Quốc hội Canada vừa công bố báo cáo di trú năm 2018, trong đó bao gồm kế hoạch sẽ đón nhận hơn 1 triệu người nhập cư trong 3 năm từ 2019-2021.
Đây là con số rất lạc quan cho những người có ý định nhập cư vào Canada, hoặc đơn giản là sống ở một xã hội phương Tây hiện đại nhân văn, hay đơn giản hơn nữa là muốn thêm một cơ hội có quốc tịch thứ hai để khi đi châu Âu khỏi phải xin visa như nhà mình.
Nhìn vào các con số của kế hoạch này, thì thấy rất rõ ưu tiên của Canada sẽ là những người có trình độ, tay nghề, tuổi trẻ, đi theo diện kinh tế (economic immigrants). Chỉ tiêu cho nhóm này lớn gấp đôi số người nhập cư theo diện gia đình và gấp ba nhóm tị nạn nhân đạo.
Nếu bạn quan tâm đến Canada và có chút xíu mong muốn sinh sống ở đất nước lá phong này thì thời điểm hành động chính là BÂY GIỜ. Vì sao? Vì các chương trình ở Canada hiện đang rất mở, rất dễ, đặc biệt so với Úc hay Mỹ, Nhật, New Zealand, Singapore hay các nước châu Âu thì lại càng khó. Thứ hai là với lượng người nhập cư lấy vào lớn như vậy trong 3 năm tiếp theo, thật khó để đoán sau năm 2021 chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh thế nào? Tiếp tục tăng lên hay giảm đi vì đã nhận đủ người?
Hồ sơ điển hình của những người mình biết gần đây được chấp nhận trở thành Permanent Resident của Canada thường là có bằng cấp (đại học và một bằng nữa), trình độ tiếng Anh/Pháp tốt, KHÔNG có nhiều tiền, CHƯA TỪNG đến Canada học tập hay làm việc mà cũng KHÔNG có bất kì liên hệ gì với Canada, kinh nghiệm làm việc và tuổi tác thì dao động từ 1 năm đi làm ở tầm 26 tuổi cho đến mười mấy năm kinh nghiệm và gần 50 tuổi, nghề nghiệp cũng rất đa dạng và phong phú.
Sau khi đã có PR và sống ở Canada 3 năm, bạn sẽ đủ điều kiện để xin quốc tịch Canada. Và cũng không bắt buộc là phải có việc làm thì mới được xin quốc tịch. Có nhiều người khi nghe tên chương trình Federal Skilled Workers thì tưởng rằng giống như một dạng xuất khẩu lao động, sang Canada phải đi làm, rồi mới được xét giấy tờ ở lại. Hoàn toàn nhầm. Tên đó là để phân biệt với các dạng định cư khác, như gia đình bảo lãnh, hay tị nạn nhân đạo, chứ chẳng liên quan gì đến việc đi làm hay không. Sau khi hồ sơ được duyệt, bạn sẽ có thẻ PR Canada, và được hưởng mọi quyền lợi tương đương với công dân Canada trừ quyền bầu cử. Dĩ nhiên, nếu bạn phạm pháp, bạn có thể bị tước PR, nhưng về cơ bản, không ai yêu cầu bạn sang Canada phải đi làm, hay phải chịu trách nhiệm bắt buộc kiếm được việc làm.
Sau khi được PR, bạn vẫn có thể ra khỏi Canada, miễn là duy trì ở Canada ít nhất 2 năm trên tổng số 5 năm. Sau 3 năm ở (cộng dồn, không nhất thiết liên tục), bạn có quốc tịch Canada thì không còn yêu cầu gì về việc duy trì quốc tịch nữa, thích đi thì đi, thích ở thì ở.
Có lẽ ít có nước phát triển nào trên thế giới, thậm chí trong lịch sử, có chính sách chào đón người nhập cư và hứa hẹn nhiều phúc lợi xã hội như vậy. Nếu không nắm lấy cơ hội và thời điểm này, thì không biết đến bao giờ mới có lại lần nữa.
https://www.canada.ca/…/engl…/pdf/pub/annual-report-2018.pdf
https://edition.cnn.com/…/…/10/world/canada-immigration-trnd
Leave a Reply