• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Chuyện / Chuyện tôi / Chép vội ngày Cơm tròn 10 tháng tuổi

Chép vội ngày Cơm tròn 10 tháng tuổi

21/01/2020 by Chuyện Leave a Comment


1. Làm mẹ của một em bé giống như đọc một quyển sách cực kỳ hay. Nửa muốn ngâm nga nhấm nháp từng trang, từng dòng, vừa đọc vừa sợ hết, nửa muốn ăn gian lật nhanh đến trang cuối để xem kết cục. Thỉnh thoảng, khi hai mẹ con nhìn vào mắt nhau, hoặc mình bế Cơm đứng trước gương và hai mẹ con cùng nhìn hình ảnh phản chiếu, trong đầu mình lại thoáng câu hỏi: “Cơm sẽ trở thành người thế nào? Nếu là hai người xa lạ, gặp nhau ở một buổi liên hoan, liệu chúng ta có nói chuyện hợp với nhau, có thể trở thành bạn bè?” Câu hỏi đó, dĩ nhiên bây giờ không thể trả lời được. Ngày Cơm còn trong bụng mẹ, mình cũng hay hỏi chồng: “Không biết sự kết hợp của anh với em sẽ tạo ra một em bé thế nào?” Bây giờ, ngày ngày ngắm con mũm mĩm đáng yêu, cả mình và bố Cơm đều hỉ hả với sự kết hợp ấy lắm. Nhưng không giống đọc một quyển sách, mình không thể tua nhanh cuộc đời của Cơm bằng cách lật đến trang cuối để thỏa mãn sự tò mò của mình, câu trả lời thì không thể biết trước, chỉ có thể hồi hộp chờ đợi.

Thật ra, nếu so sánh con với một quyển sách, thì mình cũng không phải chỉ là một người đọc. Mình là một trong những nhân vật xuất hiện đầu tiên và có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân vật chính. Nhưng mình cũng không phải là người viết nên quyển sách đó, không có quyền năng một tay vẽ lên thế giới trong sách như cách một tác giả có thể làm. Có rất nhiều yếu tố, sự kiện, con người, lựa chọn trong cuộc đời Cơm sẽ vượt khỏi khả năng kiểm soát, thậm chí hiểu biết của mình.

Vừa là nhân vật, vừa là người đọc, mình có tác động nhiều đến cốt truyện, nhưng không phải muốn xoay vần ra sao cũng được. Mình háo hức muốn biết người mà con sẽ trở thành, nhưng cũng bịn rịn muốn níu giữ từng khoảnh khắc con còn bé. Những sự đối nghịch ấy khiến cho việc làm mẹ lạ lùng hơn bất cứ vai trò nào mình từng trải qua.

2. Có nhiều người hay nói với mình về việc sợ con bám. Bà ngoại của Cơm là một trong số đó. Nỗi sợ con bám mẹ có vẻ như là một lo ngại phổ biến và thường trực của các bà mẹ có con nhỏ. Dĩ nhiên, có nhiều lúc mình mệt mỏi đến phát bực. Nhưng những lần như thế chỉ đếm trong đầu ngón tay. Nhìn đôi mắt trong veo của con, cánh tay vươn ra muốn với tới mẹ của con, cái đầu dụi dụi vào ngực mẹ muốn tìm hơi ấm quen thuộc của con, và cảm giác rằng người này cần mình, yêu mình, muốn ở cạnh mình, và chỉ sự có mặt của mình mới làm người đó yên tâm, làm sao có thể không mủi lòng?

Trước khi gặp Cơm, mình đã nghĩ chỉ có những chú chó mới có thể yêu mình vô điều kiện như thế.

Thời gian con cần mẹ và chỉ mẹ mà thôi sẽ không kéo dài. Từ 6 tháng đến 1 năm là cao trào của việc bám mẹ, bởi vì đó cũng là khoảng thời gian con nhận thức rằng mình và mẹ là hai cơ thể tách biệt. Thử nghĩ xem, toàn bộ sự tồn tại của con, chỉ có mẹ là quen thuộc nhất. Khi con hình thành, con và mẹ là một. Khi con ra đời, mẹ là nguồn thức ăn, là sự an toàn, là tất cả những gì con biết về thế giới. Chỉ khoảng tuổi rưỡi, con sẽ bắt đầu quen với sự thật rằng mình là một cơ thể độc lập.

Thỉnh thoảng, mình cũng nghĩ, thật may là các em bé không có trí nhớ dài hạn, vì nếu có, chắc hẳn Cơm đã căm thù mình vì hay bị mẹ đè ra để hút mũi, rửa mặt, những việc mà Cơm rất ghét. Vừa kêu khóc om sòm, nước mắt ràn giụa vì bị hút mũi, được mẹ bế lên là Cơm lại vui vẻ, yêu mẹ ngay. Tình yêu và sự bao dung của một em bé, chắc những người lớn khó mà bì được.

3. Từ khi có Cơm, mình hay nghĩ về những lần mà mình đặt bản thân vào những tình huống có thể trở nên nguy hiểm. Lên xe của một người lạ, không hề quen biết gì ngoài nói chuyện sơ sơ qua mạng. Đến nhà một ông thầy giáo trung tuổi để học, trong nhà chỉ có một thầy một trò, cửa đóng then cài. Tự đạp xe đến nhà một ông bác sĩ để tiêm kháng sinh, cũng không có ai xung quanh, mà bác sĩ lại yêu cầu phải tụt quần để tiêm vào mông. Còn vô vàn những tình huống khác mình đã trải qua, mà đã quên béng mất từ đời nào, giờ có con gái thì những kí ức đấy mới trồi lên, làm mình toát mồ hôi hột khi nghĩ mình đến giờ vẫn nguyên vẹn, không bị xâm hại, không bị lạm dụng, quả là may mắn.

