Trong hai năm học thạc sĩ ở Canada, mình kiếm tiền thêm bằng cách làm nghề phiên dịch qua điện thoại. Ở Mỹ, cộng đồng người Việt không nói được tiếng Anh khá lớn. Khi họ đến bệnh viện, đến các cơ quan hành chính, cơ quan thuế, khi có vấn đề phải ra tòa, hay đơn giản là một cuộc trò chuyện giữa phụ huynh học sinh và thầy cô giáo, họ cần đến sự trợ giúp của người phiên dịch. Công việc này mình có thể làm từ xa, giờ giấc linh hoạt, lại thu nhập ổn. Dù chỉ được nghe giọng nói của nhau, không bao giờ biết mặt, nhưng mình được chạm vào, dù chỉ trong thoáng chốc, những số phận thường nằm bên lề của một xứ sở vẫn được coi là mơ ước – Hoa Kỳ.
Hôm nay dịch một cuộc gọi hơn một tiếng qua điện thoại từ nhân viên xã hội Mỹ. Một bà cụ người Việt không biết tiếng Anh cần chỗ ở tạm trong nhà tạm lánh cho người vô gia cư vì con gái đuổi ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng giọng bà nghẹn lại vì nước mắt “tui ở đây khổ quá cô ơi, tiền không, nhà cửa không, giờ không biết đi đâu, sống bằng gì”.
Giọng cô nhân viên xã hội tỏ vẻ sốt ruột một cách mệt mỏi, bảo mình “sáng nay chúng tôi đã có một người ở đây để dịch, nhưng mỗi lúc bà ấy lại nói một khác, nên chúng tôi không biết đường nào mà lần”. Giờ ưu tiên trước mắt là tìm chỗ cho bà ở tạm, rồi từ từ sẽ nói chuyện với cô con gái để tìm cách giải quyết.
Bà sẽ không được cấp food stamp (phiếu mua đồ ăn chính phủ cấp cho những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp) vì con gái bà là người bảo lãnh, trước pháp luật người bảo lãnh phải là người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng người mình bảo lãnh. Cô nhân viên nhẫn nại giải thích không biết lần thứ bao nhiêu. Ngụ ý rằng, chính phủ chúng tôi không có trách nhiệm nuôi ăn những người nhập cư theo dạng như bà.
Bà già thì vẫn sụt sịt. Con gái tui nó làm chủ tiệm nail, có tiền trong nhà băng mà, chứ đâu phải nó không nuôi được tôi. Nhưng giờ nó đuổi tôi đi, không cho về. Nếu tôi có tiền mua vé máy bay thì tôi về Việt Nam còn đỡ khổ hơn thế này.
Mình chỉ biết câu chuyện từ phía bà mẹ là như vậy. Sau hơn một tiếng dịch cho bà và hai cô nhân viên xã hội, thấy rằng nên kể về bà, và rằng nỗi khổ ở đâu cũng như nhau. Nhiều người ở Việt Nam cứ nghĩ rằng sang được Mỹ (hay một nước phương Tây nào đó) là một bước lên tiên, không thể chết đói được, không làm cũng có ăn vì được nhà nước trợ cấp, xã hội văn minh, con người tốt đẹp, vân vân và vân vân.
Mình chỉ thấy bà rất cô độc. Ở một đất nước mà bà không có nhà cửa, người thân duy nhất đã đoạn tuyệt, không có tiền, không biết tiếng, đến tên đường phố mình đi qua cũng không nhớ được. Còn nữa, người duy nhất chịu nghe và hiểu những lời bà kể lể và than khóc hơn một tiếng đồng hồ, là cô phiên dịch qua điện thoại, cũng chỉ làm thế vì được trả tiền, và sau khi cuộc gọi kết thúc, bà chẳng bao giờ biết được mặt mũi con người đấy.
Nhiều khi chẳng có gì, chỉ có mỗi giọng nói để bày tỏ sự cảm thông.
Thuy says
Trời ơi thương bà quá. Đứa con gái trời đánh. ko nuôi được thì ít ra mua vé về cho bà cụ. Sao chị không lên mạng kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền vé cho bà về nước huhu
Chuyện says
Mình không biết bà cụ ấy là ai. Không có thông tin gì cả. Và nếu có, mình cũng không được làm như bạn nói (lên mạng kêu gọi quyên góp), vì như thế là vi phạm nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân của thân chủ. Vai trò của mình trong trường hợp đó chỉ là một người phiên dịch, không phải là nhân viên công tác xã hội.