Ông chủ nhà tốt bụng, cọng hành siêu to mới nhổ và em chó chân dài
1. Hôm kia, trên đường từ công viên về nhà, mình nhìn thấy một em mèo béo ú đang ngồi thu lu ở vỉa hè. Vốn bản tính thích quyến rũ động vật, mình lại gần meo meo mấy tiếng. Không ngờ em mèo thấy thế cũng thong thả bước lại. Mình nhào vào vuốt đầu vuốt đuôi, tức thì em nằm vật ra lim dim mắt khoái chí. Đang nghĩ sức hấp dẫn của mình với bọn mèo quả là khó cưỡng lại, thì một em mèo béo khác từ trong nhà lon ton chạy ra, nằm duỗi chân chờ đến lượt được massage lưng. Chưa kịp tự thán phục bản thân thêm một tí thì một em chó vừa cao vừa to sấn sổ chạy lại. Chà, vậy là chỉ trong tích tắc, mình đã tập hợp được một đám đông nho nhỏ bu quanh. Chưa hết, đang mải làm quen với ba em thì ông chủ của các em, chủ nào tớ nấy, cũng mũm mĩm y như đàn chó mèo, lừ lừ tiến lại.
Cứ tưởng là sẽ bị quạt cho một trận, kiểu “cô kia ở đâu sờ mó chó mèo nhà tui?” nhưng hóa ra người chủ nhà tốt bụng hào hứng giới thiệu tên tuổi, kể tiểu sử từng nhân vật hết sức thân thiện kia. Nói chuyện được một lúc, anh bảo, “ê, có thích ăn rau hái từ vườn không?”. Dĩ nhiên mình gật đầu cái rụp. Thế là được mời vào trong nhà, tham quan vườn rau nào cà chua, dưa chuột, xà lách, bắp cải, dâu tây, ớt chuông trĩu trịt. Vợ anh đang loay hoay làm gì đó, thỉnh thoảng nói vọng ra từ phía sau để tham gia vào câu chuyện. Anh tiếp tục kể rất tự hào về hệ thống mái hứng và dẫn nước mưa để tưới rau. Chị thì kể rằng vừa nãy trời mưa, chị mặc áo bơi ra nằm giữa sân tắm nước trời, bên cạnh vườn rau xanh mát rượi.
Nói chuyện thêm lúc nữa, không hiểu sức hấp dẫn của mình phát ra đến mức nào, đôi vợ chồng hết sức dễ thương mời mình vào bếp, cho ăn thử salad mới trộn từ các loại rau quả hái ở vườn, và hết sức cao hứng, nhổ một đống hành và xà lách đút vào túi bắt mình mang về. Mình nói có một mình, sợ ăn không kịp vì hành ở vườn to cao gấp 10 lần hành ở siêu thị. Chị bảo, không sợ, cho vào cái cốc có tí đất, hay thậm chí chỉ cần tí nước là nó sẽ tươi rất lâu. Thấy mình vẫn lưỡng lự, anh mở tủ lạnh, lôi ra hai bọc cá bảo, thế thì ăn cá nhé. Mình mắt chữ a mồm chữ o, chưa biết nói thế nào, vì cá ở đây rất đắt. Anh bảo, cá này anh mày tự tay câu ở hồ nước trong vắt, tự tay lọc thịt cắt da đấy, không thể không nhận.
Cung kính không bằng tuân lệnh, mình cum cúp xách túi cá tươi rói về, đến nơi vẫn chưa hết bàng hoàng vì lòng tốt của những người lạ tình cờ gặp trên đường.
2. Cả hai lần mình đến Canada đều không phải do kế hoạch từ trước. Lần đầu đi học đại học, lúc đấy vì suốt ngày đọc Vietabroader, trong đầu chỉ mơ tưởng du học Mỹ. Cuối cùng thì không nộp hồ sơ được vào trường nào ở Mỹ, vì tháng 12 còn đang mải thi học sinh giỏi tiếng Anh, mà hạn nộp là đầu tháng 1. Chẳng hiểu thế nào, một hôm ngồi buồn, lang thang vào trang web của đại sứ quán Canada, có liệt kê trường sau này mình học là một trong những trường cho học bổng cho sinh viên quốc tế. Lúc đấy chỉ còn 2 tuần là hết hạn nộp, mình nghĩ một lúc rồi chặc lưỡi nộp bừa. Không ngờ lại được cho tí tiền, thế là đi, mà chẳng hề có tí khái niệm nào về đất nước này, hay những gì mình sắp trải qua.
