Hồi lâu rồi mình có đọc một câu chuyện của một bà mẹ phương Tây. Một ngày, con bà đi học về, và buột ra một câu chửi rất bậy. Bà ngạc nhiên tột độ: Ô, con học cái đấy ở đâu thế? Con có hiểu từ đấy có nghĩa là gì không? Dĩ nhiên, thằng bé chỉ học lóm từ một anh lớn hơn ở trường, và các bạn cùng lớp ai cũng nói như thế, nên đối với nó, đấy là một hành vi để thể hiện là mình cũng ngầu, cũng cool như ai.
Bà mẹ nghĩ ra một giải pháp. Được rồi, con có thể chửi bậy, nhưng mỗi tuần mẹ sẽ chỉ dành ra 15 phút, lúc đó con muốn nói gì cũng được, còn những lúc khác thì không được. Thế là mỗi tuần, cả nhà cùng ngồi đợi kim đồng hồ chỉ đúng đến giờ được cho phép, là mấy thằng con nhảy tưng tưng và văng ra tất cả những lời tục tĩu nhất mà bọn trẻ nghe được từ bạn bè, ngoài đường và trên TV, sau đó rồi thôi. Rất hả hê.
Cách tiếp cận của bà mẹ rất hay. Bà không cấm đoán, vì càng cấm, bọn trẻ sẽ càng tò mò và tiếp tục làm một cách vụng trộm. Bà chỉ muốn con tiết chế, và khi lớn lên có thể hiểu tùy rằng đang nói với ai mà điều chỉnh ngôn ngữ của mình cho phù hợp. Nhưng hay nhất là đoạn kết, bà viết rằng. Một khi tôi lấy mất của con khả năng nói từ “fuck”, thì tức là, một ngày nào đó, con tôi không thể nói “fuck the government”. Tức là khả năng tức giận, thể hiện sự tức giận ấy, và tinh thần phản kháng.
Dạo gần đây mình hay để ý đến cách người lớn nói chuyện với trẻ con, và thấy với mỗi khi người lớn muốn bọn trẻ làm cái gì đấy, họ sẽ có hai cách, hoặc là dọa dẫm, hoặc là hứa hẹn. Con ăn đi không mẹ gọi chú công an vào bây giờ. Cháu có đứng lên không, ông xe ôm vào bây giờ. Không đi ngủ đi là ông ba bị bắt đấy. Ngồi xuống ngay không gọi ông/bà/anh nào đó vào vặn răng. Ăn ngay không con chuột chít ra cắn chân.Toàn những nhân vật và những nỗi sợ mơ hồ.
Lại tiếp, những sự hứa hão. Ăn nốt bát này rồi bà cho đi chơi nhé. Ngồi ngoan đây rồi tí về mẹ cho chơi Ipad. Đi mau lên rồi ông mua bim bim cho. Những sự hối lộ để người lớn điều khiển trẻ con làm những điều họ muốn. Toàn hứa hão, chẳng bao giờ thực hiện.
Và mình bắt đầu nghĩ, liệu có mối liên quan nào giữa những sự dọa dẫm về những nhân vật mơ hồ (chú công an, ông ba bị, bà mẹ mìn) từ khi còn bé tí, với những nỗi sợ mơ hồ khi người ta đã lớn lên. Ấy, đừng có nói xấu chế độ kẻo đi tù bây giờ. Thôi, thôi, tham nhũng thì mặc kệ chúng nó, đừng có nói ra ngoài đường, mày có định cư ở Mỹ nổi không mà to mồm chê bai? Liệu có phải chúng ta bị điều khiển bởi nỗi sợ từ bé, rồi chính mình điều khiển lớp trẻ hơn từ bé, để rồi cứ thế hệ này sang thế hệ khác, bị nỗi sợ chi phối?
Rồi kì vọng là phải được cái gì đó thì mới làm điều đúng..nếu không có gì hứa hẹn, tôi sẽ không cài dây an toàn trên máy bay. Nếu không cho tôi cái gì, tôi sẽ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Tại sao tôi phải làm, nếu không ai hứa cho tôi bim bim hay kẹo mút, hay một thứ gì đó phù hợp để dụ dỗ một người trưởng thành? Những hành vi chỉ được làm khi có phần thưởng từ bên ngoài chờ đợi. Thi đua để lập thành tích. Có công ăn việc làm ổn định để được các bà hàng xóm xuýt xoa. Đẻ con trai để được họ hàng khen là giỏi. Đi xe máy đẹp để các chị cùng phòng phải lác mắt. Một thứ gì, bất kỳ thứ gì, ngoài trách nhiệm “tôi phải làm vì điều đó đúng.”
Trong khi nghĩ, mình vẫn tiếp tục choáng váng vì những lời dọa dẫm và những lời hứa hão dội vào trẻ con ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngày!
Leave a Reply