Tối thứ 4 vừa rồi, cả nhà mình đi học một lớp về An toàn cho em bé, do Sở Y tế của Alberta tổ chức. Đoạn cô y tá minh họa cách xử lý khi em bé bị nghẹn rất sống động, nhưng mình ấn tượng nhất với lời dặn dò sau đó. Kể cả sau khi con đã hết nghẹn và trở lại bình thường, bố mẹ vẫn cần đưa con đến bệnh viện. Thứ nhất là để bác sĩ kiểm tra vì có thể đường thở (khí quản, phổi) bị sưng hoặc tổn thương. Thứ hai, thông tin này mình hoàn toàn không tính đến, là để bệnh viện lưu hồ sơ sự việc. Vì sao? Vì trong quá trình đập vào lưng em bé để vật mắc trong họng bị rơi ra ngoài, bạn rất có thể khiến con mình bị bầm tím. Nếu một người khác nhìn thấy vết bầm đó, có thể là cô giáo, hàng xóm, hoặc một người bất kỳ, họ sẽ gọi 911 ngay lập tức. Cảnh sát và Tổ chức bảo vệ trẻ em sẽ vào cuộc. Và ít nhất một năm sau đó, cuộc sống của bạn sẽ điên đảo và vô cùng mệt mỏi với hai tổ chức này.
Tổ chức bảo vệ trẻ em là một đơn vị hoạt động bằng tiền của chính phủ, và cực kì quyền lực. Hầu như tất cả mọi người đều có phần kiêng dè khi nhắc đến tổ chức này. Nhiệm vụ của họ là để bảo vệ trẻ em, và họ được trao quyền gần như tối thượng để thực hiện công việc của mình. Trường học, bệnh viện, cảnh sát, các bộ ngành liên quan, thậm chí cả tòa án, đều phải nhún nhường và dẹp sang một bên để họ làm việc nếu họ lên tiếng yêu cầu. Một trong những nỗi sợ của người Việt kém tiếng Anh và không hòa nhập tốt với xã hội Canada khi nuôi con là con mình sẽ bị “bắt đi”.
Từ khi Cơm được hai tháng, mình đăng kí với một tổ chức cộng đồng để có family coach, hiểu nôm na là một người dẫn dắt mình trong các vấn đề nuôi con, đến nhà tuần một lần. Family coach của mình là bác Hazel 61 tuổi. Cả cuộc đời của bác dành cho việc nuôi trẻ con. Bác có hai người con ruột, nhận thêm hai người con nuôi. Hai người con nuôi của bác một bị mẹ đẻ bỏ lúc đã lên 5, một thì mẹ đẻ nghiện rượu và thuốc, dùng nhiều chất kích thích đến nỗi ảnh hưởng đến trí não của con, bỏ con ngay sau khi sinh. Không những thế, bác Hazel còn nhận nuôi hơn 40 trẻ từ nhỏ xíu mới biết đi đến tuổi thiếu niên, trong vai trò là foster mom. Foster parents chính là những người do Tổ chức bảo vệ trẻ em lựa chọn để nuôi những đứa trẻ họ tách ra khỏi những gia đình có vấn đề, trong khi chờ đợi xác minh, hoặc đợi quyết định xem đứa trẻ có nên tiếp tục ở với gia đình không. Nếu không, thì họ sẽ tiếp tục điều phối với các bên liên quan (cảnh sát, tòa án) để quyết định quyền nuôi trẻ, có thể là một người họ hàng muốn nuôi, hoặc một người hoàn toàn xa lạ muốn nhận con nuôi.
Phần lớn những đứa trẻ bác Hazel nhận nuôi đều đến từ những gia đình có vấn đề. Một cậu bé 7 tuổi, không biết bố là ai, mẹ làm nghề lao động tình dục, mẩu thuốc lá vứt vung vãi khắp nhà. Thằng bé hút thuốc, ngày đầu tiên đến nhà bác đã làm cháy luôn ngôi nhà đồ chơi bằng gỗ dựng ngoài vườn vì tàn thuốc. Một cô bé 12 tuổi thì ngày đầu tiên đến đã nổi cơn dằn dỗi, dọa đập vỡ luôn bình pha café nhà bác, và hơi tí là lên cơn bỏ nhà đi bụi. Có những trẻ bác nuôi trong một thời gian ngắn, có những trẻ ở với bác vài năm. Cô bé 12 tuổi đó thì kết cục có hậu, bây giờ làm kế toán và thường dẫn con đến nhà bác chơi, luôn nói với mọi người nhờ có bác Hazel mà đời mình thay đổi. Cậu bé 7 tuổi hút thuốc kia thì sau này người mẹ giành được quyền nuôi con, bác bảo mất liên lạc và cũng không muốn gặp lại, vì không biết gặp lại thì cậu bé ấy đã trở thành thế nào.
Cách đây mấy tuần trên Facebook rầm rộ vụ một cô bé lên mạng xã hội để lên án anh rể đánh đập. Nhiều người bàn tán rất hăng say, ai đúng, ai sai. Nhiều người lại nói, rồi cũng phải có ai nuôi cô bé ấy, bàn tán chẳng giải quyết được gì. Mình nghĩ, đúng là truyền thống “trong nhà đóng cửa bảo nhau” và nỗi sợ “vạch áo cho người xem lưng” của người Việt rất mạnh. Nếu có một tổ chức hoạt động độc lập bảo vệ trẻ em như ở Canada, thì những câu chuyện tương tự thế này sẽ được giải quyết rất đơn giản. Ít nhất là sẽ không có ai phải băn khoăn, kể cả cô bé có bị bạo hành thật, thì ai sẽ nuôi một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên?
Thật ra, Việt Nam có Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, một cơ quan thuộc chính phủ, được thành lập từ năm 1994. Tức là có những người đang ăn lương từ tiền thuế của người dân để làm nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Rất nhiều vụ bạo hành xảy ra, nào là từ cô trông trẻ ở mầm non, thầy cô giáo ở tiểu học, rồi bố mẹ người thân trong gia đình, nhưng hình như chưa khi nào thấy Ủy ban này tham gia hay lên tiếng một cách chính thức? Việt Nam cũng có Hội Liên hiệp phụ nữ, cũng hoạt động bằng tiền nhà nước, nhưng ngoài tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch và thi bé khỏe bé ngoan, hình như không mấy khi làm gì cụ thể để bảo vệ trẻ em khi có vấn đề?
Câu chuyện về tranh cãi giữa anh rể và em vợ còn đáng nói ở một điểm nữa, là hầu như tất cả mọi năng lượng của dư luận và cả báo chí (đáng trách là cả báo chí) đều tập trung vào phân xử đúng sai, trách móc cá nhân, thay vì chú ý đến sự thiếu hụt của hệ thống. Chúng ta bàn tán trên mạng, nhưng chúng ta vẫn cư xử theo cách của những người nông dân ngồi ở gốc đa tán chuyện làng xóm lúc nông nhàn. Ít ai lên tiếng thắc mắc tại sao không có cơ quan nhà nước nào tham gia khi có dấu hiệu của một vụ bạo hành. Ở Canada có những vụ gia đình đánh đập, bạo hành, lạm dụng tình dục trẻ em không? Có chứ. Nhiều là khác. Ở đâu cũng có người tốt và xấu, vấn đề là chúng ta quá mải mê đổ lỗi và nhiếc móc cá nhân. Chỉ khi xã hội có cơ chế giám sát tốt, thì cái xấu mới bị hạn chế và kẻ yếu được bảo vệ.
