Xưa đến nay, mình luôn nghĩ, viết là một hoạt động đơn độc. Nhưng cùng làm việc với Aaron và cùng viết lại những cuộc gặp gỡ, mình mới thấy viết có thể là một hoạt động hợp tác. Và những dòng viết của hai người không chung ngôn ngữ lại trổ hoa tuyệt đẹp. Cùng ở đó, cùng nói, cùng nghĩ, cùng lúng túng và cùng xúc động đến sững sờ, với một tâm hồn không chung văn hóa, hóa ra lại vô cùng đáng yêu. Mình bảo với Aaron rằng, cậu đã giúp tớ xóa được nốt những lằn ranh của sự khác biệt, mà nhìn vào nhau chỉ như những con người.
Cuốn sách ảnh nhỏ này là một nỗ lực cuống cuồng sau khoảng 4-5 tháng phỏng vấn hàng chục người ở khắp Hà Nội. Phần lời thì cả Aaron và mình cùng viết. Mình dịch những phần tiếng Anh Aaron viết, nhưng sau đó mình thêm thắt, bỏ bớt, sửa chữa, cho cả tiếng Anh và tiếng Việt. Bố mẹ Aaron thì chỉ đọc phần tiếng Anh, và bạn bè thân thiết của mình thì chỉ đọc phần tiếng Việt, nhưng đều nói, vẫn nhận ra rõ giọng văn của từng người, nhưng cùng lúc đó, lại nhận ra sự hiện diện của người kia. Đối với mình, ngoài việc hai người cùng kết hợp với nhau để tạo ra một sinh linh mới, thì cùng mở toang tâm hồn để cùng tạo ra những dòng chữ như thế, xuyên qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, cũng đẹp kinh khủng.
Mình trích lại câu chuyện dài nhất ở đây. Mọi người có thể đọc cả quyển song ngữ và ngắm ảnh trong link này.
https://www.academia.edu/…/A_piece_of_land_is_a_piece_of_go…
——————————————————————-
NGƯỜI NÔNG DÂN TRỒNG ĐÀO
Trên đời, luôn có những cuộc gặp gỡ kì lạ. Chúng tôi gặp bác khi bác đang trồng rau cải trên bãi đất ở lòng hồ đã cạn nước. Thật ra cũng không hẳn là gặp, chúng tôi lang thang ở đấy, thấy có một bác đang lúi húi trồng rau, thế là sà vào nói chuyện.
Thật may sao, mặc dù đang rất vội cắt rau để về nhà nấu cơm trưa, bác vẫn nói chuyện với chúng tôi đủ lâu để than thở rằng dạo này đào đang ra lá tốt um xùm, mà trời có vẻ nắng, cần phải tuốt hết lá đào trong tuần này và tuần sau. Cũng thật may sao, Vân đã nhanh trí gợi ý bác Tính nhận hai lao động không chuyên vào làm mấy ngày, để có cơ hội được lân la nghe chuyện của một người nông dân cả đời gắn bó với làng Nhật Tân.
Có lẽ bác không nghĩ chúng tôi bày tỏ ý định một cách nghiêm túc. Với những lời chỉ đường đậm chất nông thôn (đi qua nhà trồng hoa cho chụp ảnh, đến ngã tư thứ hai, nhìn thấy cây sung to, đi tiếp đến cuối đường), và tên bác, chúng tôi cuối cùng cũng tìm được đến vườn đào sau khi phải lộn đi lộn lại vài lần và hỏi thăm khoảng chục người dân.
Vài buổi sáng sau đó, chúng tôi đều đặn đến đúng 9 giờ sáng, bác phát cho mỗi đứa một cái nón, một đôi găng tay, một cái thang nhôm, Aaron mang bánh mì pate trứng và trà đựng trong ấm cách thủy cho cả hai. Hai người nông dân tập sự vừa lóng ngóng làm việc vừa thủ thỉ nói chuyện với bác Tính ở giữa vườn đào.
Ngồi chênh vênh trên một cái thang nhôm, đầu đội nón, tay đeo găng, công việc của chúng tôi là tuốt hết sạch những chiếc lá xanh, nhưng không làm hỏng nụ. Bác Toan, chủ vườn đào, than thở rằng “Đào năm nay kém lắm, mọi năm bằng tầm này là nụ phải bằng con ruồi rồi. Giờ vẫn bé tí, vì tháng 7 mưa nhiều quá.”
Và bác kể rất nhiều chuyện. Những người nông dân thường không biết rằng họ có một tài năng vô cùng đặc biệt, đấy là làm sống lại cả một thế giới qua những câu chuyện được kể bằng những niềm vui, nỗi buồn, những toan tính và cả sự bất lực của họ. Câu chuyện của bác có rất nhiều tiếng thở dài. “Ngày xưa chỗ này là ruộng ngô, sau nhà nước lấy đất ở đồng đào để mở đường thì nhà bác chuyển sang đây. Chỗ này cũng vào quy hoạch rồi, mấy năm nữa thấy bảo sẽ mở đường rộng 60m, rồi mở thành phố bên sông. Bác già rồi, chắc chỉ làm được 1-2 năm nữa. Sau đấy cho lại các con cho chúng nó làm. Rồi đến khi nào nhà nước lấy nốt chỗ này nữa thì hết, làng đào Nhật Tân này rồi cũng hết.”
Bác là một người nông dân trong phố. Bác gọi nơi mình sống là cái làng. Bác kể về hội làng có đám rước với những cô trinh nữ và hàng người mặc áo đẹp đi trẩy hội dài lượt thượt. Bác nói về ông cụ lái đò qua sông có ba vợ và hàng chục người con, khi ông qua đời sáu mươi mấy người cả dâu cả rể ngồi xổm thành hàng dài rồi nâng quan tài của bố qua đầu. “Tục lệ ở đấy nó thế, con ạ”. Giữa những lời nói chuyện rổn rảng của bác là tiếng chó sủa, tiếng gió luồn trên tóc, tiếng người từ những khu vườn bên cạnh gọi nhau í ới, và cả tiếng nhạc sàn xập xình phát ra từ các khu chụp ảnh.
Nghề trồng đào quả lắm công phu. Bác chỉ vào một cây đào, nói với chúng tôi, “cái này là để cắm đằng sau vô tuyến, vì cành vươn ngang ra”. Khi một người khách đến chọn đào tại vườn, bác sẽ hỏi người ta trần nhà cao bao nhiêu, góc nhà thế nào, khung cảnh căn phòng ra sao, nếu cắm vào bình thì bình cao mấy thước. Sau khi họ đã chọn được cây đào ưng ý, thì bác mới phải đôn cây lên cao và chăm chút để cây ra rễ trước khi về nhà mới. Vân hỏi, “Sao bác không đào cây lên chuyển cho người ta luôn?” thì được trả lời rằng “Cây mới đào lên, chưa có rễ, về người ta trồng bị chết thì mình không có đức.”
Cả năm chăm vườn mấy trăm cây đào, bác tất bật. Mỗi tháng sửa một lần, khi cây cuối vườn tỉa cành xong thì cây đầu vườn đã lại túa xua. Cuối năm thì phải tuốt lá, chỉnh dáng. Mùa hè có bão thì phải ra chống cây, buộc các cây vào nhau cho khỏi đổ. Khi trời lạnh quá thì phải tìm cách che, khi trời nóng quá lại phải tìm cách ủ. Bác bảo, “Dù có khéo đến mấy thì cũng phụ thuộc thời tiết. Chỉ cần hoa nở sớm hay nở muộn vài ngày là cũng thất thu”.
Những số phận như bác, có vẻ gì từa tựa như những cành đào sau mấy ngày tết đã bị quăng ra xe rác, hoặc đốt làm củi. Bên ngoài vườn đào, xe máy và ô tô vẫn nườm nượp đi vào vườn hoa và bãi đá. Chẳng ai để ý một bà già lụi cụi quét lá thành từng đống giữa các luống đào.
Nửa tháng sau đó đường ở đây sẽ đông nườm nượp, nhưng khi không cần nữa, người ta sẽ chẳng thương tiếc gì những nụ đào e ấp đong đầy sự chờ mong, nỗi khó nhọc, và cả những thắc thỏm đợi nắng mưa của những người nông dân ở phố. Những người nông dân bao nhiêu đời cặm cụi trồng hoa để mang lại vẻ đẹp cho thành phố này, rồi cũng sẽ bị gạt đi, khi mảnh đất cuối cùng của họ trở thành những khu đô thị hào nhoáng.
Một tuần trước Tết, Aaron mua một cành đào của bác. Một tháng sau Tết, anh vẫn nhất định không muốn vứt đi, những bông hoa đã khô rắc đầy màu hồng vương vãi trên sàn nhà, mỗi lần nhìn đến lại nhắc anh nghĩ đến bác.
Sau Tết, khi bác đã đỡ bận hơn, chúng tôi nhờ bác một việc. Một trong những phương pháp nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện là nhờ những người dân đã sống lâu năm trong khu vực giúp cùng làm bản đồ, tức là họ sẽ kể cho chúng tôi nghe khung cảnh nơi đây đã thay đổi thế nào dựa theo trí nhớ của họ.
Chúng tôi đèo bác đi quanh Nhật Tân trên xe máy của Vân, và bác chỉ cho chúng tôi ngày xưa chỗ này là gì, và bây giờ so với xưa thì đã đổi khác ra sao. Cái cây gạo này, bác nói, phân ranh giới giữa thôn bắc và thôn nam. Bác đưa chúng tôi đến khu nghĩa trang có mộ của người thân và bác trai, bây giờ lọt thỏm trong khuôn viên của khu Ciputra. Chúng tôi phải đi ngang con đường xe cộ chạy vù vù lao từ cầu Nhật Tân xuống, và lắt léo qua cổng sắt có người gác—bác nói, bình thường người nhà chỉ được vào đây vào ngày rằm và mùng một. Vào rồi, bác mất một lúc mới tìm được nghĩa trang, vì khung cảnh đã trở thành một công trường xây dựng ngổn ngang, mọi thứ đã thay đổi, những cái cây bác dùng để chỉ đường theo trí nhớ cũng đã bị chặt mất.
Ba bác cháu đi về rồi, bác mời chúng tôi vào nhà chơi, chọc cho những quả khế ngọt lừ chim ăn nham nhở, và lấy từ trong tủ lạnh một bông sen đông đá, gỡ những cánh hoa ra, đun nước mưa hứng trong bể, mời chúng tôi uống trà.
Aaron sẽ luôn nhớ cảm giác ngạc nhiên của anh khi bác mở bông hoa ra—màu hoa thật rực rỡ, và bàn tay bác sạm nắng nhưng rắn rỏi nâng niu những cánh hoa nhẹ nhàng. Bác trai đã ướp trà vào bông hoa này trước khi qua đời hai năm trước.
Thực sự được bác mời trà sen, mà bác chỉ còn lại có vài bông, là một món quà quý mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên được. Không những bác mời chúng tôi vào một phần quan trọng trong đời bác, mà thông qua việc uống trà, bác đã chia sẻ bản sắc làng quê của mình, truyền cho chúng tôi những ý nghĩa đằng sau một truyền thống.
Còn Vân thì chưa bao giờ hết biết ơn và xúc động bởi sự hào phóng của những người chất phác như bác Tính, chia sẻ với hai người không quen cả một kho tàng vốn sống và những kỉ niệm, mà chẳng mảy may nghĩ ngợi gì.
Leave a Reply