có Sóng.
Hơn một năm rồi, hy vọng tác giả sẽ viết thêm về đề tài này để cùng so sánh về xã hội và con người ở nhiều nơi Sóng liên tiếp quay lại.
Cảm ơn người kể chuyện hay,