1. Bố mẹ yêu thương nhau để cho con một môi trường sống không stress
Trong quyển “Brain rules for baby”, tác giả John Medina viết rằng, có rất nhiều giả thuyết là cái này cái kia tốt cho sự phát triển não bộ của em bé khi còn trong bụng mẹ, nhưng thật ra chỉ có bốn yếu tố đã được chứng minh là có tác động thực sự: cân nặng của mẹ, dinh dưỡng, stress, và tập thể dục.
Cân nặng và dinh dưỡng là hai yếu tố mà người Việt chúng ta gần như bị ám ảnh, có lẽ do hệ quả của những tháng ngày đói kém vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta. Dĩ nhiên, mẹ và bé nên ở mức cân nặng phù hợp để não bé phát triển tốt nhất, nhưng thực tế mình quan sát thấy thì nhiều mẹ bị thừa cân vì tẩm bổ quá mức, và việc này thì cũng có hại không kém gì việc thiếu cân. Còn chế độ dinh dưỡng, nếu bạn nghĩ đến việc các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới có chế độ ăn rất khác nhau, từ toàn thịt của người Eskimo cho đến toàn thực vật của những người ăn chay vì lý do tôn giáo hoặc đạo đức, họ đều sinh con khỏe mạnh, thì sẽ thấy thật ra việc phải bóp mồm bóp miệng để ăn trứng ngỗng hay cháo cá chép thật ra chẳng có ý nghĩa gì mấy.
Một yếu tố cực kì quan trọng mà thường bị bỏ qua, là mức độ stress của mẹ trong khi mang bầu. Mình còn từng đọc rằng, mức độ stress mà bạn trải nghiệm trong suốt quãng đời của mình trước khi có bầu sẽ ảnh hưởng đến con, chứ không phải chỉ trong chín tháng. Khi người mẹ bị stress, các hóc môn ức chế sẽ tác động trực tiếp đến bào thai đang được hình thành. Nếu bố mẹ hay cãi vã, trong gia đình đầy rẫy những lời nói hay hành động gây tổn thương, điều đó sẽ khiến cho thai nhi bơi trong biển stress ngay từ khi chưa ra đời, khiến não em bé đi theo hướng phòng vệ và bỏ chạy (fight or flight), hơn là cởi mở để tiếp nhận các xung động (stimulus) từ bên ngoài. Nói cách khác, nếu người mẹ phải chịu stress thường xuyên trong khi mang thai, thì khi ra đời em bé sẽ có xu hướng cáu gắt, khó chịu, sợ hãi, hơn là bình tĩnh, vui vẻ, dễ nuôi.
Tháng 1 năm 1998, Quebec ở Canada bị băng tuyết đến nỗi mất điện trong gần sáu tuần. Dĩ nhiên việc mất điện trong điều kiện thời tiết âm vài chục độ đồng nghĩa với nhiều khó khăn và căng thẳng. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi những người mà trong giai đoạn đó còn trong bụng mẹ, và họ thấy là tác động của stress mà người mẹ trải qua tận 15 năm sau vẫn còn trong những người này trong hàng loạt lĩnh vực: IQ, ngôn ngữ, hệ miễn dịch, tiểu đường, béo phì. https://www.theglobeandmail.com/…/pregnanc…/article20868841/
Tác giả của quyển sách này cũng viết, khi ông đi nói chuyện về chủ đề phát triển não bộ ở trẻ nhỏ, một ông bố hỏi ông “Làm sao để con tôi vào Harvard?” và ông trả lời “Hãy về nhà yêu lấy vợ anh”.
Trẻ sơ sinh, vì không nói được và cũng chưa hiểu ngôn ngữ, nên cực kì nhạy cảm với các biểu hiện cảm xúc qua cơ thể. Các nhà khoa học còn đùa rằng, em bé có thể “ngửi” được stress. Nếu mẹ buồn bực trong lòng, kể cả ngoài mặt có tỏ ra bình thường, hoặc thậm chí cố nghĩ rằng mình không sao cả, thì em bé vẫn sẽ nhận biết được. Khi mẹ là người cung cấp thức ăn, là nguồn cội của sự chở che, ấm áp, thì em bé sẽ thấy bất an, bồn chồn, thậm chí khóc lóc, khó chịu khi mẹ bị căng thẳng. Có một thí nghiệm, người ta cho bà mẹ đang nói chuyện vui vẻ với em bé một tuổi quay mặt đi, rồi khi quay lại thì mẹ giữ một khuôn mặt vô cảm (vô cảm chứ chưa phải giận dữ hay buồn bực). Trong hai phút, em bé tìm mọi cách để mẹ thay đổi, nhưng mẹ vẫn giữ nguyên thái độ, thì em bé bắt đầu bị stress, rồi òa khóc tức tưởi. Ngay sau đó, mẹ trở lại như cũ, thì em bé lại nín khóc và cười đùa https://www.youtube.com/watch?v=apzXGEbZht0.
