Giới thiệu với mọi người thêm một quyển sách nuôi dạy con nữa mà mình rất tâm đắc, và cũng đã được dịch ra tiếng Việt.
Einstein never used flash cards.
Quyển sách này tổng hợp các kết quả nghiên cứu về trẻ nhỏ trong mấy chục năm qua, và trình bày theo cách rất dễ hiểu. Sách nói về những điều các nhà khoa học thực sự hiểu về trẻ nhỏ, cách trẻ lớn lên và khám phá thế giới, chứ không phải những thứ các công ty bán hàng nhồi nhét vào đầu các bậc phụ huynh nhằm móc tiền trong túi của họ.Thẻ học từ ư? Khóa học để con thông minh từ trong bụng mẹ ư? Nghe nhạc giao hưởng sẽ giúp não phát triển hơn ư? Đồ chơi thông minh giúp trẻ học giỏi toán ư? Ứng dụng điện thoại để trẻ học ngoại ngữ ư?
Tất cả đều là những lời quảng cáo hay, mà không có cơ sở khoa học. Thậm chí còn làm thui chột và bẻ gãy tiềm năng của trẻ.Trong một status trước hỏi về việc hoang mang, rất nhiều người chia sẻ với mình rằng, họ hoang mang vì cảm thấy mình đứng trước quá nhiều lựa chọn, quá nhiều luồng thông tin, và hoang mang vì cảm thấy trách nhiệm của mình về con thật quá lớn, nếu chọn sai thì sao, nếu mình không làm đúng thì sao? Quyển sách này sẽ góp phần trả lời cho những hoang mang đó.
Đây là một trích đoạn trong sách:”..Nhiều phụ huynh tin rằng chỉ có họ mới chịu trách nhiệm với sựphát triển của con cái về mặt trí tuệ, kỹ năng thể thao, thành tíchnghệ thuật, phát triển cảm xúc, kỹ năng giao tiếp xã hội. Nhưngsự thật thì trẻ con chỉ “đi ngang” cuộc đời chúng ta mà thôi! Từ khi chào đời, trẻ đã là những cá thể độc lập, duy nhất và cần đượcnuôi dưỡng, cần được sống hạnh phúc. Bố mẹ không có quyền hạn tối cao với cuộc đời trẻ…”
Cảm giác rằng mình (tức bố mẹ) chịu trách nhiệm hoàn toàn về con, rằng một hành động của mình, hay một câu nói của mình, hay sự lơ là của mình, sẽ gây hại cho con vĩnh viễn, chính là một cảm giác chung mà các ông bố bà mẹ hiện đại cùng chịu, bắt nguồn rất nhiều từ các công ty đánh vào thị trường béo bở là trẻ nhỏ. Rất nhiều người sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để mua cho con những thứ tốt nhất. Vì sao? Vì họ có một cảm giác mơ hồ giục giã rằng, hãy mua đi, mua thêm nhiều nữa, vì mua món đồ này chính là việc tốt nhất bạn có thể làm cho con mình.Không, các kết quả nghiên cứu không bảo thế. Việc tốt nhất bạn có thể làm cho con là dành thật nhiều thời gian với con, chơi với con, và để con chơi mà hoàn toàn không kì vọng là con sẽ “chơi mà học”. Không có học hành gì ở đây cả.
Việc tốt thứ hai bạn có thể làm, theo mình, là đọc thật nhiều, để là một người cha người mẹ có kiến thức, để khỏi bị nghiêng ngả trước những ảnh hưởng của những thế lực mạnh hơn chúng ta trong thế giới này. Những tập đoàn toàn cầu, những sức ép xã hội, những sự so sánh tưởng như vô hại của các bậc phụ huynh khác. Đọc để biết là cho con ít đồ chơi thật ra lại tốt hơn quá nhiều, và tốn tiền cho con đi học những lớp kĩ năng diễn thuyết thật ra không có ích bằng cùng con chơi ở nhà với một vài chú gấu bông.
Tựa sách tiếng Việt là “Để con bạn giỏi như Einstein”, một minh chứng của những điều mình nói ở trên, vì đi ngược hoàn toàn với tựa sách gốc tiếng Anh. Ý của các tác giả là mẹ của Einstein không hề ép con học, mà ông ấy vẫn thành thiên tài, nhưng có lẽ nhà xuất bản ở Việt Nam nghĩ rằng nếu viết như thế thì chẳng có bố mẹ nào thèm bỏ tiền ra mua sách, nên họ phải sửa tên sách để thu hút những người muốn con mình giỏi hơn thiên hạ.Và mình cũng tìm được bản PDF tiếng Việt ở đây:https://drive.google.com/file/d/1BpddPxquFiZzeSYEdtT4tJoMevxozEFo/view
Bản tiếng Anh ở đây: https://www.pdfdrive.com/einstein-never-used-flashcards-how-our-children-really-learn-and-why-they-need-to-play-more-and-memorize-less-e200644214.html
Leave a Reply