Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Vai trò đó bắt đầu từ trước khi Cơm được sinh ra. Tất cả những lần tôi đi khám thai, anh đều đưa đi, ngồi bên cạnh, mắt nhìn lên màn hình siêu âm, chăm chú nghe từng lời của bác sĩ. Anh nâng niu cẩn thận cất những tấm ảnh chụp em bé trong bụng. Khi tôi bắt đầu cần quần áo rộng hơn, kể cả đồ lót, cũng là chồng đưa đi. Tôi luôn nghĩ việc một người đàn ông đứng chờ vợ một cách thoải mái trong một cửa hàng đồ lót phụ nữ là một hành động dũng cảm. Khi tôi đi mua váy bầu thì chồng đứng xem và cho ý kiến, nếu tôi ngần ngừ tiếc tiền không dám mua thì anh khuyến khích: “cứ mạnh dạn mà đầu tư đi”.
Đêm ngủ tôi bị chuột rút thì anh vùng dậy để kéo chân, dù mắt vẫn còn nhắm tịt. Khi tôi đi xét nghiệm tiểu đường lần đầu và kết quả chỉ số đường khá cao thì anh vui vẻ cùng tôi thay đổi chế độ ăn uống (chuyển từ gạo trắng sang gạo nâu, giảm bớt các loại hoa quả ngọt). Khi tôi đi xét nghiệm tiểu đường lần hai phải nhịn ăn từ đêm đến sáng, rồi ngồi ba tiếng để đợi lấy máu ba lần, thì anh chuẩn bị bánh mì mang theo để tôi vừa xong là có cái để ăn khỏi bị chóng mặt. Trong suốt cả quá trình mang bầu, tôi luôn có chồng bên cạnh, cùng tôi đón chờ sự ra đời của con.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Trong suốt quá trình tôi trở dạ, anh không rời nửa bước. Tôi chỉ đau lưng, nên anh tập trung đứng ấn lưng cho tôi đến nỗi, khi bạn y tá và cô doula bảo ngồi xuống nghỉ tí (giữa hai cơn co), thì vẫn từ chối, mọi người có mặt trong phòng sinh đều xúc động. Sau này tôi hỏi lúc đấy cảm xúc của anh thế nào, thì chồng bảo: “thấy em đau quá chảy nước mắt anh thương lắm, chỉ mong đẻ ra nhanh để cho đỡ đau.”
Sinh xong rồi, cả nhà chuyển sang phòng hậu sản, chỉ có một cái giường đơn bé và một cái ghế. Tôi bảo chồng về nhà mà nghỉ ngơi, nhưng sợ tôi ở lại một mình còn đau không xoay sở được với con, anh khăng khăng là mình sẽ ngủ ngồi trên ghế (mặc dù trước đó cũng thức trắng đêm cùng tôi). Tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Cơm được đặt nằm trong một cái hộp, trên cái xe đựng dụng cụ y tế bên cạnh giường. Con cứ ọ ẹ là bố bật dậy như lò xo, ra sức vỗ về. Ở trong bệnh viện em bé chỉ được quấn hai lớp chăn mỏng, không mặc quần áo. Chồng tôi xem các cô y tá làm rồi quấn đi quấn lại cho con vừa chặt vừa thoải mái. Đến khi về nhà, mấy hôm đầu Cơm nằm trong cũi riêng, đúng như hướng dẫn về ngủ an toàn, nhưng cứ hơi động đậy là anh lại bật dậy để vỗ con, dù đang ngủ say như thế nào. Tôi thấy khổ quá, bèn đem Cơm vào giường nằm chung với bố mẹ.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Anh tham gia vào tất cả các khâu chăm sóc con, chỉ duy nhất việc cho bú là không làm được. Trong hai tuần đầu sau sinh, tôi còn cả đống việc tồn đọng đã đến hạn nộp, phải ngồi chong mắt làm đêm làm ngày, anh là người bế con chủ yếu. Con cần ăn thêm sữa bột và mẹ cần hút sữa liên tục, thì bố cũng rửa bình, luộc bình, cho con ti bình. Một số công đoạn chăm sóc con, cho đến bây giờ, vẫn là “lĩnh vực” một mình bố làm, mẹ hoàn toàn mù tịt, như tắm gội, cắt móng tay móng chân, chùi đít khi con ị, ngoáy tai, cho con ngồi vào ghế em bé trên ô tô. Sau ba tuần, Cơm đã lớn hơn và vùng vẫy không chịu quấn chăn nữa, nên hay giật mình. Thỉnh thoảng lại khó ngủ, cứ khóc mà không biết tại sao. Rất nhiều đêm, Cơm ngủ trên người bố. Anh là người ngủ tỉnh, nên con hơi động đậy là biết, nhưng sau đó ngủ lại được ngay. Tôi thì luôn sợ mình ngủ say con lăn xuống.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Cho đến bây giờ, Cơm đã hơn 5 tháng tuổi, anh vẫn làm tất cả việc nhà, từ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát. Gần đây tôi cũng bắt đầu làm một ít, nhưng trách nhiệm chủ yếu vẫn là của chồng. Đưa Cơm đi tiêm, anh luôn giành bế con để ôm con cho chặt. Đi mua quần áo cho con, anh cũng xông xáo chọn chọn nhặt nhặt. Chăm sóc mẹ cũng là chăm sóc con. Chồng nấu những món cầu kì hơn bình thường để tôi có nhiều sữa. Những ngày mới loay hoay chưa biết cho con bú, cả nhà đi gặp bác sĩ, thấy sao ở phòng khám thì em bé bú ngon lành chứ không khó khăn như ở nhà, nghĩ là do ở đó có cái gối cho con bú to hơn và dày hơn, anh đi tìm mua một cái giống như thế. Đêm tôi dậy cho Cơm bú, cần uống nước hay cần lấy gì, gọi một cái là chồng bật dậy, lật đật đi lấy, rồi trước khi nằm xuống ngủ tiếp còn bảo “Cần hỗ trợ gì thì cứ bảo anh nhé”.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Tôi hỏi anh cảm thấy thế nào. Chồng bảo chứng kiến từng bước phát triển của con, từng thay đổi nho nhỏ, mỗi ngày lại thấy con khác hơn một tí, vui lắm. Từ một em bé nhỏ xíu chỉ biết khóc, cho đến một ngày mở mắt ra buổi sáng, thấy bố nằm cạnh, cười một cái rồi nhắm mắt yên tâm ngủ tiếp, làm bố xúc động lắm, cảm thấy mình là thành lũy vững chắc canh giấc ngủ cho con. Ở khía cạnh đó, chồng tôi may mắn hơn nhiều ông bố khác, tôi nghĩ vậy. Các ông bố thường không được ở bên con 24/7, không được chứng kiến rất nhiều những bước phát triển của con trong năm đầu. Mẹ tôi xem video con rể tắm cho cháu ngoại, tự hào lắm, mang khoe khắp nơi, ai cũng xuýt xoa ôi sao bố nó khéo thế. Có bác hàng xóm thì kể, con trai bác vợ đẻ ba tháng rồi mà vẫn chưa dám bế con sợ rơi. Có một bà khác thì nói con trai trông cháu, cứ ị là lại gọi vợ gọi mẹ, không chùi đít cho con bao giờ. Nghe những chuyện như thế, bố Cơm bảo, không làm từ khi con còn bé thì sẽ ngại, chứ làm thì thấy bình thường. Nếu chỉ nhìn một bãi phân là một thứ bốc mùi, thì tất nhiên không ai muốn đụng tay. Nhưng nhìn vào bãi phân của con, soi xem màu sắc, chất liệu, độ lỏng sệt thế nào mà thấy con thay đổi, thì sẽ thấy có bao nhiêu thông tin trong đó. Tôi nghe triết lý chồng rút ra mà gật gù tâm đắc ghê gớm.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Dĩ nhiên tôi là người hưởng lợi. Khi còn mang bầu, tôi khá lo lắng về trầm cảm sau sinh. Vượt qua được ba tháng đầu giấc ngủ nát bét là vì có chồng cùng chia sẻ việc chăm sóc con. Mỗi khi nghe một người nào đó sau khi sinh xong được cả mẹ ruột và mẹ chồng chăm sóc, rồi có cả người giúp việc, tôi nghĩ, ông chồng gầy gò hom hem của mình vậy là sức vóc bằng ba người cộng lại. Chúng tôi không có ai là gia đình bên cạnh, không những chăm em bé mà còn tự làm việc nhà, và cả hai vẫn duy trì kiếm tiền để sống. Trước khi sinh, mẹ tôi luôn nói “hồi mẹ đẻ chúng mày nhàn lắm, con ngủ toàn đọc tiểu thuyết, béo lên cả chục cân”. Sau khi sinh, thấy cả hai chúng tôi gầy rộc mình hạc xương mai, mẹ tôi mới ngỡ ngàng nhận ra là hồi đấy mẹ chỉ mỗi việc chăm con, còn lại không phải làm việc nhà, cũng không phải lao động sản xuất, lại có rất nhiều người xung quanh để đỡ đần.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Còn tôi là bà mẹ toàn thời gian. Chúng tôi không giàu, Cơm từ khi sinh ra chưa hề được bố mẹ mua cho quần áo mới. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng cảm thấy may mắn vì mình có thể ở bên con. Không phải lao ra ngoài kiếm tiền trang trải cuộc sống rồi giao con cho người khác. Thời gian ở bên con thật ra không nhiều. Tuổi rưỡi là con bắt đầu đi học, sẽ ở trường nhiều hơn ở nhà. Năm đầu đời thì kì diệu, có bao nhiêu biến đổi xảy ra. Tôi luôn nghĩ mình có thể nói chuyện nhiều với con là vì có chồng cũng lắng nghe, chứ một mình cả ngày độc thoại với một em bé thì dù có quyết tâm mấy cũng khó làm được. Có người để rối rít gọi vào những “lần đầu tiên”, khi con nở nụ cười đầu tiên, khi con ngủ được năm tiếng liên tục đầu tiên, khi con tự mút tay để lăn ra ngủ đầu tiên, khi con lật người lần đầu tiên, khiến những chuỗi ngày quanh quẩn trong nhà chăm con trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Chồng tôi là ông bố toàn thời gian. Các em bé thường đến tầm bảy tám tháng tuổi mới biết mình là một cơ thể tách ra khỏi mẹ. Riêng Cơm thì nghĩ cả ba người chúng tôi là một. Những lúc bố đi vắng, Cơm bồn chồn và không chịu để mẹ rời nửa bước. Lúc nào cũng có mẹ hoặc bố ở bên nên Cơm rất ít khóc, những tháng gần đây hầu như cười cả ngày. Nhưng quan trọng hơn, Cơm sẽ lớn lên và không bị kìm kẹp bởi những khuôn mẫu về giới. Cơm sẽ thấy bố nấu ăn, và nhiều món còn nấu ngon hơn mẹ. Cơm sẽ luôn được bố cưng nựng, và thấy một người đàn ông cũng có thể chăm sóc em bé.
Có lần tôi đi nghe buổi nói chuyện, chia sẻ từ những cậu con trai. Lặp đi lặp lại trong những câu chuyện là nỗi dằn vặt về khoảng cách không thể nào lấp đầy giữa bố và con, giữa bố và những người còn lại trong gia đình. Tôi thấy những định kiến giới khiến đàn ông thật khổ, không được phép rồi quên mất cách thể hiện cảm xúc của mình, kể cả tình yêu với con. Cơm sẽ không bao giờ cảm thấy bố thật xa lạ, bố chỉ biết đi làm kiếm tiền, hay bố là người có quyền lực tối thượng trong gia đình. Cơm sẽ nhiều lần thấy bố là người đàn ông duy nhất ở những nơi có nhiều trẻ con, vì các bạn khác chỉ được mẹ đưa đến.
Lớn hơn nữa, Cơm sẽ được chứng kiến bố mẹ cùng bàn bạc khi đưa ra những quyết định liên quan đến gia đình, nhưng hoàn toàn tôn trọng nhau với những quyết định cá nhân. Bây giờ, khi đẩy Cơm trong công viên mỗi buổi chiều, thỉnh thoảng tôi hỏi chồng: “Nếu sau này Cơm hút thuốc thì anh sẽ làm thế nào?” hay “nếu sau này Cơm muốn xăm mình thì anh sẽ nói gì?” (không phải tôi phản đối chuyện xăm, chỉ là muốn con hiểu về những quyết định khi đã làm rồi sẽ khó thay đổi), hay “nếu Cơm đi học bị bạn bắt nạt thì sao?” rồi chúng tôi cùng suy nghĩ và thảo luận về những tình huống đó.
Cơm sẽ lớn lên và không tặc lưỡi thỏa hiệp với những người đàn ông không trân trọng mình. Cơm sẽ không cho rằng, việc của đàn bà là bếp núc, chăm con, việc của đàn ông là kiếm tiền, quảng giao xã hội. Cơm sẽ không bao giờ được mẹ dạy (như bà ngoại vẫn dạy mẹ): “một điều nhịn là chín điều lành”. Nếu sau này Cơm lấy chồng, ít nhất Cơm đã có hình dung về một người chồng tốt là như thế nào, và sẽ không lấy một người yêu mình ít hơn bố đã yêu mẹ.
Ở khía cạnh này, Cơm là một em bé may mắn vô cùng, khi có bố là ông bố toàn thời gian.
Leave a Reply