Thí nghiệm này cho thấy sự kết nối cực kì chặt chẽ trong cảm xúc giữa mẹ và con. Nếu bạn thường xuyên buồn bực, có thể em bé nhà bạn sẽ không thể hiện ra bằng cách khóc lóc, nhưng chắc chắn bé sẽ biết, sẽ bị ảnh hưởng, và ảnh hưởng đó sẽ là lâu dài.
Nếu bố mẹ yêu thương nhau, gia đình vui vẻ, hãy tự hào là bạn đã làm được một bước cực kì quan trọng trong việc giúp con thông minh.
2. Bố mẹ yêu thương nhau thì sẽ nói chuyện nhiều với nhau
Mình vẫn biết việc nói chuyện với con rất quan trọng, nhưng khi đọc xong quyển Thirty Million Words: Building a Child’s Brain của Dana Suskind thì mới thấy, ảnh hưởng của việc được nghe ngôn ngữ vươn xa hơn mình tưởng rất nhiều (đây cũng là một quyển sách theo dạng tóm tắt các nghiên cứu liên quan đến tầm quan trọng của việc nói chuyện với con, rất dễ đọc và đáng đọc).
Não của em bé như tấm bọt biển, thấm tất cả những gì diễn ra xung quanh mình. Nếu bố mẹ thường xuyên nói chuyện với nhau và dùng lời lẽ vui vẻ, dễ chịu để giao tiếp, não em bé sẽ phát triển ở mức tối ưu. Còn nếu bố mẹ hay dùng lời lẽ hằn học, chì chiết, thì dù em bé có thể chưa hiểu nội dung của từng từ từng ý, nhưng ngày qua ngày, những tác động tiêu cực đó sẽ dồn ứ lại và cản trở sự phát triển của não.
Trong quyển sách kia, tác giả (là bác sĩ phẫu thuật ghép chip nghe vào tai cho các em bé bị điếc bẩm sinh), kể về hai trường hợp gần như giống nhau hoàn toàn về mặt y tế, và đều được can thiệp gắn chip, nhưng một em bé sống trong gia đình mà bố mẹ thường xuyên nói chuyện, hát cho con, còn một em bé thì không được như vậy. Kết quả là em bé đầu tiên sau này có thể nghe nói như người bình thường, còn em bé thứ hai thì mặc dù có chip, nhưng ngôn ngữ vẫn không phát triển, suốt đời không nói được và chỉ nghe hiểu được rất hạn chế.
Việc nói chuyện với con không chỉ tác động đến em bé biết nói sớm hay muộn, có biết nhiều từ hay không. Số lượng từ mà một em bé được nghe từ những ngày mới sinh (và khi còn trong bụng mẹ), sẽ ảnh hưởng đến mức độ kết nối của các nơ ron trong não. Người ta đã kiểm nghiệm và thấy rằng, số lượng từ một đứa trẻ biết khi ba tuổi có thể tiên đoán khả năng đọc và làm toán đến tận hết tiểu học, và thậm chí cả khả năng thành công trong tương lai xa hơn nữa. Vì con người là loài vật có tư duy, mà tư duy của chúng ta chủ yếu dựa trên ngôn ngữ, nên việc biết nhiều từ (trong phần lớn trường hợp) quyết định một người suy nghĩ nhanh hay chậm.
Giống như khi bạn đến một nơi mà bạn biết bập bõm ngôn ngữ của người dân địa phương, người ta kể chuyện cười mà năm phút sau bạn mới hiểu, đấy là vì việc không thành thạo ngôn ngữ đó khiến bạn suy nghĩ chậm hơn.
Được nghe nhiều từ vựng còn ảnh hưởng đến cả khả năng tư duy về không gian, toán học, cả tính cách (có kiên trì hay không, có ngại thử điều mới hay không). Nếu bố mẹ nói chuyện với nhau và với con nhiều, và để ý một chút những thông điệp mình đưa ra, bố mẹ có thể giúp con phá vỡ những khuôn mẫu về giới (con gái thì không học giỏi toán, con trai thì không được sợ sệt), để trở thành một người tự tin và tự do hơn.
Ôi, lại viết quá dài rồi, có quá nhiều thứ mình muốn chia sẻ. Còn ba điều nữa, mình sẽ viết tiếp ở một bài sau để mọi người đọc đỡ mệt vậy.
Leave a Reply