Cơm được đi chơi xa lần đầu khi vừa qua 8 tháng tuổi, vi vu bằng ô tô bố lái 400km trong một ngày. Sau 10 tháng tuổi được mấy ngày thì được đi một hành trình gồm 3 chặng bay, 14.000 kilomet, vừa đi vừa đợi hết 24 giờ từ Calgary về Hà Nội. Và chuyến đi bụi đầu tiên là 10 ngày lê la theo bố mẹ, ăn nhờ ở đậu, với đủ loại phương tiện từ máy bay, xe khách giường nằm liên tỉnh, tàu hỏa, và tất nhiên rất nhiều chuyến taxi khi em bé được 13 tháng.
Trước khi đi, mình đã rất lo lắng. Tha lôi một em bé chưa biết đi, chưa biết nói, không phải là chuyện đơn giản. Sẽ không có đầy đủ những đồ dùng thiết yếu để duy trì nếp sinh hoạt như ở nhà. Không thể mang ghế ăn theo như khi đi ăn nhà hàng ở Hà Nội. Nhỡ đâu con đói giữa đường mà không có gì ăn, hoặc chẳng may ăn đồ ngoài đường bị đau bụng? Con sẽ lạ nhà, di chuyển liên tục, liệu con có mệt mỏi và khó chịu? Nếu bị ốm giữa đêm hôm thì biết làm thế nào?
Chuyến đi này không xuất phát từ sự ham chơi của mình, mà từ lòng tốt của những người lạ. Người cho ăn, người cho ở, người cho mượn phòng trong quán café để tổ chức gặp gỡ, người dùng mối quan hệ của họ để mình được nghỉ tại resort miễn phí. Đến lúc đã đặt vé máy bay xong xuôi và chuẩn bị lên đường, mình vẫn còn hoài nghi, ủa mọi người tốt vậy thật sao?
Nhưng vẫn làm liều, tha con lên đường. Ba ngày ở Sài Gòn và sáu ngày ở Mũi Né, đã nhiều lần mình tự hỏi, tại sao mình lại đưa bản thân vào tình thế này. Tại sao phải lôi con đi làm chi cho khổ vậy? Đáng lẽ ở nhà, thì có phải giờ này mẹ con ôm nhau ngủ trong chăn ấm đệm êm quen thuộc, chẳng có gì phải lo nghĩ không?
Câu hỏi ấy trồi lên mạnh mẽ nhất trên chuyến xe giường nằm đi từ Sài Gòn đến Mũi Né. Sáng, đặt chuông báo thức ở điện thoại không kêu, nhỡ chuyến tàu đã mua vé từ trước, cả nhà phi ra văn phòng của xe Phương Trang mua vé giờ chót, thì được hai chỗ cuối xe. Tất tả lao đi mua bánh giò, bánh bao, bánh mì vì sợ con đói. Khi đến giờ lên xe, mình khệ nệ địu Cơm trước ngực khổ sở luồn lách qua những hàng ghế và đồ đạc chìa ra của hành khách khác, lối đi ở giữa thì hẹp chắc bằng chiều rộng của quyển vở, mặc dù không nhìn, nhưng mình biết có rất nhiều ánh mắt ái ngại ném về phía hai mẹ con. Một cô còn chép miệng: “Trẻ con bé thế lôi đi làm gì cho tội!”
Chiếc xe lắc lư chòng chành vì bác tài uốn lượn vượt xe khác. Ngồi trên ô tô mà cảm giác như đang lướt sóng. Nghỉ giữa đường, mình và bố Cơm vội vã thay bỉm cho con một cách lén lút trên ghế, một người giữ, một người lột bỉm cũ và mặc bỉm mới cho con luôn trong tư thế đứng. Con thì uốn éo, giãy giụa, chân tay vung vẩy. Rồi hớt hải đi tìm chỗ vứt bỉm. Rồi mon men đi mua bưởi để mang lên xe, vì sợ con khát nước. Lần đầu tiên trong đời mình là hành khách lề mề, lên xe muộn, bác tài phải bấm còi bim bim giục giã trong khi mình chờ cô bán hàng bóc bưởi rồi hộc tốc phi lên xe.
Một em bé gần 10kg, lỉnh kỉnh nào bánh giò, bánh mì, bánh ngọt, bưởi, quýt, hai cái ba lô, hai túi giày, và cái trần xe thấp đến nỗi không thể ngồi thẳng được.
Đã thế, sau khi ngủ đã mắt, Cơm lại dậy và bắt đầu muốn khám phá xung quanh. Đường thì nhiều ổ trâu ổ gà, xe lại phóng nhanh phanh gấp, bất cứ giây nào con cũng có thể đập đầu vào trần xe hoặc bắn lên phía trước. Con thì ở cái tuổi rất oái ăm, bắt đầu hiếu động và có ý thích của riêng mình, không còn là em bé đặt đâu nằm đấy, nhưng bố mẹ giải thích thì không hiểu, chỉ muốn làm gì thì khăng khăng đòi làm. Thế là con thì eo éo đòi bò xung quanh, đòi đứng lên bám vào tay vịn trên xe, đòi nghịch rèm cửa, đòi vẫy chào hành khách ngồi bên cạnh, bố mẹ thì khổ sở giữ sợ con bị va đập.
Được một lúc thì mình bắt đầu chóng mặt say xe, có lúc tưởng sắp sửa bị nôn đến nơi rồi, tay đã lăm lăm túi nilon để trước mặt. Lúc đấy, lại tự hỏi: “Sao mình lại đưa bản thân vào tình thế này cho khổ làm gì hả giời ơi?”
Nếu ai nghĩ rằng những người thích cho con nhỏ đi du lịch cùng là vì họ ham chơi thì nhầm to, ít nhất là trong trường hợp của mình, vì cho con đi cùng thì chẳng được chơi gì cả, hay đúng hơn là không được chơi theo cách mình vẫn biết. Những ngày ở Mũi Né, mình và chồng hầu như chỉ xoay quanh chuyện ăn ngủ của Cơm. Một ngày nàng ngủ hai giấc ngắn là hết cả buổi sáng và buổi chiều. Bữa cơm có nàng, mà nhiều chỗ lại không có ghế ăn, thì cứ phải thay nhau một người bế một người ăn, mà Cơm lại bám mẹ nên mình luôn trong tình trạng ăn bún và mì nở to trương phềnh, nguội ngắt. Biển thì nàng sợ, cho xuống khóc lóc thảm thiết, bám mẹ cứng đơ. Bể bơi nàng cũng không hứng thú. Chưa kể mỗi lần cho Cơm đi bơi thì riêng khoản bôi kem chống nắng toàn thân, mặc bỉm, mặc áo bơi rồi sắp xếp phụ kiện đi kèm cũng lâu gấp ba lần cả hai bố mẹ cộng lại.
Ở biển 6 ngày mà chỉ xuống biển được 3 lần, xuống bể bơi 1 lần, có người cho vé tắm bùn miễn phí mà cũng không đi được.
Nhưng nghĩ lại, mình không hối hận vì đã đưa Cơm theo cùng trên hành trình đi bụi 10 ngày này.
Mình muốn Cơm biết rằng có rất nhiều người tốt, và nhiều khi, hàm ơn cũng quan trọng như làm ơn. Mình đã khiêm tốn mà nhận tất cả lòng tốt và sự giúp đỡ của mọi người trên đường. Ở sân bay Nội Bài, có một cô bán phở đã tặng riêng cho Cơm một bát phở em bé miễn phí. Ở Sài Gòn, có các anh chị và các bạn đã mở cửa không gian sống của họ để gia đình mình tá túc, dù trước đó chưa hề quen nhau. Rất nhiều người đã cho cả nhà những bữa ăn. Ở Mũi Né, có một chị bán hàng tạp hóa, khi mình hỏi mua nước rửa bát để rửa kéo và thìa cho Cơm, đã hẹn mình hôm sau quay lại rồi lấy nước rửa bình sữa của con chị ấy cho mình. Rất nhiều các chị, các em phục vụ trong những quán ăn đã âu yếm bế Cơm để mình được 5 phút quý giá ngồi ăn trong yên bình. Trên đoàn tàu Mũi Né – Sài Gòn, bác bán hàng ăn cũng dành rất nhiều thời gian ngồi với Cơm cùng nhìn ra những ruộng thanh long xanh mỡ màng bên ngoài cửa kính.
Mình muốn bản thân và con vượt qua những giới hạn, và nhất là những tiện nghi và sự an toàn tưởng như không thể thiếu trong việc nuôi con. Đi xa, không thể đảm bảo lúc nào cũng có đồ ăn không muối, không đường. Cơm đường cháo chợ, những món ăn cũng không thể đầy đủ và đúng kiểu, đúng cách nấu cho em bé như ở nhà. Một em bé thì luôn thích sự quen thuộc. Việc thay đổi chỗ ở liên tục trong 10 ngày khiến Cơm hơi lo lắng, và bám mẹ hơn bình thường. Mỗi lần ngồi trong taxi đi trên đường, mình còn dáo dác nhìn ngó để mắt xem những địa điểm bán thuốc, phòng khám ở đâu, nghĩ bụng nhỡ đâu con bị ốm đột ngột. Vừa đi vừa run, vì ở một nơi vừa lạ, lại không có người quen để nhờ nếu cần, cũng cần nhiều can đảm lắm chứ.
Mình muốn Cơm có nhiều kỉ niệm với Việt Nam để sau này nhìn lại và không thấy xa lạ. Dù chắc chắn Cơm sẽ không nhớ gì về 10 ngày đó, nhưng mình đã “tạo nên kí ức” bằng những video và những tấm ảnh. Khi con lớn, mình có thể kể lại cho con, rằng đây là con đường con đã đi qua. Lần đầu tiên con nhìn thấy biển, là một bãi biển ở Việt Nam. Ở quán hải sản bên bờ kè này, con đã nếm thử miếng tôm hùm đầu tiên trong đời. Bố đã cõng con đi bộ hơn 3km dọc bờ biển này, rồi cả nhà mình đã mua quả dừa rất ngọt ở đây. Tất cả những gắn bó mỏng manh đó, mình dệt lên quanh con, để mong sau này con cảm thấy sự ràng buộc, dù vô hình, dù yếu ớt, và thôi thúc con muốn hiểu nhiều hơn về vùng đất có rất nhiều người yêu thương con vô điều kiện.
Cuối cùng, mình đã muốn đi vì sự bướng bỉnh của mình. Vì mình muốn thay đổi không khí. Vì mình thấy Hà Nội quá ngột ngạt. Vì mình quá thèm được ra biển. Vì có người đề nghị cho mình ở resort miễn phí hẳn 6 ngày. Và mình muốn con sẽ là người bạn đồng hành, chứ không phải là vật cản, trên những chuyến chu du của đời mẹ.
Linh says
Tình cờ vào trang của chị từ 2015 đấy, đọc hết tất cả các bài rồi thấy tiếc quá sao chị không viết thêm, đoán chắc chị bỏ trang này rồi. Bẵng đi một thời gian thì hôm nay vào lại thấy bài mới, chỉ muốn để lại lời nhắn là cảm ơn các bài viết của chị thôi.
Chuyện says
Cám ơn em. Chị vẫn viết, mà toàn post trên Facebook cá nhân, hôm nay nổi hứng mới copy từ Facebook sang đây 😀