Bài viết này không phải là mình tự nghĩ ra, mà là tóm tắt những điều mình đọc được trong hai quyển sách “Boys adrift” và “Girls on the edge” của bác sĩ Leonard Sax mà mình đã giới thiệu quyển “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” do nhà sách Thái Hà xuất bản cách đây ít lâu. Hai quyển này chưa được dịch ra tiếng Việt, nếu bố mẹ nào muốn đọc bản tiếng Anh thì mình để link download phía dưới.
Hiện tượng dậy thì sớm, được định nghĩa là các biến đổi cơ thể về mặt sinh dục như phát triển ngực, kinh nguyệt, thay đổi giọng nói, diễn ra trước tám tuổi ở trẻ em gái và chín tuổi ở trẻ em trai. Hiện tượng này diễn ra ngày càng phổ biến, ở khắp mọi nơi trên thế giới, khắp các gia đình thuộc mọi màu da, thành phần xã hội, ăn đủ mọi chế độ dinh dưỡng. Việc này là một sự thật, không có gì phải chối cãi. Nhưng vấn đề là tại sao?
Bác sĩ Leonard Sax bắt đầu bằng việc nhắc đến một sự kiện tưởng như không liên quan gì. Hơn 80% cá vược đực ở một con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho đa số người dân ở bang Washington ở Mỹ bỗng nhiên sản sinh ra trứng trong tinh hoàn. Lần theo dấu vết của những đàn cá, người ta thấy đây không phải là một hiện tượng đơn lẻ, mà diễn ra ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Nguyên nhân là gì?
Chính là nhựa.
Những dòng sông chịu đựng rất nhiều rác thải nhựa, đặc biệt là loại nhựa trong, dẻo làm chai đựng nước. Từ hồi sống ở Canada, mình mới biết có rất nhiều gia đình ở đây mua nước đóng chai hoàn toàn để uống hàng ngày, mỗi lần đi siêu thị vác vài két chai nhựa. Những chai này, khi nóng lên, sẽ xả ra những chất nhựa vào nước. Chi tiết tên hóa học cụ thể của các loại nhựa thì mọi người đọc sách sẽ rõ, nhưng đại ý rằng những chất này khi ngấm vào cơ thể người sẽ hoạt động giống như hóc môn nữ, khiến trẻ em gái dậy thì sớm hơn.
Còn trẻ em trai thì sao? Không những các em dậy thì muộn hơn, mà so với thế hệ ông và cha mình, lượng tinh trùng trung bình cũng kém hơn, lượng hóc môn nam (testorone) thấp hơn, gặp nhiều vấn đề về vô sinh hơn. Một số thí nghiệm trên các loài động vật có vú nhỏ như chuột, cho tiếp xúc với một lượng nhựa cực kì nhỏ (nhỏ hơn lượng nhựa mà thai nhi của một bà mẹ uống nước đóng chai trong khi mang bầu tiếp xúc) cũng làm biến đổi hành vi của các con chuột đực. Chúng thể hiện ít hành vi đặc trưng của con đực hơn (vật nhau với các con đực khác) và nhiều hành vi đặc trưng của chuột cái hơn.
Bác sĩ Leonard Sax cũng nhắc đến những tác nhân thường được cho là gây ra hiện tượng dậy thì sớm. Ví dụ như béo phì. Đúng là những trẻ em thừa cân thường có xu hướng dậy thì sớm hơn những em có cân nặng trung bình. Nhưng đây không phải mối quan hệ nhân quả, tức là không nhất thiết cứ béo phì sẽ kéo theo dậy thì sớm. Sữa bò thường được cho rằng bò nạp quá nhiều hóc môn tăng trưởng để tạo sữa, sẽ gây phản ứng tương tự trong trẻ. Nhưng luận điểm này bị bác bỏ vì lượng hóc môn tăng trưởng khi tính ra thì cực kì nhỏ và không thể gây tác động đáng kể lên người.
Ngược lại, nhựa thì có mặt ở khắp nơi. Trong hai quyển sách mình đề cập ở trên, bác sĩ Leonard Sax liệt kê ra hàng loạt những nguồn nhựa mà trẻ em cũng như người lớn nạp vào hàng ngày. Mặc dù đã có nhiều quy định về độ an toàn của các sản phẩm từ nhựa, nhưng một sự thật là con người vẫn chưa hiểu hết những tác động của loại chất nhân tạo này lên chính hệ sinh học của mình. Bình nhựa cho trẻ uống sữa, núm vú giả trẻ ngậm, chai nhựa đựng nước, hộp nhựa đựng thức ăn, màng bọc thực phẩm, túi nilon, hộp xốp, và các loại nhựa trong kem dưỡng ẩm. Bác sĩ còn viết rằng, việc những em bé bú mẹ thường ít bị dậy thì sớm hơn các em bé bú bình là vì việc bú mẹ giảm tiếp xúc với chai nhựa, đặc biệt là chai nhựa thường xuyên trải qua quá trình đốt nóng để khử trùng và đựng chất lỏng (sữa) được hâm nóng.