Người dân ở đây hay hỏi “Bạn có thích Canada không?”. Thật ra thì rất khó trả lời, vì mình chưa bao giờ sống lâu ở nước nào khác mà so sánh. Hơn nữa, khi xách vali ra sân bay, mình không hề biết gì về con người, văn hóa, khí hậu ở đây. Nếu đi Nhật, mình có thể nói muốn đến vì yêu thích Doraemon từ bé. Nếu đi Anh, mình cũng có thể nói vì ham mê Harry Potter. Nhưng Canada, đơn giản là một quốc gia xa xôi, rộng lớn, có nhiều cây phong, chấm hết.
Lần thứ hai, đi học thạc sĩ, cắm cổ nộp đơn một loạt các học bổng châu Âu, Úc, rồi lần nào cũng được trả lời “muốn học đóng tiền thì chúng tôi chào đón em”. Một lần trà đá sau giờ ăn trưa với đồng nghiệp, có một anh lúc đó đang làm luận văn tiến sĩ, nhờ mình tìm hiểu hộ các tài liệu bằng tiếng Anh về chủ đề cô dâu qua biên giới. Từ việc tìm kiếm đó, mình mò được một vị giáo sư làm rất nhiều nghiên cứu về Việt Nam và có vẻ hợp với chủ đề mình thích. Lần đến trường cô công tác, lại ở Canada. Lúc đấy chỉ còn vài ngày là hết hạn nộp hồ sơ, mình cong mông chỉ từ sáng hôm trước đến chiều hôm sau đã nộp. Thế mà lại được nhận và cho tiền, thế là tiếp tục đi.
Nhiều người cứ nghĩ mình yêu thích Canada lắm mới đến đây, rồi quay lại. Thật ra thì, cuộc sống có nhiều sự đưa đẩy buồn cười, có nhiều lựa chọn cắm đầu lao vào mà không biết sẽ ra sao, nhưng rồi sau khi chọn xong sẽ ngồi tặc lưỡi tự nhủ “thật ra cũng không đến nỗi nào.”
3. Nhiều khi nghĩ vẩn vơ, tại sao từ hồi ở Canada mình toàn gặp người tốt. Từ bác lái xe buýt, ngán ngẩm nhìn đống hành lý nào thùng nào vali nào túi chềnh ềnh của mình, ngoắc tay bảo vào phòng vé trả thêm tiền hành lý theo quy định đi cưng, vì mỗi người chỉ được mang tối đa 1 vali và 1 túi. Mình vừa dợm bước đi, nghĩ bụng, thế là mất toi 60$ rồi, thì bác ngoắc lại hỏi, cháu là sinh viên hả, thôi lên đi, con bác cũng là sinh viên. Bác lấm lét nhanh nhanh chóng chóng xếp đống hành lý của mình vào thùng xe, trông chừng để mấy người quản lý ở bến xe không nhìn thấy. Rồi người đàn ông vô gia cư đã ra tay giúp đỡ khi nhìn thấy mình vật vã kéo hai cái vali, lưng đeo một cái balo nặng như đá, mỗi lần vỉa hè gập ghềnh mình sẽ phải kéo một cái vali lên mấy mét, rồi chạy lại kéo cái kia (cái thị trấn hẻo lánh đó đi cả ngày cũng không thấy bóng taxi nào lai vãng).
