Vụ đánh bom ở Pháp khiến nhiều người Việt ở Canada lo ngại về 25,000 người tị nạn Syria sắp được Canada đón nhận. Trên các facebook group, người Việt than thở với nhau, “đưa bọn Hồi này vào thì Canada sẽ thế nào?”. Họ hỏi nhau đất nước này sẽ được lợi gì từ việc mở cửa cho dân tị nạn, và con cái họ liệu có được an toàn hay không?
Những cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử diễn ra cách đây không lâu. Khi người Do Thái bị kì thị ở Đức và cảm thấy mình gặp nguy hiểm, họ cầu cứu, nhưng thế giới quay lưng lại với họ. Hội nghị quốc tế để thảo luận về việc có nhận người Do Thái tị nạn hay không, nước Mỹ đã thẳng thừng phủi tay. Người Do Thái lúc đấy cũng ở vị trí như người Hồi Giáo bây giờ. Báo chí đăng tin người Do Thái lấy máu của trẻ em Ki-tô để làm những lễ tục kì quái. Bộ máy tuyên truyền của Đức rao giảng rằng người Do Thái bắt tay với cộng sản, nhưng tham lam như tư bản, âm mưu thống trị thế giới. Đến cả bộ đồ chơi cho trẻ con ở Đức, người thắng được nhiều điểm nhất là người đuổi được Do Thái ra khỏi bàn cờ nhanh nhất.
Năm 1994, cuộc diệt chủng ở Rwanda, hàng triệu người bị giết bằng dao, rựa chỉ trong vòng vài tháng. Có phải công luận quốc tế không để ý gì đến vùng đất châu Phi và những mâu thuẫn sắc tộc của nó hay không? Đội quân giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc đóng tại Rwanda rút đi khi mâu thuẫn chưa vượt khỏi tầm kiểm soát. Đại sứ quán và cảnh vệ chỉ đảm bảo an toàn cho những người nước ngoài, rồi nhanh chóng bỏ lại dân địa phương đang bị chém giết. Người ta nói rằng, chỉ cần một đội quân nhỏ có vũ trang, là trật tự sẽ được lập lại. Nhưng đất nước đó bị bỏ rơi trong hỗn độn, và người ta mặc kệ cho những người Hutu giết cả triệu người Tutsi, trở thành một cuộc diệt chủng kinh hoàng mới kỉ niệm 20 năm cách đây không lâu.
Những người Khmer trốn thoát ra khỏi biên giới, kể lại tình hình trong nước, người ta không tin. Lúc đấy là năm 1975, và việc giết người diễn ra trong suốt 4 năm ròng. Sự thờ ơ của dư luận quốc tế, cộng với tình trạng hỗn loạn trong nước, có vẻ là điều kiện cần của những cuộc thảm sát này. Đức và Campuchia vừa trải qua chiến tranh, còn Rwanda vừa trải qua những năm dài bị Hà Lan đô hộ. Một điểm chung nữa của cả ba sự kiện này, là những lý tưởng cực đoan về thanh lọc và sự thuần khiết. Hitler muốn nước Đức khôi phục lại quá khứ huy hoàng bằng cách lọc tẩy để chỉ còn loại giống người Aryan thuần chủng cao quý. Pol Pot muốn Campuchia trở lại năm số 0, dân chúng chỉ toàn là những người nông dân thuần khiết trong sạch. Còn người Hutu ở Rwanda muốn giết sạch người Tutsi, để đất nước loại bỏ bọn tạp chủng xấu xa. Lý tưởng bao giờ cũng nguy hiểm, nhất là khi bị điều khiển bởi những cái đầu tham quyền lực và mong muốn thống trị.
