Hôm nay bỗng nhiên nhớ ra chuyện này.
1. Mấy năm trước mình đi Trung Quốc học tiếng Tàu vơi một nhóm bạn người Canada cùng trường. Hôm đấy cuối tuần, hội tây phương tiêu tiền đô đã đáp máy bay đi Tây An chơi, mình mình đông phương tiêu tiền đồng nghèo đói ở lại kí túc xã đại học Thượng Hải. Ở một mình loanh quanh trong phòng mãi cũng chán, sáng chủ nhật mình quyết định đi bộ ra công viên gần đấy chơi, dù nơm nớp lo sợ nếu bị lạc đường sẽ không thể hỏi thăm hay nhìn bảng hiệu mà về.
Công viên vắng vẻ, xinh xắn. Mình thong thả đi một vòng, thấy có một anh giai đang đứng quay mặt ra hồ và luyện nói tiếng Anh rất hăng say. Anh nói to lắm, mình đi bộ cách mấy chục mét vẫn nghe thấy giọng anh sang sảng. Mình tiếp tục đi vòng thứ hai, vẫn thấy anh đang luyện đi luyện lại một bài đọc tiếng Anh, điệu bộ như thể ngày mai anh sẽ lên tivi đọc diễn văn cho cả nước Mỹ. Đến vòng thứ ba, trời mỗi lúc một nắng, câu cú anh đọc mỗi lúc càng sai, thì mình thu hết can đảm lại gần chỗ anh giai và bảo “em có thể giúp anh luyện đọc.”
Anh giai hết sức hí hửng, chấp nhận ngay lời đề nghị của mình. Mình đọc mẫu một câu, anh đọc y nguyên lại câu đấy, cố gắng luyến láy, chu môi uốn lưỡi để phát âm cho thật chuẩn. Vì thấy anh chăm chú quá, mình cũng không nỡ sao nhãng, càng ra sức chỉ bảo. Đến lúc bụng kêu òng ọc báo đã đến giờ ăn trưa thì mình đành chia tay để về kí túc xá ăn cơm sinh viên.
Anh giai đi bộ sánh bước cùng mình ra đến cổng công viên, rồi không hiểu thế nào, tự nhiên mình thấy mắt anh sáng lóe lên một tia chớp, và anh dõng dạc bảo “để anh mời em ăn trưa.”. Mình tất nhiên là gật đầu, vì cơm sinh viên Thượng Hải cũng khê cháy và ít rau ít thịt như cơm sinh viên ở Hà Nội thôi. Anh dắt mình vào một hàng ăn, và đoạn sau thì mình không lường trước được. Cứ tưởng mỗi đứa một bát bún bát mì là cùng, không ngờ anh gọi sơn hào hải vị đầy ngập bàn, nào cá nào tôm, nào súp nào lẩu, mình chẳng hiểu gì cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn nhân viên phục vụ bê hết món này đến món khác. Chắc hôm đấy tiêu thụ không hết một nửa số đồ ăn được gọi ra.
Anh thì vẫn hào hứng lắm, vốn tiếng Anh sứt mẻ, còn mình thì vốn tiếng Tàu lõm bõm, vừa ăn vừa nói vừa khua chân múa tay. Mình học thêm được mấy câu tiếng Tàu, ví dụ như “Ngon lắm, ăn no rồi”, “món này là cá hay thịt”, đại loại vậy. Anh bảo đây là lần đầu tiên có bạn không phải là người Trung Quốc, rồi trao đổi email. Ngay lúc đó mình đã biết những lời hứa hẹn “sẽ giữ liên lạc”, “sẽ nhờ em giúp anh luyện phát âm tiếng Anh” sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng cũng nhủ thầm “miếng thịt vịt tiềm thuốc bắc vừa trôi vào cổ họng là sự thật, lon pepsi mát lạnh đang uống cũng là sự thật, vậy thì phải lăn tăn gì nữa.”
Thế, ăn no uống say xong mình xác bụng no quay về kí túc xá ngủ đến chiều.
2. Chuyện thứ hai cũng gần giống chuyện thứ nhất. Mình đi Campuchia với một cô bạn người Ấn Độ. Hai đứa thuê riêng một anh hướng dẫn viên để đi Angkorwat trong một ngày, hình như mỗi đứa trả 20 đô. Sáng anh hướng dẫn chờ sẵn ở khách sạn cùng xe tuktuk, rồi ba người lên đường.