Rồi những người bạn vong niên, phần lớn ở độ tuổi ông bà, cha mẹ, cô chú, đã mở rộng vòng tay và mời mình đến nhà để ăn bữa tối với gia đình họ những ngày lễ. Những người đã giúp mình chuyển nhà, nghỉ làm cả tuần để lái xe đưa mình đi chơi. Những người mà đối với họ, mình là một cô gái xa nhà và đơn độc, chứ cũng chẳng quan trọng mình là người nước này hay nước khác, hay chúng ta không cùng màu da, tiếng nói. Khi giúp một bà cụ quét lá rụng trong sân, hay ngồi nhâm nhi tách trà bạc hà, tận hưởng hơi ấm dịu dàng của ánh mặt trời cuối đông đầu xuân và lắng nghe những tiếng chim đầu tiên trở lại sau nhiều tháng lạnh lẽo với một đôi vợ chồng già, hay khi cùng một người bạn hơn mình đến 15 tuổi nướng bánh và cười sằng sặc như hai đứa dở hơi, mình đã nghĩ, đi qua biên giới từ nước này đến nước kia tốn thời gian, tiền bạc, và nhiều khi rất khó khăn (đơn cử như vụ chờ đợi visa mòn mỏi của mình), nhưng để thực sự vượt qua lằn ranh giữa hai quốc gia, nhiều khi chỉ cần một khúc bánh chanh mật ong vừa ra lò nóng hổi.
4. Trước khi đi du học, mình đọc nhiều bài báo về những thanh niên trẻ được tham gia hội trại này, hội nghị khác, mang văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, vân vân và vân vân. Mình đã cố làm như thế trong thời gian đầu, rồi sau đó nhận ra rằng, những gì mình hay nghĩ là văn hóa đặc trưng Việt Nam, thật ra là những khuôn mẫu người ta dựng lên để quảng bá du lịch. Áo dài, nón lá, nhảy sạp ư? Hay phở bò, nước mắm, cờ đỏ sao vàng? Thế còn áo bà ba, mắm nêm, bún thang, bánh tráng cuốn thịt luộc?
Có một lần, một bà cụ mình rất yêu quý nói rằng, hôm trước bà xem thời sự thấy nói về việc Trung Quốc chèn ép tàu Việt Nam ngoài biển, bà nghĩ, tội nghiệp Việt Nam bé nhỏ mà bị băt nạt, rồi bà nói với mấy bà bạn khác như thế, các bà đều ủng hộ Việt Nam và cương quyết rằng thế giới sẽ không để mâu thuẫn đi quá xa. Mình hết sức ngạc nhiên và bùi ngùi xúc động, không ngờ những người mà đối với họ Việt Nam chỉ là cái tên của một cuộc chiến cũng có thái độ như vậy. Bà bảo, dĩ nhiên là khi người ta quen ai từ đất nước nào, thì sẽ để tâm đến đất nước đó hơn. Đối với bà, thì mình là một cô gái dễ thương đến từ Việt Nam, và vì thế, bà có cảm tình. Chứ không phải vì mê món “pho bo” bán ở những hàng phở hay thích vẽ móng ở tiệm nail do người Việt làm chủ nhan nhản khắp các thành phố ở Canada.
Khi mình sống những giá trị mình có, bằng cách này hay cách khác, rồi sẽ có người cảm nhận được điều đó. Cuộc đời du học của mình không có những chàng trai tóc vàng mắt xanh trong một cuộc tình mùi mẫn như kiểu Oxford thương yêu, hay những đêm trại đốt lửa gảy đàn guitar bập bùng của các thanh niên sáng láng diễn thuyết rất hay, chỉ là những người già lọm khọm, thông thái và đáng mến, trong những buổi chiều im lặng và những không gian ngập tiếng nhạc cổ điển từ cái đài cũ, nhưng vẫn rất ấm lòng.
5. Đi, không phải để tìm cái mới. Điều đó có thể làm rất dễ dàng với một cái laptop có kết nối Internet.
Đi là để tìm những điều quen thuộc. Mà tình người thì ở đâu cũng như nhau.
Trần Mai trang says
Chị viết đáng yêu quá! Quê chị ở đâu thế ạ ?
Chuyện says
Cám ơn em, lâu lắm mới có người để lại comment. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội em ạ.
Thao Duong Phuong says
Em muốn comment mà lại không biết phải nói gì. Cảm ơn chị về bài viết ạ.
Phuong says
Một khía cạnh mới về du học sinh qua câu chuyện của em được cảm nhận thật gần gũi và ý nghĩa
Flyingdance says
cuộc sống thì vẫn phải hoạch định, nhưng mà sau đấy nó trôi đến đâu thì có khi cứ để mặc nó chị nhỉ :)).