Cách đây chục năm, khi còn là một cô sinh viên quốc tế ở Canada, mình hay thấy cô đơn. Lúc đó, nỗi sợ lớn nhất của mình là bỗng nhiên đi đường bị xe đâm chết, thì sẽ mất bao lâu để bệnh viện báo cho trường, rồi sẽ mất bao lâu để trường báo cho gia đình, bao lâu để người nhà có thể từ Việt Nam sang.
Việc sống ở một nơi không có gia đình, không bạn bè thân thiết, không có những mối quan hệ theo kiểu một cú điện thoại “con em tao đang cần cái này” là giải quyết xong vấn đề, thường khiến mình chông chênh. Đấy cũng là lý do rất lớn khiến mình không hề muốn ở lại Canada, sau 4 năm học đại học, rồi sau 2 năm học thạc sĩ, lần nào mình cũng về ngay không thèm ở lại nhận bằng tốt nghiệp.
Bây giờ, khi là một bà mẹ có con nhỏ ở đất nước này, mình biết một sự cô đơn theo kiểu khác. Không phải cô đơn ở góc độ cá nhân, mà ở góc độ gia đình. Nỗi sợ bị ô tô đâm chết giữa đường vẫn ám ảnh mình, nhưng bây giờ, câu hỏi dằn vặt mình là sẽ mất bao lâu để bệnh viện tìm đến con mình, ai sẽ trông nom con trong khi người nhà ở Việt Nam chưa kịp sang, ai sẽ chăm sóc con nếu mình không còn nữa.
Mình đã làm xong hai việc lớn, cộp dấu chính thức cái mác “người trưởng thành”. Một là làm di chúc, hai là mua bảo hiểm nhân thọ. Cả hai đều được thôi thúc bởi sự bất an và nỗi lo sợ cho con, trách nhiệm lớn nhất của đời mình.
Trước đây, mình cứ nghĩ chỉ những người có tài sản kếch xù, hay những ông bà già lụ khụ, con riêng con chung, mới cần phải làm di chúc. Nhưng có con và nỗi lo thường trực khi sống ở một nơi không họ hàng thân thích khiến mình thường nghĩ đến những viễn cảnh xấu nhất. Nếu có chuyện xảy ra với cả hai vợ chồng, vì không có họ hàng nào khác ở Canada, con mình sẽ tự động thuộc về sự quản lý của nhà nước nếu mình không để lại di chúc. Lúc đó, nếu gia đình ở Việt Nam muốn giành quyền nuôi con, cũng sẽ phải ra tòa, trải qua quá trình pháp lý rất nhiêu khê và tốn kém.
Ngày xưa, những khoảnh khắc nỗi cô đơn làm mình như đóng băng là khi chứng kiến lũ sinh viên bản xứ khấp khởi về nhà nghỉ lễ Giáng sinh, rồi khi hết kì nghỉ, bọn nó sẽ quay trở lại trường với hàng đống đồ ăn hay những thứ lặt vặt khác bố mẹ ních cho đầy vali, có những đứa bố mẹ sẽ lên tận phòng trong kí túc xá, nắn cho cái gối, kéo lại cái chăn, và giằng co với chúng nó để ép con cầm thêm cái này, cái nọ. Mình chỉ đứng ngó, làm người ngoài cuộc trước những biểu hiện yêu thương hết sức bình thường và cũng hết sức đáng thèm khát đấy.
Bây giờ, sự cô đơn cứa sâu khi mình hỏi hết người này đến người khác để viết tên họ trong di chúc của mình, nhờ họ làm người trông nom giúp con mình vài ngày nếu chẳng may cả hai vợ chồng mình đều có chuyện, mà gia đình ở Việt Nam chưa kịp sang. Và họ từ chối. Dĩ nhiên, mình hiểu, đấy là một trách nhiệm, và mối quan hệ giữa mình và họ không đủ thân thiết để họ đảm nhận trách nhiệm đó. Chỉ vài ngày thôi mà, mình cố nằn nì. Cũng giống như mình ngày xưa tủi thân nhìn những đứa sinh viên khác vô tâm trước sự chăm bẵm của bố mẹ, trong bụng hoàn toàn biết, nếu gia đình mình ở đây, mình cũng sẽ hành xử y như chúng nó, thì mình bây giờ tủi thân trước những sự từ chối hết sức hợp lý, và hoàn toàn hiểu về mặt lý trí rằng, nếu có ai khác mới quen biết sơ sơ nhờ mình việc đó, mình cũng sẽ từ chối như vậy.
Ngày xưa, mình cũng rất nỗ lực để kết bạn. Đi ăn cùng bọn ở cùng tầng trong kí túc xá, thì thấy lạc lõng, chẳng tham gia được vào những chủ đề chúng nó nói chuyện. Một vài người có vẻ chơi được, nói chuyện hợp, đang khấp khởi mừng thầm, thì họ lại chuyển đi. Một vài người khác nữa, rất dễ mến, thì lại quá bận rộn.
Bây giờ, mọi thứ hình như lặp lại. Những ông bố bà mẹ có con nhỏ trong khu phố mình gặp ngoài công viên thì y như lũ bạn cùng tầng ngày xưa, những câu xã giao giữa mình và họ không kéo dài quá năm phút. Một vài người có vẻ chơi hợp, thì vì lí do này hay lí do khác, lại trôi xa dần. Những gia đình rất dễ mến, mà nói chuyện hẹn hò với nhau sẽ đi chơi, hứa hẹn sẽ gửi con trông giúp, thì lại quá bận rộn.
Mình đã quen với sự cô đơn của bản thân, đủ quen để mong muốn kết bạn không còn quá cháy bỏng. Nhưng vừa bị thôi thúc bởi sự chơ vơ, vừa bị dày vò bởi nỗi lo lắng cho con gái bé bỏng, mình rất muốn xây dựng một mạng lưới những người có thể cậy nhờ gửi con nếu chẳng may mình có chuyện. Đã tròn một năm kể từ ngày mình đến Montreal sinh sống, và những nỗ lực của mình để kết thân với những gia đình có con nhỏ khác vẫn tiếp tục đổ xuống sông xuống bể.
Những ngày toàn dân ở nhà vì dịch bệnh này, con không đi học mẫu giáo, bố mẹ thay nhau trông. Được ngồi vào bàn làm việc trở thành một thứ xa xỉ. Bố mẹ đùn đẩy nhau việc trông con, và thấy tội lỗi với con ngay khi nói ra những lời đó. Cơm 2 tuổi rưỡi, lúc nào cũng cần bố hoặc mẹ ở bên cạnh, và nếu bố đang chơi cùng mà quay đi hoặc nhìn điện thoại trong một phút là Cơm sẽ ngay lập tức chạy đến chỗ mẹ, leo lên đùi, bám vào chân, nhèo nhẽo nhèo nhẽo. Nhiều lúc mình muốn phát điên, và nghĩ “giá như có ai có thể trông con giúp mình một ngày nhỉ?”, hay chỉ cần vài tiếng thôi cũng mừng.
Không có ai cả.
Hôm nay, một loạt dự án lớn đổ ập lên đầu, mình trình bày với chồng để mong được thông cảm. Chồng mình trông con trong sự dằn dỗi, vì không được ngồi vào máy tính. Mình ngồi ở bàn, cảm thấy vô cùng tội lỗi khi là người “được làm việc”, như thể đang đánh cắp thời gian của chồng và của con. Chồng cho con ra công viên thả diều (vì nếu không thì mẹ không được ngồi yên), mình ở nhà và nghĩ, tại sao chúng mình lại ra nông nỗi này?
Có nhiều người hỏi mình gia đình có con nhỏ khi ra nước ngoài sống thì sẽ gặp khó khăn gì. Câu đó thật khó, vì mỗi nhà mỗi cảnh. Với mình, thì cảm giác mình và chồng là chỗ dựa duy nhất của con, không có ai khác để nương tựa hay nhờ vả, và những ngày như thế này, khi công việc dồn đống, chồng thì đá thúng đụng nia, con thì kêu khóc, bát đĩa thì chất ngất chưa rửa, mà những người thân nhất chỉ là những cái bóng trên màn hình, hoàn toàn không thể đi đâu để tìm sự trợ giúp, đó là một trong những điều khó khăn nhất.
Leave a Reply