Cả ngày hôm đấy đi được năm khu đền, mình thấy bỏ tiền ra thuê riêng một hướng dẫn cũng xứng đáng, ít nhất là mình không phải chờ đợi người khác chụp những kiểu ảnh trăm cái như một mỗi lần dừng lại một khu di tích. Gần cuối ngày, anh nói về việc sắp tới sẽ đứng ra mở công ty du lịch, cũng muốn đưa tour sang các nước lân cận như Việt Nam. Mình bèn bảo “ô, em cũng làm trong ngành du lịch đấy, em cũng dẫn tour được gần một năm rồi.” Của đáng tội, dù mình không có bằng cấp hướng dẫn viên gì, cũng chưa học qua trường lớp du lịch ngày nào, nhưng đúng là ở thời điểm đó thì đã dẫn khách nước ngoài đi tour một thời gian.
Anh hướng dẫn bèn bảo, nếu thế thì có gì hợp tác. Mình bảo “vâng, em có cả người quen làm giám đốc công ty du lịch quốc tế ở Hà Nội, hay tổ chức đi tour nước ngoài, em có thể giúp anh liên hệ.” Lúc đấy mình muốn giúp thật, vì cũng có cảm tình với anh hướng dẫn này, có vẻ là người đã chịu khó làm ăn, và bây giờ đã tích góp được ít vốn chuẩn bị đứng ra làm ông chủ. Chẳng hiểu có phải vì câu nói đó không, mà anh ngỏ lời “tối mời hai em đi ăn.”
Thế là sau khi đi tuktuk về khách sạn, tắm rửa xong xuôi, thấy anh hướng dẫn ăn mặc bảnh bao lái xe ô tô riêng đến đón. Đã thế, anh lại còn dẫn đến một hàng rõ sang trọng, dạng buffet kiểu như Sen Hồ Tây, có cả biểu diễn múa truyền thống Campuchia. Mình và cô bạn vừa ăn vừa lo lắng, không rõ “anh mời” là dắt hai bạn đến chỗ hay ho này, hay là anh sẽ trả tiền cho. Lúc đấy đã gần cuối chuyến đi, hai đứa đều cạn tiền, mà bữa ăn thì xa xỉ. Cuối bữa, anh khoát tay bảo “để anh lo”, hai đứa thở phào. Tiền ăn của hai đứa còn nhiều hơn cả ngày công đi hướng dẫn vừa trả cho anh lúc chiều.
Mình và cô bạn hoàn toàn không hiểu, có thể anh coi đó là một khoản đầu tư vào xây dựng quan hệ, chuẩn bị cho tương lai làm giám đốc công ty du lịch chăng?
3. Chuyện thứ ba khác hai chuyện đầu một tí, nhưng cũng là một ân huệ mình nhận từ một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Hồi đấy mới sang Canada, ngơ ngác chưa biết gì, đến nhà một bác người quen ở Toronto chơi. Bác làm chủ tiệm móng, nên ban ngày cho mình ra tiệm của bác ngồi xem mọi người dũa móng, mài móng, sơn móng. Những người phụ nữ Việt còng lưng cúi mặt, hai tay nâng niu ôm lấy những bàn chân to tướng thô ráp đặt lên đùi mình để kiếm kế mưu sinh.
Đang ngồi ngó nghiêng thì có một đoàn múa lân Trung Quốc ào qua. Đường phố náo nhiệt hẳn lên. Mình chạy ra ban công đứng xem. Lúc họ qua rồi, thấy có một bác trai cũng đứng xem, đang cười mủm mỉm. Mình hỏi “bác có phải là người Trung Quốc không?” – “Không, bác là người Tây Tạng.”. Hồi đấy mình chẳng biết gì về Tây Tạng, về sự áp bức của Trung Quốc lên đất nước nhỏ bé mà kiên cường ấy. Thế là mình ngồi nói chuyện với bác về Đạo Phật, về những thứ ít ỏi và rời rạc mình biết. Bác không biết nhiều tiếng Anh, mình thì cũng không biết những từ trong Đạo Phật được dịch ra tiếng Anh thế nào, nên cuộc nói chuyện cứ đứt quãng và khó nhọc như người già lên cơn hen.
