• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Không phải Chuyện / Nuôi dạy con / Review sách – Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ

Review sách – Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ

29/03/2020 by Chuyện Leave a Comment


Mình mới đọc xong quyển sách này (The Collapse of Parenting), hay tuyệt cú mèo, đang nghĩ không biết đã có ai dịch ra tiếng Việt chưa thì phát hiện ra sách vừa được Thái Hà books xuất bản cuối năm ngoái.

Tác giả Leonard Sax là một bác sĩ nhi có bằng tiến sĩ về tâm lý. Mình đã đọc một quyển trước của bác này, Why Gender Matters, và quyển nào cũng vô cùng cuốn hút, cầm lên là không muốn bỏ xuống.Sách viết về xã hội Mỹ đương đại, xoay quanh các luận điểm của tác giả về việc cha mẹ ở Mỹ ngày càng buông lỏng con cái, cho con quá nhiều quyền quyết định và không dám thiết lập kỉ luật với con. Hậu quả của việc này, theo những dẫn chứng rất thuyết phục từ nhiều nghiên cứu mà tác giả trình bày, là trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ gặp hàng loạt vấn đề như béo phì, yếu ớt về thể chất, có thái độ hỗn láo xấc xược trong trường học, và cả xã hội dựa quá nhiều vào thuốc để giải quyết những vấn đề về những hành vi không tốt của trẻ.

Mặc dù sách viết về Mỹ, nhưng mình thấy phần lớn những điều tác giả nêu ra đều có ích với phụ huynh ở khắp mọi nơi. Tuy văn hóa đại chúng của xã hội Việt Nam hiện đại không đến nỗi quá chú trọng vào sự hưởng thụ, vào vật chất và “thích thì nhích” như văn hóa Mỹ, và việc lạm dụng các loại thuốc thần kinh chưa ở mức độ như Mỹ, nhưng chúng ta cũng có rất nhiều vấn đề tương tự. Thúc ép con trẻ phải đạt thành tích bằng mọi giá. Những gia đình bận rộn đến mức không có thời gian để ngồi ăn tối cùng nhau. Bố mẹ trút trách nhiệm dạy con cho nhà trường, những dịch vụ dạy thêm, và tưởng như thế là mình đã làm tốt. Những đứa trẻ stress và thiếu ngủ, buông xuôi theo những mong muốn thiếu sự dẫn dắt của người lớn.

Rải rác khắp trong sách là những câu chuyện có thật, về những đứa trẻ mà tác giả đã gặp gỡ trong mấy thập niên hành nghề bác sĩ của mình. Sau phần một nêu ra vấn đề, phần hai là cách giải pháp. Những giải pháp cũng rất đơn giản. Hãy dành thời gian cùng con. Hãy thực sự vui khi ở cạnh con. Bắt con làm việc nhà. Dạy con sự khiêm tốn, rằng thế giới này không xoay quanh con. Đừng sợ mình quá nghiêm khắc. Để tạo nên một nhân cách tốt khó hơn nhiều việc buông xuôi và chiều theo những ý thức nhất thời.

Tác giả viết rất mạch lạc, chương sau đẩy cao hơn chương trước. Mục đích của việc đi học là gì? Không phải để sau này kiếm một việc làm tốt, mà để chuẩn bị cho cuộc sống. Thế mục đích của việc sống là gì? Có một người để yêu, một công việc ý nghĩa, và một điều tốt đẹp để theo đuổi. Mình cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều khi đọc xong quyển sách này, giống như sau một cuộc trò chuyện dài với một người vô cùng uyên bác và sâu sắc. Trường học, theo cách vận hành hiện nay, chỉ khiến trẻ con ngại thử thách, ngại cái mới. Vậy nên việc của bố mẹ phải vượt trên cả những gì trường học làm cho con, là nuôi dưỡng nhân cách của con, không phải để con thành người tài giỏi nhất, xuất sắc nhất, mà để con tìm thấy niềm vui trong những việc con làm. Yếu tố nào dự đoán tốt nhất một đứa trẻ khi trưởng thành sẽ là người khỏe mạnh, vui vẻ, hài lòng với cuộc sống của mình và không nghiện ngập, không bị nợ nần chồng chất? Không phải chỉ số thông minh IQ. Không phải điểm trung bình trên lớp. Không phải kết quả những bài kiểm tra. Mà là khả năng tự kiểm soát (self-control).

Khả năng tự kiểm soát là một đức tính cần rèn luyện trong suốt quá trình lớn lên, và chỉ có bố mẹ, cùng rất nhiều kiên nhẫn, kỉ luật và yêu thương, mới giúp con rèn luyện được đức tính này.Tóm lại, đây là một quyển sách tuyệt hay. Mình không đọc bản dịch tiếng Việt, lướt qua phần trích thấy có vài chỗ chuyển ngữ cũng hơi trúc trắc, nhưng nhiệt liệt khuyến khích mọi người tìm đọc.Bản tiếng Anh của quyển này và 2 quyển khác cùng tác giả https://www.pdfdrive.com/the-collapse-of-parenting-how-we-hurt-our-kids-when-we-treat-them-like-grown-ups-e200653832.htmlhttps://www.pdfdrive.com/boys-adrift-the-five-factors-driving-the-growing-epidemic-of-unmotivated-boys-and-underachieving-young-men-e158468059.htmlhttps://www.pdfdrive.com/girls-on-the-edge-the-four-factors-driving-the-new-crisis-for-girls-sexual-identity-the-cyberbubble-obsessions-environmental-toxins-e176194460.html




Related Posts:

  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Nơi thời gian ngừng lại
  • Tháng 12
  • Cơm bốn tháng tuổi
  • Bạn biết mình là mẹ của một em bé khi...
  • Cách đặt câu hỏi cho người lạ

Filed Under: Nuôi dạy con Tagged With: đọc sách, làm mẹ, nuôi con, nuôi dạy con, review sách, sách

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter