1.
– Ấy có mơ ước gì không?
– Không. Tớ đang trong thời kì khủng hoảng ước mơ
– Có mục đích gì không?
– Không, tớ đã qua cái thời sống theo một vector có hướng, chăm chăm hướng theo một mục đích rồi
– Sống không có mục đích, không có ước mơ như ấy thì khác gì chết rồi?
– Ừ, nhưng mà không có thì đành chịu chứ biết làm thế nào.
2.
Hồi cấp 2, tớ đọc báo HHT, hay có các bài phóng sự về tình nguyện viên và khỏi phải nói, tớ rất muốn cũng làm được những việc ý nghĩa, mang lại cho người khác niềm vui, được cống hiến hết mình. Tớ tâm tâm niệm niệm một dòng của Đoàn Công Lê Huy: “Muốn trái tim có hình ngọn lửa, hãy dựng ngược nó lên.” Và lớp 10, tớ bắt đầu tham gia vào một nhóm tình nguyện sinh viên tên là Những ước mơ xanh.
Rất buồn cười, ở trong nhóm “ước mơ”, tớ dần dần nhận ra ước mơ của mình quá ngây thơ, và sự thật không hề giống như những con người trong các trang phóng sự tớ từng đọc. Hồi đó mỗi tháng một lần tớ cùng nhóm đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội 4 trên Ba Vì, Hà Tây. Thời gian đầu tớ rất hào hứng đi vận động, quyên góp bạn bè trong lớp và tất cả các mối quan hệ có thể để gom góp sách, quần áo, bánh kẹo, đồ chơi, rồi chất tất cả lên xe đạp và hùng hục chở từ nhà lên trường Luật. Nhưng rồi tớ nhận ra tất cả các vật phẩm đó không tồn tại lâu, và khi bánh kẹo đã ăn hết, nỗi khổ lại đắng chát y như cũ. Một buổi liên hoan ca hát tổ chức bởi các thanh niên đầy nhiệt huyết không giải quyết được gì. Một căn phòng được xây lên, hay được quét sơn lại bởi các tình nguyện viên nước ngoài giàu nhân ái cũng không giải quyết được gì. Cũng như những cân gạo tớ đóng góp, sau vài bữa cơm no, cũng không giải quyết được gì.
Nhưng ước mơ của tớ khủng hoảng dữ dội hơn khi tớ gặp những con người khiến tớ cảm thấy cái vòng tay mình đang đeo thật là dị hợm. Nhưng có quá nhiều thứ tớ không thể tháo bỏ khi tớ đến gần họ, cách sống, cách nghĩ, cách ăn nói của tớ không dễ dàng rút ra rồi lại đeo vào như cái vòng tay. Tớ loay hoay ở cạnh các bạn không khác tuổi tớ là mấy, nhưng đã sống một cuộc đời hoàn toàn khác tớ trên đường phố, bị giành giật, không an toàn và rất bấp bênh. Tớ không biết nói gì với cậu bạn bằng tuổi tớ nhưng chưa bao giờ được đến trường. Tớ chơi với các em bé dưới 7 tuổi, bởi vì đối với các em ý, khoảng cách với một đứa trẻ thành thị no đủ như tớ chưa hẳn là vấn đề.
Tớ dừng không đi cùng nhóm nữa vào giữa năm lớp 11. Lý do là bận học, nhưng thật ra vì ước mơ một thời của tớ bị khủng hoảng. Tớ nhận ra để giúp đỡ người khác không phải cứ đưa ra một nắm xôi là xong, bởi vì chẳng ai sống như thằng Bờm. Quan trọng hơn, tớ nhận ra tớ không biết làm thế nào để chạm vào những cuộc đời rất khác với những phần mà tớ quen.
3.
Hồi cấp 3, tớ suốt ngày le te đi dự các hội thảo du học, đọc các forum du học, và làm mọi thứ để phục vụ cho ước mơ đi du học. Tớ khóc, cười, ăn, ngủ, cãi vã với gia đình theo từng bước của quá trình nộp đơn đi du học. Cuối cùng, khi được nhận, được gia đình đồng ý, được đi máy bay lần đầu tiên, và bước vào cuộc sống, theo như trong mơ, là sẽ được gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa, rất nhiều kiểu người, và tớ sẽ lớn lên.