Mình cũng không nhớ hai bác cháu đã nói những gì, chỉ biết đại loại là bác đã tìm cách để sang được Canada, và từ thứ 2 đến thứ 6 đi làm ở nhà máy, thứ 7 chủ nhật ra tiệm nail này làm massage ăn chia phần trăm với chủ tiệm, cố gắng dành dụm tiền để đưa vợ con còn đang lánh ở Nepal sang. Bác bảo “muốn con cái còn nói được ngôn ngữ của mình thì phải đi khỏi Tây Tạng”. Lúc đấy mình chưa biết gì, nhưng cũng cảm thấy nỗi buồn mất nước đấy mênh mang lắm. Suốt cả ngày không có ai vào massage, trước lúc đi về bác bảo “Tháng 11 Đức Đại Lạt Ma sẽ đến Toronto nói chuyện. Bác sẽ tặng cháu một cái vé đi nghe. Cháu nên đi. Bác nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ cháu. Kiếp trước cháu là một ni cô đấy.”
Mình cũng gật đầu, dù lúc đấy chẳng có khái niệm gì, không biết Đức Đại Lạt Ma là ai. Mình cho bác địa chỉ hộp thư ở trường rồi quên luôn cuộc gặp gỡ đó, vì lúc đấy mình còn bận đau khổ và than khóc nhớ nhà. Sau đó bác gửi thật. Một tấm vé trị giá 60$, một khoản tiền rất lớn với ông già khắc khổ cần kiệm.
Thế rồi mình lại bắt xe buýt lên Toronto, lóc cóc đi theo bác đến một hội trường lớn, nơi người dân Tây Tạng nô nức mặc quần áo truyền thống và vui mừng như đi trẩy hội. Mình không nhớ nhiều về buổi nói chuyện đó, chỉ nhớ lúc đi về, bác dắt mình đi bộ rất lâu, trời chập choạng tối và sương xuống nên chớm lạnh, đường thưa dần người, mình bắt đầu lo lắng nghĩ thầm “ông này đưa mình đi đâu đây?” và cố gắng đảo mắt nhìn quanh để cố tìm những mốc đường quen thuộc. Với khả năng nhớ đường của mình thì hành động đó hoàn toàn vô vọng. Nhưng dĩ nhiên là mình chẳng bị lừa bán đi đâu cả, khi đã quay trở lại tiệm móng của người quen, bác vỗ vai mình bảo “cháu rất giống con gái bác.” Lúc đấy mình hơi hối hận vì đã nghi ngờ lòng tốt của một người cha.
4. Mình chưa bao giờ gặp lại những người đàn ông này. Họ ở những đất nước khác, nói những ngôn ngữ khác. Những cuộc hội thoại ngắn ngủi giữa mình và họ đều diễn ra rất khó khăn, vì cả hai bên không hiểu tiếng nói của nhau, và ngôn ngữ chung là tiếng Anh cũng không thành thạo. Ngoại trừ lần ở Campuchia, cả hai lần còn lại mình đều chỉ có một mình, rụt rè và có đôi phần sợ hãi ở môi trường lạ lẫm. Mình không hiểu điều gì đã xui khiến họ tốt với mình, mời mình ăn, mua vé tặng mình đi nghe Đại Lạt Ma nói chuyện. Mà những hành động tốt ấy, chắc cũng chẳng có mục đích gì cụ thể, vì đến mình còn biết sẽ không gặp lại, thì họ chắc phải thừa hiểu điều đó.
Dù vậy, có một điều mình học được, đấy là đón nhận lòng tốt của người khác mà không hoài nghi hay ngại ngần. Vẫn biết “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, và quá quen với việc trao đổi sòng phẳng của những mối quan hệ xã hội, nên nhận từ người lạ đôi khi còn khó hơn cho đi. Mình nhận để trong một buổi chiều thứ 7 trống rỗng và cô đơn, có những kỉ niệm nho nhỏ và đẹp đẽ mà nghĩ lại và tiếp tục ngạc nhiên về sự tốt đẹp của con người.
Mình nhận để người ta làm ơn và để mình được hàm ơn.
Giang says
Cám ơn Vân vì những câu chuyện của em.
Chuyện says
Cám ơn anh Giang đã luôn đọc và động viên em, mặc dù anh rất bận 😀
p/s: hôm trước em mơ thấy anh đấy ạ ^^
Thuy says
Cảm động quá. Thương dân Tây Tạng dã man bị CSTQ đàn áp. Thế chị Vân có giới thiệu người quen cho anh bên Campuchia không ạ?