Đây là Daniel Radcliffe. Cậu ấy bằng tuổi mình. Năm 10 tuổi, được chọn đóng vai Harry Potter nhờ vào ngoại hình giống những miêu tả về cậu bé phù thủy, nhờ thế trở thành thiếu niên Anh không thuộc hoàng gia có tài sản lớn nhất. Được làm việc cậu yêu thích là đóng phim, và giàu có đủ để cả đời không bao giờ phải lo nghĩ đến tiền bạc, lại nổi tiếng khắp thế giới, vậy Daniel phải là một chàng trai hạnh phúc? Ngược lại, trong suốt nhiều năm, cậu nghiện rượu vì cái bóng của vai diễn trong chuỗi phim Harry Potter quá lớn. Sức ép phải “luôn là cái gì đó” khiến Daniel bị khủng hoảng, và tìm đến rượu để quên đi sự bế tắc của mình.
Tưởng đây chỉ là vấn đề của các ngôi sao thôi ư? Đợt làm tình nguyện viên cho tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán, mình được xem và nghe những câu chuyện khá ám ảnh. Những kẻ buôn bán người thường nhắm vào những thiếu niên thiếu tự tin, và cảm thấy bất ổn trong lòng (insecure). Chúng sẽ chìa bàn tay ra, có thể là người bạn, có thể làm người yêu, và khi thiếu niên đó cảm thấy người này là người duy nhất công nhận mình, hiểu mình, trân trọng mình, thì sẽ rất sẵn lòng bỏ nhà đi, hoặc làm những việc mà bọn kia sai bảo.
Mình vẫn hay nghĩ, làm thế nào để có thể nuôi dạy một đứa trẻ để nó lớn lên thành một người vững vàng, dù hoàn cảnh thay đổi thế nào cũng không xao động? Quan trọng là, cần có những yếu tố gì để một con người không bị tác động bởi những sự đánh giá từ bên ngoài?
Mình nghĩ có những điều cơ bản thế này.
1. Cha mẹ không bao giờ được so sánh con với người khác.
Điều này khó, vì trong hệ thống giáo dục của chúng ta, “thi đua” lúc nào cũng là câu cửa miệng. Mỗi khi trả bài kiểm tra, cô sẽ gọi điểm, tức là từng học sinh phải đọc to điểm của mình cho cả lớp nghe thấy. Cuối tháng thì bảng xếp thứ cả lớp được gửi về về từng nhà. Trẻ nhỏ lúc nào cũng bị nhắc cho nhớ so với bạn này, bạn kia, mình đang đứng ở đâu.
Việc so sánh không tạo nên động lực, nó chỉ gây ra cảm giác bất an và ghen tị. Cha mẹ nghĩ con nên biết mình kém để cố gắng ư, thế thì chỉ cần so sánh con với chính bản thân con của tháng trước, năm trước, chứ không phải với bạn Tý bạn Tèo nào cả. Con nhà người ta không phải là chuẩn mực, dù Facebook có suốt ngày đập vào mắt những em bé 3 tuổi biết đọc 7 tuổi biết làm thơ bằng tiếng Anh để bố mẹ nhòm ngó con nhà người ta mà nghiến răng nghĩ đến con mình. Có ai thích suốt ngày đi làm bị sếp nói “Anh không bằng đồng nghiệp của anh” không?
So sánh với người khác là một thói quen xấu, vì vượt được người này rồi, sẽ có người khác giỏi hơn. Cuộc đời của con sẽ là một chuỗi ganh đua không bao giờ chấm dứt, và cho dù có tốt thế nào, cũng vẫn cảm thấy mình thất bại.
2. Tập trung vào nỗ lực, thay vì bản tính.
Có một thí nghiệm cho hai nhóm học sinh làm đề thi khó. Một nhóm sau khi làm xong, được khen là “các con đã cố gắng rất nhiều”, còn nhóm kia được khen “các con thật giỏi”. Sau đó, hai nhóm được cho làm đề khác. Nhóm thứ nhất có kết quả vượt hẳn nhóm thứ hai. Lời giải thích được đưa ra là, khi cố gắng được khen ngợi, trẻ sẽ càng muốn cố gắng hơn, và không ngại sai, không ngại khó. Còn nhóm thứ hai, vì chỉ tập trung vào một thứ không thay đổi được, là sự thông minh, thì các em ngại bị sai, ngại thử thách, vì sợ mình sẽ không được như lần trước.
Người lớn đừng khen là “con thật giỏi”, “con thật đẹp trai/xinh gái”, “con thật thông minh”, vì đó là những thứ con không kiểm soát được, mà phải nhờ vào sự đánh giá từ bên ngoài. Hãy khen “con biết giúp mẹ như vậy là tốt”, “con bảo vệ bạn”, “con chạy chậm nhưng con không bỏ cuộc”, vì đó là những điều con tự chủ được. “Con đã cố gắng rất nhiều, mẹ tự hào về con” thì ngụ ý rằng “lần sau con cố gắng tiếp nhé”, khác với “con thật giỏi, mấy đứa kia kém xa”, ngụ ý rằng “nếu có lúc bạn vượt lên thì tức là con không giỏi nữa.”
Đặt giá trị của con vào sự đánh giá chủ quan từ bên ngoài, sẽ khiến cho con luôn bị phụ thuộc vào những sự đánh giá đó.
