
Năm qua, có lẽ quyết định quan trọng nhất mình đã đưa ra là tìm một nơi để cắm rễ.
Quyết định về thành phố. Quyết định về một khu dân cư. Quyết định một căn hộ.
Cho đến giờ, thỉnh thoảng mình lại trào lên cảm giác thật là may mắn vì đã chọn đến đây.
Khu Notre Dame de Grace mình đang ở là một trong những khu vực nói tiếng Anh trong thành phố Montreal nói tiếng Pháp, nhưng phần lớn mọi người ở đây đều nói được cả hai, nhất là những người làm trong ngành dịch vụ, cả công lẫn tư.
Cách nhà 5 phút đi bộ là một tổ hợp gồm trạm y tế quận, nơi các em bé được tiêm vắc xin, và một loạt các dịch vụ y tế công cộng khác. Thư viện, nơi có vô số chương trình miễn phí cho mọi lứa tuổi. Nhà văn hóa, nơi người dân có thể đến nghe nhạc, xem xiếc, xem kịch, xem phim, cũng chẳng mất xu nào. Và trung tâm thể thao, gồm cả hai bể bơi, nơi có rất nhiều lớp yoga, Zumba, với giá rất rẻ, mà cũng là nơi đầu tiên ở Canada mình biết cho tất cả người dân vào bơi miễn phí, không nhất thiết phải là người ở khu này.
Mỗi người sẽ có những ưu tiên khác nhau, và những định nghĩa khác nhau về thế nào là một nơi đáng sống. Ở thời điểm này trong đời, khi việc nuôi con là ưu tiên hàng đầu của mình, thì ở trong một cộng đồng có cực kì nhiều hoạt động cho trẻ nhỏ, đối với mình là một niềm vui khôn xiết.
Mở tờ chương trình của thư viện ra, thấy có giờ Kể chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha. Có buổi dành cho trẻ từ 0-24 tháng, rồi lại có buổi dành cho trẻ từ 3-5 tuổi, từ 5-8 tuổi. Câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ viết, câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ ukulele, cho những trẻ lớn hơn. Nếu không có đàn, thư viện sẽ cho mượn, Lại có cả những buổi thi lắp lego, và những buổi thi chơi video game. Chưa hết, chương trình âm nhạc, để khơi gợi niềm yêu thích với loại hình nghệ thuật này, cũng diễn ra định kỳ, dành cho trẻ 0-2 tuổi, rồi lại dành cho trẻ từ 3-5 và 6-9 tuổi. Hoàn toàn miễn phí.
Mở tờ chương trình của nhà văn hóa ra, thấy có kịch cho trẻ từ 2 tuổi, múa đương đại cho trẻ từ 9 tuổi, phim cho trẻ từ 4 tuổi. Đếm sơ sơ, riêng trong tháng 2 tới, nhà văn hóa có đến 14 buổi biểu diễn thuộc đủ lĩnh vực. Có lần, mình thấy có ban nhạc tên là Mekong Rivers hòa tấu đàn bầu Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây như piano và kèn trumpet. Có khi là những nhà thơ hoặc nhạc sĩ của “khối phố”. Ở Hà Nội, những chương trình kiểu như thế này thường do các viện văn hóa và đại sứ quán nước ngoài tổ chức, cũng có rất nhiều buổi miễn phí, nhưng nhiều khi, chỉ vài tiếng sau khi công bố thông tin mình đến xin vé đã hết mất rồi. Ở đây, chỉ cần thong dong đi bộ mấy bước chân, là có cả một thế giới văn hóa ngồn ngộn bày ra, đợi mình khám phá. Mình thấy xúc động biết bao, khi nghĩ đến những con người đằng sau bộ máy này, xoay sở tạo nên những chương trình đa dạng và chất lượng như thế, chỉ để phục vụ người dân của một quận nội thành. Dắt một em bé 2 tuổi đi xem kịch ở nhà văn hóa, để em bé đó lớn lên biết rung cảm với những nốt nhạc, những vần thơ, được diễn ra ngay trước mắt. Đó là điều mình không có được khi lớn lên, mà giờ có thể cho con, lại chẳng mất tiền.
