• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Không phải Chuyện / Nuôi dạy con / “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)

“Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)

29/04/2020 by Chuyện Leave a Comment


Cho đến tận gần đây, Cơm là một em bé ăn tất cả mọi thứ. Mình khá là có ý thức trong chuyện cố gắng cho con tiếp xúc với đủ loại đồ ăn, hương vị và độ cứng mềm đa dạng. Vừa qua một tuổi, Cơm đã cùng bố mẹ vi vu Hà Nội – Sài Gòn – Mũi Né trong hai tuần với hành trang vỏn vẹn là chiếc kéo để cắt thức ăn.

Thế nên, khi em bé vốn quen ăn đường ăn chợ của mình bỗng nhiên lấy ngón tay nhặt những cọng hành ra khỏi bát bún, và lắc đầu nguây nguẩy: “Cơm không ăn thịt gà đâu, ăn cơm trắng tinh thôi”, mình đã nghĩ “chắc hẳn phải có vấn đề chi đây”.

Việc thay đổi thái độ này đến khá đột ngột, nhưng mình cũng đã nghe nhiều câu chuyện tương tự, về những bạn nhỏ lúc dưới hai tuổi thì ăn uống rất hào hứng, nhưng qua hai tuổi lên gần ba tuổi thì đột nhiên kén chọn, đỏng đảnh, không ăn cái này, không ăn cái kia.

Thời kì này rất dễ phá hỏng mọi cố gắng từ trước đến nay trong công cuộc xây dựng thái độ và thói quen ăn uống lành mạnh cho con. Vì trẻ không chịu ăn, nhiều ông bà bố mẹ sợ con đói, xót con sụt cân, sẽ tìm mọi cách để con ăn nhiều hơn. Các nhóm mẹ bỉm sữa ngập tràn những câu hỏi như “con em không chịu ăn cơm, chỉ ăn thức ăn”, “con em chỉ ăn cơm trắng, không chịu ăn rau”, “con em chỉ ăn rau, không đụng vào thịt”. Rồi các mẹ hỏi nhau cho con uống thuốc gì, dùng thực phẩm chức năng gì để ăn ngon miệng, uống sữa gì cho mát, cho dễ tăng cân.

Truyền thống hơn, thì có những cách như bật TV cho trẻ vừa xem vừa ăn, dọa nạt (“không ăn thì gọi chú công an đến bắt”), hay dỗ ngon ngọt (“ăn hết bát này đi rồi bà cho ăn kẹo”). Chưa kể việc dựa vào sữa, với mong muốn uống sữa sẽ bù đắp dinh dưỡng cho phần thức ăn không được nạp vào cơ thể, khiến trẻ chỉ muốn uống, không muốn ăn, dần dà mất hết mọi hứng thú với việc thử những món ăn mới, và cũng không thèm ăn những món quen thuộc.

Ở phần này, mình sẽ phân tích nguyên nhân của việc đột nhiên kén chọn đồ ăn vào tầm hai tuổi rưỡi trở đi. Ở phần sau, mình sẽ chia sẻ những việc mình đã làm để tiếp tục nuôi dưỡng thói quen ăn uống tốt cho con.

1. Không phải bắt chước người khác

Điều đầu tiên mình nghĩ đến để lý giải cho việc không ăn hành, không ăn rau, không ăn thịt của con là hành vi này được học từ người khác (learned behaviour). Vì Cơm cũng đã đi học mẫu giáo được nửa năm, nên mình thắc mắc không biết có phải vì nhìn các bạn ở lớp không chịu ăn một loại thực phẩm nào đó khiến con bắt chước không.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình loại bỏ khả năng này. Thứ nhất, vì ở độ tuổi của Cơm, mức độ ảnh hưởng của bạn bè còn khá hạn chế. Bố mẹ và gia đình vẫn là trung tâm thế giới của Cơm. Trẻ dưới ba tuổi thực sự chưa biết giao tiếp nhiều và chơi với nhau, mà chỉ chơi cạnh nhau. Hơn nữa, ở lớp cô giáo Cơm thỉnh thoảng nhận xét con ăn tốt, có hôm còn nói con ăn nhiều nhất lớp (trộm vía, lớp cháu có khoảng sáu, bảy bạn).