Nhưng rồi sau một vài cố gắng ban đầu để hòa nhập với những người bạn mới, tớ bỏ cuộc. Tớ nhớ như in cảm giác ghen tị khi nghe bạn Linh, đứng trong cùng một vòng tròn để mọi người làm quen với nhau, đã cất tiếng cười khanh khách và ngửa mặt lên đón nắng, và tự hỏi tại sao mình không thể cười nổi. Tớ đã bối rối, ngượng ngập, sợ hãi, buồn bực, và rồi rút lui. Có thể không phải là người khác không chấp nhận, mà chỉ là chính tớ không lại gần. Nhưng cuối cùng, tớ đã không biết làm thế nào để trở thành bạn của những người lớn lên trong nền văn hóa khác. Tớ chẳng có tình bạn sâu sắc nào với các bạn bè quốc tế trong trường sau chừng ấy năm.
Ước mơ cháy bỏng đó của tớ khi trở thành hiện thực đã giúp tớ nhận ra tớ kém thích nghi đến thế nào, và với vốn sống rất ít ỏi vì sự bao bọc và tự bao bọc quanh những con người rất giống mình, tớ đã phải tìm kiếm và chờ đợi rất chật vật mới đến được cái ngày thấy thoải mái giữa những người lạ. Chỉ là không còn gượng gạo giữa họ, nhưng tớ chưa bao giờ biết làm thế nào để chạm vào họ. Tớ cũng không biết, hay đúng ra không nhớ, là mình có bao giờ bỏ qua cơ hội để được chạm vào hay không.
4.
Học xong đại học, tớ ước mơ được làm việc với phụ nữ, với người nghèo, và lắng nghe những câu chuyện đời giản dị. Tớ tìm được tất cả những điều đó trong công việc hiện tại, bởi vì những người tớ làm cùng là phụ nữ nghèo và thường rất sẵn sàng chia sẻ. Chỉ có điều, lại một lần nữa, tớ thấy mình loay hoay bởi sự khác biệt quá lớn giữa tớ và những người tớ muốn lại gần. Tớ không biết làm thế nào để bớt vụng về, bớt vô duyên, để sự tương phản giữa cuộc sống của tớ và cuộc sống của họ không là một rào cản quá lớn.
Họ thường không biết chắc ngày mai, tháng sau, vụ tới gia đình sẽ thế nào, con cái có tiếp tục học tiếp được thêm một năm không, nhưng họ chẳng bao giờ phân vân cái gì đúng sai, tốt xấu, hay việc cuộc đời họ sẽ rẽ theo ngã nào. Hay nói khác đi, cuộc đời của những người phụ nữ ấy chông chênh ngắn hạn ổn định lâu dài, còn tớ ngược lại, không phải lo cơm ăn từng bữa áo rét từng mùa, nhưng về lâu dài lúc nào cũng hoang mang.
Không chỉ là khi các chị nói về bệnh tật của gà vịt hay làm thế nào để chọn lợn tốt. Những điều đó tớ có thể học. Tại sao tớ không thấy xa lạ khi nghe về những doanh nhân trẻ, tiến sĩ trẻ thành đạt, những bộ não, những trí thức, mà khi đứng trước những người phụ nữ ấy, tớ phải loay hoay để hiểu họ, và thấy rằng mình thật thiếu thốn, thật quá ngớ ngẩn và vụng về.
Mỗi lần tiếp xúc với những người khác mình, tớ lại lao đao. Tớ thu mình trong thế giới một màu lâu quá, nên khi bước ra khỏi nó để chạm vào những vùng đời khác, tớ khật khừng bước như người ngồi lâu bị tê chân, mới đứng lên không đi vững được.
Nhưng lần này sẽ cố gắng không bỏ cuộc như hai lần trước. Dù tớ vẫn không biết làm thế nào, vẫn thấy khó khăn và đôi khi chỉ muốn biến mất, tớ sẽ lắng nghe. Cứ nghe, có lẽ sẽ đến ngày tớ biến đổi đủ để hiểu được những người phụ nữ đơn giản ấy.
5. Hiểu được những người mình muốn hiểu có được tính là một ước mơ không nhỉ?
Giao says
“We hear only those questions for which we are in a position to find answers.” – Nietzsche
Ông này điên khùng vậy mà có nhiều câu cũng lạc quan quá :D, sẽ hợp cho những người lang thang như chị và em :D.
Chuyện says
Câu này hay 😀 chị vẫn chưa gom đủ can đảm để đọc Nietzche lại tử tế
Còi Pro says
Lần nào đọc lại mình cũng vẫn thấy xúc động :3
Ước mơ của mình cũng đã thay đổi, từ mong muốn “hiểu được những người mình muốn hiểu”, bây giờ mình khát khao hiểu được sở thích và bản thân mình :D. Như vậy cũng có được tính là 1 ước mơ không nhỉ?!
Chuyện says
Có, tính chứ, hiểu được bản thân là việc của cả đời cơ mà 😀