Mình thấy cả ba yếu tố này đều hiện diện ở cuộc khủng hoảng hiện nay. Mình đã từng đi bảo tàng ở Nanjing về cuộc thảm sát dưới tay người Nhật, cánh đồng giết chóc và nhà tù S-21 ở Pnompenh, và gần đây là bảo tàng Holocaust về cuộc diệt chủng người Do Thái ở Montreal. Người ta nói nhiều về các bài học lịch sử, và “never again”. Nhưng có vẻ như vòng quay của lịch sử sắp trượt vào đường mòn. Chẳng lẽ đến lúc tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, hàng triệu người đổ máu, chúng ta mới lại ngồi tiếc nuối và xây bảo tàng cho con cháu?
Câu hỏi về lợi ích của những người Việt nhập cư trên đất Canada và thái độ dè bỉu của họ với những người Hồi giáo không có gì lạ. Quyền lợi là một phần, nhưng còn phải tính đến trách nhiệm. Các nước giàu phải có trách nhiệm với các nước nghèo, và mỗi con người đều có trách nhiệm với nhân loại nói chung. Bây giờ khi nghĩ về người Do Thái, người ta nhớ đến Albert Einstein, Sigmund Freud, Mark Zuckerberg, chứ ai còn biết dân tộc đó đã từng bị cả thế giới quay lưng và coi là loại đỉa đói hút máu người? Biết bao nhiêu người Campuchia, người Rwanda cũng đã có thể cống hiến cho thế giới như thế, nếu như họ được cơ hội để sống? Làm sao có thể biết được em bé Syria bị sóng biển đánh dạt vào bờ sẽ không lớn lên trở thành thiên tài, tìm ra thuốc chữa HIV chẳng hạn?
Những lời miệt thị từ người Việt còn khiến mình nghĩ đến quá khứ tị nạn của chính đất nước mình. Có thể họ đã quên, hoặc không biết, nhưng trong tâm trí của những người Canada da trắng, hai chữ Việt Nam vẫn, và chắc là sẽ còn lâu nữa, gắn liền với chiến tranh và thuyền nhân. Người Việt trong những năm 70, 80 đó, được thương, nhưng cũng bị đề phòng. Dân Canada và dân Mỹ lúc đó cũng nói những câu y như người Việt bây giờ nói về dân Syria: “Cho các bọn da vàng mũi tẹt đó vào, bọn nó gian manh xảo quyệt lắm, liệu Canada có còn là Canada?” Và họ cũng có nỗi sợ về Cộng Sản trà trộn vào dòng người tị nạn chứ. Cách đây chỉ vài thập kỉ thôi, Cộng Sản đối với phương Tây cũng ở trong vai của Hồi giáo cực đoan bây giờ. Đừng quên là nước Mỹ đã bỏ rất nhiều tiền của, mạng người, bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước bao nhiêu năm, để cố dập tắt được Cộng Sản. Người Việt lúc đó cũng bị nghi kị, dè chừng, đến nỗi nước Mỹ mặc dù chấp nhận dân tị nạn như một phần trách nhiệm của mình vì đã không bảo vệ được đồng minh là Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cương quyết xé nhỏ dân tị nạn ra, mỗi thành phố chỉ nhận thật ít người Việt, để họ không tập trung lại được với nhau, để “không có một Miami thứ hai nữa” (Miami là nơi tập trung nhiều người Cuba sang Mỹ vì bất đồng với chính quyền của Fidel Castro).
Người Việt ở Mỹ lúc đó cũng có nhiều phần tử bạo động. Họ bắn chết, đốt nhà, thậm chí đánh bom những nhà báo đăng quảng cáo có liên quan đến chính quyền tại Việt Nam hoặc luật sư có tuyên bố rằng muốn quay trở về Việt Nam giúp xây dựng đất nước. Người Việt có tỉ lệ băng nhóm bạo lực cao nhất trong các nhóm thiểu số ở Mỹ. Lúc đó, những người tị nạn Việt Nam cũng vừa nghèo, vừa không biết tiếng Anh, vừa không có kĩ năng gì để cống hiến cho xã hội Mỹ, xã hội Canada, chứ đâu có hơn gì những người Syria bây giờ?
Người ta quên lịch sử nhanh quá. Chắc là vì thế, nên lịch sử và những điều đau thương nhất mới hay lập lại.
Leave a Reply