Còn nhớ vụ cô trông trẻ đánh đập, dìm đầu em nhỏ xuống bể nước. Dân tình sục sôi, thóa mạ, phân tích tâm lý hai cô trông trẻ. Họ bị ra tòa, đã ở tù, và giờ đã mãn hạn. Nhưng ít ai lên tiếng yêu cầu những người có chức quyền trong ngành giáo dục nhận trách nhiệm. Ở Canada cách đây vài năm có một em nhỏ chết sau khi đi nhà trẻ về. Người ta cũng quan tâm đến cô trông trẻ, nhưng chủ yếu các bài viết trên báo chí kêu gọi rà soát quy chế kiểm soát, quản lý nhà trẻ. Bộ trưởng bộ Giáo dục phải nhận trách nhiệm trước công chúng. Người ta phân tích về tình trạng quá tải của nhà trẻ, về đồng lương còm cõi của người trông trẻ, về những vấn đề phổ quát hơn bản thân một vài cá nhân liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Hồi còn ở nhà chồng, nhà trong ngõ nhỏ nên hàng xóm to tiếng là nghe thấy hết. Cứ đến tầm 6 giờ tối là khắp ngõ vang vọng tiếng quát con, đánh con ten tét của một bà mẹ ép đứa con nhỏ ăn, ép đứa con lớn học. Nghe hết ngày này qua ngày khác, có một ngày mình thấy bức xúc trào dâng, định đi ra xem đấy là nhà nào, thì mẹ chồng mình lừ mắt ngay “đừng có can thiệp”. Hoặc thỉnh thoảng ra công viên, mình lại thấy có người mẹ đang đánh con bùm bụp như đánh kẻ thù, đứa trẻ khóc lóc thảm thiết, mà người xung quanh thản nhiên đi lại, có người lén nhìn một cách ái ngại, nhưng tuyệt nhiên không có ai lên tiếng. Những lúc đó, thật ước ao là có một số điện thoại để gọi, một tổ chức nào đó để cầu cứu, một đơn vị nào đó sẽ đứng ra. Ở Việt Nam làm người tốt rất khó. Ở Canada thì làm người tốt rất dễ. Chỉ cần nhấc điện thoại lên, đứng ở xa xa, không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của bản thân, là bạn đã làm tròn nghĩa vụ công dân và không hổ thẹn với lương tâm của mình.
Việt Nam mình vẫn quan niệm con cái do cha mẹ sinh ra, rồi cha mẹ muốn làm sao thì làm, quyền làm cha mẹ là đương nhiên, không thể bị tước bỏ. Cách tiếp cận như ở Canada thì khác. Làm cha mẹ không phải là đương nhiên. Nếu làm không tốt thì sẽ bị mất quyền, giống như lái xe vậy. Nếu lái xe ẩu sẽ bị tước bằng lái, không cho lái nữa. Khi một đứa trẻ được sinh ra, em là một con người, một công dân. Và nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình và hanh động vì lợi ích của công dân đó. Nếu cha mẹ gây hại cho công dân và ảnh hưởng đến quyền con người của con, thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm. Ở mình thì có vẻ như quyền làm cha mẹ của một số người không có gì ngoài khả năng sinh sản vẫn đặt trên quyền làm người của đứa con họ sinh ra.
Cơm giờ đã gần 7 tháng, rất thích được người khác chú ý. Đi đến chỗ đông người là vung tay vung chân, cười hớn ha hớn hở. Có ai hỏi chuyện là đon đả cười đáp lại ngay. Bác Hazel nói được như vậy là vì em bé cảm thấy mình được an toàn, rằng thế giới này là một nơi dễ chịu. Đó là kết quả của attachment parenting, kiểu nuôi con mà mình hết sức tin theo và đã nhiều lần chia sẻ. Một em bé được bố mẹ và người thân hồi đáp (respond) ngay khi khóc thì sẽ có cảm giác mình được an toàn, và khi lớn lên sẽ bạo dạn, thân thiên, thích khám phá. Mình rất mừng vì có vẻ như những điều mình thực hành bắt đầu cho kết quả. Đi đâu Cơm cũng được mọi người xuýt xoa khen là một em bé vui vẻ.
Nhưng rồi lại nghĩ đến việc một đứa trẻ bị đánh không thương tiếc mà những người xung quanh đều nhắm mắt làm ngơ, hoặc nghĩ “mình can một lần nhưng nó vẫn ở với bố mẹ nó thôi”, giống như trường hợp cô bé kể trên, thì làm sao lớn lên với niềm tin vào thế giới và con người được?
Leave a Reply