Mình lên một trang web rao vặt rất phổ biến ở Canada để xin một cái đệm miễn phí. Chồng bảo thôi bỏ tiền ra mua, bây giờ không có xe, có xin được cái người ta cho cũng đâu có chở được. Chở một cái đệm không đơn giản, cần xe to, chứ không phải xe bốn chỗ hay bảy chỗ là được để gọi taxi chở về. Chưa nói đến việc chờ tàu, đi xe buýt, rồi lại lóc cóc đi bộ, bụng thì nặng, lưng thì đau. Mấy ngày đầu mới sang, mình rạc cẳng đi từ văn phòng này sang cơ quan khác để làm các giấy tờ cần thiết, cuối ngày lưng cứng đờ như tấm phản, mỗi bước đi đau điếng. Mỗi lần ho hay hắt hơi cũng phải một tay giữ lưng một tay giữ bụng cho đỡ đau.
Mình tìm được một số quảng cáo cho đệm, rồi email cho những người đăng tin, trình bày hoàn cảnh rằng mới đến, không có xe, cũng không có ai để nhờ đi lấy giúp, nếu họ có lòng chở giúp thì mình sẽ gửi tiền vận chuyển. Dĩ nhiên đa số email một đi không trở lại. Nhưng rất may, có một đôi vợ chồng lớn tuổi trả lời mình, bảo rất thông cảm với hoàn cảnh, và sẽ mang đến nhà cho.
Đúng hẹn, hai bác D và G đi một con xe bán tải chở cái đệm đến. Bác trai cùng chồng mình giúp bê vào căn chung cư trống hoác bọn mình vừa dọn vào, không có đồ đạc gì ngoài bốn cái vali quần áo. Thế là không phải trải áo khoác nằm đất đêm nào, vừa dọn vào đã có đệm nằm luôn, mình mừng thầm. Đã thế, hai bác còn không lấy tiền gì cả. Trước khi về, không quên ngoái lại dặn mình nếu cần chở đồ gì giúp thì cứ nói.
Lần tiếp theo, mình lại lên trang rao vặt kia, xin một cái bàn người ta cho miễn phí. Mặc dù rất ngại, nhưng mình vẫn thử đánh liều hỏi hai bác D và G có thể giúp mình chở cái bàn được không. Rất nhanh, hai bác liên hệ với người cho bàn, tên là S, tự sắp xếp giờ đến lấy, và không cần mình phải có mặt, hai bác đến lấy bàn, rồi lại chở đến cho mình.
Chưa hết, bác cho bàn, bác S cũng là một bác gái tốt bụng. Mình cũng trình bày hoàn cảnh là mới đến, đồ gì cũng cần, bác hỏi có một ít nồi niêu và bát đĩa đây, có muốn lấy không. Dĩ nhiên mình xin ngay.
Khi bác D và G chở cái bàn của bác S đến cho mình, thật là ngạc nhiên, lớp lớp thùng xốp xếp chồng chất trên xe. Hôm đấy đúng vào sinh nhật, thế là mình có bao nhiêu quà để hì hụi bóc. Cốc, chén, bát, đĩa, nồi, chảo, có cả một cái máy xay sinh tố còn chạy tốt, sau khi chồng đánh bằng baking soda thì sáng bóng như mới.
Bác D và S, lần thứ hai đến căn chung cư mình mới thuê, ngó một lượt rồi bảo, cháu cần những cái gì nữa, rồi chỉ góc này, cần bộ bàn ăn ở đây, góc kia cần cái ghế dài, có cần cả ghế đu đưa để sau này bế em bé nhỉ, cần cả một cái tủ nhỏ trong phòng ngủ nữa không? Mấy ngày sau, hai bác tự động tìm một bộ bàn ăn cũ, tự đi mua, tự mang đến cho mình. Cho vào căn hộ bé tí của mình thì bộ bàn ăn hơi to, hai bác lại bảo, thôi, để tìm tiếp bộ bé hơn, khi nào tìm được sẽ mang đến đổi và mang bộ to này về.
Hai bác tham gia vào nhóm những người giúp đỡ dân tị nạn Iran ở nhà thờ. Cứ có ai cho đồ gì còn tốt thì hai bác chở về cất trong kho, sau đó khi nào có người cần thì lại chở đến giúp. Lần thứ ba đến, ngoài bộ bàn ăn, bác gái còn hớn hở lôi ra một cái địu đi xin được của hàng xóm, và đưa ra cả những đồ lặt vặt như móc treo quần áo, giẻ lau bếp, và một cái bát inox cực to còn nguyên mác chưa dùng bao giờ, và một cái ghế đu đưa được cho em bé ngồi. Bác bảo sẽ hỏi quanh bạn bè để xin tiếp đồ trẻ con cho mình.
Chưa dừng lại ở đây, sau khi bác S được bác D và G kể là mình đang có bầu, lại bảo, con gái bác có đồ sơ sinh đây, cháu có lấy không, bác sẽ tập hợp lại rồi gửi em trai làm việc gần chỗ cháu ở. Có một đôi vợ chồng người Việt cũng cho mình một cái cũi, và giúp chở đi chợ, một nghĩa cử vô cùng cao đẹp khi bếp thì cần toàn những thứ nặng như gạo, dầu, mắm, muối, ông chồng mình thì gầy gò, còn mình bây giờ thì vác cái bụng đi đi lại lại là người ta đã tránh xa cả thước vì sợ đụng vào mà ngã ra thì rách việc.
Thực sự thì, giống như các cụ nhà ta bảo ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’, khi mà phải bắt đầu cuộc sống từ một căn hộ trống hoác, đến cái chổi, con dao, và thảm chùi chân đều phải bỏ tiền ra mua, thì việc được cho những thứ nhỏ nhặt như que tăm cũng quý. Và xúc động biết bao nhiêu khi hết lần này đến lần khác, họ quay trở lại và mang cho cái mình cần, mặc dù trước đó không hề quen biết. Mình bùi ngà bùi ngùi khi bác gái D lôi ra một bọc những tấm rửa bát tự đan bằng tay, bảo, chị bác đan cho cả đống như thế này để rửa, nhưng bác có nhiều quá rồi, cháu có lấy không? Ở Việt Nam thì người ta rất ngại cho nhau những thứ không được mới, vì sợ người được nhận cảm thấy bị coi thường. Ở đây thì việc cho nhau còn tối kị hơn, nhất là cho những đồ ‘chổi cùn rế rách’.
Mà đây cũng không phải là những trường hợp cá biệt. Ngày trước mình đã từng xin cái ghế sofa, cũng được chở giúp đến tận nơi, lại còn được cho thêm một bộ cốc mới tinh. Có lần đi bộ lang thang thấy con mèo xúm vào xoa đầu, thì được chủ nhà mời vào nhà chơi, còn nhổ hành nhổ rau ngoài vườn cho đầy vào túi mang về, và mời đến ăn tối. Lần khác nữa, nói chuyện với một bác người Tây Tạng, thì bác bỏ tiền khó nhọc kiếm được từ việc đi làm công nhân để mua vé cho mình đi nghe Đức Đại Lạt Ma nói chuyện, gửi qua đường bưu điện đến tận trường.
Mình cạn cả lời hay ý đẹp để cảm ơn những người không quen tốt bụng. Nghĩ đi nghĩ lại, đúng là có những lúc chỉ biết mình được nhận ơn huệ của người đời mà không có thể làm gì để báo đáp họ. Mình nhắn tin cho hai bác D và G, ‘Thank you so much for your kindness. I promise to pay it forward.” Còn bác S, mình viết email bảo “My mom is very thankful that someone is helping her daughter’. Có lẽ với những người giúp đỡ không vụ lợi, cũng chẳng mong được công nhận, cách tốt nhất để mình biết ơn họ là tự nhủ sau này, mình cũng sẽ tốt với những người khác như thế.
Ảnh chụp với đôi vợ chồng tốt bụng và háo hức bóc ‘quà’ vào đúng ngày sinh nhật.
Leave a Reply