Giữa mùa đông, Cơm hoàn thành một khóa bơi cho bé từ 2-2.5 tuổi ở trung tâm thể thao gần nhà. Lớp bơi của Cơm chủ yếu để giúp các bé thoải mái với nước, nhảy từ cầu trượt bằng xốp, đặt cái phao xốp hình con rùa dưới bụng rồi quẫy chân. Có cả những bộ xếp hình và đủ loại cá nhiều màu bằng xốp để bọn trẻ nghịch ngợm. Mẹ cũng đã hoàn thành một khóa Zumba dưới nước. Tập Zumba dưới bể bơi, là một trải nghiệm rất thú vị. Nước làm cho những động tác nhún chân, quăng tay, uốn mình mà người ta không thể làm được trên cạn trở nên khả thi. Nhưng nước cũng làm mọi thứ chậm lại, uyển chuyển hơn. Tập Zumba thì không dễ chán như bơi, chỉ lặp đi lặp lại một động tác.
Ngay đối diện nhà mình, là một trường dạy nhạc. Mỗi sáng thứ 7, mình đưa Cơm thong thả qua đường để vào lớp gõ trống, rung chuông, nhảy múa với khăn, và tiếp xúc với những khái niệm âm nhạc cơ bản đầu tiên như nốt và tiết tấu. Cũng đối diện nhà, có đến ba trung tâm dạy võ. Taekwondo, karate và Kungfu, đến lúc 4 tuổi Cơm sẽ bắt đầu theo học.
Cách nhà khoảng 10 phút đi bộ, là trung tâm cộng đồng. Ở trung tâm đó cũng có rất nhiều hoạt động cho trẻ, từ sơ sinh cho đến thanh thiếu niên. Khi lớp nhạc kết thúc, Cơm sẽ ra đó học nhảy, cũng là lớp cho trẻ từ 2.5-3 tuổi. Thật ra, ở tuổi này, gọi là học cũng không đúng, mà chỉ là để bọn trẻ có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc, với những chuyển động tự do của cơ thể. Người dạy là một cô nghệ sĩ có kinh nghiệm 25 năm, nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Ngoài lớp nhảy, cô còn thiết kế lớp vẽ, đúng hơn là nghịch màu, để bọn trẻ tự do chơi đùa với màu sắc. Hồi ở Hà Nội, mình cũng tìm được một vài nơi có những hoạt động tương tự như thế. Học phí thường là 500,000 một buổi, và phải đi taxi nửa tiếng mới đến nơi. Ở đây, thì mẹ con chỉ cần dắt nhau đi bộ, và học phí chỉ bằng 1/5 số tiền cho hoạt động tương tự ở Hà Nội, tức là rất rất rẻ so với mức thu nhập ở Canada.
Không những thế, quanh nhà mình còn có rất nhiều quán ăn có chỗ chơi cho trẻ nhỏ. Quán café dành cho những bà mẹ cho con bú. Studio để bọn trẻ vào chơi trong nhà, kèm những workshop về vẽ và nhạc. Công viên thì khỏi phải nói, chỉ đi bộ cũng đến được vài ba công viên khác nhau.
Buổi tối hôm trước dọn vào căn hộ này, thì sáng hôm sau, trong khi bố về nhà cũ để chở nốt đồ, thì hai mẹ con hào hứng dắt nhau đến thư viện. Ở đó có một không gian riêng cho trẻ con, với một ít đồ chơi, và những giá sách vừa tầm tay chạy dọc bốn bức tường, và những cái ghế với cái bàn be bé êm êm. Một tay bế con, mình rụt rè lại gần một chị thủ thư, ấp úng trình bày ý tưởng rằng mình muốn tổ chức một giờ kể chuyện cho trẻ con bằng tiếng Việt. Không ngờ, chị nhiệt liệt ủng hộ. Mình nói không có kinh nghiệm gì, chị bảo chị sẽ làm việc riêng với mình để hướng dẫn. Mình nói không có sách, chị bảo sẽ tìm giúp. Mình nói không chắc có nhiều cha mẹ đưa con đến không, vì người Việt ở khu này không nhiều, mà thường sống khá xa đây, chị nói, không sao, chúng mình cứ thử em nhé.
Chị động viên nên mình cũng vững tâm hơn, dù vẫn rất hồi hộp. Về sau mình mới biết, hóa ra mình đã tiếp cận rất đúng người, vì chị phụ trách lên chương trình cho trẻ con ở thư viện. Và chị quyết định dành cho mình những buổi sáng Chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng, từ tháng 1 đến tháng 5, với một phòng riêng để tổ chức giờ kể chuyện tiếng Việt. Sau nửa tiếng đọc chuyện, nếu muốn làm thủ công thì thư viện sẽ cung cấp các loại nguyên vật liệu, nếu muốn chơi trò chơi theo nhóm thì họ sẽ đưa cho trò chơi. Thư viện có cả một tủ đựng nhạc cụ cho trẻ con. Và gần đây, chị thủ thư còn nói với mình, năm nay bọn chị sẽ có tiền mua sách mới, em chọn đi, thích sách tiếng Việt nào chị sẽ mua cho nhé.
Mình thích mê tơi. Hôm chủ nhật vừa rồi là buổi Kể chuyện đầu tiên mình làm, với sự hỗ trợ của hai bạn khác. Hồi ở Hà Nội mình cũng tổ chức một hoạt động tương tự, kéo dài trong 6 tuần. Hồi đó, mình thu của mỗi gia đình 200,000, rồi bỏ tiền túi ra gần 1 triệu để thuê phòng tổ chức. Đến buổi thứ 3, thì rơi rụng hết cả, có hôm chỉ có một bé đến, có hôm không bé nào, mình chờ đến hết giờ rồi lủi thủi đi về. Nên lần này, mình cũng nghĩ, xa xôi lại mùa đông, đường tuyết trơn trượt, chắc có 2-3 gia đình đến là tốt, còn được 5 gia đình thì mình rất mừng.

Cuối cùng, hơn cả mong đợi, có 13 bé được bố mẹ đưa đến. Có những gia đình lái xe 1 tiếng để đưa con đến nghe chuyện. Khả năng tiếng Việt của bọn trẻ rất khác nhau. Có những bé nhỏ như Cơm nhà mình, nhưng nói và nghe hiểu rất tốt, nhưng có những bé lớn hơn, nhất là trong những gia đình bố hoặc mẹ không phải người Việt, thì tiếng Việt bập bõm. Mình rất lo những bé hiểu ít sẽ chán. Nhưng thật may, niềm tin mãnh liệt của mình vào sách và những câu chuyện đã không khiến mình thất vọng. Bọn trẻ, không biết hiểu được bao nhiêu, nhưng ngồi nghe chăm chú, có mấy bạn còn nằm dài ra giữa để nhìn tranh cho rõ, trông hết sức thoải mái và an nhiên. Những đôi mắt trong veo và tiếng cười khúc khích của bọn trẻ, và những gương mặt hết sức kiên nhẫn của những ông bố bà mẹ hi sinh buổi sáng Chủ nhật để lôi con dậy sớm, rồi lái xe trên đường cao tốc 60-70km để đến nghe chuyện trong nửa tiếng, khiến mình tràn ngập lòng biết ơn.
Ngày xưa, khi nói chuyện với một ông thầy mình rất ngưỡng mộ, thầy bảo, nếu con nghĩ đến chuyện ở lại Canada, thì phải tìm cho mình một cộng đồng. Đừng lặp lại sai lầm của thầy. Thầy đã quá mải mê nghiên cứu, giảng dạy, nên đã không đặt mình vào bất cứ cộng đồng nào. Cuối cùng, hai đứa con của thầy lớn lên, và có rất nhiều vấn đề mà đến bây giờ thầy vẫn không sửa chữa được.
Và giờ, mình rất vui vì những bước đầu để tìm ra và gây dựng một cộng đồng như thế được ủng hộ. Một cộng đồng ưu ái trẻ con, đầy tính nhân văn, ngập tràn các hoạt động thể thao, nghệ thuật, và những gia đình quyết tâm gìn giữ tiếng Việt. Cái gì không có sẵn thì mình phải tạo ra. Và trên con đường tạo ra những thứ mình muốn, mình sẽ gặp được những người bạn đồng hành.
Ảnh: Buổi Kể chuyện ở thư viện chủ nhật vừa rồi

Leave a Reply