Một điều may mắn của mình là bố mẹ cho mình rất nhiều tự do, và rất ít khen xen vào những quyết định của mình. Có nhiều việc mà nghĩ lại, mình không chắc nếu sau này Cơm muốn làm, thì mình có đồng ý không. Những chuyến đi miền núi dài nửa tháng, một tháng, lúc đi mình cũng không biết là sẽ đến đâu, mà những nơi mình đến cũng chẳng có địa chỉ. Năm 18 tuổi thì một mình khăn gói đi nửa vòng trái đất, trong gia đình không ai biết tiếng Anh, không ai từng đặt chân ra nước ngoài trước đó, cũng không hình dung ra được nơi mình đến như thế nào. Không người thân, không bạn bè, không có vốn sống gì ngoài 12 năm đi học phổ thông hoàn toàn vô dụng. Nhưng nếu không có những việc liều lĩnh như thế, thì hẳn cuộc đời mình đã rất nhàm chán.

Gần đây, bố Cơm gặp một tai nạn, không bị thương nặng, nhưng còn lành lặn trở về với vợ con là một sự may mắn kinh khủng. Nhiều khi nghĩ lại mình vẫn thấy run rẩy. Nhưng tai nạn kiểu đó cũng không có cách gì phòng hay tránh được. Thế nên, phải chuẩn bị tâm lý cho bản thân, để cho Cơm sống với những rủi ro, nguy cơ, những viễn cảnh và khả năng đáng sợ. Trước đây, khi căng thẳng, mình hay mơ thấy đi thi không làm hết bài, hoặc bị gọi lên kiểm tra miệng mà không nói được gì. Giờ đây, ác mộng đã đổi hình. Kinh hãi nhất là mơ thấy con bị ốm. Dù rất sợ, nhưng vẫn phải tự nhủ với bản thân biết buông tay.

4. Hôm trước, cả nhà đang đi ngoài đường, Cơm ngồi trong xe đẩy, thì một bác (chắc khoảng hơn 60 tuổi), đột ngột dừng lại và thốt lên: “Ôi, em bé xinh quá”. Bình thường các bà già và cô bác (nữ) vẫn hay xuýt xoa khen trẻ con, còn đuổi theo mình để nhìn Cơm cho rõ và cưng nựng chán chê rồi mới cho hai mẹ con đi tiếp, nên mình đã quen, nhưng lần này là một bác trai. Mình cười cảm ơn bác, thì bác lại nói tiếp, rất nhiệt thành: “Em bé quá xinh. Chúc mừng hai cháu vì có một em bé xinh như thế. Bác rất mừng cho hai cháu”. Mình cười ngoác đến tận mang tai, trong lòng rộn ràng vui sướng.

Đi được một đoạn, mình bảo chồng: “Có con xinh mát mặt nhể anh nhể”. Hai vợ chồng hỉ hả lắm. Mình mơ màng nghĩ đến lúc con lớn, làm được nhiều thứ, thì được khen còn sung sướng biết bao nhiêu.

Đang nghĩ đến đấy, thì mình phải dừng ngay lại. Tự nhắc bản thân không được đặt những mong muốn của mình lên con, không được nài ép con thế này thế kia để mẹ “thơm lây”. Bố Cơm thỉnh thoảng nói “Cơm nhìn bạn kia kìa”, và mình lại nhắc “Không được so sánh”. Khi Cơm khóc vì bị đập đầu, hay đồ chơi rơi vào chân, mình vừa bế con lên vừa buột miệng nói “Không sao, có gì đâu mà khóc” thì lại nhớ ra rằng, mình không phải là con, mình không nên phủ nhận cảm xúc của con như vậy.

Mình mong muốn cho Cơm nhiều điều. Mình muốn sau này Cơm sẽ chơi (ít nhất) một loại nhạc cụ, nói thành thạo ba ngôn ngữ, mê sách, thương người, yêu thiên nhiên. Nhưng tất cả những điều đó đều là mong muốn của mình. Yêu con là yêu con người của con, chứ không phải con người mà mẹ muốn con trở thành.

Có nhiều người nói họ muốn con phải hạnh phúc, con phải thành công, con phải vượt trôi. Mình nghĩ tất cả những điều đó đều chẳng có gì đảm bảo, vì hạnh phúc và thành công của người này không giống người khác. Điều mình tự hứa với bản thân đơn giản hơn thế nhiều. Mình sẽ nỗ lực hết sức để không làm con bị tổn thương. Chỉ riêng điều đó thôi đã là rất khó rồi.




Related Posts:

  • Cây ở phố
  • Bạn đời của nhau
  • Điều kì diệu nho nhỏ
  • Nếu muốn con thông minh thì bố mẹ hãy yêu thương…
  • Khoảnh khắc
  • Điều lãng mạn nhất

Filed Under: Chuyện tôi, Nuôi dạy con Tagged With: chuyện tôi, Cơm, con gái tôi, nhật ký nuôi con, nuôi con, nuôi dạy con

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter