Hôm qua là một ngày có nhiều mốc đặc biệt của Cơm.
Lần đầu tiên Cơm nhảy được hai chân từ trên cao xuống thấp. Bao lâu nay mỗi khi nhảy từ một mặt phẳng cao hơn xuống thấp, bạn ý toàn nhảy chân trước chân sau. Sau một thời gian hát và nhảy giống thỏ theo bài “Sleeping bunnies” trên sàn nhà, hôm qua Cơm mới vượt qua bản thân để nhảy cả hai chân một lúc. Đây là một bước tiến về khả năng vận động.
Lần đầu tiên Cơm đi ị vào bồn cầu như người lớn. Chuyến đi ị trọng đại này kéo dài đến hơn một tiếng. Mẹ ngồi bên cạnh hát, kể chuyện, vuốt tóc, xoa lưng. Sau mẹ mệt và khô cổ quá, bố vào thay ca. Một lúc mẹ lại vào tiếp sữa hạt tận nơi cho nhân vật chính. Đây là một dấu mốc về khả năng kiểm soát cơ thể.
Nhưng sự kiện đặc biệt nhất của ngày hôm qua, là Cơm đã khóc một trận như mưa như gió, hoàn toàn vì cảm xúc. Lúc nhỏ thì khóc vì những nhu cầu sinh học. Lúc khoảng một tuổi hơn thỉnh thoảng khóc khi đòi thứ gì đó mà không được, khóc để truyền tải mong muốn của mình. Nhưng hôm qua là lần đầu tiên Cơm khóc không phải vì đói, vì đau, vì một sự khó chịu thể chất nào đó, mà vì một nguồn năng lượng từ bên trong, có tên là cảm xúc. Có lẽ con cũng rất bối rối và choáng ngợp.
Chuyện là thế này.
Sáng, bố đi sửa xe, mẹ dắt Cơm ra công viên chơi. Đang vui chơi bình thường, nhảy nhót tung tăng, thì con bị vấp ngã. Mẹ chạy ra bế lên, hỏi có đau không, bạn ý lắc đầu, tay ôm chỗ đầu gối sát xuống mặt sỏi. Chỉ là một cú vấp chân nhẹ, mẹ nghĩ không có gì nghiêm trọng, nhưng một lúc sau phát hiện ra quần bị rách.
Hai mẹ con ngồi ôm nhau ở ghế đá một lúc, mẹ hỏi Cơm có đau không. Cơm lắc đầu. Mẹ hỏi “Có phải con buồn vì con bị ngã không?” thì bạn ý gật. Mẹ bắt đầu kể chuyện về những lần bố và mẹ bị ngã, còn cho Cơm xem vết sẹo trên trán của mẹ. Một lúc, Cơm vẫn nhất quyết đòi mẹ bế, không chịu đi bộ. Mặt con có vẻ khá hoang mang.
Mẹ nghĩ không thể nào vừa dắt xe thăng bằng vừa bế Cơm từ công viên về được, nên gọi điện cho bố cầu cứu. May quá, bố đã sửa xe về đến nhà, nghe giọng con gái yêu triệu hồi “Bố ơi, bố ra công viên bế con về”, liền lập tức khởi hành, mấy phút sau đã có mặt. Thế là bố bế, mẹ dắt xe, cả nhà về. Lúc này Cơm vẫn chưa khóc.
Có lẽ khi về đến nhà rồi, trở lại nơi quen thuộc và an toàn rồi, Cơm mới có thể để những cảm giác tủi thân, lạ lẫm, hoang mang, xấu hổ, buồn bực, hay một đống hổ lốn những xúc cảm khác ào ạt trồi lên mà chắc cả con lẫn bố mẹ đều không thể gọi hết thành tên. Một câu hỏi hay một hành động gì đó từ bố mẹ, thế là Cơm khóc òa, nức nở, thổn thức, cả người tựa lên vai mẹ.
Cơm khóc rất lâu, có lẽ là trận khóc lâu nhất từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ. Mẹ cứ ngồi yên ôm con thật chặt, để cho con khóc và từ từ thẩm thấu những điều con đang cảm nhận. Một lúc, thì mẹ xoa lưng con, và bắt đầu hát khe khẽ. Nào là con thằn lằn, con chuồn chuồn, con gà trống, con heo đất, chú ếch con, con cá vàng, chim vành khuyên, chị ong nâu, hết bài này đến bài khác. Thỉnh thoảng, Cơm dừng khóc để yêu cầu mẹ hát một bài nào đó Cơm muốn nghe, rồi lại khóc tiếp. Bố tìm lại video quay Cơm bị ngã xước hai đầu gối cách đây một năm để cho Cơm xem, lúc đó Cơm được một tuổi rưỡi, tay chỉ vào hai vết đỏ trên đầu gối của mình như chỉ vào một hình vẽ trên quần, chứ không đầy rung cảm và chới với như Cơm lúc này, hai tuổi rưỡi.
Có những lúc mẹ ngừng hát, hai mẹ con ngồi im trên chiếc ghế sofa, trong ánh nắng đầu hè tràn ngập căn phòng. Lúc đó, cảm giác như nhịp thở của hai mẹ con hòa làm một. Mẹ biết đây là những khoảnh khắc trọng đại, vì thế mẹ không dám vớ lấy chiếc điện thoại, làm bất cứ việc gì khác để “giết thời gian”, hay thậm chí để tâm trí mình xao lãng.
Mẹ biết, có thể Cơm sẽ không nhớ sự kiện này khi con lớn lên, nhưng ấn tượng về nó, về lần đầu tiên con khóc hoàn toàn vì một thứ năng lượng bên trong mình, không phải vì thế giới bên ngoài mình, sẽ để lại những hằn vết rất sâu.
Và cả việc khi con khóc, và cảm thấy mình hoang mang không biết mình đang khóc vì sao, thì mẹ sẽ luôn ôm con, và để con khóc trên vai mẹ. Không gặng hỏi, không nài ép, không áp đặt, không khuyên nhủ. Và bố sẽ luôn là người con có thể gọi, cho dù với lý do gì. Bố sẽ luôn đưa con về nơi an toàn. Lúc con hai tuổi rưỡi, bố bế con một quãng ngắn tẹo. Khi con lớn hơn, có thể bố sẽ cần vượt qua quãng đường xa xôi và khó khăn hơn để đến được với con, có thể bố sẽ lái xe chở con, hoặc cưỡi máy bay phi đến, thay vì đặt con trên tay mình, chẳng quan trọng. Chỉ cần con gọi.
Mẹ nhìn đồng hồ treo tường. Phải gần một tiếng sau kể từ khi về nhà, sau hàng chục bài hát, hai quyển sách khá dài và một chầu tu ti, Cơm mới đủ bình tâm trở lại để đi ăn trưa. Bất giác, mẹ thấy mừng vì hôm nay không có việc nào đang chờ mẹ xử lý, để mẹ có thể thanh thản mà ở bên con trọn vẹn những giây phút mong manh như thế này.
Cái hành trình chứng kiến một con người lớn lên và một tâm hồn thức dậy ấy, quả là kì diệu làm sao.
Leave a Reply