Có một khía cạnh may mắn của việc nuôi con xa nhà của mình là con không phải chịu ảnh hưởng không mong muốn từ hàng xóm, họ hàng, hay TV. Mình và chồng thì luôn cẩn thận để không bao giờ chê bai hay tỏ thái độ khó chịu với đồ ăn trước mặt con. Đặc biệt là bọn mình không bao giờ mặc định rằng “trẻ con thì ăn bát không hành”. Cơm luôn được ăn mọi thứ giống hệt bố mẹ. Bát bún của bố mẹ có cà chua, hành lá, rau thơm, thì bát của Cơm cũng y như vậy.

2. Không phải thực sự ghét hương vị của món ăn

Một giả thiết thứ hai mình nghĩ đến là con thực sự không chịu được hoặc ghét hương vị của một số món ăn. Ví dụ như mình không ăn được sầu riêng, và bố Cơm thì không ăn được các loại quả chua. Nếu cơ thể con không chấp nhận một loại thực phẩm nào đó, thì mình sẽ không bao giờ ép.

Nhưng điều này không đúng trong trường hợp của Cơm, vì những món bây giờ Cơm không chịu ăn trước đây Cơm vẫn ăn bình thường. Hơn nữa, khi không biết là có món đó (ví dụ như không nhìn thấy cọng hành trong thìa bún), con vẫn ăn vui vẻ. Như vậy, mình biết không phải con có vấn đề với hương vị hay bị dị ứng với một số loại đồ ăn cụ thể.

Mình viết hai khả năng này ra để các bố mẹ nếu gặp phải chuyện con chán ăn, kén chọn đồ ăn, thì trước hết hãy nghĩ đến hai điều này đầu tiên. Nếu trong gia đình có người luôn chê bai các món ăn, ăn uống với thái độ không tích cực, hay nếu bạn bè cùng lớp hoặc bạn hàng xóm của con thể hiện rằng mình không thích ăn một món gì đó, rất có thể hành động của con bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, có những trẻ nhạy cảm hơn, dễ bị dị ứng hơn, hoặc khó chấp nhận những hương vị mới hơn. Nên hiểu để tôn trọng sự khác biệt của trẻ trước khi cố gắng thay đổi hoặc ép trẻ theo ý mình.

Mình rút ra hai nguyên nhân thực sự để giải thích cho sự thay đổi của Cơm trong thói quen ăn uống, mà nếu ngẫm ra, cũng rất phù hợp với sự phát triển về nhận thức và cảm xúc của con.

3. Mong muốn phân loại mọi thứ

Từ khoảng hai tuổi trở đi, khi vốn từ vựng tăng vọt, thì trẻ cũng mong muốn phân loại mọi thứ xung quanh mình vào các nhóm chứ không phải suy nghĩ về từng thứ như một cá thể riêng rẽ.

Một ví dụ của việc này là khả năng nhận biết màu sắc và hình khối trong mọi vật xung quanh. Điều này tưởng đơn giản, nhưng để làm được như thế, trẻ phải biết nhận diện một cái cụ thể, phân nó vào một nhóm trừu tượng, và nhận ra rằng có rất nhiều cái cụ thể đều thuộc vào một nhóm giống nhau.

Cụ thể, trong trường hợp Cơm nhà mình, sau khi được bố dạy hình tam giác, hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, thì bắt đầu nhận thấy các hình khối này ở mọi nơi. Đĩa hình tròn, cửa sổ hình vuông, logo cửa hiệu hình tam giác.

Khả năng phân loại mọi sự vật, sự việc xung quanh bằng hình khối, màu sắc hay từ ngữ là một bước tiến vượt bậc trong nhận thức của trẻ. Việc này giúp quá trình xử lý suy nghĩ nhanh hơn rất nhiều. Thay vì phải xử lý từng cá nhân đơn lẻ, mỗi khi gặp một vật hay việc gì mới, con sẽ cố gắng để xếp nó vào một nhóm mình đã biết, từ đó suy ra nó là cái gì, và mình nên xử lý như thế nào.

Việc cứng nhắc trong phân loại còn thể hiện ở những biểu hiện về giới. Khi trẻ nhận thức được do quan sát những người xung quanh hay ảnh hưởng từ phim ảnh, video trên Youtube rằng, con gái thường mặc váy hồng, con trai thường mặc quần xanh chẳng hạn, trẻ có thể sẽ rất quyết liệt đòi làm đúng theo sự phân chia đó, không cho phép bất kỳ sự linh hoạt nào. Có lần Cơm đi thư viện, thấy một bà mẹ khá cao to, tóc ngắn, vai rộng và vạm vỡ, đang cho em bé bú. Cơm bảo “Em bé bú ti bố” (may quá, nói tiếng Việt người ta không hiểu, mẹ đỡ phải chữa ngượng). Mình bảo con “Em bé bú ti mẹ đấy con ạ”, nhưng Cơm nhất định không nghe. Trong trường hợp này, Cơm xếp một số đặc điểm nhận dạng bên ngoài (tóc ngắn, vai rộng) mà con thường thấy ở người xung quanh vào nhóm “bố”, mà không hiểu rằng chỉ có mẹ mới cho bú ti được.

Điều này có liên quan đến thái độ kén ăn như thế nào? Một cọng hành xanh nổi bật giữa bát bún trắng phau là một cá thể lạc lõng trong một nhóm gần như hoàn hảo. Mong muốn gỡ bỏ cọng hành đó là mong muốn có một bát bún trắng tinh, không tì vết, một nhóm thuần túy không lẫn lộn.

4. Mong muốn khẳng định sự độc lập

Từ khoảng hai tuổi, cái tôi cá nhân của trẻ cũng bắt đầu hình thành và rõ nét hơn. Trong năm đầu đời, trẻ dần nhận thức ranh giới vật lý của cơ thể mình, đâu là tay mình, đâu là chân mình, đâu là người khác. Nhưng đến khoảng hai tuổi, thì cái tôi về mặt nhận thức và cảm xúc mới phát triển mạnh mẽ, nhiều khi mạnh mẽ đến nỗi chính trẻ cũng cảm thấy bối rối và choáng ngợp.

Một mặt như vậy, nhưng mặt khác trẻ lại có rất ít quyền tự chủ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Lúc nào đi ngủ, đi tắm, một ngày làm những việc gì, đến bữa được ăn gì, trẻ không hề được tham gia quyết định. Một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà trẻ có thể khẳng định sự tự chủ của mình, chính là việc ăn uống.Không ăn những món bố mẹ dọn ra, rất có thể là một cách để đi ngược lại mong muốn của bố mẹ, và đi ngược lại chỉ để khẳng định rằng trẻ “có thể”, rằng trẻ có quyền tự quyết hành động mình mong muốn.

Cơm dạo này rất thích phản đối bố mẹ. Từ yêu thích mới của Cơm là “không phải”, rồi sau đó sẽ dùng các lý lẽ của mình để phản bác những điều bố mẹ nói.

**************

Cơm: hắt xì hơi

Bố: Cơm muối

Cơm: Không phải Cơm muối, mà là Cơm Huyền Vy

**************

Bố: Con là em bé Cơm xinh tươi của bố mẹ!

Cơm: Không phải xinh tươi đâu, mà là…

Bố: Không phải xinh tươi à? Thế là xinh gì?

Cơm: Xinh vui

Mẹ: Ô, con là Cơm xinh vui à? Thế cũng được.

Cơm: À không, con là Cơm xinh xắn.

*************

Nhu cầu này thực sự phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ, và cũng là một nhu cầu vô cùng lành mạnh. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người nghĩ, con cái không nghe lời bố mẹ là “hư”, là “bướng”, thậm chí là “hỗn láo”, cần phải được uốn nắn. Nhưng cách diễn giải đó không phù hợp với giai đoạn từ hai đến bốn tuổi, khi mà một cái tôi rất mong manh và yếu ớt đang dần được hình thành, và vô cùng được nâng niu.

Ở phần tiếp theo, mình sẽ viết về những thói quen mình cố gắng thực hiện và duy trì, tuy không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ít nhất cũng khiến mình đỡ mất phương hướng trên hành trình nuôi con này.

(Còn tiếp)




Related Posts:

  • Chuyện của phố - Cafe dạo
  • Sự kết nối
  • Cuộc gặp gỡ kì lạ
  • Cuộc chiến của đồng tiền xung quanh sữa bột và sữa mẹ
  • Cơm ra ngõ chơi
  • 10 việc cần làm trước khi có bầu

Filed Under: Nuôi dạy con Tagged With: chia sẻ kinh nghiệm, Cơm, con gái tôi, món ăn, nuôi con, nuôi dạy con, trẻ kén ăn

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter