Sau rất nhiều đắn đo khi đọc review cả tốt lẫn xấu, mình mới quyết định mua cái phao kẹp cổ cho em bé khi Cơm hơn bốn tháng tuổi và cổ đã khá cứng. Lần đầu tiên đeo phao vào cổ, Cơm ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Khi bố bế vào bồn tắm và thả tay ra, phản xạ đầu tiên của Cơm là mếu, nhưng ngước lên thấy bố mẹ đang đứng ngay cạnh và cười hớn hở cổ vũ, thì bạn ý không khóc to, mà bình tĩnh lại ngay. Cơm tiếp tục nhìn bố mẹ, người cứng đờ, hai chân co co lập lờ trên mặt nước, hai tay khum khum ở trước ngực, có lẽ thấy cảm giác bồng bềnh không trọng lực này rất lạ.
Bố Cơm cầm hai chân con gái, nhẹ nhàng kéo ra kéo vào để làm mẫu. Mình thì tiếp tục khua chân múa tay động viên con đạp nước. Chỉ mấy phút sau, Cơm đã bắt đầu chủ động quẫy đạp. Dần dần, em bé có vẻ thích thú. Nước bắn lên mặt, ướt tóc và hơi ngập tai cũng không sợ. Nước vỗ ì oạp theo chuyển động tay chân. Mình nghĩ, hồi bé mình rất thích nước, cũng ước mơ được tắm trong một cái bồn to như thế này, thậm chí còn ước ao có thể thu nhỏ bé tí như người tí hon để một gáo nước cũng trở nên mênh mông như biển. Ngày thứ hai được thả xuống bồn tắm, khoảnh khắc đầu tiên bố thả tay ra, Cơm vẫn hơi mếu, nhưng có bố mẹ ngay cạnh, chỉ một lúc là bạn ý đã quẫy chân quẫy tay, lại còn xoay người uốn éo như vận động viên bơi lội. Ở trên cạn, Cơm mới chỉ ngồi được khi dựa lưng vào bố mẹ, mà ở dưới nước đã có thể tự đưa người đi, và tự thay đổi tư thế, cảm giác ấy chắc hẳn phải tự do lắm.
Mình mừng vì con gái rất dũng cảm, và học cũng rất nhanh. Bốn tháng tuổi, Cơm chưa biết sợ nước, nhưng khoảng năm phút đầu bập bềnh và làm quen với cảm giác nước bao bọc mình, bạn ý nhìn bố mẹ chăm chăm, tay chân cứng đờ ngượng nghịu. Mình nghĩ, việc cả bố và mẹ đứng bên cạnh, nhìn bạn ý mỉm cười, vỗ tay hò reo, khiến bạn ý quyết định rằng mình được an toàn và cái này chẳng có gì đáng sợ cả.
Cảm giác ấy, rằng sự có mặt của mình là nguồn động viên và an ủi của một người khác, khiến mình thấy biết ơn. Khi Cơm ngủ dậy và mở mắt ra thấy bố mẹ là cười toe toét, khi Cơm đang khóc mà nín ngay lúc mình ôm vào lòng, khi Cơm ngủ thiếp đi trên tay mình trong lúc bú mẹ, mình thấy mình thật may mắn, là mình có thể xua tan sự mệt mỏi, cái đói, sự khó chịu cho một người, giống như có năng lực siêu nhiên vậy.
Mẹ mình hay nói rằng mình không nên bế con nhiều. Theo quan niệm của bà ngoại, một em bé ngoan là một em bé có thể chơi một mình mà không phiền đến bố mẹ, có thể nằm cả ngày, chỉ cần người lớn lúc đói, lúc cần thay bỉm, hay những lúc ốm đau. Mẹ mình hay thúc giục mình đặt con xuống, vì “cứ như thế thì nó sẽ quen hơi đi rồi mình không làm được gì”. Nhưng những nghiên cứu mà mình đọc được đều nói, càng được gần gũi bố mẹ bao nhiêu, một đứa trẻ càng thấy yên tâm và an toàn bấy nhiêu. Nếu so với trẻ sơ sinh của các con vật khác mới đẻ ra đã có thể đi lại, thậm chí tự kiếm ăn theo mẹ, một em bé của loài người khi sinh ra hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc, và không thể tự sống sót nếu bị bỏ mặc. Điều đó có nghĩa là, bản năng mạnh nhất của trẻ sơ sinh là thiết lập mối quan hệ thật chặt chẽ, gắn bó với một vài người lớn thân thiết nhất. Bản năng đó còn mạnh hơn cả nhu cầu ăn.
Có một thí nghiệm rất nổi tiếng, trong đó người ta tách khỉ con ra khỏi khỉ mẹ, rồi dựng lên hai bà mẹ khỉ, một bằng vải mềm, và một bằng dây kẽm gai. Bà mẹ khỉ bằng dây kẽm có gắn núm vú ở ngực, từ đó chảy ra sữa. Bà mẹ khỉ bằng vải thì chỉ mềm mại, không có sữa. Nhưng kết quả là khỉ con dành phần lớn thời gian để bám lấy bà mẹ vải, để có cảm giác được ôm ấp. Chỉ khi nào thật là đói, các cô cậu khỉ con mới chạy đến bà mẹ thép, bú thật nhanh, rồi lại chạy về với bà mẹ vải. Thí nghiệm đó mở đầu cho một nhận thức mới trong việc nuôi dạy con, rằng sự gắn bó giữa mẹ và con không phải chỉ vì mẹ là người cung cấp thức ăn, mà vì mẹ là nguồn cội của sự êm ái, ôm ấp, vuốt ve, và trên hết là an toàn.
Khi một em bé khóc, đấy là tín hiệu phát ra rằng em bé cần được vỗ về. Tất cả những tài liệu mình đọc, cũng như các bác sĩ và y tá mình gặp, đều nói rằng, bạn không thể làm hư một em bé dưới một tuổi (một số nguồn còn nói tuổi rưỡi), bằng việc bế ẵm quá nhiều, hay hồi đáp các tín hiệu của em bé. Một phần vì não bộ của trẻ ở tuổi đó chưa hiểu về nguyên nhân và kết quả (mình khóc thì sẽ được bế), một phần vì dưới sáu tháng, trẻ còn chưa tự điều khiển được một số hoạt động của cơ thể (tức là khi khóc, trẻ không tự biết là mình đang khóc, chỉ đơn thuần là bản năng).
Hơn nữa, em bé càng được hồi đáp (respond) nhanh bao nhiêu, thì sẽ càng phải dành ít năng lượng cho việc truyền đạt nhu cầu của mình bằng cách khóc bấy nhiêu. Năng lượng đó sẽ được chuyển sang cho những việc quan trọng khác, như phát triển ngôn ngữ và thể chất. Thực tế nghiên cứu đã chứng minh rằng, những em bé mà bố mẹ bế lên nhanh chóng khi khóc sẽ khóc ít hơn, dễ nín hơn, và nhìn chung, não bộ phát triển tốt hơn. Khi lớn lên, những em bé đó cũng sẽ là những người điềm đạm, tức là kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt hơn, và dễ đồng cảm với người xung quanh hơn. (Một em bé thường xuyên ở trong tình trạng giận giữ và tuyệt vọng khi tín hiệu phát ra lúc nhỏ không được đáp lại, thì lớn lên cũng sẽ kém và ít muốn giao tiếp về cảm xúc của mình). Ngược lại, những em bé thường xuyên bị bỏ mặc, khóc mà không được dỗ, thì sẽ chịu những tổn thất về mặt phát triển não bộ, và hành vi thường dễ bị rối loạn khi lớn lên.