Đấy là những điều mình đọc được trong sách. Ở cả hai quyển sách trên, tác giả đều dành khá nhiều giấy mực để trình bày cụ thể, về tên các loại chất nhựa, các thí nghiệm cho động vật tiếp xúc với nhựa, và các gợi ý để giảm chịu tác động từ nhựa trong cuộc sống hàng ngày.
– Dùng đĩa để đậy thay vì màng bọc nilon
– Uống nước đựng trong chai thủy tinh hoặc chai kim loại thay vì chai nhựa
– Không cho các loại hộp nhựa vào lò vi sóng hay máy rửa bát (kể cả trên hộp có kí hiệu rằng có thể sử dụng hộp theo cách này)
– Không đựng thức ăn nóng trong hộp xốp (tốt nhất là không dùng hộp xốp)
– Chú ý đọc thành phần các loại kem dưỡng ẩm hay những chất thẩm thấu vào da để tránh các loại nhựa nguy hiểm
Mình viết bài này vì mình thấy nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về việc con dậy thì sớm. Dĩ nhiên nếu con 10 hay 11 tuổi thì không coi là sớm, nhưng ngày càng nhiều trẻ em có dấu hiệu dậy thì khi mới sáu hoặc bảy tuổi. Trẻ em gái thường ngừng cao khoảng hai năm sau khi có kinh nguyệt, vì vậy dậy thì quá sớm sẽ khiến chiều cao của các em bị ảnh hưởng. Hơn nữa, một khi cơ thể bắt đầu kích hoạt các hóc môn dậy thì, não cũng sẽ đáp lại bằng cách giảm mạnh các kết nối nơ ron. Đấy là bước đệm để chuẩn bị cho khả năng tư duy trừu tượng ở người trưởng thành, nhưng cũng làm giảm khả năng học cái mới. Đây là lý do trẻ trước dậy thì thường học ngôn ngữ mới rất nhanh, và có thể nói như người bản ngữ, còn sau đó thì việc học vừa khó khăn, mà dù có thành thạo đến mấy thì trong giọng vẫn thường lưu lại dấu vết của tiếng mẹ đẻ.
Tuy vậy, phản ứng mình thường thấy ở những bậc phụ huynh này là đổ lỗi cho sữa bò, và ngừng cho con uống sữa. Dĩ nhiên mình không thần tượng sữa bò, nhưng vấn đề là họ thường chưa nhận ra một tác nhân nguy hiểm và bao trùm hơn nhiều, là nhựa. Việc hạn chế sự tiếp xúc với nhựa hầu như không được để ý. Mỗi bạn nhỏ hàng ngày được bố mẹ phát cho một (hoặc một vài) hộp sữa với một chiếc ống hút nhựa để uống, là chuyện bình thường. Những em bé ôm bình sữa bằng nhựa, ngậm núm vú giả bằng nhựa nhiều tiếng đồng hồ, là chuyện bình thường. Những em lớn hơn, thì uống trà sữa, ăn đồ ăn đựng trong hộp xốp, thậm chí nước bún nước phở nóng giẫy đựng trong túi nilon, cũng là chuyện bình thường.
Những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy gần như 100% những người được lấy mẫu đều có nhựa trong máu, từ trẻ sơ sinh đến ông bà già, khắp năm châu bốn bể. Nhựa ngấm vào đại dương, vào từng con cá, con tôm, mọi loài động vật. Chúng ta sản sinh ra nhựa, và giờ nhựa quay lại đầu độc chúng ta.
Chúng ta sẽ phải chịu hậu quả gì để đánh đổi sự tiện lợi của nilon và nhựa, chưa ai hiểu hết được.
Bài báo về cá vược đực sản sinh trứng ở Mỹ https://www.theguardian.com/environment/2010/apr/21/toxic-stew-chemicals-fish-eggsHai quyển sách mình nhắc đếnhttps://www.pdfdrive.com/boys-adrift-the-five-factors-driving-the-growing-epidemic-of-unmotivated-boys-and-underachieving-young-men-e158468059.htmlhttps://www.pdfdrive.com/girls-on-the-edge-the-four-factors-driving-the-new-crisis-for-girls-sexual-identity-the-cyberbubble-obsessions-environmental-toxins-e176194460.html
Leave a Reply