Bình thường, cứ một tuần một buổi, trường Cơm thuê một chú nhạc công/nhạc sĩ đem đủ các thứ nhạc cụ đến đàn hát cho các bạn nhỏ nghe, rồi thay nhau chơi các nhạc cụ đơn giản mà chú đem đến. Rồi trường lại thuê một cô đến dạy Zumba, vào một buổi sáng khác trong tuần. Một buổi sáng nữa, thì trường có các cô chú từ chương trình tình nguyện đọc sách cho bé, đem sách đến đọc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Năm nay COVID hoành hành, nên trường Cơm phải hủy hết các hoạt động như thế, vì theo lệnh của sở Giáo dục, không có người lớn nào được vào trong trường, trừ các cô giáo và nhân viên. Bố mẹ đến đón cũng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rồi đứng chờ ngoài cửa.
Cái khó ló cái khôn, không cho người ngoài vào thì ta tận dụng nội lực sẵn có. Trường Cơm tự thiết kế chương trình “Đầu bếp tí hon”, mỗi tháng một lần cô đầu bếp của trường được trưng dụng làm “giáo viên cơ hữu”, dạy cho bọn trẻ một món theo chủ đề của tháng, sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm, giàu dinh dưỡng, kết hợp với những kỹ năng vừa với mức độ phát triển của các bạn nhỏ.
Chủ đề của tháng 9 là táo, thì các cô cho mỗi lớp năm quả táo, thuộc năm giống khác nhau, rồi bọn trẻ tự dùng dụng cụ cắt táo, và nếm thử mỗi quả một miếng. Cô giáo Cơm cho cả lớp đem đồ ăn ra trải chăn picnic dưới gốc cây táo ở công viên cạnh trường và ngày nào cũng ra thăm cây táo xem quả đã lớn đến đâu. Rồi cả lớp nhặt quả táo dại rụng đầy gốc, đem về cho vào khay “trò chơi giác quan”, cô giấu những quả táo dại phía dưới những lớp hạt, các bạn cùng nhau bới hạt để tìm táo.
Chủ đề tháng 10 là bí ngô, thì hoạt động của buổi “Đầu bếp tí hon” là sinh tố bí ngô. Cô đầu bếp hướng dẫn bọn trẻ làm sinh tố từ bí ngô, kem tươi, sữa, bột quế và chuối. Các bạn luyện kỹ năng dùng dao bằng cách bóc và cắt chuối, rồi tập dùng cốc đo lường để định lượng từng nguyên liệu.
Tháng 11 thì chủ đề là món ăn nhẹ lành mạnh, nên món ăn được thực hiện là “bánh cuốn”. Vỏ bánh là vỏ tortilla làm bằng bột ngô nên dày và dai. Nhân bánh là bơ hạt, ngũ cốc giòn và chuối. Các bạn tập dùng dao để phết bơ, dùng các ngón tay khéo léo để cuốn bánh, rồi tập dùng đũa. Dĩ nhiên là đa số các bạn không dùng đũa ở nhà như Cơm, nên phần lớn cầm đũa xiên vào miếng bánh như xiên dĩa. Cơm thì ở nhà hay được bố mẹ cho ăn món thịt ba chỉ luộc cuốn bún chấm mắm nêm, nên xem ra có vẻ cuốn đẹp và gọn hơn các bạn.
Mình nghĩ đi nghĩ lại, luôn cảm thấy thật may mắn vì đã chọn được một trường mẫu giáo tuyệt vời ông mặt giời cho Cơm. Hồi mới đến Montreal, lúc đó mình thuê nhà ở khu nói tiếng Pháp, cho Cơm học ở một trường do chính phủ tỉnh quản lý (CPE). Hồi đó lần đầu tiên cho con đi học mẫu giáo, bố mẹ cũng chưa có kinh nghiệm để so sánh, hỏi ý kiến người quen thì được bảo “vào được CPE là nhất rồi, khó vào lắm đấy”, nên cũng hỉ hả nghĩ là mình may lắm.
Sau ba tháng thì mình chuyển nhà sang khu nói tiếng Anh, nên cũng chuyển trường cho Cơm. Mình vào lê la trong các nhóm Facebook của các bố mẹ trong khu, thấy khen trường này, đến thăm thấy rất ổn, nên quyết định cho học luôn. Sau này nhà cửa ổn định rồi, có thời gian đi thăm thêm gần hai chục trường mẫu giáo trong khu, mới thấy không trường nào tốt bằng trường Cơm đang học, cả về cơ sở vật chất, chương trình hoạt động, lẫn nhân tố con người.