3. Cha mẹ phải bỏ qua những hệ thống đánh giá hàng ngày.
Có nhiều người đánh đồng điểm số cao là con ngoan, con biết thương mẹ, điểm thấp là con hư, con không biết nghĩ cho bố mẹ vất vả. Điểm số thì cũng là do cô giáo cho, cô giáo có hôm vui vẻ, có hôm cáu gắt. Cô cũng có những điều phiến diện, tại sao lại dựa vào đấy để định giá trị của con?
Từ trước đến nay, mỗi khi nhìn thấy một bé gái mặc đồ bó sát, đi giày cao gót, mình lại thấy gờn gợn. Gần đây mình mới lý giải được cảm giác đó. Khi bắt một đứa trẻ phải đẹp theo chuẩn mực của người lớn, thông điệp được đưa ra ở đây là, chỉ có một cách để đẹp, và con phải tuân theo cái đẹp đó thì mới được ngợi khen. Những bạn gái điệu đà trong thời đi học mà mình từng biết, thường là những bạn gái yêu sớm, lấy chồng và có con sớm. Mình thường tự hỏi, có phải vì việc xinh đẹp rất quan trọng với các bạn, mà có xinh hay không lại cần những người đàn ông xung quanh xác nhận, nên các bạn dễ đi theo con đường đấy?
Bản thân cha mẹ phải giải phóng mình khỏi những hệ thống đánh giá của xã hội xung quanh. Nếu con quan sát thấy cha mẹ suốt ngày quan tâm đến nhà hàng xóm đi xe gì, mua mấy mảnh đất, có túi da xịn không, thì con cũng sẽ lớn lên và quan tâm đến những dấu hiệu bên ngoài để đánh giá đấy. Và dĩ nhiên, nếu không có được những thứ mà người xung quanh con cho là quan trọng, con sẽ thấy bất ổn.
4. Gỡ bỏ giới hạn.
Tại sao con gái thì phải chơi đồ chơi màu hồng? Con trai chỉ được chơi súng và siêu nhân? Tại sao con trai thì không được để tóc dài, còn con gái thì không được “nghịch như giặc”?
Trẻ nhỏ để ý và thấm nhuần những giới hạn của người lớn rất nhanh. Đến khoảng 3 tuổi, trẻ đã biết những vai trò giới mà xã hội xung quanh gán cho mình. Con gái thì phải nói nhỏ thôi, chơi búp bê. Con trai thì được nhảy nhót, bôi bẩn quần áo, bắn nhau bùm chíu. Con gái học cấp 1 là phải biết làm việc nhà đơn giản rồi, còn con trai thì sẽ được tặc lưỡi “nó biết cái gì đâu”.
Nếu muốn con lớn lên an nhiên và tự tại, cha mẹ đừng áp đặt giới hạn lên con. Con gái thích chơi ô tô thì có sao? Con trai thích sơn móng tay màu hồng thì cũng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới?
Con thích bày đồ chơi, được thôi, nhưng con phải dọn. Mình chứng kiến nhiều người cứ gào lên “Con nói bé thôi. Con không được chạy, mồ hôi ra ốm. Con không được sờ vào con mèo.” Đủ thứ mệnh lệnh và những giới hạn chẳng có gì quan trọng, mà khiến cho tất cả đều mệt mỏi. Thỉnh thoảng cha mẹ hãy cùng con vẽ linh tinh lên tường. Thỉnh thoảng con thích đi hai chiếc tất khác màu đến lớp, có sao đâu. Càng có nhiều giới hạn, con người ta càng bớt tự do.
5. Hãy lắng nghe con.
Không ai có một nhân dạng (identity) vững vàng mà không phải vật vã với vô vàn câu hỏi. Mỗi tuổi sẽ có những câu hỏi khác nhau. Mẫu giáo thì hỏi, con thích màu gì, con thích con vật gì. Tiểu học thì hỏi, lớn lên con thích làm nghề gì. Trung học thì hỏi, con là người hướng nội hay hướng ngoại, hòa đồng hay tinh tế. Và giữa những câu hỏi đó, cha mẹ có thể là người vùi dập, bắt con phải theo một khuôn mẫu, hoặc có thể nuôi nấng cho tính cá nhân của con nở hoa.
Hồi cấp 2, mình cũng máu buôn bán, mang bánh ngọt đến lớp bán cho các bạn. Được hai ngày thì cô chủ nhiệm gọi ra mắng, nên hăm hở làm giàu tắt lịm luôn từ đó. Giờ nghĩ lại, không biết nếu lúc đó được khuyến khích, thì giờ có thành chủ doanh nghiệp trẻ hay đi sang biên giới đánh hàng Quảng Châu hay không.
Mình vẫn nhớ câu chuyện về thầy hiệu trưởng lắng nghe Totochan luyên thuyên trong 3 tiếng đồng hồ mà không tỏ vẻ buồn chán. Ở trường cũ, em bị cho là có vấn đề về tập trung, nhưng thật ra em chỉ có trí tưởng tượng quá sức phong phú, mà chẳng có ai đánh giá đúng cho đến khi em gặp thầy hiệu trưởng trong ngôi trường trên toa tàu.
Totochan may mắn vì em được học trong ngôi trường cho những đứa trẻ sự tự do để làm chính mình, chứ không phải là một bà bác sĩ kê đơn cho em uống thuốc để giảm tăng động và ngồi học ngoan. Vấn đề là ở sự đánh giá. Nhưng nếu không có sự đánh giá nào cả, có phải tốt hơn không?
Leave a Reply