Năm 1989, tin tức lọt ra ngoài về các trại trẻ mồ côi ở Romania. Trước đó, đất nước này có các chính sách để khuyến khích người dân sinh con để tăng dân số, thâm chí những người trên 25 tuổi mà chưa có con còn bị phạt thuế, bất kể họ độc thân, nghèo đói, hay khuyết tật. Nhưng khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, điều kiện xuống dốc không phanh, nhiều bố mẹ bỏ rơi con cái, và các trại trẻ mồ côi cũng bị bỏ mặc. Nhiều người ví những cơ sở này như các trại tập trung Do Thái với các tù nhân là những em bé sơ sinh. Các em bé được gắn vào những bình sữa nghiêng nghiêng, khóc đến lả đi mà không được ai bế ẵm, ngập ngụa trong phân và nước tiểu. Sau này, nhiều người được nhận làm con nuôi ở các nước phương Tây, được hết lòng chăm sóc và yêu thương, nhưng vẫn không thể hoàn toàn hồi phục sau những trải nghiệm bị bỏ mặc lúc còn bé, mặc dù họ không nhớ gì. http://www.bbc.com/news/health-39055704
Thời gian mà em bé cần mình ôm ấp vỗ về sẽ không lâu. Mình nói đi nói lại với bà ngoại của Cơm là, bế ẵm thế này cũng chỉ một năm chứ mấy, đâu phải bế cả đời. Mối liên kết chặt chẽ giữa bố mẹ và con được xây dựng trong năm đầu tiên này sẽ kéo dài suốt về sau.
Đã hơn bốn tháng kể từ khi được gặp Cơm, mình thấy ngạc nhiên với bản thân là mình có thể chăm sóc cho một em bé. Mình vốn không phải là kiểu người thích ôm ấp hay hôn hít trẻ con, và thường xem video chó mèo dễ thương chứ dửng dưng với video em bé dễ thương trên Youtube. Khoảnh khắc Cơm được bác sĩ đặt lên ngực mình, mình cũng không hề cảm thấy một tình yêu con trào dâng mãnh liệt như nhiều người bảo. Lúc đó chỉ thở phào, là đã đẻ xong rồi. Và có lẽ thấy hơi tò mò và choáng ngợp, khi nhìn xuống một em bé đang ngước lên nhìn mình. Chín tháng mang thai vẫn chưa đủ để sự thật rằng mình đã trở thành một người mẹ ngấm vào đầu. Mình vẫn luôn chậm thích nghi như thế.
Đối với nhiều người, có con là để giữ gìn hạnh phúc gia đình, để làm tròn bổn phận duy trì nòi giống, hoặc để có người chăm sóc lúc về già. Mình không bao giờ nghĩ rằng con cái phải là một phần tất yếu của hôn nhân, người ta vẫn có thể hạnh phúc và yêu thương nhau mà không cần có con với nhau. Mình cũng không hi vọng lúc về già sẽ được báo hiếu. Và nếu một cặp đôi đã không hạnh phúc, thì con cái lại càng không phải và không nên là giải pháp. Tất cả những động lực đó đều là vì bản thân bố mẹ, chứ chẳng cao thượng gì.
Nhưng những khoảnh khắc được nếm trải cảm giác mình thật là quan trọng với một người, như khi Cơm từ bồn tắm đưa mắt nhìn mình hơi sợ hãi, nhưng đã nhanh chóng vượt qua nỗi sợ để thích nước, là những lúc mình thấy những vất vả lo âu của việc nuôi con được đền đáp. Sẽ không có ai trên đời mà đối với họ mình là cả thế giới. Nghĩ đến đấy, mình thấy rất biết ơn con. Không phải ai cũng có may mắn được cảm thấy sự tồn tại của bản thân có ý nghĩa như vậy.
Đến khi gặp Cơm, mình mới hay nghĩ đến một câu hát đã cũ rích, mà ngày xưa mỗi khi nghe cứ thấy điêu điêu: I knew I love you before I met you. Dạo này nhìn Cơm, cứ hay có cảm giác quen quen, cứ như đã thấy ở đâu đó rồi. Nghĩ về Huyền Vy đã nhiều năm, cuối cùng cũng được gặp nhau trong đời.
Leave a Reply