Khi xem video này , mình không ngạc nhiên về phản ứng của những người xung quanh. Và mình càng không ngạc nhiên trước những bình luận của những người xem giống mình. “Người Việt Nam thật là vô cảm”. “Người Việt Nam thật đáng buồn, đáng xấu hổ”. Dĩ nhiên thấy việc bất bình giữa đường mà không can ngăn thì không có gì đáng khen, nhưng mình nghĩ rằng, kết luận theo kiểu “dân tộc hóa”, người Việt thế này người Việt thế nọ, thứ nhất không đi đến bản chất của vấn đề, và thứ hai, sẽ không đưa ra cách giải quyết gì cả. Phẩy tay người Việt là xấu xa rồi, thì còn nói gì nữa.
Mình xem khá nhiều các thử nghiệm xã hội kiểu như thế này trong chương trình “What would you do?” ở Mỹ. Họ thử nghiệm với các biến khác nhau của cặp đôi, các chủng tộc (da đen, da trắng, đôi người đen người trắng), địa vị xã hội (người phụ nữ ăn mặc hiền lành tử tế, người phụ nữ ăn mặc hở hang trông như gái gọi), tuổi tác (đôi nhỏ tuổi, đôi lớn tuổi), để xem phản ứng của người xung quanh có khác nhau hay không. Điều quan trọng là, phần trăm số người can thiệp cũng rất ít. Trong một video, nhóm làm chương trình thử nghiệm liên tục trong 2 ngày ở một công viên có rất nhiều người qua lại, và chỉ có 10% số người hiện lên trên camera (chưa kể người chứng kiến từ xa) lên tiếng. Phần còn lại cũng cúi đầu đi qua thật nhanh, theo tinh thần “tránh voi chẳng xấu mặt nào” như trong video thực hiện ở Việt Nam này.
Sự khác biệt của 10% những người dũng cảm này với 90% những kẻ bàng quan còn lại là gì? Họ là người tốt, dĩ nhiên. Nhưng điều quan trọng hơn, những người này thường đi theo nhóm, hoặc họ là đàn ông to khỏe, hoặc nhà ngay gần địa điểm xảy ra bạo lực (các cụ bảo, “chó cậy gần nhà” cũng không sai). Con người là loại sinh vật biết nghĩ và hành động theo tính toán “nhân-quả”, các nhà kinh tế học bảo thế, nếu tổn thất (cost) cao hơn lợi ích (benefit), họ sẽ không thực hiện một hành động. Nếu bạn là người tốt, nhưng chỉ là một phụ nữ bé nhỏ và đi một mình, trong khi kẻ bạo hành là đàn ông, to con, có thể có vũ khí, liệu bạn có dám mạo hiểm sự an toàn của bản thân để can thiệp?
Nhưng yếu tố quan trọng hơn, nằm ngoài cá nhân, chính là thứ khiến mình nghĩ đừng vội kết luận người Việt thế này người Việt thế nọ, là kết cấu của xã hội khiến làm việc tốt trở nên dễ dàng hơn, và giảm tổn thất cho người làm. Ở Mỹ (hay các nước phương Tây khác), khi nhìn thấy việc như vậy xảy ra trên đường, người dân chỉ cần nhấc điện thoại gọi cảnh sát và báo cáo sự việc, rồi đi. Vài phút sau, cảnh sát sẽ có mặt để giải quyết. Ở Việt Nam thì sao, cảnh sát có phản ứng không, và liệu người gọi có phải ở lại giải trình, làm chứng, phải đi lên phường, thậm chí sẽ bị trả thù? Làm người tốt ở Việt Nam thật sự rất tốn kém (về thời gian, công sức, tiền bạc) và nhiều khi nguy hiểm. Cấu trúc của xã hội và các dịch vụ hỗ trợ khiến những người muốn lên tiếng trước sự bất công phải chịu trách nhiệm quá lớn.
Không phải sùng bái phương Tây, nhưng thật sự làm người lương thiện ở đó dễ hơn. Nhìn thấy người bị nạn, gọi cấp cứu, xe bệnh viện sẽ đến đưa người bị nạn đi. Nếu có nền y tế miễn phí như Canada, người ta sẽ được chữa trị trước khi nộp tiền đặt cọc, có người nhà vào ký nhận. Chỉ cần gọi một cú điện thoại là làm được người tốt. Ít nhất bạn không sợ bị người nhà bệnh nhân đánh cho vỡ đầu. Nhìn thấy người bị bạo hành, có vô số các nhà tạm lánh, các nơi hỗ trợ phụ nữ. Bạn có thể đưa người phụ nữ đến một chỗ như vậy rồi đi, việc còn lại “đã có nhà nước lo”.
Người ta kêu gọi lên tiếng trước cái xấu, nhưng một người dân bình thường có thể làm gì? Mọi thứ đều có giới hạn. Trong một xã hội nơi luật pháp không được tôn trọng (đến luật sư còn bị đánh), các dịch vụ xã hội không đảm bảo, trắng đen nhập nhằng, phản ứng của mỗi người dân nhỏ bé sẽ luôn là vậy “đi mau lên, đừng dây vào chuyện thiên hạ.” Người ta sẽ đứng xem, sẽ quay phim, sẽ bàng quan, nhưng sẽ không can thiệp.
Không có cái gì gọi là bản chất của người Việt cả. Một người Việt ở trong xã hội tốt, tất sẽ là một người Việt tốt.
Leave a Reply