Cô giáo của Cơm thực sự là một người hiếm có khó tìm. Cô vô cùng sáng tạo và chịu khó thiết kế các hoạt động cho các bọn nhỏ. Hồi còn đi học ở trường đầu tiên, mấy buổi đầu Cơm còn khóc nhiều, nên bố mẹ ở lại cùng, thì thấy hoạt động “sinh hoạt vòng tròn” chỉ là cô cầm mấy thẻ hình động vật giơ lên, bọn trẻ chỉ và nói là con gì, rồi cô cho hát mấy bài quen thuộc. Ở trường bây giờ, đúng nghĩa “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tháng trước, chủ đề là an toàn, cô treo những miếng bìa cứng hình ngọn lửa lên trần nhà, rủ xuống vừa tầm tay để bọn trẻ lấy “vòi nước” bằng bìa đập vào dập lửa. Cô bật tiếng chuông báo cháy trên điện thoại, rồi cho cả lớp tập bò ra dọc hành lang và xếp hàng để thoát ra ngoài trong chưa đầy hai phút. Cuối tháng, trường cho thực tập thoát hiểm bằng cách bật chuông báo cháy thật. Cô kể là Cơm rất bình tĩnh, xếp hàng theo đúng hướng dẫn và thoát ra ngoài. Cơm về thì kể cho bố mẹ là có một bạn trong lớp nghe chuông thật kêu to quá nên sợ khóc ầm lên, cô phải vừa bế bạn ý vừa dắt các bạn khác để chạy ra.
Cô rất để ý quan sát, và mỗi ngày đều viết cho bố mẹ kể về những hoạt động chung của cả lớp, còn gửi riêng cho từng bố mẹ một vài “khoảnh khắc đặc biệt trong ngày” về con mình. Có hôm mình bày tỏ rằng hơi lo lắng vì Cơm có vẻ hiền quá, chơi với bạn hay bị bạn giành đồ chơi mà không biết phản ứng thế nào, và bố mẹ đang dạy Cơm nói “stop” khi người khác có hành động mà con không thích. Thế là suốt vài tuần sau đó, cô cũng khuyến khích Cơm nói “stop” khi có bạn ở lớp giật đồ của con, và kể lại cho bố mẹ mỗi khi cô nhận thấy Cơm có biểu hiện kiên quyết và cứng rắn hơn, như giữ chặt ghế không cho bạn giành, hay nói “stop” thật to khi bạn định giật đồ chơi của mình.
Hôm thì cô kể lại một “sự cố”, Cơm đang ăn trưa thì lấy tay áo chùi miệng, xong ngay lập tức nhận ra áo trắng đã bị ố đỏ, thế là “lén lút” chùi vào vết ố. Cô đưa cho Cơm một cái giấy ướt để lau, và an ủi là “không sao, mẹ con sẽ giặt sạch cho”. Những dòng chia sẻ của cô, mình copy lại và lưu ra một file word, từng ngày từng ngày như một quyển nhật ký thật đáng yêu. Cơm đi học về, mình có thể nói chuyện với con về ngày của con cứ như hai mẹ con chưa hề xa cách cả bảy tiếng đồng hồ, và mình cũng có thể cung cấp cho Cơm vốn từ tiếng Việt về những việc Cơm làm tại lớp.
Cô của Cơm tốt nghiệp ngành sử, và bây giờ đang học thêm bằng mầm non. Cô ôm Cơm và hát khe khẽ khi con khóc vì bị ngã hay lúc buồn quá nước mắt trào ra vì phải tạm biệt bố. Cô vỡ òa trong niềm tự hào khi Cơm bắt đầu trả lời cô những từ tiếng Anh đầu tiên. Cô viết cho mẹ những lá thư thật dài và chân thành, để trả lời những nỗi lo lắng và trăn trở của mình, dù đi làm về cô còn phải đi học, và có lẽ những lá thư đó được soạn bằng điện thoại trên những chuyến xe buýt từ trường mẫu giáo đến trường cao đẳng của cô.
Có con rồi, mình thấy biết ơn người chăm sóc con và yêu thương con khôn xiết. Làm sao không biết ơn cho được, khi có lần cô kể, Cơm đi ị ở lớp, cô hỏi “con ị xong chưa?” thì gật đầu, cô cho xuống khỏi bồn cầu để cô xử lý các bạn khác, lúc quay lại thì ôi thôi, chất lỏng và chất rắn bê bết từ mông xuống dưới đất. Cô phải lột hết ra, cho vào bồn rửa cho toàn thân, và buộc chặt bộ quần áo “nhiễm bẩn” vào hai lần túi. Chiều bố đến đón Cơm, cô còn cười bảo “hôm nay có một món quà cho bố mẹ” trước khi đưa cái túi cho bố. Mình vừa nín thở mở cái túi cô gửi về, vừa tự hỏi, không biết phải có những phẩm chất như thế nào thì người ta mới có thể làm việc này cho một đứa trẻ không phải là con mình?
Có lần viết thư cho cô, mình nói rằng “Không biết cô có từng khi nào nghĩ đến chuyện thay đổi thế giới không. Nếu có, thì thực sự cô đang làm điều đó đấy. Cô đang đặt nền móng rất vững chắc cho những con người tí hon này, và điều đó thực sự làm thế giới này tốt đẹp hơn”.
Hơi sến súa, nhưng thực sự là cảm xúc từ đáy lòng của một người mẹ.
Giao says
Thật là tương phản với VN. Trong làng em, ngày nhà giáo VN, bố mẹ có con mầm non phải lo lắng “đi tết cô”. Ngày xưa còn tặng hoa, tặng dầu tắm, giờ hầu như chỉ tặng “hoa đồng tiền” thôi. Tệ lắm cũng 200k. Em hỏi một chị hàng xóm: “Mình không tặng tiền thì có sao không?” Chị ấy bảo: “Thì chẳng ai làm gì mình. Nhưng thấy mẹ nào cũng tặng, mình phải tặng thôi. Không thì con mình không được cô giáo quan tâm.”