Cũng giống như vụ hai cô bảo mẫu hành hạ trẻ cách đây mấy năm, mỗi khi có sự việc xảy ra khiến dư luận phẫn nộ, mình lại nghĩ rằng, chỉ trích cá nhân là cần thiết, vì nó khiến người ta tranh cãi và định lại ranh giới cái đúng và cái sai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở phê phán một vài cá nhân thì chưa đủ. Việc đó là sai, con người đó là bất bình thường, đáng ghê tởm, cần loại trừ ra khỏi xã hội. Sau đó thì sao? Mọi việc lại diễn ra như cũ.
Thật ra kể cả những tên tội phạm giết người hàng loạt man rợ nhất cũng sống 99% cuộc đời bình thường. Những kẻ ác độc, hung bạo nhất, cũng lớn lên xung quanh chúng ta, là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí là người nổi tiếng từng được chúng ta xưng tụng.
Đổ lỗi cho người khác thì rất dễ. Hắn hẳn là một kẻ bệnh hoạn. Câu đó đồng nghĩa với “vậy thì tôi hẳn là một người bình thường”. Sau khi chỉ trích xong, việc này chẳng liên quan gì đến tôi cả. Chấm dứt câu chuyện.
Hãy nhìn sâu vào văn hóa và hành vi của chúng ta. Chúng ta có vô tội không? Hay chúng ta đang vô tình hoặc cố ý kiến tạo nên thế giới trong đó cơ thể phụ nữ bị coi là đồ chơi cho đàn ông, và việc động chạm vào những đứa trẻ được coi là bình thường?
Bài viết này chỉ ra ba ví dụ mà cha mẹ vô tình “dạy” con gái của mình rằng sự đồng thuận của cô không có nghĩa lý gì cả. Năm ba tuổi, cô bé thường được yêu cầu thơm má người anh họ của mình, hoặc ngược lại, và kể cả khi cô bé không thích, vì cậu bé kia hay chảy dãi, thì người lớn vẫn không đếm xỉa đến sự phản kháng của cô. Năm mười tuổi, khi những người anh em họ đang tuổi thiếu niên giật áo bơi, bố mẹ cô đã chặc lưỡi “mấy thằng nhóc nghịch tí ý mà” (boys will be boys). Năm mười bốn tuổi, khi cô kể với mẹ về việc bị những người đàn ông trưởng thành trêu chọc ngoài đường, thì mẹ cô nói, “đấy là cái giá phải trả khi con là phụ nữ, xưa đã thế, nay vẫn vậy, ngàn đời sau sẽ không khác gì”.
Những ví dụ này chuyển thành gì? Khi còn bé, con gái không được tự chủ quyết định về cơ thể mình, và việc nói “không” không được tôn trọng. Ở tuổi thiếu niên, con gái hiểu rằng con trai sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối của họ, và nếu có gì không hay xảy ra, thì con gái mới bị trách móc. Ở tuổi dậy thì, con gái cảm thấy bất lực, làm phụ nữ có nghĩa là phải chấp nhận bị xâm hại (bằng lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ), chẳng thể làm gì khác được.
Đây là bài viết được đọc nhiều nhất năm 2016 của trang Everyday Feminism. Bạn có thấy quen không? Mình thì có. Ít nhất là hai ví dụ sau, cả hai đều xảy ra với mình.
Cách đây mấy hôm, nói chuyện với một bà mẹ bằng tuổi mình đã có một con gái và sắp có con gái thứ hai. Mình bảo, bây giờ có những game bắn giết mà phần thưởng cho người chiến thắng là được lột dần từng thứ đồ trên một cô gái, hoặc các game nhập vai mà mục tiêu của cả trò chơi là tìm cách hãm hiếp một cô gái. Bạn bảo, cái đó chưa liên quan đến bản thân nên chưa nghĩ tới bao giờ. Ồ, rồi các con gái của bạn sẽ đi học và sẽ sống giữa những cậu trai đắm chìm trong những trò chơi ấy. Không liên quan thật sao?
Mong một năm mới bình an cho tất cả các em bé của chúng ta.
Leave a Reply